Tư liệu đặc biệt về quê ngoại nhà Lý (Kỳ 2)

Anh Nguyễn Tường Long cùng Đại đức Thích Thanh Trung thắp hương tại nền chùa Phúc Lâm cổ
Anh Nguyễn Tường Long cùng Đại đức Thích Thanh Trung thắp hương tại nền chùa Phúc Lâm cổ
Sau biến cố chính trị, nhà Trần truất ngôi nhà Lý. Con cháu họ Lý để tránh cuộc thảm sát đã phải đổi họ, sống nơi xứ người. Người họ Lý trước khi qua đời truyền lại con cháu lời nhắc nhở "Phục quốc". Tuy những uẩn khúc tâm linh không hề được hoá giải nhưng không có cuộc chính biến nào, bởi lẽ âu cũng thuận theo ý trời, lòng dân thịnh rồi lại suy.

Nghi án Bãi Sập

Nghi án Trần Thủ Độ bức tử vua, sát hại 70 hoàng thất ở Thái Đường vẫn còn in rõ trong mỗi người con gốc họ Lý. Truyền thuyết cho rằng, trên vùng đất Hoa Lâm có mộ vua Lý Thái Tổ, còn có Bãi Sập nơi hoàng thất nhà Lý gặp nạn. Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Vào năm 1232, nhân ngày người họ Lý làm lễ cúng các vua nhà Lý đời trước ở Thái Đường tại xã Hoa Lâm, với sự chuyển đổi quyền lực từ nhà Lý sang nhà Trần đã xảy ra một thảm sát tôn thất nhà Lý. Sau sự kiện bi thảm ấy, những người trong tôn thất nhà Lý sống sót đều thay họ đổi tên".

Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Phương (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) ghi lại từ chính sử, kể về lời nguyền của vua Lý Huệ Tông khi bị bức tử:  Vua Lý Huệ Tông sau khi truyền ngôi cho con gái là Lý Chiêu Hoàng, mùa thu, tháng 8, ngày mồng 10 Thượng hoàng nhà Lý có lần ra chợ Đông chơi, dân chúng tranh nhau chạy ra xem, có người thương khóc. Trần Thủ Độ sợ lòng dân nhớ vua cũ, sinh biến loạn nên cho Lý Huệ Tông dời đến chùa Chân Giáo. Có lần Thủ Độ đến thăm chùa thấy Huệ Tông ngồi xổm nhổ cỏ, Thủ Độ nói: "Nhổ cỏ thì phải nhổ cả rễ". Huệ Tông đứng dậy, phủi tay nói: "Điều nhà ngươi nói ta hiểu rồi". Sau đó, Thượng hoàng Nhà Lý đã tự vẫn, trước đó có lời nguyền: "Thiên hạ nhà ta đã vào tay ngươi, ngươi lại còn giết ta, ngày nay ta chết, đến khi con cháu ngươi cũng bị như thế".

Nơi đây là bãi đất của chùa Phúc Lâm cổ

Nơi đây là bãi đất của chùa Phúc Lâm cổ

Tôi cũng đã nghe các bậc cao niên họ Nguyễn (gốc Lý) kể lại câu chuyện bi thương. Câu chuyện ấy theo tôi từ khi còn rất nhỏ: Chuyện rằng, năm ấy sau khi bức tử vua Lý Huệ Tông, Trần Thủ Độ lập kế hoạch "nhổ cỏ tận gốc". Biết 70 tôn thất nhà Lý về cúng tổ ở Thái Đường, Trần Thủ Độ đã bí mật giăng bẫy. Hố sâu, hầm chông được dựng lên, sau đó trải chiếu hoa, làm nhà cho các tôn thất Hoàng cung về dự lễ. Khi tất cả đã say rượu nghiêng ngả thì hệ thống hoạt động, nhà cửa sập xuống chôn sống những tôn thất họ Lý. Nhưng trong số những người họ Lý đã có người thoát nạn phiêu bạt đi nơi khác sinh sống, ẩn cư chờ ngày phục hận.

Địa điểm ấy người dân truyền gọi là Bãi Sập. Trải qua thời gian, Bãi Sập chỉ còn lại trong trí nhớ của nhiều bậc cao niên, nói nó là vùng đất nằm giữa vị trí các thôn Đông Trù, Thái Đường (Thái Bình). Tôi tìm lại điển tích này trong chính sử và được biết Đại Việt Sử ký toàn thư đã ghi lại sự kiện này.

Hoá giải lời nguyền

Lời nguyền của vua Lý Huệ Tông, cùng nỗi đau vọng tộc vẫn lơ lửng ngàn năm là lời tiền nhân hối thúc lòng phục hận của những người tộc Lý. ông Nguyễn Quốc Hưng, trưởng tộc họ Nguyễn gốc Lý ở Mai Lâm đã chia sẻ: "Theo truyền ngôn của dòng tộc, những người gốc họ Lý trước khi qua đời đều kể lại mối oan khuất của dòng họ và nhắc lại câu: "Phải diệt phường chài Hải ấp". Tuy nhiên, trải qua 30 đời họ Lý đến nay, vẫn không có chuyện mài gươm giáo, không có chuyện trồng tre đợi ngày thành gậy báo thù.

Theo ông Hưng, lịch sử luôn biến đổi. Có thịnh, có suy, nếu cứ lấy oán báo oán thì oán càng chất chồng. Chính vì thế, hậu thế ai cũng thuộc câu giáo huấn của người đi trước nhưng không coi đó là mối thù truyền kiếp phải trả. Lời nguyền chỉ là một lời nhắc nhở con cháu nhớ về gốc tích của mình. "Dĩ nhiên, theo chúng tôi, không thể và không nên thực hiện lời truyền huấn của tổ tiên, nhưng nếu không hóa giải lời truyền huấn đó thì tâm linh con cháu họ Lý sẽ mãi chưa yên được", ông Hưng nói. Chính vì lẽ ấy, hàng năm vào tháng 3 âm lịch dòng tộc lại làm lễ cầu siêu cho các vong hồn nhà Lý.

Đại lễ cầu siêu năm nay có sự tham gia của cả con cháu tộc Trần. Đại đức Thích Thanh Trung cho rằng: "Sau Đại lễ cầu siêu cho 70 tôn thất nhà Lý, hy vọng lời nguyền đau thương của vua Lý Huệ Tông sẽ được hoá giải bởi tâm niệm hoà hợp, đoàn kết cùng hướng về cội nguồn của chính con cháu hai họ Lý - Trần nói riêng và toàn thể dân tộc. Điều này sẽ giúp chúng ta có điều kiện nhìn lại một khúc quanh éo le và đau thương của lịch sử nước nhà. Đây cũng là cơ hội để mỗi người con dân đất Việt chiêm nghiệm và định hướng thái độ sống hướng tới một tương lai sáng lạn. Quá khứ hận thù đã khép lại!"

Phả điệp hệ tộc lưu lạc đã trở về

Cũng nhờ có duyên nên ngày tôi về chùa Phúc Lâm lại gặp đúng ngày anh Nguyễn Tường Long, một hậu duệ nhà Lý về chùa công đức tài liệu phả hệ họ Lý. Theo truyền thuyết thì phả hệ này đã theo ông Lý Long Tường - một Hoàng tử, lánh nạn sang Cao Ly (Hàn Quốc). Vì mong muốn tìm lại gốc tích của mình, nhiều hậu duệ họ Nguyễn (gốc Lý) đã cố công tìm cho được tư liệu về Hoa Lâm phả điệp hệ tộc Lý.

Đại đức Thích Thanh cho biết, bản Phả điệp của dòng họ Nguyễn ở Hoa Lâm (xã Mai Lâm) có ghi rằng: "Hoa Lâm xưa kia có mộ Lý Công Uẩn và một số mộ các vua nhà Lý. Trần Thủ Độ chỉ cho phá nhà thờ gốc họ Lý ở Hoa Lâm, mà không dám phá hủy những lăng mộ người đã khuất. Từ khi nhà thờ gốc họ Lý ở Thái Đường Hoa Lâm bị nhà Trần phá hủy để dòng tộc họ Trần nắm quyền trị vì đất nước, thì con cháu họ Lý phải đổi sang họ Nguyễn để lánh nạn. Mặt khác Trần Thủ Độ buộc họ phải đổi sang họ Nguyễn để cho họ Lý mất gốc, trừ Lý Chiêu Hoàng là con dâu họ Trần thì vẫn được cùng chồng tôn thờ ở Thái Đường Hoa Lâm".

Nhìn thấy bức Phả điệp được dịch ra tiếng Việt, dòng họ Nguyễn (gốc Lý) cung tiến cho chùa Phúc Lâm, tôi tò mò muốn biết về gốc tích của Phả hệ này. Liệu đây có phải là tài liệu đã cùng ông Lý Long Tường lưu lạc sang Hàn Quốc hay không? Anh Nguyễn Tường Long khẳng định: "Đây là phả hệ hoàn toàn tin cậy và đã được kiểm chứng. Phả hệ này, được một cụ bà am hiểu về Hán Nôm và các con cháu dòng họ Lý dồn công sức hoàn thành". Theo anh Long, cụ bà đã tìm lại những tư liệu cổ còn lưu lại trong Viện Hán Nôm, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Phả hệ ông Lý Long Tường lưu giữ tại Hàn Quốc cũng đã được chuyển về, bên cạnh đó những người con gốc Lý sinh sống tại Mỹ còn lưu tài liệu ghi lại dấu tích xưa cùng gửi về. Chính vì thế, phả hệ là một tài liệu xác thực ghi lại dấu tích của nhà Lý và các mối quan hệ tới đời sau này.

Thời gian xoa dịu mọi nỗi đau, oán thù cũng được gỡ bỏ. Những người họ Nguyễn (gốc Lý) cởi bỏ được những uẩn khúc tâm linh. Với anh Long cũng như nhiều hậu duệ khác chữ gốc Lý gắn sau họ Nguyễn luôn được gìn giữ để nhắc nhớ cội nguồn.(Còn nữa)  

(Còn nữa)

Năm nay, kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, từ ngày 15 - 17/4/2010 (tức 2 - 4 tháng 3 năm Canh Dần) Đại lễ cầu siêu được tổ chức cho vua Lý Huệ Tông và 70 vương thất nhà Lý, đánh dấu thời điểm bắt đầu của các hoạt động hướng đến Đại lễ. Việc cầu siêu này không chỉ để cầu siêu thoát cho các vong hồn chết oan do biến động lịch sử, mà còn phải hóa giải oan khuất, vướng mắc về tâm linh giữa 2 dòng họ Lý và Trần, để giải thoát lời nguyền truyền huấn ngàn đời. Tâm nguyện của tất thảy hậu duệ nhà Lý là biến lễ cầu siêu lần này là một lễ hóa giải uẩn khúc tâm linh giữa 2 dòng họ Lý -Trần. Nhiều người con tộc Nguyễn gốc Lý đều mong rằng, trước khi về với tổ tiên lời truyền huấn về mối oan thù không còn phải nhắc tới.

       

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 100 em thanh thiếu niên tham gia khóa tu "Tuổi trẻ" lần thứ I tại chùa Long Phước

Chùa Long Phước (TP.Bạc Liêu) khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I

GNO - Sáng 15-12, chùa Long Phước (P.5, TP.Bạc Liêu) tổ chức khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I với sự chứng minh của Thượng tọa Thích Giác Nghi, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Long Phước; chư tôn đức giáo thọ sư, Phật tử và hơn 100 thanh thiếu niên tham dự khóa tu.

Thông tin hàng ngày