Từ sự bất minh, nghĩ về việc “trồng người”

GN - Sư “hổ mang” cưỡng hiếp thai phụ. Đó là cái tít gây sốc, kiểu giật gân, câu khách của ngoisao.net (đăng ngày 3-8-2012) đã thật sự gây sốc cho cộng đồng, nhất là Phật tử và đặc biệt là Tăng Ni, Phật tử hai tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai. Đơn giản, vì “sư Thắng” được nêu trong tin ấy ở Đắk Lắk và vụ việc xảy ra được nêu đích danh là ở tịnh xá Ngọc Yên (TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai).

Từ sự bất minh của tin tức

Những tin, bài loại này thường được đọc nhiều nên những tờ báo mạng rất chuộng đăng, do vậy, không loại trừ, để “chạy” tin, bài, cộng tác viên, phóng viên tác nghiệp sẽ nghe những chuyện bên lề, hoặc cố tình thêm mắm, dặm muối để tin trở thành tin “nóng”. Song, cũng có không ít bạn đọc hoài nghi, đặt dấu chấm hỏi rằng, có khi đó cũng là một dụng ý nào đó - chỉ có tác giả thông tin, Ban Biên tập tờ tin hoặc tờ báo đó mới biết rõ mình đưa tin ấy với một dụng ý gì? Trong thời buổi mà thông tin - truyền thông bát nháo (các báo chính thống từng lên tiếng than van về điều này) thì chúng ta dễ thấy sự “hớ hàng” kiểu này, mà qua vụ việc cụ thể này, dễ dàng thấy rõ tờ ngoisao.net đã quá dễ dãi trong thông tin.

Tin dang tai ban dau cua ngoisao.JPG

Tin không chính xác trên ngoisao.net - Ảnh: L.Đ.L

Cụ thể, như phản ứng nhanh, kịp thời và xác đáng của trang thông tin Phật giáo Gia Lai, chính xác là của tác giả - thầy Thích Giác Tâm đăng bài viết Đôi điều về chuyện xảy ra tại tịnh xá Ngọc Yên - Gia Lai đã nêu: Biên tập cho một trang mạng Phật giáo Gia Lai, khi nghe tin không vui này xảy ra ở một tịnh xá chúng tôi cũng có tìm hiểu, và ghi nhận như sau:

1- Hôm qua vào lúc 10g ngày 6-8-2012, chúng tôi có đến trụ sở Công an TP.Pleiku (11 Hai Bà Trưng, TP.Pleiku) gặp các vị lãnh đạo; qua trao đổi, các vị lãnh đạo cho biết: “Sự việc xảy ra tại tịnh xá Ngọc Yên, chúng tôi (Công an TP.Pleiku - TGT) là người thụ lý hồ sơ và trực tiếp điều tra, chứ không phải là Công an tỉnh Gia Lai. Chúng tôi không đưa tin xác nhận điều gì với bất cứ phóng viên báo nào về vụ việc trên, bởi vì còn đang điều tra, và kết luận cuối cùng là phán quyết của tòa án”.

 2- Chúng tôi có đến tịnh xá Ngọc Yên tìm hiểu, được TT.Thích Giác Thành, trụ trì tịnh xá Ngọc Yên cho biết: “Ông Phạm Đăng Long - tác giả Tùy Phong (của ngoisao.net) gọi là sư Thắng - không phải là tu sĩ của tịnh xá Ngọc Yên” (đính kèm tờ trình của TT.Thích Giác Thành).

 3- Chúng tôi có đến văn phòng BTS PG tỉnh Gia Lai (55 Lý Thái Tổ, TP.Pleiku) tìm hiểu và được ĐĐ.Thích Quang Phúc, Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng BTS cho biết: “Trong danh bộ quản lý Tăng Ni và tự viện Phật giáo tỉnh Gia Lai  không có người nào tên là sư Thắng (Phạm Đăng Long).

Bên cạnh đó, nội dung tờ trình của TT.Thích Giác Thành, trụ trì tịnh xá Ngọc Yên (Gia Lai) đã là văn bản chính thức bác bỏ nội dung sai lệch mà ngoisao.net đăng tải. Tờ trình được đề ngày 5-8-2012 (sau hai ngày kể từ khi báo đăng tin thất thiệt) với nội dung: “Vào ngày 26-7-2012, tại tịnh xá Ngọc Yên, tổ 17, P.Yên Thế, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai có xảy ra sự việc như sau: Trước đây có ông Phạm Đăng Long, hộ khẩu thường trú tỉnh Đắk Lắk có đến tịnh xá xin tu nhưng tôi không cho. Sau đó, có đi Hà Nội học Đông y 3 năm; đầu tháng 6-2012 có đến xin làm công quả thì đến ngày 26-7-2012 xảy ra việc quan hệ bất chính với cô Tươi. Sau đó, Công an TP.Pleiku đã tạm giam và điều tra để làm rõ sự việc. Tôi xác nhận rằng ông Phạm Đăng Long không phải là tu sĩ của tịnh xá Ngọc Yên mà là một người dân thường”.

Chính vì sự thật được phát ngôn chính thức từ phía Giáo hội Phật giáo Gia Lai (cụ thể là trang thông tin Phật giáo tại tỉnh nhà, qua bài của thầy Thích Giác Tâm) cũng như tờ trình từ phía đương sự xảy ra vụ việc - tịnh xá Ngọc Yên nên ngày 9-8-2012, ngoisao.net đã đăng bài cải chính lại thông tin trước đó với nội dung “Sư cưỡng hiếp thai phụ chỉ là người dân thường”.

Tờ trình của Tịnh xá Ngọc Yên.jpg

Tờ trình của tịnh xá Ngọc Yên, Gia Lai - Ảnh: WS

Tin cai chinh cua ngoisao.JPG

Tin cải chính của ngoisao.net - Ảnh: L.Đ.L

Thử tưởng tượng, nếu không có sự phát hiện của chư tôn đức tại địa phương sở tại về vụ việc đăng tải tin không chính xác của ngoisao.net thì tính nguy hiểm của nguồn tin này sẽ diễn biến thế nào? Từ phân tích trên, cho thấy tin tức ngoisao.net đăng tải không chính xác vì người viết tin không tìm hiểu hai bên đương sự, chỉ hỏi bên người tố cáo; thậm chí không hỏi và không được cơ quan chức năng cung cấp thông tin - theo thầy Thích Giác Tâm, mà tự nêu là “Chiều ngày 3-8, trao đổi với ngoisao.net, Công an tỉnh Gia Lai đã xác nhận sự việc vợ chồng anh Quang tố cáo là đúng. Sư Thắng đã bị bắt và thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Cơ quan công an đã khởi tố vụ án”.

Theo kinh nghiệm tác nghiệp của những bậc thầy về nghề báo thì khi nắm bắt, khai thác nguồn tin đòi hỏi phóng viên (người viết tin) phải tìm hiểu từ hai phía, không chủ quan một phía, không bịa chuyện thì mới là người làm báo chân chính, nguồn tin mới có tính chân thật, có giá trị. Ở đây, chúng tôi không tập trung nói về đạo đức làm nghề hay cách hành nghề mà chỉ muốn nói tới tác hại của tin tức không minh bạch, không chính xác trên nếu không được phản ứng, ngăn chặn, yêu cầu đính chính kịp thời thì nó sẽ truyền đi và có thể làm xấu hình ảnh người tu rất nhiều.

Nghĩ về việc nhận người ở chùa

Tuy sự việc đã được sáng tỏ, là bị can Phạm Đăng Long (sư Thắng trong tin sai sự thật trên) không phải là tu sĩ mà chỉ là người dân thường nhưng dư luận có người đã băn khoăn rằng: “Cớ sao một người đã từng xin tu, không được nhận (vì tư cách như thế nào?) mà sau đó lại được cho phép ở chùa làm công quả? Có những câu hỏi rằng, tại sao một người với tư cách không đẹp như vậy lại được nương náu trong chốn thiền môn nghiêm tịnh, để rồi xảy ra những việc không hay như thế, làm ảnh hưởng tới hình ảnh Tăng đoàn?...”.

Lẽ nào, bài học về vụ scandal ở Hàn Quốc - một số nhà sư uống rượu, đánh bạc bị chỉ trích và gây ra những vết thương cho Phật giáo nước này không đáng lưu tâm? Lưu tâm trong vấn đề nhận người xuất gia và cho những người tại gia tá túc trong chùa, phải hết sức cẩn trọng! Nêu ra suy nghĩ này không phải là vô ích khi mới đây, trên mạng xã hội Facebook đã truyền đi những hình ảnh những chú tiểu nghịch ngợm và mọi người ta thán về cách quản lý tiểu của các thầy trụ trì. Mặc dù thầy trụ trì của ngôi chùa có chú tiểu nghịch ngợm chụp hình xấu xí, không đúng nếp thiền môn và tung lên mạng đã phát ngôn trên báo là các chú tiểu đã biết lỗi, đang sám hối… nhưng nỗi buồn về việc quản lý đệ tử, người mới xuất gia lỏng lẻo chưa hẳn đã nguôi ngoai.

Chưa nguôi, bởi vì mọi người nhìn thấy sự dễ dàng nhận người vào chùa, cạo đầu cho xuất gia, cho đi thọ giới của các chùa hiện nay. Có những vị xuất gia mới thọ giới Sa-di ở Đại giới đàn tỉnh này đã nhanh chóng đi thọ giới Tỳ-kheo hoặc Thức-xoa ở một Đại giới đàn thuộc tỉnh khác chỉ sau sáu tháng hoặc một năm. Băn khoăn về sự nhanh chóng, sai luật này vẫn được chấp nhận chính là băn khoăn về việc quản lý Tăng sự lỏng lẻo, để “lọt lưới” hoặc để tình trạng “lách luật” xảy ra, ảnh hướng tới chất lượng của người tu.

Đó là chưa nói, vì “Phật sự đa đoan”, các thầy đi nhiều, ít ở chùa nhưng vẫn độ chúng xuất gia, cho người tại gia vào chùa ở trọ… quá nhiều dẫn tới không quản lý, không quán xuyến nổi cũng làm cho chốn thiền môn vốn nghiêm tịnh có phần bị khuấy động, ồn ào. 

Nhà báo Thích Tâm Nguyên trên Giác Ngộ số 654 có nêu suy nghĩ hết sức lo lắng, và mang tính góp ý rằng: “Đã đến lúc vấn đề giáo dục nhà chùa cần được gióng lên hồi chuông báo động, là một trong những Phật sự hàng đầu cần được quan tâm cấp thiết” (bài Nhỏ mà không nhỏ!). Rõ ràng, giáo dục nhà chùa mà tác giả muốn nói tới ở đây không phải chỉ là việc cho ăn, đi học (ngoài đời lẫn học giáo lý) mà là giáo dục bằng tình thương, sự quán xuyến sát sao của người đứng đầu các tự viện, thầy bổn sư. Đặc biệt là vấn đề thân giáo, sự nghiêm cẩn tu hành, đức độ của người thầy chính là bài pháp giáo hóa thâm sâu, vi diệu đi vào trái tim của học trò. Vấn đề giáo dục, đào tạo con người là cốt lõi, bởi con người chính là chủ thể sáng tạo, tiếp nối sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh.

Dân gian có câu “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, nghĩa là yêu cầu sự chất lượng của mọi việc làm, không cần làm nhiều, theo kiểu phong trào, lấy số lượng mà thôi. Trong các Phật sự cũng cần phải quán triệt quan điểm này, làm ít mà có giá trị chuyển hóa còn hơn làm nhiều mà không mang lại nhiều giá trị tâm linh, giải thoát. Đào tạo Tăng tài cũng vậy, chọn lọc từ những mầm non, từ những con người thật lòng cầu đạo chứ đừng dễ dãi, ai xin cạo đầu cũng cho, thâu nhận vào rồi để họ làm những chuyện không hay trong chùa, ảnh hưởng xấu tới Tăng đoàn. Thiết nghĩ, đó cũng là lỗi, lỗi theo dân gian là “con dại cái mang”, “mũi dại, lái chịu đòn”.

Do vậy, sự việc kiểu như ở Gia Lai vừa rồi, hay ở một ngôi chùa có chú tiểu tung hình lên mạng phản cảm mà báo nêu cũng là bài học có giá trị phản tỉnh, để mỗi chùa, mỗi vị thầy có thể kiểm tra lại công tác “trồng người” cũng như việc cho cư sĩ Phật tử len lỏi vào thiền môn (ở trọ, tá túc trong chùa), liệu có là lợi bất cập hại? Ai cũng biết, đạo Phật là đạo từ bi, người ta muốn tu, xin tá túc ở chùa để tập tu thì thiền môn luôn rộng cửa; nhưng, điều đó không có nghĩa là nhận vào rồi không giáo dục hoặc ai xin cũng cho vào để rồi họ mang danh “ở chùa” rồi làm xằng bậy! Nguy hiểm lắm…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Người thân mất lúc nửa đêm giỗ vào ngày nào?

GNO - Ông cụ nhà tôi mất lúc 23 giờ 50 ngày 20-12-Quý Mão. Vì ông mất lúc 23 giờ 50 là giờ Tý, mà giờ Tý nối liền giữa hai ngày (từ 23 giờ ngày 20-12 đến 1 giờ ngày 21-12) nên một số người thân cho rằng ông mất vào ngày 21-12-Quý Mão. Cách tính ngày mất như vậy có chính xác không? 

Thông tin hàng ngày