Từ thiện phải từ tâm

Từ thiện phải từ tâm
Tôi thích tặng những hạt mầm và cùng người được tặng trông ngóng những chồi non đầu tiên vừa chớm. Cũng có khi hạt mầm không nảy, khi đó tôi và bạn nghĩ rằng có lẽ mình đã không chăm sóc đúng cách, hoặc do mình chưa quan tâm đúng mực. Sự thiện nguyện cũng như gieo một hạt mầm. Phải từ tâm, cho yêu thương lan toả, cam kết dài hạn vì đó là sự thiện nguyện của tình người.

Chiếc xe đạp dùng rồi của vị giám đốc

Người bạn làm báo của tôi kể một chuyện trà dư tửu hậu: một vị giám đốc giấu tên của ngân hàng nổi tiếng nọ đã vô cùng xúc động trước một bài báo về một học sinh nghèo vượt khó. Ông gửi chiếc xe đạp đã dùng rồi của mình cho em. Món quà cảm động được nhân viên của ông chuyển đến cho thầy giáo của học sinh nghèo đấy. Sau đó, đoàn nhà báo của bạn tôi đã mang chiếc xe đi mấy chục cây số đến tận nhà em học sinh kia để tặng kèm trong chuyến đến thăm động viên và trao học bổng (là mục đích chính).

Câu chuyện có lẽ trở nên lấp lánh hơn với chiếc xe đạp mang tính biểu trưng của niềm tin trao tay, nếu đến phút long trọng nhất không xảy ra sự cố: sau khi tô hồng đánh bóng về nhà tài trợ phụ và chiếc xe đạp, đoàn nhà báo hồ hởi mời em học sinh bước ra sân leo lên chạy thử chiếc xe “mới”. Lúc bấy giờ chiếc xe dùng rồi trở về đúng vị trí của một vật dùng rồi: lọc cọc và hư hỏng nặng.

Cả đoàn nhà báo, công ty PR, công ty tài trợ bất ngờ và dáo dác với tình huống ngoài kịch bản. Người đòi “lấy số điện thoại của giám đốc để hỏi thăm sao dám tặng cái xe xì cùn”. Người tặc lưỡi, “hay là nhân viên nó tráo hàng”. Người ngần ngại rút ví đưa cho học sinh một ít tiền để em có thể sửa xe mà dùng tạm.

Chuyến ghé thăm, trao học bổng, tặng quà đâm ra bị “đề phô” một cách lãng xẹt và vô duyên vì một món quà mang tiếng là quà từ thiện.

Từ thiện tại tâm hay trào lưu?

Người bạn và tôi cố nghĩ tốt cho nhà tài trợ “phụ”. Không để lại danh tính và số điện thoại liên lạc – một cách làm từ thiện đúng ý nghĩa như giáo điều trong kinh Tân ước, “Tay trái làm điều gì thì tay phải không biết”. Không tráo hàng. Không biết rằng xe đạp cũ bị hỏng. Chúng tôi cùng à lên và chậc lưỡi tiếc rẻ, “giá như cố thêm chút nữa, thì cuộc từ thiện này có ý nghĩa biết mấy”.

Chúng tôi không dám nghi ngờ hảo ý của vị giám đốc, càng trân trọng hơn việc anh/chị ta không để lại số điện thoại. Nhưng trong trường hợp này, một đầu mối liên lạc có lẽ sẽ tốt hơn nhiều cho mọi người, kể cả người cho đi. Họ sẽ hiểu ra, khi muốn ẩn danh cũng vẫn cần một đầu mối thông tin để phản hồi về sự việc. Họ sẽ hiểu rằng, trào lưu hoặc ý định làm từ thiện cũng cần phải được ươm ấp và quà tặng đi cũng cần được tươm tất đến dường nào.

Của cho không bằng cách cho

Cứ mỗi dịp đoàn từ thiện của chị P. sắp đi “từ thiện” là thằng K. em của chị lại bận túi bụi. Cả nhà K. cùng chung sức đóng gói, chia phần… những món quà. Má thằng K., chị P. lúc nào cũng dặn dò hai chị em nó rất kỹ, “Của cho không bằng cách cho, các con ráng gói ghém cho tươm tất”. Bởi thế nên thằng K. cũng kỹ tính như má nó, mỗi lần nó cho ai tặng ai món quà gì, dù món đó giá trị bao nhiêu, nó cũng mua giấy đẹp về gói. Có khi tiền giấy gói và công gói nhiều hơn cả món quà, nhưng nó bảo, “dzậy mới là tấm lòng của em”, khiến nhiều khi chúng tôi cười nó quá trời quá đất. Nhưng cười xong mới thấy tự xấu hổ mình.

Cho tới ngày tôi đọc cuốn Living History của bà Hillary Clinton, một cuốn sách nổi đình nổi đám mấy năm trước. Trong đó có chi tiết nhỏ: khi còn bé, bà đệ nhất phu nhân đã chứng kiến mẹ bà tặng cô bé nghèo hàng xóm một chiếc áo đầm thật đẹp. Hillary đã hỏi mẹ mình, tại sao mẹ lại mua áo đẹp cho cô bé kia trong khi với số tiền đấy có thể tặng biết bao nhiêu món quà hữu ích khác? Lời đáp: “Tiền bạc có thể mua tất cả mọi thứ, nhưng ước mơ về một thế giới tốt đẹp không phải lúc nào cũng có thể mua sắm được”. Chiếc áo đầm đẹp không chỉ là một bộ cánh, nó còn là giấc mơ về cuộc sống tốt đẹp hơn mà mẫu thân của người phụ nữ quyền lực nhất Hoa Kỳ đã trao cho cô gái nghèo khó gần nhà, và là một câu chuyện nằm lòng của Hillary Clinton những ngày còn làm đệ nhất phu nhân: mọi nỗ lực của bà tập trung cho trẻ em, y tế, và giáo dục.

Đâu phải ai cũng biết tiếp thị lòng tốt

Làm từ thiện đâu phải để trả nợ đời, cũng nào phải một trào lưu. Làm từ thiện là một tâm nguyện để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người khác.

Nhiều công ty và cá nhân đã trao tặng những phần quà, món từ thiện giá trị cao. Tuy nhiên nhiều khi giá trị món quà không bằng chi phí để “tiếp thị” cho lòng tốt của họ. (Cũng giống như thằng K. tặng cái móc khoá mười ngàn đồng trong một cái hộp đẹp đẽ trị giá một trăm ba mươi ngàn đồng vậy). Vấn đề là ở chỗ, họ “đóng” những cái hộp xinh đẹp không phải để tỏ lòng trân quý người được tặng, mà chỉ để làm cho người khác biết “mình đang tặng bạn một món quà”.

Nhiều trường hợp bỏ cả trăm triệu tiền chi phí thực hiện chương trình, để tặng một căn nhà hoặc món quà trị giá năm đến hai mươi triệu vẫn thường xuyên có trên màn ảnh. Ai quan tâm đến từ thiện và tiếp thị sẽ cho rằng những doanh nghiệp nọ làm từ thiện để đánh bóng tên tuổi.

Nhìn dưới góc độ kinh doanh tiếp thị, việc làm từ thiện để đánh bóng tên tuổi doanh nghiệp là một khái niệm không mới mẻ từ những năm 70 mà thế giới gọi là CSR – Trách nhiệm cộng đồng (Corporate Social Responsibility). Khi doanh nghiệp thành công, họ sẽ trích ngược lợi nhuận và đóng góp cho xã hội. Có doanh nghiệp chọn làm từ thiện, có nhiều doanh nghiệp khác chọn đó là một hình thức để đánh bóng thương hiệu, để đạt được nhiều cảm tình của người tiêu dùng. Thông qua việc làm thiện nguyện, doanh nghiệp có được truyền thông miễn phí hoặc chi phí thấp, và thế là cả nhà cùng thắng: doanh nghiệp vừa được làm điều tốt, vừa được quảng bá với chi phí tối thiểu; nhà đài có thông tin để đưa, và người cần giúp đỡ thì được giúp đỡ.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp và cả công ty tư vấn không đầu tư đủ cho phần nội dung của CSR, hoặc điều họ làm từ thiện chỉ như “gãi ngứa” những tác hại họ đã gây ra, nên nhiều chương trình từ thiện trở nên vô cùng phản cảm. Có thể kể đến các cuộc đấu giá tranh ảnh na ná nhau của nhiều công ty, nhiều nhà tài trợ đến phát nhàm. Cũng có thể nêu tên một đại doanh nghiệp ngành xây dựng bỏ ra một triệu đôla để mua đấu giá tấm tranh chụp cảnh làng quê yên bình, trong khi cũng chính họ là người đã xua đuổi nông dân ra khỏi mảnh đất của mình với giá rẻ mạt và xây lên từ đó những công trường. Nghe cứ như là Vedan mở chiến dịch “mỗi người dân một cánh tay làm sạch sông Thị Vải” vậy!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Pháp niệm Phật nào đúng?

Pháp niệm Phật nào đúng?

GNO - Theo Phật giáo Phát triển (Tịnh Độ tông - Đại sư Ngẫu Ích, A Di Đà yếu giải) , niệm Phật nếu đạt nhất tâm bất loạn (Chỉ) thì thành tựu giải thoát, đoạn trừ các phiền não tham sân si..., mà không cần tu Tuệ (Quán). Theo Phật giáo Nguyên thủy, niệm Phật chỉ là một trong các tùy niệm...
Khóa lễ tụng kinh tại chánh điện chùa Tích Sơn

Vĩnh Phúc: Lễ hiệp kỵ chư tổ sư chùa Tích Sơn

GNO - Sáng 20-4, tại chùa Tích Sơn (P.Tích Sơn, TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), Thượng tọa Thích Giác Minh, Ủy viên Thường trực Ban Pháp chế T.Ư, trụ trì chùa Tích Sơn cùng Phật tử đã trang nghiêm tổ chức Lễ hiệp kỵ chư vị lịch đại tổ sư.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn chủ trì hội nghị sáng 20-4 tại thiền viện Quảng Đức

Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Sẽ mời các bên liên quan để giải quyết tồn đọng của Giáo hội

GNO - Đó là giải pháp giải quyết những khó khăn của Phật giáo tỉnh thành được Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự chấp thuận tại hội nghị báo cáo quý I - năm 2024 của Văn phòng II T.Ư, diễn ra tại thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), vào sáng 20-4.

Thông tin hàng ngày