Tục thờ Quan Âm Nam Hải

GN - Ở Việt Nam, tín ngưỡng Quan Âm giữ một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân với nhiều biểu hiện độc đáo.


Trong những chuyến khảo sát thực tế gần đây ở hai cộng đồng ngư dân Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) và Trần Đề (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng), chúng tôi đã có dịp chứng kiến và cảm nhận rõ hơn vai trò đặc biệt quan trọng của Quan Âm Nam Hải trong đời sống tâm linh của ngư dân tại đây.

Bồ-tát được ngư dân gọi là Bà, Mẹ hay Phật bà,… với niềm tin Bồ-tát sẽ phù hộ cho người dân ở đây mỗi khi ghe thuyền ra khơi, lênh đênh trên biển cả.

DSCN5111.JPG
Người dân đến lễ bái tôn tượng Bồ-tát Quan Âm bên ngoài sân miếu bên cửa Sông Đốc, Cà Mau

Bồ-tát Quán Thế Âm, dân gian hay gọi Quan Âm, là vị Bồ-tát quan trọng trong Phật giáo Đại thừa, biểu hiện tinh thần từ bi của nhà Phật. Trong kinh Pháp hoa, phẩm Phổ môn, Đức Phật Thích Ca đã ca ngợi nhiều công hạnh của Bồ-tát, trong đó đặc biệt nhắc đến việc nếu ai bị giông bão trôi dạt trên biển mà một lòng cầu nguyện Ngài thì sẽ được Ngài đến cứu thoát.

Thời Phật giáo còn hưng thịnh ở xứ Ấn, những thương thuyền Ấn Độ thường mang theo tượng Quán Thế Âm Bồ-tát để cầu nguyện cho những chuyến hải trình được thuận buồm xuôi gió. Đặc biệt, ở Trung Quốc, người dân tin rằng, Phổ Đà Sơn ở vùng biển Nam Hải thuộc tỉnh Chiết Giang là đạo tràng của vị Bồ-tát này. Nơi này gắn liền với câu chuyện nhà sư Nhật Bản Huệ Ngạc, vào thời Nam Bắc triều, trên đường trở về Nhật, ông mang theo tượng Quán Thế Âm Bồ-tát và khi đến núi Phổ Đà thì thuyền gặp sóng to gió lớn, do không thể vận chuyển tiếp nên sư lập một cái am nhỏ để thờ. Am được dân chài địa phương hương khói, nhiều câu chuyện linh cảm được lan truyền và dần nổi tiếng.

Còn ở Việt Nam, sự tích Quan Âm Nam Hải lưu truyền trong dân gian gắn liền với câu chuyện công chúa Diệu Thiện, vốn một lòng học Phật nhưng bị vua cha cản trở, giam vào ngục và được cứu thoát, tu hành ở núi Hương Tích và được Đức Phật thử thách nhiều lần, thể hiện lòng hiếu đạo với vua cha để cuối cùng chứng quả với danh hiệu Quan Âm Nam Hải. Theo suy nghĩ của chúng tôi, Quan Âm Nam Hải được những người đi biển thờ cúng là sự thể hiện một cách cụ thể của một trong nhiều chức năng cứu khổ cứu nạn khác nhau của vị Bồ-tát này, như câu:

“Gió đông đi biển chìm thuyền

Niệm danh Bồ-tát sóng tan hết liền”.

Nơi chúng tôi đến khảo sát, cửa Sông Đốc (Cà Mau), có khoảng 5.000 ghe thuyền đánh bắt của ngư dân nhiều tỉnh tại ngư trường địa phương. Những người làm nghề này vốn rất sùng bái Quan Âm Nam Hải, để mong ngài cứu giúp mỗi khi ghe thuyền ra khơi, lênh đênh nhiều ngày trên biển vốn nhiều rủi ro. Trên ghe, họ thờ Quan Âm Nam Hải và thắp hương cầu nguyện mỗi ngày.

Đặc biệt, tại Thiên Hậu cung của những người Hoa Triều Châu địa phương, cách đây 8 năm, Ban Quản trị miếu, vì thấy nhu cầu tín ngưỡng khá lớn của ngư dân, đã tổ chức thỉnh tượng Quan Âm Nam Hải về thờ ở ngoài sân miếu. Tượng Bồ-tát được đặt theo hướng Đông Nam và đồng thời cũng là hướng cửa Sông Đốc - nơi ra vào của ghe thuyền, với mong muốn Bồ-tát Quan Âm sẽ hộ trì cho họ.

Qua tìm hiểu, mỗi khi ra khơi, nhiều chủ ghe thường mua sắm lễ vật đến cầu xin Ngài phù hộ cho bình an, tai qua nạn khỏi. Hàng năm, Ban Quản trị Thiên Hậu cung tổ chức cúng vía Đản sinh Bồ-tát vào ngày 19 tháng 2 âm lịch khá trang trọng, thu hút nhiều người dân địa phương và các chủ ghe nhiều tỉnh, thành đến dự. Họ mang xôi, chè, trái cây, nhang đèn,… thành tâm khấn nguyện.

Ở vùng biển Sông Đốc, hàng tháng, từ mùng mười cho đến sau rằm là thời điểm ghe câu, ghe lưới vào bờ nghỉ, cho nên dịp vía Quan Âm đúng thời điểm ra khơi của ngư dân. Ngoài ra, trong lễ vía Thiên Hậu Thánh Mẫu (23-3 âm lịch hàng năm), Ban Quản trị miếu tổ chức nghi thức cúng Quan Âm trước Thiên Hậu hết sức thành kính, vì họ cho rằng Thánh mẫu vốn là đệ tử của Bồ-tát và nhờ Ngài điểm đạo nên bà mới chứng quả, có thần thông và giúp đỡ được muôn dân. Điều này là một minh chứng cho thấy sự giao thoa chặt chẽ giữa tín ngưỡng dân gian và Phật giáo, cũng như vị trí của Phật giáo trong mối quan hệ với tín ngưỡng của người dân.

Qua quan sát của chúng tôi, một nét độc đáo nữa là trong lễ vật cúng Quan Âm Nam Hải có nhiều món truyền thống của người Hoa như: chè ỉ đỏ, phước cốm, mì sụa, bánh đào,… Mỗi món dâng lên cho Bồ-tát mang ý nghĩa khác nhau, chè ỉ là ước vọng mọi sự đều viên mãn, may mắn; mì sụa cùng bánh đào với mong muốn được trường thọ; phước cốm nghĩa là cầu được nhiều phước,…

Tương tự, tại thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, vào năm 2007, ngư dân địa phương làm lễ an vị tượng Quan Âm Nam Hải trong khuôn viên Lăng Ông Nam Hải. Tượng khá cao và uy nghi, mặt hướng về biển để che chở cho ghe thuyền ngư dân. Trong thời gian tạc tượng, những người thợ phải ăn chay một tháng và tụng kinh mỗi ngày để tôn tượng Bồ-tát được trang nghiêm, thanh tịnh. Trong ngày an vị, người ta thỉnh các nhà sư đến làm lễ và chọn ngày cúng hàng năm là ngày 19-9 âm lịch. Lễ vía diễn ra trong khuôn viên Lăng Ông và người ta cúng thức ăn chay, thu hút khoảng 1.000 người dân đến chiêm bái, trong đó có nhiều chủ ghe thuyền. Để cho những chuyến ra khơi bình an, họ thỉnh chư Tăng và Phật tử đến tụng kinh cầu an cho cộng đồng hết sức thành kính, trang nghiêm. Những ngư dân địa phương còn cho biết thêm, mỗi khi ra khơi, họ còn vái van Quan Âm Nam Hải bên cạnh các vị thần như Ông Nam Hải, Bà Cậu, Bà Chúa Động,…

Tín ngưỡng Quan Âm Nam Hải của ngư dân Sông Đốc và Trần Đề đã cho thấy tính đa dạng trong thực hành tín ngưỡng Quan Âm và lòng ngưỡng vọng rất lớn của ngư dân địa phương vào vị Bồ-tát có lòng từ bi và cứu khổ cứu nạn. Ngoài ra, đó còn là sự giao thoa văn hóa cũng như tính dung hợp giữa tín ngưỡng và tôn giáo vốn là đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, theo chúng tôi, tấm lòng hướng về Quan Âm Nam Hải của họ còn bắt nguồn từ việc hiện nay trên địa bàn thị trấn Sông Đốc và Trần Đề vẫn chưa có sự hiện diện của một ngôi chùa của Phật giáo để làm chỗ dựa tâm linh cho người dân địa phương.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày