Chưa bao giờ người ta để cập nhiều đến "bạo lực học đường" như bây giờ, trên các phương tiện thông tin, trong quán xá vỉa hè, trong nhà ngoài phố… và cũng chưa bao giờ những cái chết vô cớ diễn ra nhiều nơi với mức độ đáng báo động như vậy. Mới đây thôi, một học sinh lớp 8 ở Xuân Lộc bị đâm chết thì ngày sau đó lại là một học sinh lớp 7 ở Hà Tây. Hàng loạt các cuộc hội thảo đã diễn ra ở nhiều địa phương, cụ thể như cuộc hội thảo chiều 9 tháng 4 năm 2010 tại Sở Giáo dục TP.HCM. Những người tham dự đều là những trí thức, nhà giáo, nhà quản lý. Tất cả đều cùng chia sẻ những âu lo, bức xúc và đều đưa ra những phương án, kế hoạch nhằm ngăn ngừa tình trạng đáng lo ngại trên có dấu hiệu lan rộng.
Một trong những điều các nhà sư phạm đề nghị là giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.
Kỹ năng sống là gì?
Người ta chưa đưa ra được tất cả những "nội hàm" của từ ấy. Đó phải chăng là kỹ năng ứng xử trong tập thể, kỹ năng chia sẻ và trao đổi những vướng mắc cá nhân hay tìm sự đồng cảm nơi bạn bè cùng trang lứa, nghe tư vấn nơi anh chị, thầy cô, theo sự hướng dẫn chỉ bảo của cha mẹ và nhà trường, là biết cách đóng góp phần mình cho cộng đồng, có thể là lớp học, có thể là chòm xóm, hay rộng hơn là xã hội và đất nước.
Khi đặt vấn đề trên có nghĩa là bao lâu nay chúng ta đã để mặc cho tuổi trẻ "tự bơi" trên những dòng nước lũ của cuộc đời, ở đó các em tự tìm hiểu môi trường xung quanh qua vốn liếng hiểu biết hạn chế và kinh nghiệm ít ỏi của riêng mình, để rồi một số các em bị cuốn theo những rác rến độc hại mà không hề biết. Cha mẹ, thầy cô và cả xã hội đều lao mình vào cuộc mưu sinh, vào những việc có thể đem lại những giá trị vật chất mà không hề hiểu rằng con em mình, học trò mình đang bị rình rập bủa vây bằng rất nhiều "bóng ma" của thói hư tật xấu, của bạo lực cả trong và ngoài cổng nhà trường. Các em không biết thế nào là giá trị chân chính của một con người, một lý tưởng đúng nghĩa. Các em mơ hồ giữa thiện ác, giữa thói "anh hùng rơm" và sự can đảm, sự xảo trá và trí thông minh, sự rởm đời và tính độc đáo, người thành đạt và kẻ lưu manh, nhất là khi thấy sự trung thực có khi đi đôi với nghèo khó còn kẻ hãnh tiến trở nên giàu có.
Kỹ năng sống còn là kỹ năng giao tiếp mà tuổi trẻ hiện nay đang thưa vắng dần những câu chào hỏi, những lời cảm ơn, xin lỗi hay những phút tâm tình quan tâm lẫn nhau. Kỹ năng giúp em xây dựng mối quan hệ cởi mở không khép kín với bạn bè. Người ta đã nhận thấy những đứa trẻ hay bị ăn hiếp thường là những đứa trẻ hoặc có mặc cảm, hoặc ngại giao tiếp nên chúng dễ chịu thiệt thòi khi sống cùng tập thể. Kỹ năng sống còn là kỹ năng trao đổi hai chiều để người lớn phải quan tâm nhiều hơn đến các em. Qua trao đổi thẳng thắn với thầy cô, cha mẹ, các em có thể bộc bạch tất cả những suy nghĩ riêng tư giấu kín trong lòng mình.
Kỹ năng yêu thương
Nhưng trên hết kỹ năng sống phải là kỹ năng yêu thương bởi lẽ thiếu lòng nhân ái, tuổi trẻ sẽ rất dễ bị cuốn theo môi trường sống độc hại, gia nhập bè đảng, phe nhóm, tính tình trở nên hung bạo, thiếu kiềm chế, sử dụng bạo lực như một phương thức duy nhất có hiệu quả để giải quyết mọi vấn đề. Khi đó, các em không cần "mách cha mẹ, thầy cô" hay trình báo với bất kỳ người lớn nào như thầy giám thị hay cô hiệu trưởng mà chính các em và băng nhóm gọi là "anh em" của mình sẽ xử lý "con mồi" theo cách riêng của mình.
Còn nhớ những thế hệ tuổi trẻ trước đây tâm hồn lãng mạn và chan chứa yêu thương và dù có thiếu kỷ luật như thi sĩ Đinh Hùng cũng chỉ dám:
"Ta ném bút giẫm lên sầu một buổi
Xa vở bài mở rộng sách ham mê...
Đã từng phen trèo cổng bỏ trường về
Xếp đạo đức dưới bàn chân ngạo mạn".
Nói thế thôi, vì thi sĩ cũng biết rằng:
"Ta ra đi tìm lớp học thiên đường
Và khi đó thì mẹ yêu ngồi khóc".
Không muốn mẹ yêu phải khóc vì sự hoang tàng của mình, nên thi sĩ cũng chỉ một đôi lần phá lệ "có tâm sự đi nói cùng cây cỏ" và chính tuổi trẻ mới có nhũng suy nghĩ hơi ngông như thế, nhưng họ chẳng cô đơn vì họ biết yêu thương. Họ biết tôn trọng mái trường, nơi có bè bạn thân thương và thầy cô nên dù có trốn học thì cuối cùng thì họ vẫn:
"Khuya sớm vai kề vai đọc sách
Chung đèn chung cả ánh trăng suông".
(Vũ Hoàng Chương)
Kỹ năng đó khiến tuổi trẻ khám phá những cái đáng yêu, cái tốt trong cuộc sống và sẽ ít khi bị dồn nén bởi cô đơn, tù túng trong tâm hồn.
Kỹ năng ấy phải bắt nguồn từ cha mẹ - gia đình
Trong tam giác gia đình - nhà trường và xã hội thì cha mẹ là những vị thầy cô đầu đời của các em. Ở đó, các em học được bài học đầu tiên về tình yêu thương. Như lời một bài hát:
Cha sẽ là cánh chim
Đưa con đi thật xa
Mẹ sẽ là cành hoa
Cho con cài lên ngực
Cha mẹ là lá chắn
Che chở suốt đời con…
(NS. Phạm Trọng Cầu)
Thống kê cho thấy những đứa trẻ sinh ra trong những gia đình bất hạnh hay đổ vỡ dễ mất niềm tin vào tương lai, vào cuộc đời và có những phản ứng khó kiềm chế, hay buông theo hoàn cảnh bất hạnh của mình để sống bất cần. Cha mẹ còn là tấm gương đầu tiên cho các em soi bóng mình vào đó để noi theo, để mơ ước. Nếu cha mẹ là những kẻ bê tha, tham lam, thoái hóa ngoài xã hội thì chắc chắn câu ngạn ngữ "Rau nào sâu nấy" luôn là chân lý. Nói như J. Szczepanski, một nhà xã hội học Ba Lan thì "Gia đình là môi trường đầu tiên, là môi trường xã hội của con người và là chủ thể của giáo dục".
Học kỹ năng yêu thương nơi thây cô, bè bạn
Nếu người cha trong "Tâm hồn cao thượng" cuả Edmondo de Amicis khuyên con: "Hãy lấy sách vở làm vũ khí, sự ngu dốt làm thù địch, lớp học làm bãi chiến trường," thì thầy cô chắc chắn phải là những chỉ huy đáng kính, người bạn lớn đồng hành trên lộ trình xây dựng phẩm cách làm người. Nhà trường cũng là nơi mà cái thiện phải vượt trên cái ác, phải là một chiến trường đáng sống trong suốt thời tuổi trẻ vì ở đó các em chưa phải đối phó với những phong ba bất trắc, các em được gần gũi với những bạn trẻ cùng trang lứa, những đồng đội tuyệt vời. Tóm lại, đó là những con người sống gần gũi và luôn có mặt trong việc xây dựng nên hình ảnh mai sau của các em.
Nhưng nhà quản lý phải làm gì?
Nói như một diễn giả trong cuộc hội thảo đã đề cập trên là "Không thể để các em cô đơn". Những nhà quản lý giáo dục phải thiết kế chương trình sao cho giảm nhẹ khối lượng kiến thức, tăng thời gian sinh hoạt tập thể, dã ngoại, hoạt động xã hội, qua đó hình thành tinh thần tập thể và nếp sống cộng đồng. Cũng qua đó, thầy cô, anh chị trong đoàn, đội, Ban Giám hiệu có điều kiện tìm hiểu tâm tư nguyện vọng các em để hướng dẫn và ngăn ngừa những suy nghĩ tiêu cực nảy sinh do bất mãn, cô đơn, buồn phiền. Đó phải chăng cũng là điều mà chủ trương "trường học thân thiện" được đề ra nhưng chưa triển khai cụ thể.
Bao giờ bắt đầu?
Xin thưa ngay rằng ngay bây giờ cũng đã là quá trễ. "Sự giải thoát không nằm ở ngày mai mà cũng không nằm ở ngày qua. Tôi dám quyết rằng chỉ có hiện tại, ngay bây giờ, ở đây, mới chứa đựng tất cả sự vật. Cuộc sống điều hòa nội tâm không thể đạt được ở quá khứ cũng như ở tương lai mà ở ngay giao điểm của nó, tức là hiện giờ…" (Krishnamurti - Hiện tượng).
Giáo dục hiện tại là giáo dục các em tìm thấy hạnh phúc bằng những kỹ năng yêu thương bắt nguồn từ chính lòng mình, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, lan tỏa sang những người xung quanh, nói theo ngôn ngữ nhà Phật là chấm dứt phiền não, giảm bớt sân si, để thấy cuộc đời đáng sống và tràn đầy ý nghĩa.
Hãy bắt đầu vì tương lai của chính chúng ta!