Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi phát hiện nhiều tượng cổ được tôn trí tại chùa Phổ Minh cũng bị lấy đi, nhiều người nghi ngờ đã rơi vào tay những người buôn cổ vật.
>> Mất pho tượng cổ trăm tuổi ở chùa Phổ Minh
Thầy dùng pháp danh giả?
Ngày 19-10, đại diện Giáo hội Phật giáo (GHPG) tỉnh Quảng Bình cho biết vì đó là bức tượng Phật Di Lặc rất quý nên sau khi có thông tin tượng mang đi ngoại tỉnh, hội đã yêu cầu ông Đặng Ngọc Tám (pháp danh Lê Chánh, thành viên Ban Quản tự chùa và làm nhiệm vụ bảo vệ) báo cáo sự việc.
Trong bản tường trình, ông Tám viết: “Sau khi tôi đi chơi về thấy có tượng vị Phật Di Lặc mới để ở chánh điện. Tôi hỏi trong gia đình thì vợ bảo thầy (ông Mẫn, pháp danh Siêu Minh) cùng với thầy chùa ở Đông Hà mang ra. Lúc đó, tôi nhìn lại thì tượng vị Phật Di Lặc cũ không còn. Tôi tin chắc thầy tôi đã cho thầy ở Đông Hà thỉnh đi vì trước thầy Siêu Minh có nói sơ là đưa vào trong đó để tu sửa lại… Tóm lại, ý đồ của thầy ở Đông Hà là buôn bán đồ cổ, còn thầy Siêu Minh thì tin vào sự tân trang lại vị Phật đó”.
|
GHPG tỉnh đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình đề nghị xác minh sự việc và thu hồi bức tượng. Tuy nhiên, nhiều người lo lắng rằng tượng đã bị bán cho giới buôn đồ cổ, hiện không biết lưu lạc ở đâu, cũng có thể đã bị bán ra nước ngoài và khả năng thu hồi là rất thấp.
Ông Hoàng Gia Hy - thư ký của GHPG tỉnh Quảng Bình, cho biết: “Theo xác minh ban đầu, vị thầy ở Đông Hà đã lấy tên, địa chỉ giả. Như lời ông Mẫn nói thì thầy đó là Thích Tâm Thuận, ở chùa Phước Tuệ, nhưng chúng tôi liên lạc với GHPG Quảng Trị thì được biết chỉ có chùa Phước Huệ và không có thầy nào tên như vậy ở chùa cả”.
Bà Liên (nhà ở gần chùa Phổ Minh, người chứng kiến sự việc) kể lại: “Lúc đó tôi đang tụng kinh nên không để ý, nghĩ trong bụng tụng rồi sẽ tới xem nhưng khi xong thì họ lấy tượng đi mất. Tôi cứ nghĩ chắc thầy đã bàn bạc, hỏi ý kiến mọi người, chứ ai ngờ ra vậy; bán tượng Phật đi thì phải tội lắm”.
Nhiều tượng cổ không còn
Chùa Phổ Minh lưu giữ khá nhiều pho tượng Phật cổ trong đó có các pho tượng của tổ đình sắc tứ Minh Đức - một ngôi cổ tự do 12 dòng họ làng Đức Phổ đứng ra thành lập từ đầu thế kỷ 17. Anh M.Q, người từng làm luận văn tốt nghiệp đại học với đề tài về chùa Phổ Minh, cho biết đến năm 1998, chùa vẫn còn lưu giữ nhiều tượng cổ bằng đồng, sứ, gỗ như: A Di Đà, Thế Chí Bồ Tát, Thích Ca Mâu Ni, Di Lặc, Quan Âm, Ngọc Hoàng, Hộ Pháp, Quan Bình.
Thế nhưng, theo ghi nhận của ông Hoàng Gia Hy cũng như ông Đặng Ngọc Tám thì hiện chùa chỉ còn duy nhất pho tượng Hộ Pháp cổ. Ông Tám nói: “Số tượng cổ kia đều do ông thầy ở Đông Hà lấy đi. Nếu vụ tượng Phật Di Lặc không bị lộ thì ông đó chắc cũng lấy nốt cái còn lại. Bình lục giác cổ tôi đã giấu sau chánh điện nhưng ông cũng lấy. Chắc chắn ông đó buôn đồ cổ vì có lần tìm đến nhà bà Liên hỏi đồ”.
Ông Hy cho hay sắp tới sẽ bàn cách giao chùa cho địa phương quản lý, tránh những mất mát tương tự.
Cuốn Địa chí Đồng Hới ghi chùa Phổ Minh được xây dựng khoảng từ năm 1920 - 1927 (không phải những năm 1883 như thông tin ban đầu), do sư thầy Phổ Minh (1889 - 1962) trụ trì. Theo một số tư liệu khác, từ năm 1948 - 1952, chùa Phổ Minh được chọn làm nơi đặt trụ sở của Chi hội Phật giáo và Hội Phật học Quảng Bình. |
Nghi án tượng Phật Di Lặc bị bán Một bức tượng Phật Di Lặc ước đoán có niên đại trên 100 năm đặt tại chùa Phổ Minh (P.Đức Ninh Đông, TP.Đồng Hới, Quảng Bình) bỗng dưng biến mất, khiến Phật tử hoài nghi rằng bức tượng đã bị bán. Sự việc bắt đầu từ ngày 30-9, ông Hoàng Gia Hy - hội viên Hội Di sản tỉnh Quảng Bình có đơn gửi các cơ quan chức năng như: Sở VH-TT-DL, Giáo hội Phật giáo tỉnh, Chủ tịch Hội Di sản tỉnh, UBND TP.Đồng Hới, Công an TP, UBND P.Đức Ninh Đông về việc bức tượng mà ông cho rằng đã bị thầy chùa trao đổi đi ngoại tỉnh. Theo ông Hy, bức tượng bằng kim loại, cao khoảng 0,8 m, rộng khoảng 0,6 m, nặng từ 500-600 kg. Hiện chưa ai xác minh được nguồn gốc chính xác của bức tượng. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến thì tượng có từ thời nhà Nguyễn, cùng thời với một quả chuông quý đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh. Tượng đặt ở chùa Kim Phong trên núi Thần Đinh (xã Trường Xuân, H.Quảng Ninh; đã được xếp là di tích), sau đó được đưa về thờ ở chùa Phật Học (Đồng Hới). Bom đạn chiến tranh tàn phá chùa Phật Học nên tượng được đưa về đồi Giao tế làm chứng tích tội ác chiến tranh. Năm 1972, các thầy ở chùa Phổ Minh xin về tôn trí tại chùa cho đến ngày nay. Ông Hy, người am hiểu về sử, Hán học, thư pháp đã đánh giá đó là vật quý vô giá của tỉnh Quảng Bình và kiến nghị phải thu về theo luật Di sản.
Sau khi nhận được kiến nghị trên, Hội Di sản văn hóa VN tỉnh Quảng Bình đã có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng điều tra, thu hồi pho tượng Phật Di Lặc cổ. Nhưng chiều 18-10, ông Nguyễn Văn Lợi - Chủ tịch hội cho biết vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi từ những đơn vị ông gửi đơn là UBND tỉnh Quảng Bình và Sở VH-TT-DL. Ông Lợi nói: “Chúng tôi rất bức xúc vì không biết việc đó đã xử lý đến đâu. Bức tượng có giá trị di sản quan trọng, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo công an và ngành văn hóa xem xét giải quyết vấn đề này, điều tra tìm ra và thu hồi bức tượng”. Về giá trị bức tượng, ông Lợi cho rằng cần phải có nghiên cứu, đánh giá khoa học đầy đủ, nhưng ít nhất bức tượng cũng có trên 100 năm.
Nhiều ý kiến cho hay bức tượng được mạ đồng lớp ngoài và lõi bằng đồng đen nên rất nặng, phải 8 người khiêng trong khi kích cỡ không phải lớn. Vì thế người nhà chùa đã mang bán bức tượng. Tuy nhiên, ông Minh Mẫn, Trưởng quản tự chùa Phổ Minh cho biết: “Đã trao đổi cho chùa Phước Tuệ ở Đông Hà (Quảng Trị) vì nó lâu rồi, bị sứt tay mẻ chân, cồng kềnh thờ không tiện nên đổi để họ giúp tu bổ chùa và đổi lại cho một số tượng Phật khác. Họ đã đưa một tượng Phật bằng đồng mới ra thay và mang tượng đó vào”. Về vấn đề này, ông Lợi hoàn toàn không đồng tình vì không thể đặt ngang hàng giá trị hiện vật của từng thời điểm khác nhau, không thể đổi cái cũ để lấy cái mới trong giá trị văn hóa, bảo tồn. Ông Mẫn thừa nhận khi trao đổi đã không thông qua các Phật tử và Giáo hội Phật giáo tỉnh. Trao đổi với chúng tôi, ông Tạ Đình Hà - Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa, Sở VH-TT-DL Quảng Bình nói: “Chùa Phổ Minh không phải là di tích nên nằm ngoài sự quản lý của ngành VH-TT-DL. Còn việc đổi cũ lấy mới là sai và đứng về mặt địa danh là không được đổi. Đó là tượng cũ, nếu đúng nguồn gốc từ chùa Kim Phong thì phải trả về chùa Kim Phong. Việc trao đổi giữa các chùa khi vật đó cùng niên đại, cùng thể loại và có sự thỏa thuận đồng ý của các Phật tử trong chùa, có ý kiến của Hội Phật giáo các tỉnh. Nếu không thì có vấn đề mua bán đổi chác trong đó”. Lãnh đạo Công an TP.Đồng Hới cho biết, sau khi nhận được thông tin kiến nghị đã vào cuộc xác minh, kết quả ban đầu cho biết đúng là có sự thay đổi tượng ở chùa nhưng bản chất sự việc thế nào thì đang xác minh tiếp. Chiều 18-10, chúng tôi đến chùa Phước Tuệ ở Đông Hà để xác minh bức tượng có ở đó không nhưng người trông chùa thông báo các thầy đi cúng hết, không có ai ở nhà nên không biết gì. |
Trương Quang Nam (Thanh Niên)