>>> Bài 1: Hai pho “tượng táng” ở chùa Đậu
Năm 2000, PGS.TS Nguyễn Lân Cường chấp bút, xây dựng dự án. Dự án được Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (BTLSVN) bổ sung, hoàn thiện.
Thuyết phục người dân cho tu bổ tượng
Tượng Thiền sư Như Trí đặt trong tháp (Ảnh: Nguyễn Mạnh Hà)
Cuối năm 2001, dự án được UBND tỉnh Hà Tây duyệt. Đến giữa năm 2002, UBND tỉnh Hà Tây và Bộ Văn hóa Thông tin giao Bảo tàng Lịch sử Việt Nam “là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong bảo quản, tu sửa hiện vật cùng Tiến sỹ Nguyễn Lân Cường thực hiện dự án”. BTLSVN được tín nhiệm, được giao thực thi một dự án mang tính tâm linh vô cùng nhạy cảm.
Bắt tay vào công việc, chúng tôi mới hiểu được vì sao dự án không tiến triển được và kéo dài đến thế! Khi đó, BTLSVN đã nhận được rất nhiều “thông báo và kiến nghị khẩn cấp” từ vị sư chủ trì chùa với nhiều chữ ký nhằng nhịt của một số người “ mang danh phật tử”.
Tất cả những kiến nghị này xoay quanh vấn đề tín ngưỡng nên khi bảo quản không được mang Xá Lợi ra khỏi chùa, không được động chạm đến Tổ… Cùng với đó là rất nhiều đòi hỏi không mang tính xây dựng và thiếu lòng tin. Ngoài ra, còn một số góp ý tu bổ tượng của một số cá nhân có tâm huyết, nhưng thiếu kiến thức về mặt khoa học bảo quản, tu bổ.
Vào thời điểm ấy, tôi phụ trách phòng Kỹ thuật bảo quản – BTLSVN và được giao quản lý dự án. Bao nhiêu khó khăn và thách thức đang phía trước... Được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo cơ quan cùng với sự hợp tác của Sở Văn hóa Thông tin Hà Tây (cũ), chúng tôi đã từng bước tháo gỡ những vướng mắc. Nhiều cuộc họp với nhân dân địa phương thôn Gia Phúc, có sự tham gia của các ngành ở tỉnh, huyện như: đại diện Mặt trận, Tôn giáo, Văn hóa và các cán bộ chủ chốt xã Nguyễn Trãi đã được tổ chức.
Rất may mắn cho tôi... Là một người đã từng là cán bộ quân đội, lại được tham gia vào công tác bảo quản thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên tại một cuộc họp, tôi đã mạnh dạn báo cáo quá trình công tác của bản thân và được bà con cùng nhà chùa tin tưởng, mọi công việc bắt đầu được khai thông.
Kỹ thuật bảo quản của cha ông
Ngày 18/4/2003, lễ khởi công Dự án Tu bổ tượng cổ hai vị Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ khắc Trường được Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Hà Tây (cũ) và BTLSVN tổ chức trọng thể tại chùa Đậu có sự tham dự của Lãnh đạo tỉnh Hà Tây, Bộ Văn hóa Thông tin và đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nội dung tu bổ chính là diệt nấm mốc, vi sinh vật, gia cố tăng cường độ cứng vững và tu bổ áo cho các Thiền sư.
Khó khăn nhất là tu bổ áo, bởi chưa hiểu được những “tượng táng” này đã được làm như thế nào? Những tượng sơn son, thếp vàng thông thường có cốt bằng gỗ mít hay bằng đất sét giã mịn cùng trấu, giấy bản hoặc tượng cốt bằng đồng. Sau đó, dùng sơn ta (sơn sống) và tiến hành theo quy trình sơn mài truyền thống là hom, bó, lót, thí, thếp. Mỗi công đoạn hom, bó, lót phải làm từ ba đến bốn lần; mỗi lần hom, bó, lót xong lại mài thật nhẵn rồi lại hom, bó. Những công đoạn này càng làm kỹ thì sản phẩm sơn mài căng, mọng, bóng và đẹp. Cuối cùng, phủ lớp sơn thí rồi thếp bạc phủ hoàn kim hoặc sơn son.
Khi tiến hành bảo quản, nhóm thực hiện dự án đã mày mò nghiên cứu và xác định được, trước đây cha ông đã làm các công đoạn sau: quét một lớp sơn ta, dùng vải thô quấn quanh thi thể, sơn tiếp rồi hom, bó, lót, thí, thếp bạc và phủ lớp sơn son giống như những tượng sơn son khác.
Không ngại khó khăn
Tượng thiền sư Vũ Khắc Minh sau tu bổ (Ảnh: Nguyễn Mạnh Hà)
Riêng pho tượng thiền sư Vũ Khắc Trường do tu sửa lại nên một vài chi tiết có thay đổi. Nắng nóng mùa hè, hơi sơn, mùi hóa chất làm cho gian phòng gần 20m2, xung quanh che chắn kín, dành riêng để tu bổ tượng hai vị thiền sư càng thêm ngột ngạt. Sơn ta và hơi bay ra từ hóa chất trong môi trường nóng ẩm, làm một số thành viên dự án bị dị ứng mẩn ngứa khắp người... Dù vậy, không vì thế mà tiến độ công việc bị ảnh hưởng.
Xử lý khe nứt, tạo sự liên kết giữa lớp mới và cũ; ghép xương đùi bị rời ở tượng Vũ Khắc Trường là công việc Ban dự án cùng nhau bàn bạc, trao đổi rất kỹ. Bằng kinh nghiệm của các nghệ nhân, chuyên gia và bằng trí tuệ các nhà khoa học, cuối cùng những vướng mắc, khó khăn đó được giải quyết. Tại các khe nứt, xắn sâu xuống khoảng 2-3mm và mở rộng mỗi bên 1cm để cấy lớp vải màn cùng sơn ta giọt một. Đây là loại sơn được mua từ Thanh Sơn, Phú Thọ. Sau khi sơn thì hom, bó nhiều lớp để ngang bằng bề mặt ở xung quanh. Việc sắp đặt các xương đùi, trước hết đưa chúng vào vị trí, dùng mùn cưa, sơn ta tạo thành gối đỡ, sau đó dùng keo chuyên dụng gắn chặt.
Đặc biệt, tu sửa hai mắt thiền sư Vũ Khắc Minh, mọi người lo lắng vì sợ bị rơi vào bên trong tượng. Từng công việc, từng thao tác trong quá trình tu bổ bảo quản phải chính xác, thận trọng. Bảo quản và làm lớp sơn son cuối cùng trên các pho tượng, các nghệ nhân căng màn tuyn để tượng vào trong đó. Làm như vậy, để chống bụi –và không làm ảnh hưởng độ bóng lớp sơn.
Để có tư liệu phục vụ quá trình tu bổ và làm tài liệu đối sánh khi nghiệm thu, Ban dự án đề xuất phục chế hai pho tượng bằng thạch cao, có hình dáng, kích thước, màu sắc y hệt hai tượng cũ. Công việc phục chế các pho tượng này cũng khá gian nan, bởi tượng gốc đã bị hư hỏng nặng, khi đổ khuôn dễ bị gẫy, sập. Các nhà điêu khắc, các nhà bảo quản đổ khuôn tượng Thiền sư Vũ Khắc Minh, được phân ra nhiều phần.
Khi xong phần này, mới chuyển sang phần khác, để đảm bảo an toàn. Nhưng như vậy, đòi hỏi chính xác rất cao mới ghép được khuôn. Riêng tượng Thiền sư Vũ Khắc Trường không thể đổ khuôn trực tiếp, giải pháp duy nhất là nặn pho tượng bằng đất sét giống hoàn toàn tượng gốc. Sau đó, dùng tượng này làm cốt đổ khuôn để làm tượng đối chứng. Tượng Thiền sư Vũ Khắc Trường, có một số xương bị hở, nên trong quá trình tu bổ, nhà nhân chủng học Nguyễn Lân Cường đã đo được kích thước và chỉ số xương, trên cơ sở đó tính toán được chiều cao cơ thể của Thiền sư khoảng 1,65m.
Cả hai tượng gốc Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường sau tu bổ, được bảo quản trong các khám gỗ, thiết kế kiểu Long đình mang phong cách thời Lê Trung Hưng. Trong khám là hộp kính bảo quản. Kính được đặt gia công loại đặc biệt, chống được va đập mạnh và lắp đặt rất kín. Kính trong suốt, đứng từ xa vẫn nhìn rõ tượng các thiền sư ở bên trong. Sau khi đưa tượng các thiền sư vào trong khám, hút hết không khí và thay vào đó là khí nitơ để bảo quản. Đây là loại khí không độc, không mùi được dùng để bảo quản sạch, an toàn.
Ngày 29/11/2003, lễ khánh thành tu bổ tượng hai Thiền sư chùa Đậu được tổ chức trọng thể. Tại buổi lễ, khi tôi cho biết kinh phí tu bổ tượng các vị thiền sư là hơn ba trăm triệu đồng, một chị phó phòng biên tập của Thông tấn xã Việt Nam đã thốt lên “Em cứ tưởng tiền tỷ” khiến cho tôi cứ nhớ mãi...
Bài cuối: "Tượng táng" ở chùa Tiêu Sơn