Ước mơ đơn giản

GN - Sau cơn lũ, đoàn từ thiện nhà chùa có chuyến hành hương giúp đỡ bà con vùng lũ. Thầy Hạ khoanh tay xin “Ôn”:

- Bạch Ôn, cho con tháp tùng đoàn đi cứu trợ.

Sư ông điềm đạm:

- Con không xin, thầy cũng cử con đi. Tiện đường con ghé thăm bà con...

- Bạch “Ôn”, cha mẹ con mất rồi.

- Cha mẹ con qua đời nhưng còn quê hương bản quán. Con thu xếp mà đi.

- Dạ thưa… Con cám ơn thầy.

uoc mo.jpg

Ảnh minh họa

Đoàn từ thiện gồm hai xe ô-tô, một ô-tô con chở người, một ô tô lớn chở hàng quà, gạo, mì gói… đỗ trước sân chùa làng. Các thầy trong chùa và bà con trong làng đã được báo trước. Chính quyền địa phương gửi giấy mời bà con tập trung trong sân chùa và cùng đứng ra với đoàn tổ chức, phân từng suất, cấp cho từng hộ. Nhờ vậy, công việc cấp phát hàng quà tiến hành nhanh gọn, xế trưa không sót hộ nào, xấp giấy mời thu đủ số như khi phát ra. Ngoài ra, còn dư vài chục suất quà dự phòng, cấp cho người ngang qua xin nhận. Thầy Hạ thấy vãn việc, báo với thầy trưởng đoàn cho thầy đi loanh quanh thăm làng, thăm ngôi trường tiểu học của thầy.

Con đường đất vào làng nhầy nhụa bùn đất. Đất sau lụt nhão nhoét, bám dính đôi dép nhựa. Thầy cột vạt áo lên ngang bụng nhưng tự thấy hơi kỳ, lại buông xuống, mặc vạt áo vấy bẩn. Thầy Hạ tự nhủ: “Về chùa giặt sạch, lo chi”. Ngôi trường tiểu học thời niên thiếu của thầy hiện ra với mái ngói rêu phong, lấp ló sau rặng tre, cây mù u trồng từ đời Pháp vẫn sừng sững uy nghi tỏa bóng mát. Phía bên hông trường có một cái hồ đầy bèo.

Cái hồ này sâu chừng 10 mét, do B57 đào hồi Mậu Thân. Hồi đó máy bay thả bom chùm B52. B52 chỉ đào sâu vài mét. B57 thả từng trái một, trái nào cũng cày sâu, hầm chữ A cũng sập. Dân làng nói vậy nên thầy mới biết hồ sâu rộng bao nhiêu. B57 cũng làm sập trường và người ta xây lại trường từ năm ấy. Thầy Hạ đứng bần thần trong sân trường vắng hoe, sau lũ chưa em nào đi học, bùn phù sa đóng lớp, còn chưa dọn kịp. Ngoài đường bê-tông, đôi đoạn dân làng đã dọn, nhưng có đoạn thầy vẫn phải lội lầy ì oạp. Thầy xách đôi dép nhựa đi xuống bến đá rửa dép. Bất chợt thầy gặp một người đàn bà trông rất quen. Thầy gọi:

- Cô!

Người đàn bà quay lui thấy một ông thầy tu lạ hoắc. Ngọn gió biển lồng qua đồng ruộng, thổi man mát cái đầu bóng láng của thầy. Thầy đang đứng tần ngần, tay xách đôi dép bẩn. Người đàn bà tưởng thầy nhờ tránh đường, nên lẳng lặng xích ra một bên bến cho thầy xuống. Lúc này thầy đã đến sát mép nước. Thầy thả đôi dép xuống bến đá, lại gọi:

- Cô, cô ơi, cô!

Người đàn bà nghiêng nhìn. Trong khuôn mặt khắc khổ ấy hơi ánh vẻ ngạc nhiên. Ông thầy tu nhặt một cật tre đến bên chiếc xe đạp của người đàn bà, nói:

- Để em gỡ bùn cho cô dễ đạp.

Người đàn bà nhìn xuống hỏi:

- Chú ở đâu mà biết tôi?

- Em là điệu Hạ đây cô. Em học cô từ năm lớp một.

Cô giáo cười và đổi cách xưng hô:

- Con nhớ ra rồi. Hồi đó con có hỏi thầy: “Sao điệu đi tu” - Thầy trả lời - “Con thích ăn chay”. Thầy tài thiệt, mới nhìn qua mà đã nhận ra con!

- Làm sao em quên cô được. Em nhớ lần em nghịch bị té rách áo. Em lo về chùa thế nào cũng bị thầy tri sự bắt quỳ hương vì tội mải chơi. Thấy em bị rách áo, giờ ra chơi cô bảo: “Điệu Hạ, đưa áo cô mạng cho”. Cô vá áo cho em rất khéo. Dù lâu không gặp cô, em nhìn cái dáng ốm ốm của cô là em nhận ra liền à.

Cô lại ốm hơn trước, chắc mùa này mưa gió luân phiên... Gỡ bùn bám ở chiếc xe đạp của cô giáo xong, thầy Hạ tiếp tục gỡ bùn ở đôi dép của mình. Thầy nhớ năm xưa, đến ngày Hiến chương Nhà giáo, điệu Hạ cùng nhóm bạn đi hái hoa dại ven làng, đứa một bó chạy tặng cô; khi gần đến trường, trên bến nước này, học trò nhỏ của cô không biết từ những ngóc ngách nào cùng ùa chạy ra theo sau xe đạp cô giáo. Những cô, những chú chạy lúp xúp, lon ton nối sau xe cô thành một đoàn rồng rắn. Cô giáo sợ các em té, buộc phải dắt xe đi bộ, miệng la khẽ: “Này, này...”. Cô đứng lại để nhìn kỹ đoàn học trò. Ồ, sáng nay chúng ăn mặc tươm tất ghê! Mỗi cô, mỗi chú đều cầm một đóa hoa đồng tiền, hoa hồng và cả hoa dại đủ sắc màu, vàng, trắng, đỏ. Chúng ập đến vây tròn quanh cô giáo, cô bỗng thành cái nhụy tím của một đóa hoa lớn chi chít những cánh hoa đủ màu. Tiếng học trò của cô tranh nhau nhao nhao:

- Em tặng cô.

- Hoa của cô đây cô.

Cô giáo gom hoa lại thành bó, cầm như chắp tay trước ngực, trong mắt cô lăn ra hai giọt nước mắt...

- Chết, cô khóc tụi bây ơi!

Thầy Hạ nhớ kỷ niệm xưa mắt rớm nước. Hình như cô giáo năm xưa cũng vậy, đôi mắt cô ươn ướt... Nhưng cô lại nói:

- Ước mơ đơn giản của điệu đã thành hiện thực. Điệu thích ăn chay thì được ăn chay suốt đời.

Thầy Hạ không cãi với cô giáo, sau này tu học thầy hiểu không phải vì thế mà thầy xuất gia, nhưng nghĩ lại ước mơ đầu tiên, trẻ con của thầy, quả trong sáng và đơn giản thật. Làm người ai cũng có ước mơ, ước mơ càng trong sáng, thánh thiện và đơn giản dễ đạt nguyện ước.

Thầy Hạ chào cô giáo năm xưa, xách dép đi vào làng tìm thăm bà con chòm xóm để trở ra xe cho kịp giờ xuất phát. Chiều nay, bầu trời sau lũ trong veo, xa xa những nõn mây trắng lững lờ. Cô giáo đứng lặng bịn rịn tiễn trò cũ. Thầy Hạ cũng tần ngần mấy dạo ngoái nhìn lui…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 100 em thanh thiếu niên tham gia khóa tu "Tuổi trẻ" lần thứ I tại chùa Long Phước

Chùa Long Phước (TP.Bạc Liêu) khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I

GNO - Sáng 15-12, chùa Long Phước (P.5, TP.Bạc Liêu) tổ chức khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I với sự chứng minh của Thượng tọa Thích Giác Nghi, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Long Phước; chư tôn đức giáo thọ sư, Phật tử và hơn 100 thanh thiếu niên tham dự khóa tu.

Thông tin hàng ngày