Ước mong về những ngôi trường mầm non Phật giáo…

(Nhân đọc chuyên đề về Giáo dục mầm non PG trên GN 662)

GN - Giáo dục là ngành giúp “trồng người” nên rất cần đầu tư để phát triển. Trong môi trường giáo dục Phật giáo thì chắc chắn các em sẽ được uốn nắn những điều hay, lẽ phải để trở thành người tốt. Tôi tin, chư Ni với tấm lòng vị tha, hạnh nguyện lợi sinh sẽ làm tốt công tác “trồng người” này. Nhưng, tiếc là, hệ thống trường lớp bậc mầm non do Phật giáo mở ra còn ít quá, nếu không muốn nói là quá hiếm hoi nên sức lan tỏa không cao.

Anh ban doc 663.JPG

Ni sư Tịnh Nghiêm bên các cháu trong ngày tốt nghiệp tại Trường Mẫu giáo Tịnh Nghiêm

Người ta nói, giáo dục con người thì “uốn măng sẽ dễ dàng”, nên việc giúp các em biết nền tảng đạo đức Phật giáo (tinh thần từ bi, trí tuệ) phải được dẫn dắt ngay từ nhỏ, từ buổi đầu chập chững. Ấn tượng về đạo Phật từ đó sẽ in sâu vào các em để một mai các em thành người và biết quay về nương tựa Tam bảo, sống tốt, góp phần xây dựng xã hội nhân ái, đất nước hòa bình…

thihienqs@gmail.com

Phật giáo làm từ thiện đó đây với con số báo cáo hàng tỉ tỉ đồng nhưng lại không có công trình để lại dấu ấn lâu dài, một trong những công trình bỏ ngỏ đó là xây dựng hệ thống trường lớp đào tạo kiến thức, nhân cách người trẻ. Bắt đầu từ việc thành lập trường mầm non dân lập đến các trường tiểu học, trung học như trước đây (có hệ thống Trường Bồ Đề, vừa dạy chữ, vừa dạy giáo lý để làm người chơn chánh) là điều mà Phật giáo phải nghĩ tới trong công tác hoằng pháp lợi sanh. Thực ra, đó không chỉ là nhiệm vụ hoằng pháp đơn thuần mà tôi nghĩ rất đỗi căn cơ, vừa giúp giáo lý đi vào cuộc đời, vừa là dịp để Phật giáo chung tay nâng cao đạo đức xã hội, góp phần giảm thiểu tệ nạn và sự suy thoái đạo đức mà xã hội đang đau đầu.

Xét cho cùng thì sự băng hoại đạo đức vốn do thiếu nền tảng giáo dục, về thương yêu, biết sống là chia sẻ, biết xấu-ác để tránh và gìn giữ bản thân… Tất cả những giá trị đó đều có trong giáo lý nhà Phật. Thử hỏi có cha mẹ nào lại muốn con mình không đàng hoàng, tử tế? Chắc chắn không có, nên tôi tin rằng, nếu có trường do Phật giáo mở, đào tạo thì phụ huynh sẽ tin tưởng gửi gắm con em mình tới học!

thanhphong03@gmail.com

Thật buồn khi nghe bộc bạch về lý tưởng học hành của chư Ni khi được tạo điều kiện đi học ngành mầm non (rảnh học cho vui, học nhưng không nghĩ sẽ phục vụ sau này…). Nhưng, càng buồn hơn khi nghe chính chư Ni tâm huyết giãi bày, rằng quý cô muốn phụng sự, muốn làm công việc này lắm nhưng lại không có “đất dụng võ” nên dù tâm huyết cách mấy cũng hoài phí và dần dà thui chột lý tưởng phục vụ.

Do vậy, rất mong Giáo hội quan tâm để những ngôi trường mầm non được xây dựng một cách bài bản để chư Ni có cơ hội, môi trường làm việc, cống hiến, góp phần vào sự nghiệp hoằng dương Chánh pháp!

thichnuchonnhu12@yahoo.ca

Ở quê tôi (Tiền Giang), ngay TP.Mỹ Tho có Trường Mầm non Tịnh Nghiêm (do Ni sư TN.Tịnh Nghiêm sáng lập) và cũng bắt đầu bằng tấm lòng từ thiện, khi Ni sư thấy con em nhà nghèo không đủ tiền học, lại khát khao cái chữ. Thao thức đó đã giúp cho ngôi trường được mọc lên, trong suốt 6 năm qua đã có nhiều đóng góp cho giáo dục - từ thiện tại địa phương. Đối tượng học tập ở đây là các cháu độ tuổi mầm non có hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ, neo đơn, khuyết tật... Tất cả chi phí đều do nhà chùa đài thọ từ nguồn vận động đóng góp từ các nhà hảo tâm, các vị mạnh thường quân trong ngoài tỉnh. Thiết nghĩ, các tỉnh, thành nếu mở thì đây cũng là một trong những mô hình để học tập, chuyển giao kinh nghiệm…

Tú Sương

------------

Tin, bài liên quan: Giáo dục mầm non PG: cần chủ trương của Giáo hội ll Giáo dục mầm non Phật giáo: Cánh cửa mở, nhưng ít ai vào ll Cần thay đổi tư duy công tác từ thiện ll Ban TTXH T.Ư tổ chức hội thảo khoa học ll Chân tâm từ thiện ll

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày