Bởi lẽ hành vi vô ý thức của con người vẫn... xả cửa, nhất là bắt đầu mùa lễ hội tháng Giêng, vẫn cảnh lộn xộn, chen lấn, bày biện lễ vật tuỳ tiện, thanh niên nam nữ xả rác trên khắp lối đi, kể cả những nơi thiêng liêng.
Rác cứ tự nhiên và người cũng mặc nhiên... - hình ảnh trong ngày
đầu tiên của lễ hội chùa Hương (theo TNO)
Trong cuộc sống, con người dù ở hoàn cảnh nào, ở vị trí nào trong xã hội thì cũng cần phải có những hành xử đẹp. Những hành xử đẹp đẽ đó sẽ là thước đo để đánh giá trình độ văn hóa, phẩm giá của mỗi người.
Văn hóa không phụ thuộc vào trình độ học vấn, học vị, học hàm mà nó phụ thuộc vào ý thức, nhận thức của từng cá nhân. Người có trình độ học vấn cao không hẳn là người đó có văn hóa cao và ngược lại. Trong thực tế hàng ngày, chúng ta phải chứng kiến rất nhiều những hành vi không lấy gì làm đẹp mắt của một số người ở mọi lĩnh vực và địa điểm khác nhau, tạo cho chúng ta một cảm giác rất khó chịu, phản cảm. Những hành vi sau đây là những hành vi mà chúng ta thường thấy nhất.
Ý thức bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh nơi công cộng
Khi tham gia giao thông, chúng ta thường bắt gặp nhiều người có hành vi vô văn hóa như khạc nhổ bừa bãi trên đường phố, gây mất vệ sinh nơi công cộng. Đôi khi không kịp né, chúng ta bị lãnh trọn hậu quả bởi hành vi thiếu văn hóa đó.
Phải nói rằng ở nước ta, ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng của người dân chưa được cao nên tình trạng rác xả một cách… vô tư ở những nơi công cộng như khu vui chơi giải trí hoặc ở những bến xe, bến tàu là rất phổ biến. Đó là mới điểm qua những hành vi “nho nhỏ” thật đáng trách của những người dân làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến môi trường. Nhưng những hành vi hủy diệt môi trường như khai thác gỗ tận diệt rừng già, xả chất thải công nghiệp của những tập đoàn lớn như Tập đoàn Vedan và nhiều công ty, doanh nghiệp khác thì đó mới là vấn đề đáng bàn, vì hậu quả của nó để lại cho môi trường sống thật khó kể hết.
Cảnh chen lấn hỗn độn...
Văn hóa xin lỗi, cảm ơn
Chúng ta thường nghe những lời phàn nàn từ những người cao tuổi hoặc những người ngoại quốc, đặc biệt là những người từ các nước phát triển đến Việt Nam. Họ nói rằng người trẻ bây giờ sao ít thấy thể hiện sự biết ơn và biết lỗi.
Không ít người thản nhiên bỏ qua không một lời xin lỗi khi mình đã gây ra những lỗi lầm khiến người khác phải chịu những tổn thương về tinh thần cũng như thân thể. Cũng có người thản nhiên đón nhận, hưởng thụ những thành quả mà người khác đã tạo ra cho mình nhưng không hề có sự biểu lộ cảm xúc biết ơn và một lời cảm ơn. Có người nói một cách bi quan rằng, văn hóa cảm ơn và xin lỗi là một thứ văn hóa “xa vời” và “xa xỉ”hiện nay. Mong điều đó không phải là sự thật.
Văn hóa xếp hàng
Từ thời bắt đầu biết cắp sách đến trường, mỗi người trong chúng ta đã được học bài học đầu tiên về phép lịch sự tối thiểu nơi công cộng, đó là xếp hàng vào lớp. Từng lớp một với những hàng lối ngay thẳng đi vào lớp học rất trật tự. Nhưng đó là thời trẻ con đi học và những việc làm đó dưới sự giám sát của thầy cô giáo. Còn khi con người đã lớn lên, bước vào đời thì rồi người ta có quan niệm rằng “trâu chậm thì uống nước đục” nên không ít người dễ dàng đạp lên nó, giành giật, chen lấn để mong một cách ích kỷ được “uống được nước trong”.
Thời buổi hiện nay là phải sống nhanh, sống vội. Ít ai nghĩ đến lối sống chậm để mà có văn hóa xếp hàng. Hẳn chúng ta không ngạc nhiên lắm khi thấy người ta chen lấn giành giật nhau bởi một món hàng khuyến mãi hay một tấm vé vào khu vui chơi. Người viết xin được kể câu chuyện sau đây mà tình huống của nó không biết nên cười hay nên khóc. Câu chuyện diễn ra tại cổng Dinh Thống Nhất, TP.HCM. Hôm ấy tôi đưa một người bạn ở nước ngoài về đi tham quan di tích này, chúng tôi và một số người nước ngoài đang xếp hàng đợi đến lượt mua vé vào tham quan Dinh thì bỗng có một tốp người từ đằng sau thản nhiên chen lên trước để mua vé, vốn dĩ người Việt Nam mình thấp bé nhẹ cân nên những thao tác của họ rất nhanh nhẹn. Thấy vậy, những người nước ngoài cao to đang đứng đợi xếp hàng chỉ xì xồ mấy câu rồi cười vì nghĩ rằng những người kia là trẻ em nên ưu tiên cho mua trước. Cảm giác của tôi lúc đó xấu hổ không thể nói lên lời.
Văn hóa nơi công sở
Cơ quan làm việc là nơi mọi người phải tuân thủ các nội quy quy chế một cách nghiêm ngặt nhất. Thế nhưng ở một số đơn vị thì bản nội quy chỉ mang tính hình thức, treo lên cho “vui mắt” mà thôi.
Chúng ta thấy hầu hết các cơ quan, ngay từ cổng ra vào đã có một bảng hướng dẫn “xin vui lòng xuống xe, tắt máy, dẫn bộ” nhưng ít thấy ai thực hiện. Các công chức hoặc khách mời cứ vô tư phóng cái vèo một phát qua mặt bảo vệ.
Ngay ở các bệnh viện cũng vậy. Có nhiều bệnh viện không có nhà gửi xe phía ngoài khuôn viên bệnh viện nên phải gửi xe bên trong. Để đảm bảo sự yên tĩnh cho bệnh nhân đang điều trị, người ta cũng đặt bảng hướng dẫn tương tự như trên nhưng chẳng mấy ai thực hiện cả. Rồi còn nhiều những hành vi không tốt khác như hút thuốc lá nơi công sở, đi trễ về sớm…
Văn hóa giao thông
Trên các nẻo đường thành phố vào những giờ cao điểm, người và xe chật như nêm cối. Hình ảnh nhiều người cho xe leo lên cả lề đường dành cho người đi bộ là hình ảnh quá đỗi bình thường. Công bằng mà nói, trong hoàn cảnh đường phố thì chật chội mà người lại đông đúc, lô cốt giăng chắn lối đi, nếu không tranh thủ chen lấn từng centimet đường thì nguy cơ đến cơ quan trễ hoặc chậm giờ đón con là rất cao. Bởi vậy nếu không thấy bóng dáng cảnh sát giao thông thì việc vượt đèn đỏ hay đi vào đường cấm là chuyện bình thường hóa của rất nhiều người.
Trong chúng ta, mỗi người luôn tồn tại hai mặt: mặt tốt và mặt xấu. Vấn đề là chúng ta có nhận diện được các mặt trong chính con người chúng ta hay không mà thôi. Nếu biết cách nhận diện được nó rồi thì cái tốt ta phải phát huy, cái xấu từ từ từng bước ta loại trừ nó. Đó cũng là một phương pháp thực hành “tránh ác làm lành” mà Đức Phật đã dạy cho con người. Chúng ta thấy rằng, một đất nước nhỏ bé xinh đẹp, dân số ít như Singapore mà cũng phải cần đến 50 năm phát triển mới trở thành một đất nước xanh sạch đẹp và hiện đại như ngày hôm nay. Vậy ở Việt Nam ta với hơn 85 triệu người dân thì phải cần đến bao nhiêu năm mới đạt đến mức phát triển như nước bạn? Phải chăng bắt đầu từ ý thức giữ gìn, phát huy và những hành xử hướng đến cái đẹp của mỗi người để góp phần xây dựng đất nước phát triển, xã hội văn minh.
Hình ảnh của đất nước đẹp hay không lệ thuộc vào cách ứng xử, chất lượng trong nhận thức, lời nói và hành vi của mỗi người công dân, từ gia đình cho đến nơi công cộng. Nền tảng của một xã hội văn minh được bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt và rất đỗi bình thường đó.