Văn hóa từ thiện

Thỉnh thoảng nhận được tin nhắn từ mấy người bạn, “cuối tuần này tụi tao đi từ thiện, có đồ gì gom cho không”, tôi lại tong tong xách túi đồ cũ thảy qua. Toàn đồ tùm lum tôi tha về trong những chuyến shopping tự nhủ là “để xả stress” (mà stress hồi này sao nhiều thế), khiến lâu lâu mấy cái tủ lại ngập ứ. Dần quen, mấy đứa bạn hay đi làm từ thiện trở thành “mối hàng” thân thiết, lâu không thấy gọi, cái tủ đầy lên, là nhớ. “Thanh toán hàng tồn kho” kiểu này khiến tôi không những không cảm thấy áy náy với những cuộc shopping quá tay mà còn tự an ủi rằng “ta cũng làm từ thiện”. Nhưng cũng có đôi lúc tôi băn khoăn tự hỏi không biết ai sẽ nhận những món đồ từ thiện của tôi? Những đứa trẻ mồ côi hay tật nguyền, những người già neo đơn trong trại dưỡng lão..., họ có cần đến những cái áo lạ kiểu, những bộ đầm nghịch mắt, những cái quần quá khổ, những đôi giày gót nhọn đã lỗi mốt...? Rồi lại tự hỏi có cần phải băn khoăn những chuyện “muỗi” đó không, xưa nay người ta chẳng vẫn nói “của cho là của được”, nữa là cho từ thiện, cho gì mà chẳng quý!

Từ ba năm nay, cứ đến kỳ nghỉ hè, Doo Soo, một du học sinh Hàn Quốc, hiện đang theo học năm hai trường trung học Knox School (Mỹ) lại xách ba lô lên đường sang TP.HCM, nơi ba của cậu, một doanh nhân đang đầu tư vào các dự án bất động sản. Nhưng Doo Soo sang Việt Nam không phải để nghỉ Hè cùng gia đình hay đi du lịch khám phá vùng đất mới như nhiều bạn bè cùng lứa, mà cậu bé tham gia làm tình nguyện viên tại tổ chức Phẫu thuật Nụ Cười Việt Nam. Chính ba Doo Soo là người đã đưa cậu đến với công việc thiện nguyện này. Ông đã sống và làm việc ở TP.HCM hơn 15 năm qua. Thấu hiểu những khó khăn của nhiều gia đình Việt Nam, hai vợ chồng ông từ lâu đã đóng góp nhiều cho công tác từ thiện, đặc biệt với chương trình Phẫu thuật Nụ Cười với mong ước mang lại ngày càng nhiều hơn nụ cười hạnh phúc cho các thế hệ tương lai. Và không dừng lại ở việc ủng hộ tài chính, ông đã hướng cậu con trai Doo Soo tham gia các hoạt động từ thiện, chỉ cho em thấy những hoàn cảnh cơ cực của những người cha người mẹ đang ngày ngày làm việc vất vả để nuôi những đứa con với hình hài chưa trọn vẹn.

Trung bình cứ 500 đứa trẻ sinh ra ở Việt Nam thì có một bị sứt môi hoặc hở hàm ếch. Và dù chỉ cần khoảng 100 đô-la Mỹ (tương đương gần 2 triệu đồng Việt Nam) để thực hiện phẫu thuật mang lại nụ cười bình thường cho mỗi em, vẫn có rất nhiều gia đình không có đủ khả năng..., rất nhiều đứa trẻ lớn lên với sự mặc cảm lớn khi không thể có một nụ cười. Năm 1991, những chuyên gia y học công tác tình nguyện tại Việt Nam đã thành lập tổ chức Phẫu thuật Nụ Cười Việt Nam, thành viên của tổ chức Phẫu thuật Nụ Cười ở Mỹ, một tổ chức phi chính phủ hiện đã có mặt tại hơn 50 quốc gia trên thế giới. Hằng năm tổ chức này đều đưa nhiều đoàn y, bác sĩ tình nguyện ở nhiều nước trên thế giới tới Việt Nam phẫu thuật miễn phí tái tạo hàm ếch cho trẻ em có hoàn cảnh gia đình khó khăn xuyên suốt các tỉnh thành trong cả nước.

Dù chỉ là một học sinh trung học, Doo Soo cũng không muốn đứng ngoài công việc từ thiện lớn lao này. Có lần cậu đã nói với ba rằng con sẽ không bao giờ từ bỏ làm từ tình nguyện ở tổ chức Nụ Cười Việt Nam, vì đây chính là nơi con đã làm được những việc có ý nghĩa nhất.

Năm trước Doo Soo đã đưa 5 người bạn cùng trường cùng tình nguyện tới Việt Nam tham gia phái đoàn bác sĩ Hàn Quốc đến để phẫu thuật hàm ếch cho những em nhỏ có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Doo Soo và những người bạn của em làm phiên dịch tình nguyện cho các bác sĩ Hàn Quốc và Việt Nam.

Năm nay sứ mạng của cậu lớn hơn. Để chuẩn bị cho chuyến đi, Doo Soo đã kêu gọi quyên góp từ những người bạn đồng hương và những người hảo tâm cùng các thầy cô trong trường. Và cũng khác với những năm trước, ngoài việc trao tiền ủng hộ, làm tình nguyện viên, năm nay Doo Soo có một ý tưởng mới cho chuyến đi này. Chứng kiến các bé sau khi phẫu thuật thường khóc rất nhiều vì vết thương còn đau và xung quanh toàn những chiếc áo blouse trắng bệnh viện, Doo Soo nghĩ rằng nếu như có món quà gì đó tặng các bé trong lúc này sẽ khiến cho các bé thấy vui hơn và sẽ hết khóc, và như vậy thì các y, bác sĩ cũng sẽ ít căng thẳng hơn khi phẫu thuật. Nghĩ vậy, Doo Soo xin phép ba để vào làm việc trong nhà máy sản xuất thú nhồi bông trong 7 ngày để có được những con thú nhồi bông tặng các bé. Ba Doo Soo có đầu tư một nhà máy sản xuất thú nhồi bông hoạt động hơn 10 năm nay ở TP.HCM. Các sản phẩm chủ yếu xuất khẩu và làm quà tặng, nhưng lần này những con gấu bông không còn là những sản phẩm gia công xuất khẩu nữa, mà nó được tạo nên từ ý tưởng và sức lao động của một cậu bé học sinh trung học để tới chung vui với những bé có hoàn cảnh không may, xoa dịu nỗi đau mà các bé đang phải chịu. Và Doo Soo đã trở thành một “công nhân đặc biệt” trong dây chuyền sản xuất thú nhồi bông. Doo Soo đã thành lập một câu lạc bộ ở trường trung học Knox School và đang có nhiều bạn cùng tham gia với tinh thần vì nụ cười trẻ em Việt Nam. Hiện câu lạc bộ của Doo Soo đang cố gắng hết sức mình để tạo ra nhiều hoạt động hơn đem lại nhiều nụ cười cho trẻ thơ vì mỗi nụ cười của bé là một điều vô giá trên thế gian...

So với những chục triệu, trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng của những cá nhân, tổ chức được xướng lên trong những chương trình từ thiện truyền hình trực tiếp, thì có lẽ số tiền mà Doo Soo tự tay quyên góp được không có gì đặc biệt. Nhưng thay vì có thể xin tiền cha mẹ mình, những người chắc chắn là rất giàu có, để góp cho quỹ từ thiện-thế cũng là tuyệt vời rồi, khi không ít những đứa trẻ con nhà khá giả ở Việt Nam chạc tuổi cậu ném tiền của cha mẹ vào game, vào đua xe và nhiều trò đốt tiền khác, thì Doo Soo làm từ thiện bằng chính những ngày công lao động của mình. Thay vì có thể xin cha những con thú nhồi bông do chính công ty cha cậu sản xuất, làm quà tặng cho những đứa trẻ thì Doo Soo tình nguyện làm một công nhân, để tự tay mình tham gia vào quy trình làm những con thú nhồi bông này. Và nếu không tận mắt chứng kiến, không cảm được nỗi đau của những em bé sau phẫu thuật, không yêu thương chúng như chính những đứa em mình, thì Doo Soo có nảy được ra ý tưởng thú nhồi bông thật ngộ nghĩnh và cảm động này không? Những đứa bé ấy chắc chắn sẽ cần lắm những con thú nhồi bông của Doo Soo, thay vì những bộ đồ thời trang hay những đôi giày lỗi mốt...

Từ thiện không phải là tiền, mà là sự quan tâm và tình yêu thương, bài học ấy tôi học được từ một cậu bé Hàn Quốc.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bà con vùng nhiễm mặn nhận nước lọc từ đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá

Đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá (TP.Vũng Tàu) trao 600 bình nước ngọt đến 300 gia đình tại Bến Tre

GNO - Sáng 24-4, đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá do Đại đức Thích Thiện Triều, Thư ký Ban Trị sự GHPGVN TP.Vũng Tàu (BR-VT) và Ni sư Thích nữ Phước Duyên, Phó trụ trì Linh Quang tịnh xá (TP.Vũng Tàu) tiếp tục trao 600 bình nước ngọt đến các xã đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt tại tỉnh Bến Tre.
Phật giáo ứng xử như thế nào trước cơn bão truyền thông?

Phật giáo ứng xử như thế nào trước cơn bão truyền thông?

GNO - Đó là vấn đề được bạn đọc gởi về tòa soạn, trước hiện tượng Phật giáo, cụ thể là Tăng Ni, chùa chiền trở thành chủ đề châm biếm, chỉ trích trong dư luận, trên thế giới thông tin xã hội. Mời bạn đọc cùng theo dõi nội dung trên Báo Giác Ngộ số 1249, ra ngày 26-4.

Thông tin hàng ngày