Vạn Niên tự - ngôi chùa cổ hơn ngàn năm tuổi

Vạn Niên tự - ngôi chùa cổ hơn ngàn năm tuổi

Chùa Vạn Niên nằm soi bóng bên hồ Tây, thuộc địa phận ấp Quán La, nay là thôn Vệ Hồ của Xuân Tảo Sở, phường Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội. Hiện nay trên nóc chùa còn ba chữ triện đắp nổi “Vạn Niên tự” nhưng tên cũ của chùa là Vạn Tuế. Theo Thăng Long cổ tích khảo, “chùa ở bờ tây hồ Tây... Lý Thuận Thiên năm thứ 5 (1014), Hữu Nhai tăng thống xin tâu lập giới đàn tại đây, thụ giới cho các tăng đồ. Vua xuống chiếu ban cho. Bấy giờ, danh tăng Lâm Tuệ Sinh, Thảo Đường thời Lý kế thừa trụ trì ở đây”. Như vậy, ngôi chùa này phải được xây từ trước đời Lý. Đến thời Lý, chùa Vạn Niên đã là chốn tùng lâm thị giới cho các tăng đồ và phải là một ngôi chùa lớn có nhiều cao tăng đến trụ trì như Lâm Tuệ Sinh, Biện Tài, đặc biệt là Thảo Đường. Theo sách An Nam chí lược, cao tăng Thảo Đường theo sư phụ đi truyền giáo ở Chiêm Thành, khi vua Lý Thánh Tông đem quân đánh Chiêm Thành, bắt được sư Thảo Đường đã đưa về làm nô của Tăng Lục. Một lần, Tăng Lục viết ngữ lục để ở bàn rồi có việc ra ngoài, sư Thảo Đường lén lấy sửa lại. Tăng Lục lấy làm lạ về tên nô nên đã tâu lên vua. Và vua đã phong Thảo Đường là quốc sư. Cũng theo sách Nho Phật đạo bách khoa từ điển của Trung Quốc, Thảo Đường là đệ tử của Cao tăng Trọng Hiển núi Tuyết Đậu. Khi được phong quốc sư đời Lý Thánh Tông, Cao tăng Thảo Đường đã truyền bá phép tu Trọng Hiển, giảng hàng trăm phép tắc của sơn môn Tuyết Đậu và chính thức thành lập thiền phái Thảo Đường. Thiền phái Thảo Đường đã được các đời vua thời Lý như Lý Thánh Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông ủng hộ, họ không xuất gia nhưng tự coi là đệ tử của thiền phái. Các chùa Hà Nội hiện nay, đặc biệt là các chùa ở Tây Hồ chịu ảnh hưởng rất lớn ở môn phái này, trong đó sư Thảo Đường từng trụ trì cả chùa Trấn Quốc và chùa Vạn Niên. Nhiều nhà nghiên cứu còn cho rằng, Thảo Đường không chỉ dừng lại ở tư tưởng Thiền - Tịnh hợp nhất mà còn là Thiền - Tịnh - Mật hợp nhất (phái Thiền tông, phái Tịnh Độ tông và phái Mật tông).

Hiện nay, chùa Vạn Niên thờ Phật và bà chúa Liễu Hạnh. Suốt hơn 1.000 năm lịch sử, qua bao thăng trầm, thay đổi, ngôi chùa cũng đã nhiều lần trùng tu. Đến nay, chùa Vạn Niên có phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Mặt bằng chùa bao gồm: tam quan, chùa chính và điện mẫu, ẩn hiện dưới những vòm cây cổ thụ và in bóng xuống hồ Tây. Bộ di vật của chùa gồm hơn 40 pho tượng tròn và 10 đạo sắc phong thần của thời Lê, Tây Sơn được đánh giá là lớn và có giá trị lịch sử - văn hoá nghệ thuật cao được lưu giữ tại chùa. Ngôi cổ tự này cũng là nơi dừng chân của nhiều du khách đến thưởng ngoạn cụm di tích phủ - đền - chùa Hồ Tây của thủ đô ngàn năm tuổi.         

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Giới luật của người xuất gia

GNO - Mỗi người xuất gia là một nhân tố quan trọng quyết định sự tồn vong của đạo pháp. Nhưng con người rất dễ bị tham sân si chi phối Cho nên, người đệ tử Phật cần tự điều phục tâm mình bằng cách thọ trì giới luật.
Tưởng niệm Tuần chung thất Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh

Tưởng niệm tuần chung thất Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh - Thành viên Hội đồng Chứng minh

GNO - Sáng nay, 21-12, tại tổ đình Phật Bửu (Q.3, TP.HCM), Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Q.3 và môn đồ pháp quyến trang nghiêm tổ chức Lễ tưởng niệm tuần chung thất Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh, Thành viên Hội đồng Chứng minh, Tông trưởng Thiền Tịnh đạo tràng.

Thông tin hàng ngày