Vất vả trẻ mưu sinh dịp hè

GN - Dịp về quê ngoại ở Thái Nguyên vừa rồi, tôi được chứng kiến mấy đứa em con nhà chú, dì, chỉ mới hơn 10  tuổi, hiện đang học cấp 2 đã rủ nhau cật lực đi kiếm tiền bằng công việc bán kem dạo…

Từ những que kem lạnh

10anh.jpg

Nghe bố mẹ chúng kể rằng, vừa nghỉ hè được mấy hôm là chúng nằng nặc đòi đi bán kem để lấy tiền tiết kiệm mua quần áo, sách bút chuẩn bị cho năm học mới. Vì kinh tế nhà chú, dì tôi không lấy gì là khá giả nên bọn trẻ từ mấy năm nay đã nghĩ ra chiêu kiếm tiền để tự lập mua sắm cho mình.

Tuấn, năm nay học lớp 7, con nhà chú tôi khoe: “Mỗi hôm em lấy khoảng 150 que kem và đi bán làm 2 chuyến sáng - chiều! Kem chủ yếu bán cho trẻ con, nhưng dạo này là mùa gặt lúa, trời lại nắng nóng nên bán cho người lớn cũng được nhiều. Có hôm, em chỉ đứng ở chỗ bụi tre đầu làng đợi người ta chở lúa, chở rơm về cũng bán hết veo cả trăm que kem…”. Mỗi ngày trừ vốn đi rồi tiền lãi từ việc bán hết hơn trăm que kem cũng được khoảng từ 80-100.000 đồng. Thi thoảng những hôm trời mưa thì kem mới ế, chứ đại đa số là hàng bán hết.

Công việc bán kem kiếm tiền mỗi khi dịp hè tới, từ nhiều năm nay được học sinh ở các làng quê thuộc khu vực đồng bằng Bắc Bộ xem là khá… phổ thông, bởi công sức, tiền vốn bỏ ra là lợi nhuận nhìn thấy ngay. Để kiếm được đồng tiền, các em phải đi bán kem cả ngày rất vất vả. Cậu bé, cô bé nào đi bán kem da cũng đen nhẻm, bởi dưới cái nắng chang chang các em phải đạp xe đi lấy hàng, rồi đi bán tới khi nào hết mới chịu về.

Một chị hàng xóm, nhà ngay sát nhà nội tôi có thằng con học lớp 8 đi bán kem bảo: “Tôi cấm nó bao lần mà nó vẫn theo bạn đi buôn kem. Thấy nó đen nhẻm, nắng nôi vất vả cũng thương nhưng nói nó không nghe. Nó bảo đi buôn để lấy tiền may quần áo mới, tự mua sách bút… Chẳng biết hơn chục ngày đi bán kem nó kiếm được bao nhiêu, nhưng hôm qua nghe nói mỗi ngày nó cũng lãi được hơn 80.000 đồng gì đó…”.

… Đến những quả chanh tươi

Trẻ em sinh ra và lớn lên ở nông thôn thường là các em rất chăm chỉ làm việc. Có nhiều em, sau khi nghỉ hè đã đi lên thành phố để mưu sinh kiếm tiền vì biết hoàn cảnh kinh tế gia đình mình nghèo túng. Em Lê Văn Đạt và em Nguyễn Văn Tuấn, đều là học sinh lớp 9, ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội), là một trong ví dụ khá điển hình. Thực ra, khi tiếp xúc với hai em ở cổng chợ Long Biên với 2 thúng chanh quả đầy ngất ngưởng, tôi mới biết 2 em đã đi bán chanh quả được 2 hè rồi. Đạt kể: “Vụ hè này đã là lần thứ 3 bọn em ra Hà Nội bán chanh đấy. Nhà bọn em nghèo lắm, cả gia đình trông vào mấy sào ruộng nên quanh năm không bao giờ đủ ăn. Vì vậy, cứ nghỉ hè là bọn em lại rủ nhau đi buôn để lấy tiền phụ giúp bố mẹ và dành dụm một ít để chi tiêu cho mình khi bước vào năm học mới…”.

Mỗi ngày, hai em cất chanh quả tươi từ chợ Long Biên và đội đi bán trong phố. Mỗi thúng chanh đầy khoảng gần 20kg, Đạt và Tuấn bán hết mỗi người cũng chỉ lãi được khoảng từ 70-100.000 đồng. Ngoài công việc bán chanh quả ra, buổi tối hai em còn ra khu vực chợ đêm Đồng Xuân làm công việc bưng bê, rửa bát thuê cho một quán phở đêm với mức thù lao 70.000 đồng/người/tối. Sau khi mưu sinh tất bật suốt cả gần 20 tiếng trong ngày, cả hai lại lê gót về khu nhà thuê trọ theo đêm ở ngoài bãi Phúc Xá ngủ, để sớm mai có sức đi bán chanh tiếp. Hai em cho biết, cho dù có kiếm được nhiều tiền thì khi nào chuẩn bị đi học là cả hai lại về đi học tiếp và “hẹn” việc kiếm tiền đến hè sang năm mới tiếp tục...

Đi trên phố, chúng ta vẫn thường xuyên bắt gặp hình ảnh những cậu bé, cô bé người nhỏ thó, đen đuốc cuốc bộ khắp nẻo đường để bán kẹo cao su, bán tăm, bán móc khóa, bấm móng và nhiều thứ quà vặt, linh tinh khác… đó chính là những em học sinh ở quê nhân lúc nghỉ học, tranh thủ đi kiếm tiền.

Tuy thế, ở nơi đô thị phồn hoa với đầy dẫy những phức tạp thì đôi khi môi trường này cũng rất có thể dễ dàng làm hỏng các em. Tương lai của các em là học tập và con đường dài ở phía trước, cha mẹ không thể vì lý do kinh tế mà để con mình ra đời kiếm sống sớm, ảnh hưởng đến sức khỏe và học tập của các em trong năm học mới.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày