Về hai câu thành ngữ liên quan đến hổ

Chúa sơn lâm trong tranh cổ Trung Quốc
Chúa sơn lâm trong tranh cổ Trung Quốc
Trong dân gian ta từng lưu truyền khá nhiều câu thành ngữ liên quan đến… hổ. Nhưng phổ biến nhất có lẽ vẫn là mấy câu "Cáo mượn oai hùm" và "Tọa sơn quan hổ đấu".

Nhân dịp năm mới Canh Dần, xin giới thiệu cùng bạn đọc hai câu chuyện được trích rút từ "Chiến quốc sách", cùng những bài học quý báu đúc rút từ đó.Thông qua hai câu chuyện, chúng ta có thể đặt câu hỏi: Phải chăng đây chính là xuất xứ của hai câu thành ngữ "Cáo mượn oai hùm" và "Tọa sơn quan hổ đấu" nói trên.

Chuyện thứ nhất

Khi Tuyên Vương làm vua nước Sở, Chiêu Hề Tuất chỉ là một kẻ bề tôi. Thế nhưng điều lạ là ai nghe thấy tên Chiêu Hề Tuất cũng phải kinh sợ. Vua lấy làm lạ, bèn hỏi quần thần thì có người dũng cảm thưa rằng: "Con hổ hay bắt các giống thú để ăn thịt. Một hôm bắt được con cáo, cáo bảo: Liệu đó! Chớ có động chạm đến ta mà chết ngay bây giờ. Ta là Trời sai xuống, cầm quyền coi hết cả bách thú. Ngươi mà ăn thịt ta, là trái mệnh Trời, hại đến thân ngay lập tức… Không tin, để ta đi trước, ngươi theo hầu sau, xem có con thú nào trông thấy ta mà lại không sợ hãi tìm đường trốn cho mau không. Hổ cho là cáo nói thật, bèn theo cáo đi. Quả nhiên bách thú trông thấy đều sợ mà chạy cả.Hổ vẫn không biết rằng bách thú sợ mình mà chạy, cứ tưởng là sợ cáo. Nay nhà vua nước mạnh, quân nhiều mà vua giao cả quyền thế cho Chiêu Hề Tuất, người phương Bắc sợ Hề Tuất nhưng kỳ thực là sợ vua cũng như bách thú sợ hổ vậy".

Câu chuyện hoàn toàn làm ta nhớ tới câu thành ngữ "cáo mượn oai hùm". Bài học của nó quá rõ ràng và đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Thông qua câu chuyện, mọi người, đặc biệt là những vị thượng cấp cần rút ra bài học cảnh tỉnh, rằng ở đời không ít kẻ quỷ quyệt ở dưới đã lợi dụng cấp trên làm tấm bình phong để không ngừng củng cố uy danh uy lực.

Thậm chí, có nơi có chỗ, họ tìm cách tiếp cận, chụp ảnh với các vị lãnh đạo rồi từ đó về dọa dẫm ở cơ sở, tạo uy thế và dư luận giả, khiến các vị lãnh đạo ngỡ họ có uy tín, được lòng người quy thuận. Chỉ đến khi xảy ra sự đổ bể này khác mới rút ra bài học, khi đó mọi sự đã trở nên quá muộn.

Chuyện thứ hai

Hai con hổ ăn thịt một con trâu. Một người muốn ra đâm hổ, chợt có đứa trẻ con bảo rằng: "Hãy hượm ông ạ. Hổ là giống tàn bạo, trâu bò là mồi ngon. Bây giờ hai con hổ đang cùng ăn một con trâu, thấy thịt trâu rất ngon, tất tranh nhau đánh nhau. Đánh nhau thì hổ nhỏ chết mà hổ lớn cũng bị thương. Ông đợi đến bấy giờ hãy ra tay, thì có phải chỉ đâm một con, mà rồi được cả hai con không? Như thế thì chẳng là công dùng ít mà lợi được nhiều ư?".Người đàn ông nọ cho lời nói là phải, làm theo y như thế. Quả nhiên bắt được hai con hổ.

Câu chuyện gợi ta nhớ tới câu thành ngữ "Tọa sơn quan hổ đấu" (có nghĩa: ngồi trên núi nhìn hổ đánh nhau). Chuyện dạy con người biết thừa cơ hành động. Có sức nhưng phải có trí.

Bên cạnh đó, câu chuyện còn gợi cho người đọc một suy nghĩ khác về sự đoàn kết: Chỉ vì miếng ăn, hai con hổ tranh nhau, đánh nhau, dẫn đến con chết, con tử thương, sức lực suy yếu, bấy giờ lại trở thành miếng mồi ngon cho kẻ khác. Đó là bài học cảnh tỉnh: Biết hy sinh chút quyền lợi nhỏ để bảo vệ lợi ích lâu dài, có ý nghĩa sống còn.

Hai câu chuyện trên thật là bài học đặc sắc quý giá đối với con người còn hơn thứ rượu "cao hổ cốt" vậy.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày