GN - Có một ngôi chùa ở vùng sâu ấp Mỹ Trung, xã Mỹ Hội, huyện Cái Bè (Tiền Giang) mà ai cũng biết, đó là chùa Phước Hội. Dù nép mình bên trong con rạch nhỏ, cách con sông Cái khá xa nhưng chùa vẫn được xây dựng khang trang, chánh điện - nơi thờ tự rất trang nghiêm. Suốt 40 năm qua, chùa trải qua biết bao thăng trầm và biến cố lịch sử nhưng vẫn luôn là điểm tựa tâm linh của Phật tử, nơi chia sẻ khó khăn của đồng bào nghèo trong vùng…
Điểm tựa tâm linh thời chiến, lẫn thời bình
Đường dẫn vào chùa có hai lối đi, một là theo con đường nhỏ bằng xi-măng, ngoằn ngoèo, hai là phải di chuyển bằng ghe. Nhưng nếu Phật tử chọn đi bằng ghe thì phải vượt qua đoạn sông Cái khá xa, rồi len lỏi theo con rạch mới đến chùa. Mặc dù những vùng lân cận có chùa, điều kiện đi lại dễ dàng hơn nhưng nhiều Phật tử tuổi đã ngoài sáu mươi vẫn chọn Phước Hội để thăm viếng vào những ngày quan trọng.
Hỏi một bác Phật tử vì sao lại chọn đến viếng chùa này vào ngày rằm, bác cười bảo: “Thời chiến tranh, mỗi lần bom giặc bỏ xuống là cha mẹ tôi hướng về chùa khấn vái. Nhờ vậy, Phật che chở cho anh em chúng tôi, không ai bị thương. Xưa giờ, cha mẹ chúng tôi đi chùa này, đến đời tôi, rồi đến con tôi cũng gắn bó với ngôi chùa này vì lẽ ấy…”.
Mặt tiền, cổng tam quan chùa Phước Hội
Có đến thăm chùa vào ngày rằm, ngày vía, tôi mới cảm nhận được đời sống tâm linh thuần khiết, chân chất yêu thương của bà con vùng quê này. Người dân tay lấm chân bùn vẫn thắp hương, thành kính cầu nguyện lên chư Phật. Những người đang chèo ghe, vội đi chở hàng nhưng vẫn với lên nói câu hỏi chào, lời chúc tốt lành với người quen đi lễ chùa. Ngày vía, mùi nhang trầm được bà con thắp cả ngày lẫn đêm, lan tỏa khắp một triền đê, tạo nên không khí thanh tịnh, yên ả cho cả một vùng quê sông nước.
Khác biệt với những ngôi chùa ở những xã lân cận, trước cổng chùa Phước Hội, cặp bên mé con rạch là điện Quan Âm và Địa Tạng được xây dựng khang trang. Vào những ngày rằm, vía, ở đây luôn được thiết trí trang nghiêm. Vì sao lại có sự đặc biệt này, thầy Quảng Thiện, trụ trì chùa giải thích: “Ở vùng quê sông nước, phương tiện ghe xuồng vẫn được người dân sử dụng làm phương tiện chính để đến chùa và chuyên chở, mưu sinh nên tôi chủ ý xây dựng, an vị hai tôn tượng cặp mé con rạch để mọi người di chuyển ngang qua có thể cầu nguyện và thấy an tâm trong cuộc hành trình”.
Trong dòng người chèo ghe đến chùa lễ Phật, bác Huệ Tâm thật tình cho biết: “Tui khuya nào cũng chèo xuồng đưa mấy đứa con đi làm qua đoạn rạch này, rồi chiều tối chèo xuồng về nhà cũng đi ngang qua đây. Mỗi ngày, tui đều có hai lần dừng xuồng lại, lạy Mẹ Quan Âm, ngài Địa Tạng. Hễ khuya nào mà nhìn thấy chùa bắt đèn sáng rực là biết mai đến ngày vía, tức là ngày tui ăn chay.
Chùa này, ngày xưa che chở cho gia đình tui trong lúc khói lửa chiến tranh, rồi thời bình cũng hộ trì cho gia đình sum họp, con cháu mạnh khỏe, làm ăn suôn sẻ nên ngày rằm, tui chỉ đi chùa này thôi. Ở đây, bà con đến chùa một phần vì chùa này có từ xa xưa, một phần vì kính trọng, yêu mến thầy Quảng Thiện. Không có thầy ở lại trụ trì thì không có ngôi chùa khang trang này”.
Hỏi ra mới biết, để chùa Phước Hội trở thành nơi thờ tự trang nghiêm như ngày hôm nay, đó là cả chặng đường 40 năm đầy gian nan, thử thách. Chiến tranh đi qua để lại cho chùa chằng chịt những “vết thương”, tất cả đều tan hoang chìm trong mênh mông biển nước. Thế nhưng, chùa chưa một ngày vắng tiếng tụng kinh, niệm Phật của thầy Quảng Thiện, người được thầy tổ giao trọng trách kế thừa ngôi Tam bảo.
Trước biến cố, mạng mạch Phật pháp vẫn được duy trì
Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Mỹ Hội cho biết: “Thời chiến tranh, nơi đây chết không biết bao nhiêu người. Ngày xưa mà kêu đi qua chỗ này, nói thiệt không mấy ai dám đi vì sợ dữ lắm, bởi mọi người đồn với nhau, ở đây có thế giới âm hồn. Dường như chỉ có mình thầy Quảng Thiện mới dám ở lại chùa vào thời đó.
Chùa được như bây giờ, thầy Quảng Thiện phải mất đúng 40 năm trùng tu dần, 4 hố bom, 7 hố pháo đã được san bằng. Tôn tượng Phật đã hiện diện từ trong chánh điện đến khuôn viên vườn chùa. Giờ đây, sinh khí vùng đất này ngày một khởi sắc, vui tươi nhờ tiếng chuông mõ, tụng kinh, niệm Phật hàng ngày của những người hướng về đạo pháp. Nhìn cảnh chùa được như ngày hôm nay, không chỉ bà con Phật tử nơi đây mừng mà chính quyền địa phương cũng mừng”.
Nhớ lại khoảng thời gian 40 năm về trước, thầy Quảng Thiện bảo: “Giờ nghĩ lại, tôi cho rằng mình được Phật gia hộ nên mới hoàn thành nhiều sở nguyện tại ngôi chùa này. Đặc biệt là thực hiện các pháp sự, cầu an cho người dân ở đây đồng thời hồi hướng công đức này, cầu nguyện âm siêu, vãng sanh về cõi lành. Một mình tôi không xuể, mỗi năm hễ có duyên lành, tôi mời chư Tăng, huynh đệ cùng đông đảo Phật tử ở quanh vùng về tụng kinh cầu an, cầu siêu. Duyên nối duyên, nhờ nguyện lực của nhiều người mà dần dần chùa trở nên thanh tịnh và bà con đi ngang qua khu vực này, ai cũng cảm thấy nhẹ nhàng, bình an”.
TT.Thích Quảng Thiện tặng quà đến Phật tử nghèo
Hỏi thầy, khó khăn như thế, động lực nào giúp thầy kiên trì, bám trụ với vùng đất này, thầy trải lòng: “Chùa này là của thầy tổ đã dày công xây dựng, là nơi bà con Phật tử nương tựa, khấn nguyện mỗi khi có biến cố. Trong thời kỳ kháng chiến, Mỹ bỏ bom chùa tan hoang, người dân di tản đi khắp nơi. Không lẽ thấy vậy mà mình cũng bỏ chùa luôn sao nên tôi chịu cực bám trụ, dốc lòng tu tập, hướng dẫn bà con Phật tử, nhờ vậy mà giữ được mái chùa. Chùa đã che chở cho tôi và bà con Phật tử ở đây như vậy”.
Vì cái tình, cái nghĩa và cái tâm của thầy, Phật tử, người dân nơi đây chung tay, lặn hụp ngoài mé sông, lấy từng bao cát, từng cục đất dưới lòng sông. Công sức của mọi người để lấp từng hố pháo, hố bom, chắp vá, san lấp bằng phẳng 5.000m2 diện tích đất của chùa không thể nào tính hết.
“Thời gian có thể phai mờ đi tất cả nhưng có những hình ảnh tôi không bao giờ quên và dặn lòng phải nhớ. Đó là tình cảm của Phật tử, đồng bào ở đây dành cho mình. Họ có củ khoai, lon gạo cũng cúng dường, nhường cho tôi nấu cháo ăn trong những ngày ốm đau, bệnh tật do trầm mình dưới nước quá lâu, muỗi cắn sốt rét. Chính vì tình cảm đó mà bây giờ hễ có điều kiện, tôi lại chia sẻ với bà con nghèo khó ở quanh đây” - thầy Quảng Thiện hòi tưởng lại.
Hơn 10 năm nay, như đã thành thông lệ, trong một tháng, ít nhất có một ngày chùa tổ chức khóa tu cho Phật tử, người dân tham gia. Vào những dịp Tết, ngày lễ, ngày rằm lớn, chùa thường làm cầu nối, kêu gọi mạnh thường quân đến tặng quà cho bà con và các em học sinh thuộc gia đình khó khăn, chăm học.
“Chùa Phước Hội không chỉ là nơi nương tựa tâm linh mà còn là nơi để Phật tử, người dân trong vùng nương nhờ lúc khó khăn, hoạn nạn”, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Mỹ Hội nhận định.