GN - Một ngày tháng Năm năm nào, tôi đã hữu duyên được gặp sư nơi ấy. Đó là nơi có Phật lần đầu tiên tôi đến khi xa nhà lên Sài Gòn trọ học. Đó cũng là nơi chốn tâm linh tôi trao gửi những tâm tình rất con người trong cuộc sống hàng ngày dưới chân Bồ-tát, nơi những bước chân tĩnh lặng trong sân tịnh xá hay trong một góc nhỏ thật yên ả để có thể nhìn thấy Ngài dõi theo mình, để nhắm mắt quên đi những trôi lăn trong tâm mình...
Ảnh minh họa - Ảnh: Trần Thế Phong
Những ngày cuối cùng của hành trình sinh viên, tôi thường ghé tịnh xá, chọn một góc thật tĩnh lặng để học bài chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Và tôi nhìn thấy một “ông sư” trẻ, nét mặt thật phúc hậu, ít nói, uy nghiêm nhưng lại có cảm giác gần gũi lắm. Tôi cúi đầu chắp tay chào sư, sư mỉm cười thật hiền và chắp tay “Mô Phật”…
Thời gian trôi qua, tôi vẫn ghé ngang tịnh xá lạy Bồ-tát mỗi sáng đi làm, hay mỗi chiều tan sở. Và sư vẫn bóng y bày vai hữu màu vàng đất, có khi tôi loáng thoáng nhìn thấy sư, với những Phật sự của tịnh xá. Không nhiều lần, sư đã gieo duyên cho tôi để tôi được gần hơn với lời Phật dạy, được trải nghiệm cuộc sống với chất Phật nhiều hơn. Thi thoảng, sư vẫn chia sẻ với tôi một cách thật nhẹ nhàng, tế nhị những chuyện của cuộc sống và tôi nhận ra rằng, đằng sau đó là những thông điệp thật thiện lành mà người tu sĩ muốn gửi đến mình.
“Cuộc sống người xuất gia không giống người tại gia, nên có những điều, những thứ người tại gia thấy cần thiết, cho là cần thiết nhưng những điều ấy, những thứ ấy với người tu là không quan yếu và thậm chí là không cần thiết - nhất là với vật chất đời sống hàng ngày. |
Rồi một ngày tháng Mười mấy năm về trước, tôi nhận tin - sư cho hay sẽ du học ở Myanmar, theo học bổng của chính phủ nước này dành cho Tăng Ni quốc tế sau một cuộc khảo hạch. Sư cho tôi biết hôm trước, vài hôm sau sư đã lên đường. Tôi bận rộn công việc không kịp gặp mặt chào tạm biệt sư.
Đến nơi, sư gửi cho tôi một thư điện tử nhắn rằng, sư đã đến nơi, sẽ nhất tâm học và tu thật tốt, cuối thư là lời chúc an lành đến tôi. Tôi cảm nhận được cả một nguồn năng lượng lớn lao sư gửi đến chứ không chỉ là một thư điện tử chỉ vỏn vẹn có ba dòng thật ngắn.
Một ngày tháng Tám nào đó, sư về tịnh xá có Phật sự. Tôi đến tịnh xá và được trò chuyện cùng sư. Vẫn là nét Phật lành trên khuôn mặt ấy, vẫn dáng người ấy, vẫn cách nói chuyện ấy, sư bảo: Cuộc sống người xuất gia không giống người tại gia, nên có những điều, những thứ người tại gia thấy cần thiết, cho là cần thiết nhưng những điều ấy, những thứ ấy với người tu là không quan yếu và thậm chí là không cần thiết - nhất là với vật chất đời sống hàng ngày. Thứ nữa là về cách biểu hiện của tình cảm, sự quý trọng và tình thương không phải là cách giống như người thế gian đối đãi… Tôi nghe và hiểu lời chia sẻ của sư.
Tôi dần nhận ra rằng sư đang hành và huân tập đời sống phạm hạnh của vị khất sĩ, nhận để mà cho, nhận chỉ đủ nhưng tâm nguyện cho đi thật nhiều vô ngần. Tôi biết tình thương nơi người tu là từ ái chứ không phải luyến ái của người đời.
Giữa cuộc sống nhiều lao nhọc, khi gian nan tôi hay nghĩ về sư và cảm nhận được một nguồn năng lượng bình an, cảm thấy mình có thêm sức mạnh để đi tiếp dù không một động thái “tương tác xã hội” nào được tiến hành. Tôi cũng nhận ra rằng gần gũi là ở cái tâm, khi tâm đã quy hướng về Phật, hành và sống trong tâm Phật thì sẽ nghe thấy những điều không nói ra.
Sư nhắn tôi rằng: Sư có một ước mơ là hiểu đúng những gì Phật dạy và cố gắng hết sức mình để làm được những điều đó. Và sư mong điều ước tốt đẹp này cũng được thành tựu nơi tôi. Tôi không kể lể, sư cũng không giáo điều văn tự. Tôi vốn không muốn sư bận lòng, sư cũng không muốn tôi bận lòng. Nhưng đó là sự lắng nghe, là sự thấu hiểu mà tôi vẫn không thể gọi tên là gì… Tôi chỉ cảm nhận và ngộ ra rằng, đó là sự tương duyên và sự kính trọng tôi hướng về một vị tu sĩ khả kính.
Lần gặp gần nhất là tháng Tám mùa trăng năm nay, trong thời gian sư về tịnh xá. Tôi đến tịnh xá thăm sư, vẫn là trong một thời gian rất ngắn. Sư mong tôi hãy luôn giữ vững tâm đạo và thiện tâm của mình trong đời sống để ngày càng tiến bộ trên đường đạo. Sư nói, đây cũng là điều tâm niệm của sư. Người tại gia sống giữa cuộc đời càng phải cần có nhiều dũng khí và cố gắng hơn để tâm đạo được kiên cố, để thiện tâm được vững vàng và ngày càng được vun bồi…
Một lần sư về, một lần gặp. Chỉ trong một cuộc nói chuyện khoảnh khắc nhưng tôi nhận ra nhiều điều, cái tâm và cái tình của người tu trên đường học đạo và hoằng hóa của mình. Nhẹ nhàng nhưng sâu lắng. Chừng giản đơn mà là cốt tủy, là tận cùng.
Tạm biệt sư, tôi tin rằng từng bước chân tu học và hành đạo của sư sẽ đều có sự gia hộ của Đức Phật. Về phần tôi, tôi sẽ gắng sức để sống tốt, để tâm đạo và thiện tâm luôn được duy trì giữa cuộc đời này, để có thể gần hơn với Phật, với sư trong tình pháp lữ…
Trần Trọng Hiếu
Trang Phật giáo - Tuổi trẻ chào đón tin, bài bạn đọc, cộng tác viên. Bài vở, tin tức cộng tác xin hoan hỷ gửi về: phatgiaovatuoitre@gmail.com.