GN - Nếu ví thủ đô như là gương mặt đại diện của một quốc gia, thì Vientiane mang một sự thờ ơ hiền hòa khi đón du khách du ngoạn xứ Lào. Đến đây vào mùa của cuộc sống thường nhật không lễ hội, thấy tự tánh của đất nước này hình như là cứ dùng dằng trôi xuôi theo dòng Mekong, không quá bận lòng đến cuộc sống hiện đại đang phát triển.
Điều làm tôi thấy Lào quen thuộc đó là hình ảnh những ngôi chùa Phật giáo Nguyên thủy quen thuộc ở miền Tây Nam Bộ của Việt Nam. Nhưng đó lại chính là thách thức khi đi tìm hiểu sâu về hình tượng Phật giáo ở xứ này. Bởi tôi đã quen thuộc với các hình ảnh Phật giáo Đại thừa ở những nơi đa phần tôi sinh sống và thường xuyên lui tới.
Chư Tăng khất thực - hình ảnh thanh bình và quen thuộc trên đất nước Lào - Ảnh: Trần Nguyên Hải
Chùa và Phật khắp nơi trên phố
Lần đầu đặt chân đến Vientiane, loay hoay một lúc lâu trước một ngôi chùa, tôi vì định kiến về một số hình tượng Phật và Bồ-tát, cứ mãi nghĩ ngợi tượng này là vị Phật nào, Bồ-tát gì, hay có ý nghĩa gì… Đến lúc đó mới giật mình thẹn thùng vì kiến thức về Phật học của mình còn hơn cả sơ khai. Tôi lập tức xóa bỏ định kiến, chỉ cảm nhận tất cả những gì hiện ra trước mắt mình bằng ý niệm đầu tiên. Chỉ đơn giản là mình có thấy thích không, bình yên không, hoan hỷ không, hay sợ hãi không khi nhìn vào những bức tượng đó.
Sáng sớm, ngồi bất kỳ quán cà-phê nào bên này đường, cũng có thể ngắm nhìn một ngôi chùa bình yên bên kia đường. Chùa nằm xen kẽ quán xá, nhà cửa, công sở… mang lại cho cả thành phố năng lượng bình yên. Màu sắc chủ đạo của các ngôi chùa ở đây là màu vàng, nên khi nắng sớm chiếu lên những mảng tường hay những bức tượng, mọi thứ trở nên rực rỡ một cách ma mị.
Tôi rất thích những quán cà-phê kiểu Pháp cũ xưa ở Vientiane nằm gần những ngôi chùa, hồn phương Tây hòa với tinh túy phương Đông làm cho ta bồi hồi vừa thấy quen lại vừa thấy lạ. Cùng với Campuchia và Việt Nam, Lào từng là thuộc địa của Pháp, nên rất dễ dàng để bắt gặp đâu đó hình ảnh pha trộn phong cách của ba nước Đông Dương.
Người Lào tỏ ra thân thiết khi biết bạn là người Việt. Nhiều cô hàng quán, anh lái xe tuk tuk, chú taxi, phục vụ ở quán cà-phê… hoan hỷ nói tiếng Việt, giải thích về văn hóa Lào khi tôi hỏi thăm.
Voi thần tại vườn tượng Phật - Ảnh: Xuphu
Thiên nhạc cúng dường - một cảnh trong vườn tượng Phật - Ảnh: Xuphu
Hình tượng Đức Phật cũng xuất hiện nhiều trong các tiệm tranh lớn nhỏ khắp thành phố. Tranh Phật, voi, thiếu nữ Chăm-pa và hoa sứ nằm cạnh nhau tạo nên những khối màu sắc tâm linh, huyền bí nhưng cũng rất dễ chịu khi nhìn vào. Tổng thể đó có khả năng giữ chân du khách rất lâu, ít ra kiểu du khách như tôi, người hâm mộ của chân dung Đức Phật. Bởi khi nhìn vào gương mặt ấy, ta có cảm giác như không có quá khứ, không có tương lai, không có buồn, không có vui, chỉ duy nhất cảm giác tự tại ngay thời khắc đó.
Cũng có những nơi tuy không có nhiều tượng Phật nhưng lại là nơi mang hơi thở tâm linh bàng bạc khắp không khí. Chẳng hạn như các tiểu am nhỏ trước nhà người dân Lào, lúc nào cũng được dâng hoa. Hoặc một nơi khác như The Spirit House (Ngôi nhà tâm linh) trên đường Quai Fa Ngum, nơi đẹp nhất để ngắm hoàng hôn trên dòng Mekong. Đó là một quán bar cà-phê yên bình, mộc mạc rất được du khách phương Tây yêu thích.
Một người đàn ông Pháp bàn bên cạnh bắt chuyện với tôi khi cả hai đang ngồi ngắm mặt trời xuống dần ở đây: “Cô xem, hoàng hôn ở đây thật tuyệt. Tôi đã đi nhiều nơi nhưng chưa thấy nơi nào có cảnh này đẹp như ở đây. Tôi đến Vientiane vài lần và lần nào cũng ngồi ở đây”. Tôi hỏi: “Điều gì làm cho ông thấy sự khác biệt?”. Ông ta trả lời: “Khi tôi nhìn ánh mắt chiều tà buông xuống ở ngay góc này, trên đất nước này, tôi có cảm giác sống trong thế giới tinh thần vĩnh cửu, không phải là thế giới vật chất ta đang sống”.
Hình tượng Đức Quán Thế Âm trong vườn tượng Phật - Ảnh: Xuphu
Hồn đá, hồn tượng, hồn thế gian
Vientiane có những ngôi chùa rất nổi tiếng mà hầu như du khách nào cũng muốn tham quan. Nếu có 10 nơi phải đến thì có hơn 5 điểm là chùa như bảo tháp quốc gia sơn thếp vàng That Luang ở khu chùa That Luang; Sisaket, ngôi chùa cổ nhất và gần như là biểu tượng của đất nước Triệu voi; Ho Prakeo, bảo tàng nghệ thuật tôn giáo Lào, còn gọi là chùa Phật Ngọc; chùa Mẹ Wat Simeuang, nơi người dân địa phương thường đến để cầu phúc và bình an, khu vườn tượng Phật - Buddha Park…
Những địa danh này rất nổi tiếng mà chỉ cần Google là có thể tìm kiếm rất nhiều thông tin. Tôi cũng lang thang ghé thăm tất cả. Trong đó, điểm mà tôi tha thẩn lâu nhất là vườn tượng Phật, nằm cách thủ đô Vientiane khoảng 25km về phía Đông nam.
Tượng Phật tại Ho Prakeo - Ảnh: Trần Nguyên Hải
Không hiểu sao khi bước vào khu vườn ấy, một nguồn năng lượng bình an, tươi vui, rộn ràng ùa đến rõ ràng như một làn gió mát phả lên mặt giữa trời nắng gắt. Quả thật hôm tôi đến nắng gió Lào rát mặt nhưng khu vườn vẫn có những khoảng mát rượi, mát từ bóng cây và mát từ đá. Những bức tượng được tạc bằng xi-măng và đá để tự nhiên không sơn phết đã nhuốm màu rêu phong, màu của nắng gió thiên nhiên.
Khu vườn này tuy chỉ mới được xây từ 1958 nhưng trông như xa xưa hàng thế kỷ, hồn đá tỏa khắp không gian. Cả khu vườn như tái hiện một đời sống cõi tâm linh nào đó không thuộc cõi người. Tôi đi loanh quanh khu vườn, miên man nghĩ về một thế giới mà con người đang đặt câu hỏi không biết là có thực hay không. Thế giới đó có Đức Phật, có Bồ-tát, có thánh, có tiên, có những vị đại sứ tâm linh của muôn loài.
Mặc dù trước mắt ta nhìn thấy cụ thể nhiều bức tượng đá được tạc theo tạo hình từ Phật giáo, Hindu giáo, nhiều vị thần từ sử thi Ramayana… nhưng thế giới đó tồn tại ở một thể vi tế mà con người chỉ có thể cảm nhận được bằng tâm thức. Có những tạo hình thật đến nỗi, khi nhìn vào ta có cảm giác sợ hãi, bình an hay hoan hỷ một cách rất rõ rệt. Có những nụ cười của Bồ-tát hình tướng người nữ thanh thản như bình nước cam lồ trên tay người đang tưới xuống nhân gian.
Một góc That Luang - Ảnh: Trần Nguyên Hải
Trong khi nhiều người đang trầm trồ và vui vẻ tạo dáng với nhiều bức tượng có hình thù kỳ lạ, thì tôi cố kiếm một góc yên tĩnh để cảm nhận hết nguồn năng lượng bình an nhẹ nhàng len lỏi khắp khu vườn. Từ đây, tôi có thể nhìn toàn cảnh bức tượng Phật lớn nhất nằm thanh thản giữa thế gian, dưới bóng cây to lớn tỏa bóng mát. Tôi vẫn hay tin vào một cái duyên kỳ ngộ. Tôi có cảm giác như vị pháp sư người Thái, Luang Pu Bunleua Sulilat, nhân vật đã xây khu vườn Phật này, là một người có duyên, hoặc ít ra từng là bạn bè ở một kiếp trong nghìn trùng kiếp nào đó với các nhân vật trong khu vườn này, để rồi tạc nên những bức tượng sống động như vậy.
Theo lời kể của bác hàng nước bên ngoài khu vườn, thì ông pháp sư này rất am hiểu đạo Phật và đạo Hindu, thường mặc đồ trắng, từng bị té xuống vực và gặp một vị sư phụ, từ đó đi theo con đường tâm linh. Nhìn gương mặt rất chân tình, lời kể đầy nhiệt huyết của bác hàng nước, tôi cứ nghĩ đến những nhân vật trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung. Đời quả là giấc mộng dài, ảo thực tương duyên.
Sẽ là nguồn sáng tác bất tận
Có hai điều đáng tiếc nhất khi đến Lào lần này. Điều thứ nhất là cái máy chụp hình bị trục trặc, nên ý tưởng về một bộ ảnh tượng Phật đã chưa thực hiện đúng ý nguyện. Điều thứ hai là kiến thức về Phật giáo Nguyên thủy, về đạo Hindu, về các sử thi trong văn hóa Lào và vùng Mekong tôi biết quá ít, nên cũng chưa cảm nhận trọn vẹn những gì mình nhìn thấy. Nỗi nuối tiếc cứ vây lấy tôi không dứt. Nhưng, tin tôi đi, đó lại chính là lời hứa tôi sẽ quay lại đất Phật hiền hòa này để thực hiện một cuộc nghiên cứu chuyên sâu.
Những hình tượng Phật luôn có khả năng rủ rê một cách vi diệu, với tôi. Ở tận cùng của những bức tượng kia, là văn hóa, là nhân loại, là vũ trụ vô biên, mà Lào hay bất kỳ đất Phật nào khác, đều có thể là nguồn cảm hứng bất tận.
Vị sư trẻ người Lào dâng xôi cúng Phật - Ảnh: Trần Nguyên Hải
Lúc rời khu vườn Phật rêu phong, bất chợt câu hát “Hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi đời” vang lên trong tâm thức tôi. Đá không có tuổi, loài người cũng không có tuổi và vạn vật không có tuổi.