Vĩnh Long: Lễ truy niệm Trưởng lão Hoà thượng Thích Nhựt Huệ, Thành viên Hội đồng Chứng minh

Lễ truy niệm Trưởng lão Hòa thượng Thích Nhựt Huệ diễn ra chiều 13-5 tại chùa Hội An
Lễ truy niệm Trưởng lão Hòa thượng Thích Nhựt Huệ diễn ra chiều 13-5 tại chùa Hội An
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Chiều13-5, tại chùa Hội An (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long), Trung ương Giáo hội và môn đồ đệ tử đã trang nghiêm cử hành lễ truy niệm cố Trưởng lão Hoà thượng Thích Nhựt Huệ, Thành viện Hội đồng Chứng minh.
Chư tôn tại buổi lễ truy niệm

Chư tôn tại buổi lễ truy niệm

Quang lâm chứng minh có Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự; Hòa thượng Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Tăng sự Trung ương; Hòa thượng Thạch Sok Xane, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Trà Vinh; Thượng tọa Thích Lệ Lạc, Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Vĩnh Long; chư tôn đức Văn phòng II Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh.

Tham dự có đại diện lãnh đạo Tỉnh uỷ, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban MTTQVN, các cơ quan, đoàn thể, tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Trà Vinh và địa phương sở tại; cùng đông đảo Tăng Ni, Phật tử các nơi đồng đến tiễn đưa Trưởng lão Hoà thượng lần cuối.

Hòa thượng Thích Thiện Pháp ôn lại cuộc đời và đạo nghiệp của Trưởng lão Hoà thượng Thích Nhựt Huệ

Hòa thượng Thích Thiện Pháp ôn lại cuộc đời và đạo nghiệp của Trưởng lão Hoà thượng Thích Nhựt Huệ

Tại lễ truy niệm, Hòa thượng Thích Thiện Pháp đã cung tuyên tiểu sử ôn lại cuộc đời và đạo nghiệp của Trưởng lão Hoà thượng Thích Nhựt Huệ.

Theo đó, Trưởng lão Hoà thượng thế danh Huỳnh Văn Tám, sinh năm Canh Thìn (1940) tại cù lao Quới Thiện, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.

Ngài được trụ trì chùa Vạn Cổ là Hòa thượng Bá Huệ ban cho Pháp tự là Quang Tuệ, pháp húy là Trừng Quang, Pháp hiệu là Nhựt Huệ kế thừa dòng thiền Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 41, năm ấy ngài vừa tròn 16 tuổi. Sau khi xuất gia, Hoà thượng đã nỗ lực tinh tấn tu học, dõng mãnh công phu công quả nên được Hòa thượng và Phật tử tại bổn tự vô cùng quý mến. Năm 1960, ngài thọ giới Sa-di tại chùa Vạn Cổ, đến năm 1966, thọ Tam đàn Cụ túc tại chùa Huệ Nghiêm.

Lễ truy niệm Trưởng lão Hòa thượng Thích Nhựt Huệ

Lễ truy niệm Trưởng lão Hòa thượng Thích Nhựt Huệ

Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Phật học tại Phật học đường Huệ Nghiêm Sài Gòn (nay là TP.HCM), năm 1969, Hòa thượng trở về Trà Vinh tu học tại chùa Phật Tâm và làm trụ trì cho đến ngày viên tịch.

Sinh tiền, Trưởng lão được suy tôn lên Thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Trà Vinh tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII.

Trưởng lão Hòa thượng nguyên Uỷ viên Hội đồng Trị sự GHPGVN; Nguyên Trưởng ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Cửu Long; Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Trà Vinh; Nguyên Trưởng ban Tăng sự GHPGVN tỉnh Trà Vinh; Nguyên Hiệu trưởng Trường TCPH Trà Vinh; Nguyên Đại biểu HĐND tỉnh Trà Vinh; Nguyên Trụ trì tổ đình Lưỡng Xuyên; Trụ trì chùa Phật Tâm (ấp Đại Thôn, xã Phước Hảo, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh).

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn đọc lời tưởng niệm của Trung ương Giáo hội

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn đọc lời tưởng niệm của Trung ương Giáo hội

Tri ân công đức của Trưởng lão Hoà thượng đã vì Đạo pháp và Dân tộc trong suốt cuộc đời tu hành, Hoà thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự thành kính đọc lời tưởng niệm của Trung ương Giáo hội dâng lên cúng dường Giác linh ngài.

Lời tưởng niệm có đoạn: “Bằng hạnh đức, giới đức trang nghiêm thanh tịnh, thân giáo, khẩu giáo, ý giáo thâm nghiêm, Trưởng lão Hòa thượng là hiện thân của giới luật, là thọ mạng của Phật pháp, là bậc mô phạm của Tăng Ni, Phật tử. Mỗi lời nói của Trưởng lão Hòa thượng là khơi mầm trí huệ, mỗi bước đi của Trưởng lão Hòa thượng là mở lối tương lai, là hiện thân của giải thoát vô ngại… Công đức và đạo nghiệp của Trưởng lão Hòa thượng vẫn còn sống mãi trong tâm tư và ký ức của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam và trang sử rạng ngời của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, nhất là trang sử vàng son của Phật giáo tỉnh Trà Vinh.”

Thượng tọa Thích Trí Minh tưởng niệm tri ân công đức của Trưởng lão Hòa thượng đối với Phật giáo Trà Vinh và Vĩnh Long

Thượng tọa Thích Trí Minh tưởng niệm tri ân công đức của Trưởng lão Hòa thượng đối với Phật giáo Trà Vinh và Vĩnh Long

Tiếp đó, Hòa thượng Thích Trí Minh, Phó Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Trà Vinh thay mặt Ban Trị sự 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh, cung kính tuyên điếu văn tưởng niệm tri ân công đức Trưởng lão Hoà thượng.

Thay mặt môn đồ pháp quyến, Thượng tọa Thích Minh Giác xúc động dâng lời cảm niệm ân sư, ôn lại thời gian gần gũi được giáo dưỡng trên bước đường tu học, theo đó cũng bày tỏ sự mất mát to lớn khi người thầy khả kính viên tịch.

Thượng tọa Thích Lệ Lạc, Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Vĩnh Long, thay mặt Ban Tổ chức Tang lễ phát biểu cảm tạ.

Thượng tọa Thích Lệ Lạc cảm tạ

Thượng tọa Thích Lệ Lạc cảm tạ

Tại Giác linh đường, trước kim quan và di ảnh của Trưởng lão Hòa thượng, chư tôn giáo phẩm Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Trà Vinh, tỉnh Vĩnh Long đốt nén tâm hương cúng dường Giác linh Trưởng lão Hòa thượng. Đồng thời, kính nguyện Giác linh Trưởng lão Hòa thượng thượng phẩm thượng sanh Cao đăng Phật quốc, không quên nguyện lực, tái hiện đàm hoa, tiếp tục thực hành Bồ tát đạo, phát triển đạo vàng.

Chư tôn đức niêm hương tưởng niệm

Chư tôn đức niêm hương tưởng niệm

Sau lễ truy niệm, Hoà thượng Sám chủ thực hiện nghi thức tuyên pháp ngữ, phất trần. Theo đó, Ban Kinh sư làm lễ cung tống kim quan Trưởng lão Hoà thượng rời chùa Hội An đến chùa Kompong Ksan – tỉnh Trà Vinh, thực hiện nghi lễ trà tỳ nhục thân.

Kim quan Trưởng lão Hòa thượng sẽ được phụng tống đến chùa Kompong Ksan (khóm 8, phường 6, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) làm lễ trà-tỳ
Kim quan Trưởng lão Hòa thượng sẽ được phụng tống đến chùa Kompong Ksan (khóm 8, phường 6, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) làm lễ trà-tỳ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày