Vu lan - những “mảnh ghép” buồn

GN - Mùa Vu lan - Báo hiếu đã về với bao người con Phật. Mùa này cũng là dịp để con cái thể hiện tấm lòng hiếu thảo, tri ân công ơn sinh thành đối với cha mẹ, ông bà. Niềm hạnh phúc của cha mẹ, ông bà là thấy con cái thành người hữu ích, biết sống nhân nghĩa. Cha mẹ là tấm gương phản chiếu cho nhân cách sống của con cái nên dù bất hạnh họ vẫn thương yêu đùm bọc nhau lúc đau yếu… Tuy nhiên, không phải ai cũng có được hạnh phúc này; ở những góc khuất khác có những người cha, người mẹ già vẫn chịu cảnh bất hạnh.

Ông lão mù tần tảo nuôi vợ

Ông Trương Minh Quang, 66 tuổi, ngụ đường Minh Phụng, P.2, Q.11, TP.HCM với đôi mắt không nhìn thấy ánh sáng. Thế nhưng, hàng ngày ông chạy hết chỗ này, chỗ kia bán từng chiếc bánh lấy tiền nuôi vợ mắc bệnh tim, tiểu đường…

Năm 9 tuổi, sau một cơn bệnh đậu mùa, ông Quang trở thành kẻ mù lòa vĩnh viễn. Năm 1979, trong một lần đi bán vé số dạo tại TP.Mỹ Tho (Tiền Giang), ông tình cờ quen bà Nguyễn Thị Cưu và hai người trở thành vợ chồng. Hai ông bà sinh được hai đứa con khỏe mạnh, tưởng rằng cuộc sống gia đình sẽ khá hơn nhưng số phận thật trêu ngươi… Khi nhiều người ở quê nghe tin ông Quang bị bệnh đậu mùa rồi mới bị mù, cả gia đình ông bị người xung quanh xa lánh.

Thương vợ và các con, ông Quang quyết định cùng gia đình lên TP.HCM lập nghiệp. Hàng ngày, ông Quang đi bán vé số, mong sao có được chút tiền để lo cho vợ và các con. Thế nhưng vì bị mù nên ông thường xuyên bị lừa gạt mất cả tiền và vé số. Ông Quang bảo: “Gia đình ông luôn lênh đênh với phận rủi. Năm 2010 trong giấc ngủ, người con trai đầu của tôi bị cảm rồi chết bất ngờ khi chưa đầy 30 tuổi.

Chôn cất con chưa được bao lâu, chẳng hiểu sao, thằng con còn lại của tôi bỏ nhà đi suốt ngày. Thỉnh thoảng, nó mới quay về nhưng lại dựa vào chút đồng tiền ít ỏi của tôi…”. Nỗi buồn của ông cùng với món nợ mấy chục triệu mượn để lo cuộc sống gia đình, đám tang con ngày càng lớn.

ANH XH (2).JPG

Hai vợ chồng ông Quang làm bánh tại phòng trọ - Ảnh: Đức Thịnh

Bà Cưu là người hiền lành, hết mực yêu thương chồng nhưng vì mắc bệnh tim nên không thể làm được nhiều. Mọi công việc trong gia đình đều một tay người đàn ông mù ấy gánh vác. Sau bao nhiêu năm làm đủ thứ nghề nhưng không thành công, ông Quang quyết định cùng vợ làm bánh thuẩn bán cho người đi đường để kiếm chi phí độ nhật.

Hàng ngày, nhiều người qua lại trên đường Nguyễn Tri Phương (Q.10, TP.HCM) vẫn luôn nhìn thấy một ông già mù với mái tóc bạc phơ nhưng luôn tươi cười ngồi bán từng chiếc bánh trên vỉa hè. Với sức lực còn lại, ông Quang cố gắng kiếm tiền thuốc thang cho vợ. Bữa cơm chiều của đôi vợ chồng già ấy chỉ là bát cơm với nước tương, đĩa rau muống luộc từ người hàng xóm mang cho…

Ông Quang cho biết: “Sáng thì ở nhà làm bánh, đến 14 giờ, tôi lại đeo túi bánh ra đường Minh Phụng, nhờ người dân hướng dẫn bắt xe bus tới trước cổng Trường Đại học Kinh tế ở quận 10 để bán. Vì ở đó là chỗ bán lâu nay nên nhiều người biết đến và thương tình mua giúp. Chứ giờ đi chỗ khác thì tôi không biết nơi nào để đi, bà xã thì bệnh không làm gì được. Hôm nào trời nắng thì đỡ hơn, chứ trời đổ mưa thì tôi chỉ bán được vài cái bánh. Đến 20 giờ tối, tôi nhờ ông xe ôm cạnh đó đưa về nhà. Mỗi ngày, tôi chỉ bán được vài chục ngàn đồng, tiền thuê nhà, tiền thuốc cho vợ cũng hết. Nhìn lại, tôi thấy ông trời không cho tôi đôi mắt sáng nhưng lại cho tôi sức khỏe và nghị lực để mưu sinh”.

Ông Quang ở trong căn phòng trọ chưa đầy 15m2 với giá 1 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền điện nước. Nhiều lúc không đủ tiền đóng cho chủ nhà, ông phải đi vay mượn hàng xóm. Hai vợ chồng nghèo ấy không còn trông mong gì ở đứa con rày đây mai đó, họ động viên nhau vượt qua mọi khó khăn từng ngày như vậy…

“Mình không có điều kiện để ở nhà sang nên phải chịu thôi, trời nắng thì nóng do mái nhà được lợp bằng tôn. Nhiều hôm trời mưa to, nước ngập tràn hẳn vào trong phòng khiến vợ chồng tôi không thể ngủ được. Mọi vật dụng trong nhà đều do hàng xóm mang qua cho mượn để sử dụng. Tôi chỉ mong sao có được căn nhà nhỏ để ở đến cuối đời cho đỡ cực, chứ giờ hai ông bà già không làm được gì, cuối tháng lấy tiền đâu mà đóng tiền nhà. Tôi cũng đang cố gắng trang trải, để trả hết số tiền hơn 20 triệu đồng từ bao năm qua. Còn vợ tôi bị bệnh như vậy đã lâu, chữa trị nhiều cũng không hết, cuối tháng chỉ trông chờ vào mấy viên thuốc từ bảo hiểm xã hội của phường trợ cấp”, ông Quang nói thêm.

Chị Nguyễn Thị Khánh, ngụ tại hẻm 322, đường Minh Phụng cho biết: “Tới trước cổng UBND phường, chỉ cần hỏi tên ông Quang mù bán bánh nuôi vợ là người dân ai cũng biết. Bản thân ông ấy thì mù cả hai mắt mà ngày nào cũng phải đi bán bánh lấy tiền về nuôi vợ, dù còn một đứa con nhưng không nhờ được. Nhìn việc làm của ông Quang, chúng tôi rất ngưỡng mộ và cảm phục nghị lực vượt khó, biết vượt qua số phận của họ”.

Bà Trần Thị Bạch Lan, cán bộ phụ trách lao động UBND phường 2, quận 11 cho biết: “Chứng kiến việc làm của một ông già mù cả hai mắt, hàng ngày đi bán từng chiếc bánh để lấy tiền chữa bệnh cho vợ, khiến nhiều người rất cảm động. Hiện chúng tôi đã có những chính sách xã hội đối với ông Quang, là mỗi tháng hỗ trợ 360 ngàn đồng tiền khuyết tật. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ vận động thêm một số đơn vị sự nghiệp hỗ trợ để chăm lo cuộc sống của hai vợ chồng ông Quang”.

Tình nghĩa giữa chợ đời

Nếu ai thường đi chợ nhà lồng Tắc Vân (Cà Mau) sẽ bắt gặp hình ảnh quen thuộc nhiều năm nay, một người vợ vừa đứng bán một sạp hàng nhỏ vừa chăm sóc chồng bị bệnh bại liệt. Hình ảnh này đã trở thành tấm gương mà những bậc cha mẹ ở đây đem ra răn dạy con cái như một tấm gương về đạo đức vẹn toàn trong đời sống hiện đại.

Đó là chị Lâm Ngọc Ánh (50 tuổi) và chồng là anh Trần Tấn Ban (46 tuổi). Anh chị đang cư trú ở số nhà 22, ấp 2, xã Tắc Vân, thành phố Cà Mau. Hàng ngày, mọi người đi chợ cứ dõi mắt vào hàng xén của chị Ánh. Gian hàng chỉ bán kim chỉ và các thứ lặt vặt khác nhưng người phụ nữ người Hoa này đã nuôi chồng qua bao tháng ngày gian khó.

ANH XH (1).JPG

Chị Ánh chăm sóc chồng bị tai biến ở sạp chợ - Ảnh: Thành Công

Chị kiên trì, lặng lẽ ngồi trên chiếc ghế cũ, người chồng bị tai biến nặng nằm ở trong gian hàng với thân hình nhợt nhạt, hom hem. Người ở chợ kể lại, mẹ chị cũng thế. Từ bên Trung Quốc sang đây làm ăn, mẹ chị Ánh cũng vượt qua bao tháng năm chịu thương, chịu khó nuôi chồng bị bệnh. Như là duyên phận, chị Ánh lập gia đình, hạnh phúc chỉ tính bằng ngày. Chồng đổ bệnh, chị mở quầy tạp hóa này và hàng ngày vừa bán hàng vừa tận tụy chăm sóc chồng không biết đã bao lâu…

Chị son sắt, thủy chung, làm “cây tùng cây bách” để cho chồng dựa vào. Người đi chợ buồn vì chẳng mấy khi thấy khách ghé quầy của chị, vui vì sáng sáng thấy chị vẫn còn đó, anh vẫn nằm đó, còn bình an. Bán buôn không nhiều, chị ngồi đấy, người phụ nữ nhan sắc mặn mòi cứ như thể kiên trì minh họa cho “luân lý của người phụ nữ tam tòng tứ đức” dù cho luân lý ấy, bây giờ “úa màu, phai nhạt” trong cuộc sống này…

Cuộc sống ồn ã, phức tạp ở chợ cứ cuốn đi, bao nhiêu chuyện buồn về thế thái nhân tình làm con người mệt mỏi, nản lòng. Thế nhưng, sáng đi chợ, mọi người nhìn vợ chồng chị Ánh, lòng lại nhẹ nhõm, ấm áp làm sao. Thỉnh thoảng, trên báo đài, có những chuyện đau lòng như: thay chồng đổi vợ, chuyện vợ đốt chồng, chồng đốt vợ với những cái chết thương tâm… Sự đầm ấm, thương yêu của chị Ánh dành cho chồng như một đốm sáng giữa dòng đời dâu bể.

Sáng nay, chợ vẫn đông người, chị vẫn ngồi ở đó, anh vẫn nằm đó…

Chị Ánh cho biết, chị còn phải nuôi cha mẹ già đều trên tám mươi tuổi và hai con nhỏ đang đi học. Hai vợ chồng chị cưới được ba, bốn năm thì anh bị tai biến, diễn biến ngày càng nặng. Chị đã đưa anh đi khắp nơi để chữa trị nhưng bây giờ thì đành chịu như thế. Chị cười buồn: “Chú thấy đó, từ sáng đến giờ vốn lời tất cả chỉ có mấy chục ngàn”.

Mùa Vu lan về, tôi viết về chị mà cứ như viết ra để tự răn dạy mình. Những chân tình như thế thật quý lắm thay.

Đức Thịnh - Thành Công

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày