Vu lan trên đất Thái

Các sư thầy chùa Cảnh Phước vào sảnh làm lễ - Ảnh: Việt Phương
Các sư thầy chùa Cảnh Phước vào sảnh làm lễ - Ảnh: Việt Phương

Lần đầu tiên một ngôi chùa Việt trên đất Thái Lan đã tổ chức lễ Vu lan theo đúng truyền thống Phật giáo của người Việt Nam.

Cứ đến ngày 15 tháng 7 âm lịch hằng năm, người Việt cũng như nhiều người theo đạo Phật trên khắp thế giới đều tổ chức lễ Vu lan. Đối với người Việt ở nước ngoài, đây không những là dịp để báo hiếu công ơn sinh thành của ông bà, cha mẹ mà còn là dịp để nhớ lại truyền thống dân tộc. Mùa Vu lan năm nay, một ngôi chùa Việt tọa lạc ngay tại trung tâm thủ đô Bangkok của Thái Lan đã tổ chức cúng lễ theo đúng phong tục của người Việt Nam. Đó là chùa Cảnh Phước, một ngôi chùa Việt có lịch sử lâu đời trên đất Thái.

Ngôi chùa có lịch sử trên 200 năm này có thể được gọi là một ngôi chùa cổ. Nằm trên đường Luk Luang, cách không xa Phủ Thủ tướng Thái Lan, chùa có cả sư người Thái và nhiều chư tăng từ Việt Nam sang. Đây là lần đầu tiên chùa tổ chức cúng lễ Vu lan cho người Việt với sự giúp đỡ của Hội Văn hóa Thái - Việt. Năm nay, lễ Vu lan rơi vào ngày 3.9. Đông đảo bà con Việt kiều, du học sinh Việt Nam đã đến cúng lễ.

Annamnikaya, hay còn gọi là An Nam tông, là một trong hai tông phái Phật giáo đại thừa ở Thái Lan được các vị sư tổ người Việt Nam du nhập vào từ hơn 200 năm trước và đã được Vua Chulalongkorn, Vua Rama 5 của triều đại Chakri chính thức công nhận vào năm 1889 (Phật lịch 2432). Tư liệu của Hội Văn hóa Thái - Việt cho hay từ những ngày đầu tiên du nhập đến Thái Lan, An Nam tông luôn là chỗ dựa tinh thần của cộng đồng người Việt mà vì những lý do khác nhau di cư đến Thái làm ăn sinh sống.

Từ một, hai ngôi chùa ở Bangkok trong thời kỳ đầu, cho đến nay, Annamnikaya đã có tất cả 18 ngôi chùa trên khắp Thái Lan. Tuy nhiên, thời gian qua, vì những lý do khách quan, cộng đồng người Việt tại Thái Lan ít có dịp lui tới chùa Việt trên đất Thái. Các nghi lễ Phật giáo Việt Nam cũng dần bị mai một nơi đây.

Từ một tháng trước đó, kế hoạch tổ chức lễ đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Thậm chí, nhiều đồ cúng theo đúng phong tục Việt Nam như phẩm oản cũng được cất công đem từ quê nhà sang để mùa lễ thêm đậm đà bản sắc dân tộc. Từ ngoài cổng chùa cho đến gian chính của chùa, băng-rôn có dòng chữ “Lễ Vu lan Báo Hiếu” được ghi bằng cả tiếng Việt và tiếng Thái. Chị Vũ Ánh Tuyết, Phó chủ tịch Hội Văn hóa Thái - Việt cho hay lễ Vu lan được tổ chức hằng năm ở Việt Nam, vì vậy, ý tưởng tổ chức lễ Vu lan năm nay được đưa ra nhằm giúp bà con đến với chùa Việt, ôn lại truyền thống, bản sắc của dân tộc, báo hiếu ông bà, cha mẹ. “Khi đến chùa, được nghe các sư thầy giảng về đạo lý đối với cha mẹ thì mình sẽ cảm thấy thấm thía hơn”, chị Tuyết tâm sự.

Tại chùa Cảnh Phước trong ngày lễ Vu lan, đông đảo bà con Việt kiều đã đến ngồi lắng nghe sư thầy giảng giải, kể chuyện về đạo lý của con cái đối với bậc sinh thành. Sư thầy giảng bằng tiếng Việt và cũng sẵn sàng nói chuyện bằng tiếng Thái để những bà con kiều bào xa quê lâu năm, không hiểu rõ tiếng Việt có thể hiểu. Buổi lễ cũng có một phần tên “Bông hồng cài áo”. Những ai còn cha còn mẹ thì được gắn lên ngực bông hồng đỏ. Còn những ai đã mất cha mẹ thì cài hoa màu trắng, như một cách để tưởng nhớ đến công ơn sinh thành.

Trong số những người dự lễ Vu lan tại chùa Cảnh Phước năm nay có chị Phạm Thị Bích Thảo, người đã từng du học ở Thái Lan và đã kết hôn với một thanh niên trẻ người bản địa. Chị Thảo cho hay: “Lần đầu tiên đến chùa Cảnh Phước, nghe các thầy giảng giải, tôi hiểu cặn kẽ hơn ý nghĩa của ngày lễ Vu lan cũng như đạo hiếu làm con đối với cha mẹ”.

Chị Tuyết cũng cho biết thêm, đây là năm đầu tiên chùa và hội tổ chức lễ nhưng cũng là kinh nghiệm để những lần sau tổ chức tốt hơn. Chị nói: “Từ đây về sau, lễ Vu lan tại chùa Việt sẽ được tổ chức hằng năm để bà con có dịp đi lễ, ôn lại truyền thống và gặp gỡ giao lưu trong một hoạt động văn hóa đầy ý nghĩa như thế này”.

Xin được kết thúc bài viết bằng lời giảng của một sư thầy tại chùa rằng: “Những ai đang còn mẹ còn cha và được cha mẹ chăm sóc, lo lắng đã là một điều hạnh phúc rồi”. Và mùa Vu lan năm nay, người Việt xa quê lại có thêm dịp để hiểu hơn về đạo lý đó. Buổi lễ tại chùa cũng là dịp để bà con kiều bào gặp mặt, tâm sự với nhau ngoài thời gian bận rộn với công việc. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày