GN - Trong tôi, quê hương gắn liền với mái chùa, nơi tôi học những bài học làm người đầu tiên, từ khi còn là đứa trẻ non nớt.
Quê hương không chỉ có mẹ tôi, gia đình của tôi mà còn có những ký ức thương lắm, nhớ lắm mà mỗi khi bôn ba xứ người, mỗi lúc chênh vênh, thấy thiếu hơi ấm tình thân lại muốn tìm về.
quê hương gắn liền với mái chùa, nơi tôi học những bài học làm người đầu tiên, từ khi còn là đứa trẻ non nớt - Ảnh minh họa
Sợ… chùa
Đi chùa phải cạo tóc - đó là suy nghĩ lúc tôi còn nhỏ mà giờ đây đã trở thành phần ký ức vui nhất mỗi khi tôi nhớ về những ngày tuổi thơ của mình ở vùng quê. Cũng vì cứ nghĩ đi chùa phải cạo tóc nên hồi đó tôi chẳng bao giờ dám đến chùa, mặc dù thấy các chú tiểu và bọn nhóc trạc tuổi mình chơi đùa, quét lá cây ở trước cổng chùa, tôi cũng rất thích. Sợ đi chùa rồi phải cạo tóc, con gái mà mất tóc người ta cười. Sợ không còn đẹp, đi học sẽ bị trêu chọc.
Ngày nọ, bọn con nít gần nhà tôi nói rằng vô chùa vui lắm, nhiều đồ ăn ngon lắm, có trái cây ăn “mệt xỉu” luôn, có thanh long, có quýt, có trái gì lạ lắm, bên Mỹ đem về. Nghe tụi nó nói mà tôi thèm, nghe tới đâu nuốt nước miếng tới đó. Nhà tôi nghèo nên quanh năm chỉ được ăn mấy trái mận, trái ổi, biết gì đến trái cây mắc tiền, mà còn có trái “tận bên Mỹ”. Nhưng mà thèm thì thèm cũng chẳng dám vô chùa vì sợ ăn xong phải để lại chùm tóc. Chưa kể gần nhà tôi hồi đó toàn con trai, tôi hay chơi với chúng nó. Mà con trai đứa nào vào chùa cũng được thầy hớt tóc ba vá hoặc cạo trọc cho mát nên tôi càng sợ chùa hơn.
Cho đến một ngày, mẹ đi gặt lúa đồng xa, nhà không nấu cơm, chỉ có mì gói. Vô tình nhìn qua chùa tôi thấy có nhiều đứa con gái đi vào rồi đi ra bình thường, không mất tóc. Không biết sao, lúc đó tôi dám bước chân đến chùa. Đến gần hơn trước cổng chùa, núp ở gốc cây bồ-đề thì có một vị thầy lớn tuổi bước tới hỏi: “Con tìm ai?”. Lí nhí tôi nói: “Con đói, con tìm cơm”. Thầy cười rồi bảo: “Theo thầy vào nhà bếp đi, thầy dọn cơm cho con ăn”. Lúc này tôi còn nhanh nhảu hỏi: “Có phải vào chùa là phải cạo đầu không?”. Tôi nhớ thầy đã cười rất to rồi mới trả lời: “Không có, ai thích mới cạo, không thích không cạo”. Tôi thở phào nhẹ nhõm rồi mừng thầm trong bụng, vậy là từ nay được vào chùa ăn cơm, ăn trái cây…thả ga.
Hành trang vào đời
Có rất nhiều câu chuyện về tuổi thơ đã xóa nhòa theo thời gian nhưng ký ức về mái chùa, nhân duyên đến với chùa và những kỷ niệm buồn vui dưới mái chùa quê, tôi không sao quên được. Nó cứ len lỏi trong tôi để rồi khi có dịp chạm tới, bao nhiêu hình ảnh đẹp cứ thế mà tuôn chảy theo dòng cảm xúc.
Có điều rất lạ là càng đi xa, càng lớn tuổi thì tôi lại càng nhớ về những ngày còn bé, nhớ đến da diết. Nhớ bữa cơm quá đường thanh tịnh, trang nghiêm mà bọn nhóc tụi tôi cứ nhốn nháo xì xào sư này ăn cơm ít, sư kia sao mà chỉ ăn đồ ăn. Rồi nhớ hình ảnh bọn tôi chia nhau trái cây, cảnh tranh nhau ăn cơm và “nhường” nhau rửa chén. Không biết sao cơm ngày đó toàn rau bầu bí mà tụi tôi ăn ngon lành dữ vậy. Ăn đến no căng cả bụng, trong khi bây giờ khá giả, được ăn những món đầy đủ chất dinh dưỡng hơn lại chẳng thấy ngon bằng.
Tôi nhớ nhất là khi sư phụ có đồ ăn ngon, biết tụi nhỏ ham ăn nên thầy hay trêu chọc, thách thức: “Hôm nay thầy có trái bưởi bự, thầy sẽ cho trái bưởi này cho ai tụng hết thời kinh sám hối tối nay”. Thèm trái bưởi nên bọn nhỏ chúng tôi chẳng đứa nào dám tụng chưa hết kinh mà bỏ về giữa chừng. Cuối cùng trái bưởi phải bổ ra chia cho nguyên đám. Bữa sau, thầy treo giá “ai tụng thuộc chú Đại bi sẽ cho trái nho Mỹ”. Bọn tôi nói thầy dụ, lỡ ai cũng thuộc thì lại chia trái nho giống chia trái bưởi, người ăn được có chút. Thầy cười rồi nói: “Cho mỗi người một trái, ai học thuộc thì cho liền”. Nghe thích lắm, biết trái nho Mỹ ra sao đâu, nghe của Mỹ tưởng còn to hơn trái bưởi nên đứa nào cũng cắm đầu học. Có đứa học không thuộc còn khấn lạy Mẹ Quan Âm cho học thuộc chú Đại bi, có được trái nho sẽ cúng Mẹ trước rồi mới ăn. Cuối cùng rồi cũng được ăn nho Mỹ, thứ trái cây mà đối với tụi tôi thời đó được so sánh ngang trái đào tiên mà Tôn Ngộ Không hái trộm trong vườn đào.
Giờ có những lúc thảnh thơi ngồi nhớ lại thời thơ ấu mà tôi thấy thương miền quê, thương sư phụ, thương các bạn cùng trang lứa. Cũng nhờ háu ăn mà đám nhỏ ngày đó lần lượt thuộc lòng chú Đại bi, Bát-nhã, Thập chú và loạt bài sám hối. Cũng nhờ sư phụ mà tụi tôi thấm được tình thương, giáo lý của nhà Phật để về sau lớn lên đứa nào cũng nên thân nên hình, đứa nào cũng sống và giữ năm giới của người đệ tử Phật. Mỗi người có một nhân duyên đến với cửa Phật khác nhau nhưng không hiểu sao, nghĩ lại nhân duyên mình đến với Phật, tôi vừa thấy vui, vừa thấy ngồ ngộ, vừa thấy may mắn.
Tôi từng đọc ở đâu đó những câu thơ như thế này: “Quê hương là gì hở mẹ/ Mà cô giáo dạy phải yêu/ Quê hương là gì hở mẹ/ Ai đi xa cũng nhớ nhiều”. Ngày nhỏ đọc xong tôi không hiểu, tôi hỏi mẹ tôi và năn nỉ bà giải thích cho nghe. Mẹ tôi cười nói mỗi người có cách yêu quê khác nhau, mỗi người có cách nhớ khác nhau không giải thích được. Đến sau này, khi xa nhà, lo toan mưu sinh cuộc sống, những lúc chênh vênh, hụt hẫng, nhớ lại lời dạy của thầy để ứng dụng, tu thân, phấn đấu, sửa mình, tôi càng thấu hiểu được tình quê, tình người gói trọn ký ức nơi mái chùa rêu phong.