Trong khi người tu ít nói, vì nói nhiều thì phạm lỗi nhiều, không nói thì không có lỗi; chứ không phải bị trầm cảm như người đời hiểu lầm. Tôi lúc mới tu lập hạnh ít nói, vì để tâm suy nghĩ lời Phật dạy và ứng dụng trong cuộc sống. Thật vậy, thái độ yên lặng ít nói để chúng ta nhìn ngược lại bên trong tâm mình, mới có lợi cho việc phát huy đời sống nội tâm, từ đó mới nhận ra được con người thực của mình là gì. Vượt qua mặc cảm ta sẽ thành công - Ảnh minh họa |
Nếu con người thực của mình là con người tội lỗi, chắc chắn mình sẽ mặc cảm không bằng ai, từ đó thường sanh tính bất cần đời, rất nguy hiểm. Nhưng nếu là Phật tử mà nghĩ mình không bằng ai, thì phải phấn đấu đi lên, tức vượt qua mặc cảm. Đức Phật đã dạy rằng tất cả mọi người đều sẽ thành Phật, người thành trước, người thành sau; cho nên nếu không phấn đấu vượt qua thì muôn đời ở trong sinh tử. Vì vậy, có mặc cảm không bằng ai, chúng ta nỗ lực quyết tâm phải bằng, hay hơn người. Riêng tôi, luôn đặt mục tiêu phải hơn, chứ không bằng, nghĩa là phải thành Phật, đạt được sự hiểu biết ở đỉnh cao nhất.
Bắt đầu không bằng ai, nhưng phấn đấu cho bằng người rồi, thì sử dụng trí tuệ tập thể để đi lên. Trước nhất, phấn đấu học cho bằng người, thì thấy ai cũng là tấm gương cho mình soi bóng học hỏi. Nâng mình cho bằng người, nghĩa là người khác nói, ta nghe được; ta nói, người khác nghe được. Và từ nâng bằng người, chúng ta mới vươn cao hơn, bằng cách tất cả mọi người nói, ta nghe và tổng hợp lại, chúng ta có được nhận thức mới. Đây là điều mà tôi học được ở Phật Di Đà. Ngài tu Bồ tát đạo và tham quan các Tịnh độ của chư Phật mười phương. Theo đó, Ngài học và rút kinh nghiệm của chư Phật, để xây dựng một mô hình thế giới mới của riêng Ngài là Cực lạc, một mô hình thế giới siêu tuyệt mà mười phương Phật đều tán thán.
Học theo Phật Di Đà chính là thể hiện tinh thần phấn đấu vượt qua mặc cảm để đi lên. Từ đầu, ta cảm giác không bằng người, nên thường sanh ra ý tưởng xấu, hoặc tốt. Nếu sanh ra ý xấu, chúng ta nên điều chỉnh tánh xấu, gọi là tu. Không bằng người mà chúng ta khởi ý niệm xấu ác, ganh ghét, nên có thể nói xấu người khác, hại người khác. Làm như vậy, tội của chúng ta nặng thêm, quả báo lớn hơn nữa và phải khổ thêm. Tôi gặp một số bạn như vậy, thua người nhưng không chịu phấn đấu tu học, lại bực tức, gây gổ, làm đại chúng xáo trộn hơn, là tạo tội thêm nữa.
Mặc cảm là nhận thức tội lỗi vì chúng ta thấy mình không bằng người; nhưng đối với người hiểu đạo, thì không có mặc cảm như vậy. Là đệ tử Phật, chúng ta nhận biết tội lỗi của mình qua bốn câu kệ của kinh Hoa Nghiêm:
Con xưa đã tạo bao ác nghiệp
Đều bởi vô thỉ tham sân si
Từ thân khẩu ý mà sanh ra
Tất cả con nay xin sám hối.
Chúng ta biết mình không bằng người, vì đã tạo tội lỗi từ vô thỉ kiếp quá khứ, cho nên ngày nay mới có cuộc sống hiện tại là sanh trong gia đình nghèo khó, ở nơi biên địa hạ tiện và có ngoại hình không dễ thương, có ngôn ngữ mà người không chấp nhận được. Những tội lỗi đó, Phật dạy là do thân, khẩu và ý nghiệp của ta tạo nên. Thân chúng ta do sát sanh, hại mạng, nên thường ốm yếu, bệnh hoạn và bị nhiều người ghét thì chúng ta có mặc cảm tội lỗi. Còn ham mê sắc dục, Phật cho biết rằng chúng ta sẽ có thân hình xấu xí, hôi dơ, không thể gần người khác được, nên chúng ta cũng có mặc cảm tội lỗi.
Ý thức lời Phật dạy như vậy, tôi thường xuyên lạy Hồng danh sám hối mỗi ngày. Với mặc cảm tội lỗi rằng mình bệnh hoạn, xấu xí, hôi dơ nên không gần ai được, nhưng Phật có lòng từ bi thương ta, dung ta được. Thật vậy, xưa kia, vua A Xà Thế mắc bệnh nặng và Kỳ Bà đã khuyên ông nên gặp Phật để xin sám hối. Vua nói rằng ông không còn mặt mũi nào nào gặp Thế Tôn, vì đã phạm những tội ác tày trời với Phật. Kỳ Bà nói rằng Phật có tấm lòng bao dung, sẽ tiếp nhận tội lỗi của ông và chuyển hóa những tội lỗi này trở thành công đức để giao lại cho ông.
Tôi siêng năng lạy Phật, sám hối không mệt mỏi, nên nhận thấy rõ có sự chuyển hóa. Từ khi mới phát tâm tu hành, tất cả bệnh hoạn và tội lỗi đã được Phật tiếp nhận, rồi Ngài chuyển hóa những thứ này và cho tôi sự an lạc tốt lành. Tôi có cảm giác tội lỗi ví như dòng nước bẩn được xuyên qua bình nước lọc là Phật. Phật tiếp nhận và biến đổi nước nhơ bẩn thành nước công đức; nhờ vậy, tôi lạy sám hối 108 lạy mà không biết mệt, càng lạy càng khỏe; đó là điều kỳ diệu mà tôi muốn chia sẻ với quý vị.
Lạy Phật mà mệt và chán thì không bao giờ sanh công đức. Trái lại, đối tượng ban đầu chúng ta lạy là tượng Phật, nhưng niềm tin sanh ra rồi thì tượng biến thành Phật. Với độ cảm tâm sâu sắc, chúng ta thấy Phật nhìn mình bằng đôi mắt từ bi và mỉm cười. Lạy Phật như vậy sanh ra công đức, do tâm thành của chúng ta nâng cao thì hảo tướng hiện. Với tôi, chẳng những là tượng Phật thì nghĩ là Phật, mà cả hòn đá, mình cũng có độ cảm là Phật.
Trước kia, có lần Tổng thống Ấn Độ tặng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất một hòn đá bình thường, nhưng nghe nói được lấy từ non Linh Thứu, khiến tôi liền nghĩ đến Linh Thứu sơn và liên tưởng đến Phật đang thuyết kinh Pháp Hoa ở đó; cho nên hòn đá này vụt biến thành Phật trước mắt tôi, niềm tin và căn lành cho chúng ta cái thấy lạ lùng như thế. Còn đối với người không có niềm tin và căn lành thì hòn đá chỉ là hòn đá bình thường thôi.
Vì vậy, lạy Phật bằng tâm thành, tôi có cảm giác Phật ví như bình nước lọc có thể lọc nước dơ bẩn thành trong sạch; nói cách khác, nghiệp của chúng ta được Phật thanh lọc và trả về cho chúng ta tâm thanh tịnh; nhờ đó, mặc cảm tội lỗi của chúng ta được bớt lần và mọi việc thành bình thường. Nghĩa là bấy giờ tôi thấy người lại nhìn mình bình thường; còn trước kia, chúng ta có mặc cảm tội lỗi, nên người thấy chúng ta tội lỗi. Nhưng do công phu tu tập đã chuyển hóa chúng ta thành bình thường, cho nên mặc cảm này cũng tự mất, là nghiệp mất.
Và nghiệp mất thì chúng ta tu được. Càng siêng năng tụng niệm kinh và tiếp thu giáo nghĩa Đại thừa, cùng với hình ảnh trang nghiêm của Phật từ từ thâm nhập vào lòng, thì bước thứ hai là Phật từ bên ngoài đã được đưa vào trong tâm ta, kinh từ bên ngoài được đưa vào bên trong, gọi là Tâm kinh, hay Bổn môn Pháp Hoa kinh. Vì vậy mà tôi tụng 28 phẩm kinh Pháp Hoa, nhưng tôi biên soạn 7 phẩm Bổn môn Pháp Hoa kinh là kinh này từ tâm tôi hiện ra và Phật thuyết pháp từ tâm tôi.
Tu kiên trì, dù chậm ta cũng sẽ tới bến bờ giải thoát - Ảnh minh họa
Nhờ đem Phật và kinh vào lòng, chẳng những chúng ta hết mặc cảm tội lỗi, mà công đức còn sanh ra; vì tâm chúng ta có kinh và Phật, nên lời nói chúng ta được nhiều người nghe theo. Ý này tôi diễn tả trong Bổn môn Pháp Hoa rằng : Tâm họ là Thiền, thân làm giống Phật, giảng pháp chân thật.
Tâm Thiền, miệng Pháp và thân là Phật, mới được Phật bổ xứ, hay Phật trao y bát. Và được như vậy, chúng ta có cảm giác rất lạ, không bao giờ nghĩ tới cơm ăn, áo mặc, nhà ở, nhưng có nhiều, là vô cầu, hay cung nhiều hơn cầu. Đạt được sở đắc này thể hiện Phật đã xoa đầu và trao y bát cho. Người xuất gia nhưng không được Phật trao y bát, thì cơm không đủ. Thực tế cho thấy có người tu nhưng luôn đói khổ, đó là do tội lỗi mà chiêu cảm quả báo như thế. Chúng ta còn nhớ câu chuyện đệ tử của Xá Lợi Phất đời trước là pháp sư nổi tiếng, nên thường tự tôn mặc cảm, coi mình trên hết và tạo nhiều tội lỗi.
Khi chết, tái sanh lại cũng đi tu, nhưng khất thực luôn bị Phật tử bỏ quên, không cúng dường cho ông, đến mức độ ngày nào Xá Lợi Phất cũng phải chia phần cơm của Ngài cho ông. Người tu không có thế giới tâm linh thì dễ bị đói khổ. Nếu tự mua bình bát, không khó; nhưng bát của Phật trao cho thì mới hiện hảo tướng, người thấy mới nghĩ là Phật, mới cúng dường. Ý thức như vậy, chúng ta hết lòng phụng sự Phật pháp. Phật thọ dụng và xoa đầu bổ xứ, ta mới làm được đạo nghiệp. Các Phật tử cư sĩ phát Bồ đề tâm cũng được Phật bổ xứ.
Phật bổ nhiệm chúng ta đến nơi nào và làm đúng việc đó, sẽ nhận được kết quả tốt. Trong xã hội, tất nhiên việc làm phải đa dạng, mỗi người một việc, nhưng được Phật bổ xứ, hay gọi là Tăng sai, Giáo hội bổ nhiệm thì Tăng sai việc gì, ta làm việc đó, cho nên tuy nhiều việc khó mà ta làm được. Còn ta muốn làm, nhưng là tham vọng thì cái khó này sẽ dẫn đến cái khó khác, khiến cho phiền não nổi dậy, làm ta bất mãn, buồn phiền, rồi phát biểu linh tinh là thần khẩu hại xác phàm.
Được Phật bổ xứ, tự nhiên ta phát tâm làm. Ví dụ khi là Tăng sĩ Phật học đường Nam Việt ở chùa Ấn Quang, trong buổi họp đại chúng, phân công xem ai tình nguyện dọn dẹp nhà vệ sinh. Tôi cảm giác Phật bổ xứ việc này cho mình, nên tôi xin nhận làm công việc thấp nhất này. Tôi thấy sung sướng vì không ai tranh giành việc làm cực khổ mà không có quyền lợi. Thấy như vậy, Phật mới thọ dụng, mới bảo Hòa thượng Thiện Hoa là Đốc giáo Phật học đường đưa tôi lên làm thị giả cho Hòa thượng.
Ta làm đúng chỗ, thì không bị tranh chấp và nếu tâm chúng ta an lạc, nghĩ nhớ đến Phật, công đức ta sanh ra. Vì vậy, khi ta được Phật thọ dụng và trao y bát, thì ngoại đạo, kẻ ác muốn hại, tự chuốc họa tai, đời đời họ không có con mắt. Nghĩa là họ không có mắt trí tuệ, đời đời sanh ra bị đui mù trước chân lý. Mù mắt trần gian như A Na Luật, nhưng sáng mắt huệ. Nhiều thiền sư nhắm mắt, đóng kín cửa bên ngoài để phát sinh trí tuệ bên trong là vậy.
Người hại, ganh tức, nói xấu thì làm sao đến với chân lý. Đối với người tốt mà tìm cách chê bai, gây khó khăn, nên phải chuốc họa. Xưa kia, Đức Phật xuất hiện trên cuộc đời, bao kẻ ác hại Ngài, họ phải chuốc họa tai, là họ bị mù mắt trí tuệ, mù mắt đạo đức, nên phải trôi lăn trong sinh tử luân hồi đời đời kiếp kiếp, khó thoát ra được.
Mắt huệ mù thì đòi hỏi nhiều, nhưng không được gì, nên càng bực tức, càng gây tội lỗi, lại càng đọa sâu. Họ không bao giờ thấy chân lý, không đến được với đạo. Vì vậy, kết phẩm 28 kinh Pháp Hoa, Phật bảo Phổ Hiền Bồ tát nên nhắc nhở đại chúng phải nhớ tu hành, nếu đủ lòng thành thì được thấy Phật, thế giới chân thật, thường trú Pháp thân.
Tu hành, chúng ta mượn cảnh huyễn, mượn phương tiện là chùa Phổ Quang, nhưng phải thấy được thường trú Pháp thân. Vì chúng ta mù mắt huệ, không thấy, nhưng được Phật xoa đầu và trao y bát thì càng làm Phật sự, trí càng sáng ra và sức khỏe càng nhiều.
Thiết nghĩ ở bước ban đầu, ai cũng có nhiều mặc cảm tội lỗi, nhưng nỗ lực thể hiện lời Phật dạy trong cuộc sống, chúng tôi mong rằng tất cả quý vị đều vượt qua được mặc cảm tội lỗi, gieo trồng được căn lành và nuôi lớn thế giới Phật trong tâm mình để an trú trong hiện đời và đi đến các cõi Tịnh độ theo ý nguyện, sau khi mãn duyên cõi Ta bà này.