GN - Nhân một câu chuyện đăng trên Tuổi Trẻ online về vấn đề cúi đầu chào người quá cố khi linh cữu đi ngang qua, tôi có vài suy nghĩ...
Một nhà sư Nhật Bản hành lễ trước đống đổ nát - là nơi nhiều người thiệt mạng do trận động đất
Thật ra, truyền thống kính người đã khuất đã có từ rất lâu rồi. Từ hồi Phật còn tại thế, chuyện được truyền lại trong kinh Báo đáp công ơn cha mẹ, trong đó có đoạn:
“Đáo bán lộ đành rành mắt thấy
Núi xương khô bỏ đấy lâu đời
Thế Tôn bèn vội đến nơi
Lạy liền ba lạy rồi rơi giọt hồng”…
Phật là Bậc Giác ngộ hoàn toàn, là Cha lành của “ba cõi bốn loài” nhưng Ngài cũng cung kính đảnh lễ đống xương khô. Vì sao vậy? Vì biết đâu trong đống xương khô đấy là hình hài của ông bà, cha mẹ hay là của chính ta trong nhiều đời nhiều kiếp, trải qua luân hồi sanh tử mà bỏ thi hài lại đó. Đọc, hiểu ý kinh như vậy, thiết nghĩ, hàng Phật tử chúng ta cần noi theo hạnh của Phật, cung kính trước người đã khuất cho dù trong đời hiện tại họ không có liên hệ máu mủ ruột rà với chúng ta và cũng có thể chúng ta chưa một lần biết mặt họ.
Sự cung kính đó không cần phải thể hiện bằng vật chất cao sang mà chỉ cần những hành động nhỏ như đi ngoài đường thấy đoàn xe tang thì ta chủ động nhường đường. Nếu có thể, hãy cúi đầu khi linh cữu đi qua để thể hiện sự tôn kính người đã mất. Ngoài ra, khi đi dự tang, chúng ta nên ăn mặc cho phù hợp và không đi lễ bằng giấy vàng mã hoặc những vật mang tính chất mê tín dị đoan khác.
Mục đích của tang chế là tiễn đưa linh cữu người quá cố trở về với cát bụi và một phần thông báo cho người thân, bạn bè biết người ấy đã qua đời. Thêm nữa, nhiều gia đình còn thỉnh chư Tăng lo về đời sống tâm linh cho người mất.
Ngày nay, chúng ta quá chú trọng vào hình thức trong lễ tang. Chúng ta tổ chức đám thật to, sử dụng quan tài thật đắt tiền, mời ca sĩ, các diễn viên xiếc tạp kỹ làm huyên náo xóm làng cả ngày lẫn đêm. Chúng ta thử hỏi làm những việc đó nhằm mục đích gì và có lợi cho ai? Chữ hiếu không nằm trong mâm cao cỗ lớn mà nằm trong đạo đức của người ở lại.
Một việc nữa là chúng ta hay có thói quen rải, đốt vàng mã cho người chết. Không biết thói quen này có từ bao giờ, nhưng theo tôi, nó thật sự không ích lợi. Thứ nhất, điều này làm tổn hao tài nguyên của xã hội (giấy được làm từ gỗ) mà không mang lại một lợi ích thiết thực nào; thứ hai, làm ô nhiễm môi trường sống của những người khác.
Singapore là đất nước được mệnh danh có ý thức bảo vệ môi trường tốt nhất thế giới, có những chế tài hết sức rõ ràng cho việc xử lý người xả rác bừa bãi. Người xả rác bừa bãi lần đầu tiên sẽ bị phạt tối đa là 1.000 đô-la Singapore, tái phạm thì mức phạt sẽ tăng lên 2.000 - 5.000 đô-la và phải lao động công ích. Có những hình phạt như vậy thì mới bảo vệ được môi trường sống và nâng cao được ý thức cũng như tình yêu của con người đối với môi trường tự nhiên.
Ở Việt Nam, thực chất cũng đã có Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12-7-2010 quy định về vấn đề xả rác nơi công cộng. Theo đó, hành vi xả rác nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng. Tuy nhiên, mức phạt này chưa thật sự đủ sức răn đe với người vi phạm và sẽ khó áp dụng đối với nhà có tang lễ. Không ai nỡ chặn đường một đám tang để xử phạt vài trăm ngàn. Nói như thế không có nghĩa chúng ta dung túng cho việc tang ma muốn xả bao nhiêu giấy vàng mã cũng được, mà các ngành chức năng có thể ghi lại hình ảnh rải vàng mã làm bằng chứng rồi sau đó phạt “nguội” cũng chưa muộn.
Dẫu biết rằng mất đi người thân là đau đớn, buồn bã biết nhường nào, nhưng chúng ta có nghĩ những công nhân vệ sinh cũng rất cực khổ khi phải quét dọn sau khi đám tang đi qua?
Xã hội ngày càng phát triển, chúng ta cũng phải mạnh tay dẹp bỏ những hủ tục, những thói quen đã không còn phù hợp với đời sống văn minh. Đồng thời chúng ta khuyến khích những nét đẹp đạo đức được giữ gìn và phát huy hơn nữa để đời sống ngày càng tốt đẹp hơn.