Xin đừng lãng du…

Chắp tay con kính nguyện cầu
Chắp tay con kính nguyện cầu
Giác Ngộ - Một phút lắng lòng để trăn trở và tìm thấy bình yên. Dẫu cuộc đời có bị những nỗi khổ niềm đau vây bũa thì người con Phật cũng không quên thực tập, để vững chãi... Cho tâm mình dừng lại trước nỗi đau để suy nghiệm cũng là một lần nhận diện sự thật mà thong dong bước đi!

Những bản tin "đắng lòng"

Đó là những tin tức bão lụt đang tàn phá khắp các tỉnh miền Trung: Từ Hà Tĩnh, Quảng Bình đến Ninh Thuận, Phú Yên, Gia Lai…; và mới nhất là Quảng Ngãi. Khắp nơi đang chìm ngập trong nỗi khổ niềm đau: cả triệu căn nhà, vườn cây, tài sản, gia súc và người cuốn theo dòng nước lũ, thiệt hại không kể xiết. Bên cạnh đó là những hình ảnh tai nạn, những cái chết thê thảm do con người gây ra. Những dòng tin về khủng bố, chiến tranh từ một số nước; xã hội đen, trộm cướp đang lộng hành, gieo rắc sợ hãi, bất an trên nhiều nẻo đường...

Và bản tin mới nhất tôi nghe chính là sự ngược đãi trẻ em, hành hạ lao động tuổi mới lớn ở TP.HCM, Đồng Nai, con người ta nhân danh nhiều thứ cao đẹp, mụ mị bằng từ "giúp đời" để làm hại nhau. Thế thái nhân tình và chuyện áo cơm cùng vấn đề muôn thuở như tham nhũng, hối lộ được đưa lên sóng, lên mạng và được bàn tán xôn xao. "Một số cán bộ nói hay lắm mà làm thì… dở ẹc", một bác nông dân mạnh miệng nhận xét. Rồi bác dẫn chứng những chuyện thật mà bác nghe được từ chiếc radio nhỏ của mình rằng: "Ai đời các gia đình có sổ đói nghèo, tết đến được nhà nước cho hai trăm, họ bớt đi một trăm. Quà từ thiện các đoàn thể về tặng dân nghèo thì không được nhận mà người đi nhận toàn bà con họ xa họ gần của người có quyền phân phát!...".

Hoặc một "bản tin" khác từ một bác nông dân: "Gia đình tôi có thằng Tèo đậu vào đại học, được vay tiền cho con đi học. Tôi đi ra xã, ngân hàng mấy lần làm giấy, họ hẹn tới hẹn lui, đến khi bỏ ra một triệu làm quà cà phê, thuốc lá thì được xét liền. Nghĩ mà tức, nhà tôi đã nghèo rớt mùng tơi, buồn và chỉ biết than câu "chó cắn áo rách" chứ biết làm chi?".

Có lẽ, vẫn còn nhiều bản tin như thế lắm, ngồi chi li kể miết cũng không hết, mà kể ra để làm chi, để "đắng lòng" thêm. Con người ngày càng đối xử với nhau tệ quá, mặc dù cũng còn đó bao tấm lòng, bao điều quý giá mà cuộc sống luôn dành tặng cho ai biết thưởng thức, nhưng nghĩ cũng xót; giá như ai cũng biết tu, biết tự điều chỉnh…

Ngẫm từ những thời kinh

Mỗi ngày tôi đều tụng kinh Pháp Hoa. Tôi nhớ có một đoạn trong phẩm Thí dụ, Đức Phật nói với ngài Xá Lợi Phất và đại chúng về một ông trưởng giả giàu có. Ông có một bầy con ham chơi, suốt ngày chơi giỡn trong căn nhà rộng, mục nát, kèo cột sắp sụp đổ, nhiều hầm hố nguy hiểm. Căn nhà ấy có thể chứa vài trăm người, nhưng chỉ có một cửa ra vào, rừng cháy đến căn nhà, lửa bừng bừng không có lối thoát. Ông kêu gọi các con ra để thoát hiểm, nhưng các con không nghe, cứ chơi giỡn trò tìm bắt thích thú. Ông suy nghĩ phải dùng đến phương tiện khéo léo để dẫn dụ các con, và ông đã mang những xe hươu, xe dê chứa đầy châu báu đẹp đẽ dẫn dụ các con ra, lấy đó làm đồ chơi, thích thú gấp bội hơn là chạy nhảy trong căn nhà mục nát. Các con ông thấy xe đẹp, chạy ùa ra, tranh giành nhau. Nhìn các con thoát ra khỏi nhà lửa, ông mừng quá, giảng giải cho các con nghe về sự nguy hiểm ở trong căn nhà sắp cháy.

Đó là ngụ ý của Đức Phật, Ngài thương chúng sinh như con đỏ, thấy thế giới này đầy dẫy những tranh chấp, khổ đau, sinh già, bệnh, chết và muôn ngàn cảnh thống khổ khác nên dùng phương tiện ấy mong chúng sinh bỏ nhà lửa là bỏ tam độc tham-sân-si để hết khổ (thể nhập được Niết bàn).

Ngày nay, do con người phát minh ra nhiều thiết bị khoa học tiến bộ nên tiện nghi, vật chất khá đầy đủ. Song song đó là hệ lụy của việc lệ thuộc vào vật chất, chạy theo quyền lực, lợi danh, đắm chìm trong đau khổ. Ít ai nhận diện được rằng, để có nhiều của cải như vậy con người đã phá rừng không thương tiếc, đã thải khí độc ô nhiễm môi trường, đã xả những bịch ni lông làm rã rời trái đất, đã xẻ núi, đào lấp biển, sông ngòi, đã làm đảo lộn thiên nhiên... Tất cả đều vì phụng sự nhu cầu vật chất nhưng lại bỏ quên nhiều giá trị tâm linh cao đẹp!

Nhận diện những điều ấy, trong mỗi thời kinh tôi đều chắp tay nhìn lên tôn tượng Đức Thế Tôn, Bồ tát Quán Thế Âm và nguyện cho mọi dòng chảy của tham-sân-si nơi tâm thức con người kịp dừng lại trước khi quá muộn, để cùng kiến thiết Tịnh độ an lành ngay ở nơi đây, nơi đất mẹ hiền hòa này…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày