Xứ Cẩm Đồng còn một chiếc cầu tre

GN - Họ ở bên này sông, mỗi buổi sáng sang bên kia sông trồng cấy, buổi chiều lại gánh gồng về lại bên này sông. Ngày đôi lượt, cuộc sống của người nông dân nơi này gắn liền với chiếc cầu tre.

Đó có lẽ là chiếc cầu tre hiếm hoi còn lại ở vùng đồng bằng xứ Quảng. Ngày ngày, người dân ở thôn Cẩm Đồng (xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) lại í ới gọi nhau qua sông Vĩnh Điện sang bên bãi bồi Gò Đình nằm bên mép sông để trồng tỉa, cày cấy, thu hoạch hoa màu. Bãi bồi Gò Đình có diện tích gần 90ha là khu vực canh tác nông nghiệp trọng điểm của xã.

Chiếc cầu tre độc nhất

Cùng với thời gian, người dân ở đây không nhớ đã dựng lại chiếc cầu này bao nhiêu lần, chỉ biết rằng trong ký ức tuổi thơ của mỗi người con Cẩm Đồng sinh ra và lớn lên đều gắn liền với bao kỷ niệm bên cây cầu tre này.

Để bây giờ, những đứa trẻ ngày nào chân đất theo mẹ qua cầu, tắm nước sông dưới chân cầu ngày ấy, đã khôn lớn, bôn ba ngược xuôi khắp mọi phương trời nhưng trong tim họ, hình ảnh cây cầu tre đó luôn in đậm mãi.

hinh xh GN 1070 (2).jpg

Chiếc cầu tre duy nhất tại Cẩm Đồng

Mỗi năm, khi những đợt nước lũ về, cây cầu tre lại bị cuốn gãy có lúc gần như toàn bộ, có lúc bị hư hại một đoạn. Sau lũ, người dân lại xúm xít nhau gom tiền mua vật liệu và tre để dựng lên một cây cầu tre mới.

Hình dạng cây cầu khá đặc biệt, được ghép lại từ hơn 100 cây tre già với chiều rộng 1m và dài chừng 120m. Chiếc cầu tre có khoảng cách “vùng bụng” khá cao so với mặt nước, chỉ có tay vịn một bên, vì thế nhìn từ xa nó trông rất chênh vênh, nhất là mỗi khi có đông người qua lại.

Dù cầu tre thiếu kiên cố là vậy nhưng lại tiện hơn, nhanh hơn việc đi đò. Quê nghèo, không đủ điều kiện làm được một cây cầu kiên cố nên người dân nơi đây vẫn cần mẫn giữ gìn cây cầu có “lịch sử” hàng chục năm nay để lưu thông, kiếm kế sinh nhai.

Bà Phan Thị Lệ, một người dân Cẩm Đồng chia sẻ, từ khi bà còn trẻ đã có cây cầu tre bắc qua sông, mấy chục năm nay, cây cầu vẫn là con đường độc đạo để đưa người dân thôn Cẩm Đồng qua canh tác ở các bãi biền. Nhiều ký ức gắn bó với cây cầu tre này cho tới tận bây giờ, khi tuổi đã lớn, bà Lệ vẫn còn nhớ rõ như in.

Cây cầu gắn kết nghĩa tình

Trên cầu tre này, những cảnh tượng đậm tình làng nghĩa xóm, sự nhường nhịn hay tương trợ lẫn nhau luôn diễn ra. Một người phụ nữ với gánh rau đi ở đầu cầu, một người khác sẽ nhường bước để gánh rau ấy đi qua được dễ dàng hơn. Có đôi khi, một bà lão với chuyến rau về quá nặng, lại có người tình nguyện đưa vai ra gánh giúp một đoạn.

Cuộc đời của những người nông dân cứ êm đềm trôi đi giữa cái yên ả của làng quê, gắn chặt với ruộng đồng. Ở đó, cái cầu tre còn như mạch nối giữa con người với con người, quá khứ với hiện tại.

Ông Dương Huấn, Trưởng thôn Cẩm Đồng cho biết: “Hàng chục năm nay, người dân địa phương đã bỏ ra số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng chỉ để mỗi năm dựng vài cây cầu tre. Tuy nhiên, tuổi thọ của nó không thể đoán định trước và hoàn toàn phó mặc vào đất trời. Hễ lụt lớn là trôi cầu, rồi làm lại.

Cứ vậy. Không còn cầu thì đi ghe, nhưng ghe nan mỏng manh quá nên chúng tôi đề nghị sử dụng ghe thiếc. Có năm do thiên tai liên tục, người dân địa phương phải dựng cầu tre tạm bợ đến vài ba lần”.

Ngày trước, thôn Cẩm Đồng còn khốn khó lắm, cả thôn nằm trong tình cảnh “4 không”: không đường, điện, trạm, trường. Do nằm sát bờ sông nên những ngôi nhà phải đắp nền lên thật cao để phòng lụt lội. Dấu vết của mỗi trận lũ lụt dâng nước vẫn còn in lên vách từng nhà. Ông Dương Huấn làm thôn trưởng mấy chục năm rồi nên rất hiểu chốn này.

Hơn chục năm qua, thôn nghèo này đã thay da đổi thịt, lưới điện kéo đến tận từng hộ, cứ 10 nhà là có một trụ. Có điện, mọi thứ thay đổi. Rồi đường sá được mở mang, nước sinh hoạt, sản xuất được đưa đến từng nhà, sản lượng thu hoạch cứ thế mà tăng theo từng năm. Quá trình xây dựng đường bê-tông nông thôn được bắt đầu từ năm 2001.

Đặc biệt, đây là thôn nghèo của xã nên được hỗ trợ xây nhà cao tầng tránh lũ. Thế nhưng, từ đó đến nay, chiếc cầu tre vẫn được duy trì, là phương tiện huyết mạch để người làng qua sông trồng cấy.

Ông Lê Lai, Chủ tịch UBND xã Điện Phong cho biết: “Người dân nơi đây vẫn mong lắm một chiếc cầu vững chắc để qua lại đôi bờ, làm ăn và chuyên chở hàng hóa dễ dàng hơn.

Hiện địa phương có kế hoạch xây dựng một cây cầu kiên cố thay thế cho cầu tre dễ bị lũ cuốn trôi... Nhưng, kinh phí địa phương còn hạn hẹp, người dân thì vẫn còn khó khăn trong cuộc sống, thế nên hiện tại người dân thôn Cẩm Đồng vẫn sử dụng chiếc cầu tre này để qua sông”.

Cùng với chiếc cầu tre nhỏ này, cuộc sống đời thường trong từng khoảnh khắc hiện lên thật đẹp. Nhiều người phương xa đến không thể không rung động trước khung cảnh làng quê bên sông đẹp như tranh vẽ, nó cũng đặc biệt tương tựa như xóm làng ở vùng sông nước. '

Những buổi sáng hoặc chiều tối, cảnh những mẹ, những bà vai mang quang gánh chầm chậm từng bước qua cầu gợi lại bao ký ức mỗi người đi theo mẹ ra ruộng ngày còn thơ bé.

Cuộc sống cứ thế trôi trong bình lặng với vẻ đẹp mộc mạc của làng quê đất Quảng. Bên con sông ấy, người ta vẫn ngày ngày cần mẫn với ruộng đồng, bất kể ngày mưa tháng nắng.

Và, chiếc cầu tre lặng lẽ bao đời vẫn đón từng bước chân của người nông dân qua lại mỗi ngày, như nhân chứng của đời, của người ở xứ Cẩm Đồng.

Bùi Thanh Lang - Minh Ngọc

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày