Xuân cửa Thiền: Những góc bình yên trong lòng rộ nở...

Mùa xuân trong thời dịch Covid, chùa và Phật tử cùng giữ gìn sự bình an bằng sự quay về bên trong
Mùa xuân trong thời dịch Covid, chùa và Phật tử cùng giữ gìn sự bình an bằng sự quay về bên trong
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Sáng đầu năm, xa xa một góc trời mặt trời hồng đang ló dạng, những tia nắng sớm chiếu rọi vào những hàng ngói xám nâu nằm trên cao mái tu viện rồi chầm chậm di chuyển xuống.
Phật và mùa xuân mới

Phật và mùa xuân mới

Khi nắng đến Phật đường Tỉnh Thức, lúc này các cánh cửa lớn đã được mở ra, phút chốc nắng đã tỏa chiếu khắp không gian bên trong. Phật đường chủ yếu được kiến tạo bằng chất liệu gỗ tối màu nên khoảnh khắc nắng rọi đầu ngày chính là lúc đẹp nhất, nét u tịch chuyển mình trong sắc vàng phô bày vẻ uy nguy đầy cổ kính.

Chú cũng ở đó, trên tay chú đang cầm cây chổi để quét những lá mai, hoa đào rụng dưới sàn. Vừa quét chú vừa nói: “Mới sáng mùng 1 Tết mà lá rụng đầy thì không biết được mấy bữa cây trơ trụi, còn đâu mà chơi Tết”. Rồi nghĩ tiếp: “Có phải mỗi mình chú quét lá, ở trước sảnh một sư em cũng đang quét lá, dưới Pháp đường Chánh Niệm, ngoài sân mấy huynh đệ ai nấy cũng hân hoan quét dọn, lau chùi sạch sẽ để đón xuân”. Nghĩ đến đó chú mỉm cười vui vẻ.

Quét, lau xong, hai chú sắp xếp lại các tấm tọa cụ ngay ngắn, mỗi tấm cách nhau 2 mét để giữ khoảng cách an toàn trong lúc thành phố đang có dịch bệnh lây lan. Phía trên nơi quý Thầy hành lễ những bản kinh Phước đức cũng được đặt sẵn lên kệ để những ngày Tết, Tăng chúng cùng chia nhau một ngày 3 thời hành trì - nhờ đó quý Phật tử về chùa có cơ hội được ngồi lại lắng lòng rót vào những lời pháp thậm sâu.

Chung đụng trong nhân gian

Tâm không hề lay chuyển

Phiền não hết, an nhiên

Là Phước Đức lớn nhất.

*

Đến 6 giờ, những tia nắng đã chiếu vào khắp sân vườn thông, nắng lúc này trong trẻo và sáng rỡ hơn. Đẹp nhất là khung cảnh những chậu hoa hướng dương được sư anh Quảng Thức chăm sóc từ 2 tháng trước đang vươn mình đón nắng, khoe sắc nổi bật giữa những chậu hoa cúc, hoa mào gà được đặt trang trí phía trước bảng gỗ có khắc dòng chữ Trung tâm Thiền tập Khánh An.

Cùng lúc này, tiếng chuông đại hồng bắt đầu vang lên, dễ dàng nhận ra chất giọng trầm vang của sư em Trung Nghiêm. Khác với ngày thường, trong ba ngày đầu năm mới chuông đại hồng sẽ thỉnh suốt từ 6 giờ sáng đến 20 giờ tối để người dân đi lễ chùa đều có cơ hội lắng nghe.

Tiếng chuông vang lên không chỉ đánh thức mùa xuân biểu hiện, cho tâm người tự tại, lắng trong mà còn chuyên chở cả miền quá khứ mấy nghìn năm của dân tộc Việt với khát vọng một cuộc sống bình yên, tự do.

Thanh âm tỉnh thức, thanh âm hòa bình

Thanh âm tỉnh thức, thanh âm hòa bình

Thời chiến tranh loạn lạc khi mùa xuân vắng bóng tiếng chuông chùa là lúc tiếng gươm giáo, bom đạn, tiếng kêu la thống khổ của đồng bào. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, giờ đây tiếng gươm giáo, bom đạn đã tắt và niềm hy vọng hòa bình cho hôm nay và mai sau còn được khẳng định trong tiếng chuông Hòa bình thỉnh lên trong sự kiện lễ kỉ niệm truyền thống Ngày Hòa bình quốc tế trong khuôn viên trụ sở Liên Hiệp Quốc vào ngày 21-9 hằng năm.

Tết năm nay, ở Pháp đường Chánh Niệm, vì lo ngại dịch bệnh nên sáng 30 Tết sư anh Quảng Thức đã bảo mấy huynh đệ dọn cất hết những bàn tròn mà mọi khi sẽ bày ra để Phật tử ngồi thư giãn, quây quần bên nhau trò chuyện ngày xuân.

Cũng giống trên Phật đường những tấm tọa cụ đã được sắp xếp ngay ngắn, nhưng ấn tượng nhất vẫn là bức tượng gỗ Đức Phật Di Lặc được đặt trước sảnh khi bước lên bậc thang. Hôm đó, sau khi sắp xếp chỗ để các bức tượng xong chú liền hỏi sư anh Quảng Thức, tại sao ngày xuân người ta gọi là xuân Di Lặc?

Sư anh đáp: Mùa Xuân, khởi đầu của một năm mới, Ngài mong muốn mọi người có mặt trên cuộc đời này ai cũng được hạnh phúc.

Ai trong chúng ta cũng mong cầu hạnh phúc nên từ hình ảnh nụ cười của Phật Di Lặc, làm sao để mình mỉm cười được với những khó khăn, khổ đau từ trong thân, trong tâm của mình hay từ thử thách bên ngoài. Trong năm mới chúng ta hoan hỷ thì sẽ có sự bình an và khi chúng ta hiến tặng một nụ cười cho một ai đó thì chắc chắn người đó sẽ nhận được sự bình an - người đó sẽ nở nụ cười hạnh phúc giống như mình.

Với cái bụng to mang ý nghĩa dung chứa hết tất cả nỗi khổ niềm đau trong cuộc đời, ôm lấy hết mọi thứ. Những điều đó mang tình chất biểu tượng giúp mình tu tập.

Nhìn Phật Di Lặc thì ai cũng hoan hỷ hết. Khi mà chúng ta có sự bình an, có sự hỷ lạc mình thấy trân quý cuộc sống này lắm và mình thấy cuộc đời này rất là ý nghĩa. Cho nên gọi là xuân Di Lăc.

Chú nghe xong lòng đầy hoan hỷ, nhìn qua thấy Phật Di Lặc cũng đang mỉm cười với chú.

Bụng lớn năng dung, dung những điều khó dung trong thiên hạ.

Miệng cười hỷ xả, xả những việc khó xả ở thế gian”.

Hoa nở đón xuân ở tu viện Khánh An - quận 12, TP.HCM

Hoa nở đón xuân ở tu viện Khánh An - quận 12, TP.HCM

Kể tới đây, hình ảnh Đức Phật Di Lặc và “cái bụng” chú lại nghĩ ngay đến sư anh Trung Thắng. Chú bỗng thấy hào hứng vô cùng. Về hình tướng thì nhìn đâu cũng thấy tương đồng cả, khác ở chỗ là Phật thì ở trên Phật đường, Pháp đường giúp cho tâm được an lạc còn sư anh thì ở dưới bếp giúp thân được khỏe, bụng được no.

Sư anh chia sẻ: “Bên cạnh việc chấp tác dưới sự phân công của thầy quản chúng thì con vẫn luôn yểm trợ cho đại chúng những bữa ăn, đặc biệt hơn là những ngày cận và trong Tết. Con thấy huynh đệ những ngày tháng Chạp vừa qua vô cùng mệt mỏi do công việc quá nhiều nên con đã phát tâm xin cúng dường cho mọi người những bữa ăn. Con thấy rất hạnh phúc khi huynh đệ cùng nhau thưởng thức trọn vẹn những bữa ăn do chính tay mình làm. Không chỉ trong việc chấp tác, tụng kinh mà trong những bữa ăn chung con cũng thấy được chất liệu nuôi dưỡng bằng tình thương ở trong đó”.

Sư anh Trung Thắng, người đã hiến tặng những bữa ăn ngon và lành cho đại chúng

Sư anh Trung Thắng, người đã hiến tặng những bữa ăn ngon và lành cho đại chúng

Nói đến tài nấu ăn của sư anh thì những ai thường lui tới tu viện hoặc hay tham gia các khóa tu thì không còn gì xa lạ. Cái ngon của thức ăn không chỉ còn ở mùi vị mà còn được cảm nhận qua cách mà sư anh đặt hết tâm huyết và niềm vui khi nấu. Nhờ vậy Tết này, cùng với sự phát tâm của cô An Trung, cô An Tú chăm lo khâu ăn uống cho đại chúng mà ai cũng được no bụng.

*

Người ta qua niệm 3 ngày Tết 7 ngày Xuân là khoảng thời gian mọi người dành để nghỉ ngơi, có mặt sum họp bên gia đình, bạn bè và gác lại những lịch làm việc bận rộn, hối hả. Ấy vậy mà, ở tu viện, tối 30 Tết các huynh hệ mỗi người ai nấy cũng cầm trên tay những tờ lịch dày đặc, phân công công việc cho suốt 10 ngày. Bao gồm các công việc như tiếp lễ, trực Phật đường, Pháp đường, tụng kinh, thỉnh chuông, giữ xe... Tất cả được thầy quản chúng sắp xếp một cách chi tiết với mỗi ca 2 tiếng luân phiên nhau suốt từ sáng đến tối.

Sư anh Trung Lưu đảm trách khâu tiếp lễ bày tỏ: “Ngồi ở vị trí tiếp lễ thì gặp gỡ nhiều Phật tử, có những người mến mộ đạo Phật, cũng có những người không thực sự hiểu đạo nhưng người ta cùng có điểm chung là muốn cầu được may mắn, bình an, cho nên mình ngồi đó cũng có thể giải thích chỉ cho họ hiểu được ý sâu sắc của cầu an đầu năm.

Cầu an không chỉ muốn cho bản thân và tất cả những người thân và họ hàng đều được bình an mà còn phải bày tỏ lòng khẩn khiết chí thành sự gia hộ của chư Phật, Bồ-tát để lòng thành tâm sám hối những lỗi lầm năm cũ từ đó phát nguyện làm nhiều việc lành, giàu lòng nhân ái giúp đỡ mọi người thì cuộc sống sẽ được an lành, hạnh phúc ở ngay trong giây phút hiện tại này”.

Tết là cơ hội để anh em có cơ hội ngồi lại uống trà và chia sẻ những câu chuyện năm cũ đã qua và bắt đầu sẽ động viên, khích lệ tinh thần mong muốn tất cả anh em tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau, có như thế thì một phần đền ơn và báo ơn Sư phụ và sau nữa là có thể tự thân của mình ngày một trưởng thành hơn...

*

Trước ngày Sư phụ nhập thất, Tăng chúng ngồi lại để được lắng nghe Thầy chỉ dạy các công việc chuẩn bị trước và trong Tết. Chú còn nhớ rất rõ trước khi kết thúc, Sư phụ ôn tồn: “Thời gian qua Thầy cảm nhận được năng lượng tu tập và hòa hợp trong các con, Thầy thấy yên lòng. Năm nay Thầy phát nguyện nhập thất sớm hơn nửa tháng, giao lại hết mọi công việc trong ngoài cho các con.

Thầy mong các con khi không có Thầy đừng để trì trệ mà phải làm thật tốt hơn nữa. Anh em chuyên trách mảng nào thì cùng cố gắng hết mình trong mấy ngày Tết, làm xong việc mình rồi thì giúp đỡ huynh đệ.

Thầy muốn thấy các con mỗi ngày trưởng thành hơn cả những lúc không có Thầy bên cạnh nhắc nhở, bảo ban. Thầy nhập thất tịnh tu không chỉ cho riêng Thầy mà chính là cho các con, cho mọi người, mọi loài”.

*

Thoáng cái mà đã hết mùng, những chiếc lá non đã bắt đầu mọc thưa thớt trên những cành mai vàng. Có lẽ, thuận theo tự nhiên mùa xuân đến rồi đi, nở rồi tàn còn mùa xuân tâm linh vẫn luôn biểu hiện trong mảnh đất tâm dưới đôi mắt thiền quán mà không bị giới hạn không gian, thời gian.

“Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một cành mai”

(Thiền sư Mãn Giác)

Huynh đệ và niềm vui ngày Tết

Huynh đệ và niềm vui ngày Tết

*

Nhìn lại mùa xuân năm nay, có những khoảnh khắc bình dị mà chứa đầy chất liệu hiểu thương như là lúc sư anh Trung Pháp tươi vui phát lộc cho Phật tử lúc giao thừa; sư anh Trung Khiêm nhẹ nhàng kéo ròng rọc yêu thương cúng dường thực phẩm lên thất Vô Sự; là lúc sư anh Nhuận Phổ ôn tồn đọc loa thông báo phòng dịch; sư anh Trung Phú khàn giọng khi cố gắng nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang; sư anh Trung Phương vui vẻ phụ giúp đội giữ xe; lúc em Đức Sang và Quảng Huệ thong thả quét những lá mai rụng đầy...

Nhiều hân hoan là lúc huynh đệ xúm xít bên nhau chụp hình với chiếc khẩu trang đeo kín mặt và nụ cười tươi rói của sư em Trung Khởi khi hớn hở xòe tay nhận lộc xuân từ mấy sư anh lớn.

Những khoảnh khắc huynh đệ cùng làm nên mùa xuân

Những khoảnh khắc huynh đệ cùng làm nên mùa xuân

Kể ra năm nay có đến mười một huynh đệ lần đầu tiên đón Tết tại tu viện. Mỗi người với những cung bậc cảm xúc khác nhau. Nhưng tựu trung, họ đều thấy mùa xuân mang lại nhiều điều nuôi dưỡng cho đời sống tâm linh của mình. Có thể thời gian trước Tết là một khoảng thời gian bận rộn nhưng bù lại giai đoạn đó là chuỗi ngày huynh đệ, anh em được gần nhau, cộng tác với nhau để cùng tạo ra một mùa xuân với đầy đủ ý nghĩa của nó - một mùa Xuân của tình huynh đệ, của thấu hiểu.

Lắm lúc, sự va chạm trong quá trình làm việc gặp phải những vụng về, những căng thẳng nhưng vượt qua nó vẫn là sự nâng đỡ, yểm trợ và hiểu chuyện nơi mỗi cá nhân. Đây là một điều đáng ghi nhận và trân quý nơi từng huynh đệ. Điều đó đã thôi thúc rất nhiều tinh thần trách nhiệm ở mỗi người. Thiện chí là điều đáng trân trọng.

“Chầm chậm những bước chân

Đôi bàn tay cần mẫn

Ô hay! Mùa xuân đến

Mai nở đoá vàng xinh”

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Niệm Phật nhiệm mầu

Niệm Phật nhiệm mầu

GNO - Ba tôi đã mất gần giáp năm nhưng hình ảnh về ba vẫn in nguyên trong tôi như vừa khi nãy, mới đây thôi. Có thể ba tan hoại thân xác này, không còn của hiện tại đi, đứng, nằm, ngồi nhưng ba hiện hữu trong kỷ niệm và những lời chỉ dạy mang tính lâu xa, chắc thật.
Mô hình bằng tre mừng Phật đản của Phật giáo H.Triệu Phong, Quảng Trị được thiết trí tại chùa An Trú

Ấn tượng mô hình bằng tre mừng Phật đản của Phật giáo H.Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị)

GNO - Mô hình kỳ đài bằng tre tại chùa An Trú (H.Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) nổi lên giữa màu vàng ươm của cánh đồng lúa chín như gói ghém tất cả tấm lòng của Phật tử nơi đây hướng về Phật đản, cũng như lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, cảm hứng gìn giữ các giá trị truyền thống của làng quê.

Thông tin hàng ngày