GNO - Điều quan trọng là chúng ta hãy đón nhận giây phút hiện tại đó như một sự mầu nhiệm, đứng nhìn cảnh thiên nhiên trời mây tuyệt đẹp của mùa xuân mà không phải lo sợ “xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất”...
“Đêm qua sân trước còn có một cành mai"
Mấy cành xanh, năm bảy sắc yêu yêu
Thế là xuân. Tôi không hỏi chi nhiều…
(Xuân không mùa - Xuân Diệu)
Thế là, xuân về! Mùa xuân đến giữa cái nắng trong ngần và lấp lánh. Xuân đến trên một nụ hoa bé vừa nở sáng nay và sương còn đọng lại. Xuân sang, tiết trời trở nên ấm áp, vạn vật thiên nhiên như khoác lên mình một chiếc áo mới tinh khôi. Những chiếc lá non vừa trở mình, còn e ấp…
Mùa xuân đã trở thành một nguồn cảm hứng bất tận cho người thi sĩ. Xuân sang, Tết đến, cũng chính là thời điểm đánh dấu cho con người bắt đầu một bước đi, một chặng đường mới. Nhưng liệu xuân qua người có buồn?
Nhà thơ Xuân Diệu cũng có nhiều bài thơ hay, ca ngợi cảnh đẹp và thể hiện tình yêu đặc biệt đối với mùa xuân. Nhưng có lẽ, khi đọc đến hai câu thơ trong bài Vội vàng, chúng ta sẽ khựng lại cảm xúc với một chút trầm tư, suy ngẫm về mùa xuân mong manh, một mùa xuân vô thường pha lẫn chút tiếc nuối.
“Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già”
(Vội vàng - Xuân Diệu)
Mùa xuân đến, ở mỗi nơi, mỗi người sẽ có không gian và một cảm nhận khác nhau. Chúng ta dễ dàng nhận thấy sự thay đổi đó ở khắp mọi nơi, mọi chỗ với những sắc màu rực rỡ. Tuy nhiên, chỉ khi nào hiểu sâu sắc được lý sanh-diệt trong nhà Phật, thì chúng ta mới khám phá được những hình ảnh mùa xuân độc đáo và bất tận. Những mùa xuân mang thông điệp ý nghĩa vượt thời gian, không gian qua những trang thơ xuân của Thiền sư Mãn Giác với “một cành mai” đầy ẩn dụ, Thiền sư Giác Hải, hay của Phật Hoàng Trần Nhân Tông qua các bài xuân như: Xuân hiểu, Xuân vãn, Xuân cảnh.
Trần Nhân Tông chính là một vị vua-thiền sư, thi sĩ, người đã sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Ở đời tôn xưng Ngài là Phật hoàng. Thơ văn của Người có sức hút mạnh mẽ với một hồn thơ trong sáng, thanh cao, tĩnh lặng, mang đậm chất Thiền. Những tác phẩm của Phật hoàng Trần Nhân Tông thường gần gũi, trải lòng với thiên nhiên. Trong số tác phẩm đó, Xuân cảnh - một bài thơ miêu tả cảnh xuân rất đặc sắc:
Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì
Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi
Khách lai, bất vấn nhân gian sự
Cộng ỷ lan can khán thúy vi.
Bài dịch theo Thi viện:
Cảnh xuân
Chim kêu hoa liễu nở đầy
Họa đường thềm rợp bóng mây may
Khách vào chẳng bàn chuyện thế sự
Đứng tựa lan can ngắm cảnh trời.
Bài thơ được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt, ngắn gọn mà cô đọng, vẽ nên một khung cảnh mùa xuân rất đặc biệt. Cảnh xuân ở đây không phải chỉ toàn hoa mai, hoa đào, khác hẳn mùa xuân trong Truyện Kiều của Đại thi Hào nguyễn Du:
“ Cỏn non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”
Hay:
“ Gần xa nô nức yên anh
Chị em sắm sửa bộ hành du xuân”
Bài thơ “Xuân cảnh” được viết lúc vua Trần Nhân Tông đang tu tập trên núi Yên Tử. Hai câu đầu tả cảnh xuân trong một buổi chiều, trên non vắng. Ở đó có hoa dương liễu đang nở, có tiếng chim kêu, những áng mây trên trời trôi thong dong. Nếu một người chỉ từng nhìn thấy mùa xuân với “năm bảy sắc yêu yêu” hay chỉ đón xuân trong rộn ràng lễ hội, thì có lẽ khi đến đây, sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi một mùa xuân quá đặc biệt. Cái khác biệt là cảnh xuân nhưng không có hoa gì đẹp ngoài “hoa dương liễu nở” và không có âm thành gì ngoài âm thanh của tiếng chim kêu.
Trong khung cảnh tĩnh lặng mênh mông ấy, hai câu thơ sau lại chỉ nói về một vị khách đến thăm nhưng cũng “chẳng hỏi chuyện nhân thế”, mà chỉ “đứng tựa lan can nhìn núi mây”. Chủ và khách ở đây dường như cũng hòa mình vào thiên nhiên tịch tĩnh trong sáng đó bằng cách chỉ im lặng, không ai hỏi mà cũng chẳng ai nói.
Cảnh và vật mùa xuân tuy đơn sơ thế, nhưng không hề thấy tẻ nhạt hay trầm mặc, mà chính nơi đây toát lên hương vị thanh thoát, nhẹ nhàng.
Qua đó, tác giả-thiền sư, dường như muốn nhắc nhở cho tất cả chúng ta khi bước vào thiền môn tu tập nên buông bỏ những chuyện tạp ngoài thế sự. Hình ảnh người khách vào thăm nhưng lại không hỏi chuyện gì, chỉ “tựa lan can nhìn núi mây” như muốn chuyển tải một thông điệp giữa thiền sư và người khách đã ý thức được sự có mặt của nhau giữa cuộc gặp gỡ ấy.
Điều quan trọng là chúng ta hãy đón nhận giây phút hiện tại đó như một sự mầu nhiệm, đứng nhìn cảnh thiên nhiên trời mây tuyệt đẹp của mùa xuân mà không phải lo sợ “xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất”. Bởi, thời gian là một chuỗi tuần hoàn, bốn mùa xuân-hạ-thu-đông rồi lại xuân,… cứ thế nối tiếp nhau. Nếu ý thức được sự luân hồi ấy trong chuỗi thời gian, một đời hoa, một đời người thì chúng ta mới có thể buông bỏ đi những phiền muộn trong cuộc sống, những hoài niệm và toan tính về quá khứ hay tương lai để tâm được an vui và tự tại.
Xuân trong nhà Phật chính là niềm hạnh phúc của người tu tập được xây dựng trên nền tảng căn bản Giới-Định-Tuệ . Xuân trong cửa thiền là nụ cười bao dung theo tinh thần hiểu người, thương người. Xuân là sự bình yên, vững chãi trong tâm hồn, là tình yêu thương sẵn sàng trao đi mà không cần nhận lại. Như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết:
“Sống trên đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không?
Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi...”
Đó chính là mùa xuân bất tận giữa cuộc vô thường.
Như vậy, dù mùa xuân của thời gian của không gian, của đời người cũng sẽ trôi đi như một quy luật hiển nhiên nhưng “chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết”. Bởi vì, Thiền sư Mãn Giác đã có lời dạy để đời rằng:
“Đêm qua sân trước còn có một cành mai".
Giác Ngộ online xuân Ất Mùi 2015 chào đón tin, bài bạn đọc, cộng tác viên. Bài vở, tin tức cộng tác xin hoan hỷ gửi về: giacngoxuan@gmail.com.