Gần đây, các bạn trẻ đăng ký làm lễ cưới hay còn được gọi bằng hai tiếng giản dị là "Lễ hằng thuận" ngày một nhiều. Trung bình mỗi tháng có chừng 1-2 lễ, cả năm hơn 20 lễ hằng thuận nối tiếp nhau diễn ra tại chùa.
Lễ hằng thuận thiêng liêng
Với thầy Tâm Thuần, trụ trì Thiền viên Sòng Phúc (Long Biên) điều lưu dấu sâu nhất sau mỗi lễ hằng thuận là “không khí trang nghiêm, thiêng liêng khi nhìn những người trẻ trao nhẫn cho nhau, đôi mắt đầy yêu thương, lạc quan, không vướng bi ai, sầu muộn”.
Anh Nguyễn Văn Phúc (25 tuổi, nhân viên Công ty CP bảo hiểm BIDV Bắc Ninh) vẫn chưa quên được dư âm ngọt ngào của lễ hằng thuận tại Thiền viện Sòng Phúc đầu tháng 11/2011. Mẹ anh - bà Lê Thị Bích Hà (Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Bắc) vốn là người theo đạo Phật.
Sau khi đỗ đại học, anh Phúc được mẹ gửi vào thiền viện Sòng Phúc nuôi dạy. Cứ thế, tâm hồn của một chàng trai mới lớn, vốn chỉ mê kinh doanh và cây cảnh được tưới đẫm những bài giảng, những lời dạy bổ ích của đạo Phật. Suốt 3 năm yêu cô thôn nữ Nguyễn Thị Huyền (vốn đang là sinh viên trường CĐ Thống kê Bắc Ninh), anh đã “lôi kéo” Huyền đến chùa mỗi khi rảnh rỗi.
Lễ hằng thuận của đôi Phật tử Nguyễn Văn Phúc và Nguyễn Thị Huyền
Để rồi, khi quyết định gắn bó cả đời bên nhau, cả hai cùng “đồng lòng” tổ chức lễ hằng thuận tại thiền viện. Với Phúc, giây phút được trời phật chứng giám là những khoảng khắc anh không bao giờ quên. “Ai chưa một lần được tổ chức hay chứng kiến lễ hằng thuận ở chùa sẽ là người thiệt thòi. Với tôi, đó là một nghi lễ thiêng liêng vô cùng.
Đến tận lúc đứng cạnh cô dâu, mình mới thấu hiểu vì sao người ta lại trao nhẫn cho nhau, tại sao nhẫn lại được làm bằng vàng… Mình hiểu chữ Nhẫn và hiểu rằng mình cần làm gì khi đã xây dựng gia đình”. Giây phút duy nhất trong đời, cô dâu duyên dáng trong chiếc áo dài; chú rể áo trắng, comple chững chạc đứng cạnh.
Cả hai sánh bước vào chính điện, đối diện với Tam Bảo. Phía trước bàn thờ Tam Bảo, chư tăng phật tử ngồi thành hai hàng ngay ngắn, cùng tụng kinh niệm Phật khi buổi lễ bắt đầu. Bên cạnh trang phục tươi tắn, rực rỡ của đôi bạn trẻ là sắc y vàng rực của chư tăng phật tử.
Chính điện rạng rỡ hơn ngày thường với những lẵng hoa tươi thơm ngát và những nụ cười chia vui không vướng bụi trần của các phật tử. Đã trăm lần được mời làm “chủ tọa đám cưới”, thầy Thông Quán - Giáo thọ sư Thiền viện Trúc lâm Yên Tử, người đứng ra làm “chủ tọa” cho hang trăm đám cưới, nhận xét: “Lễ hằng thuận ở chùa, trầm tĩnh trang nghiêm, có chút gì đó tươi vui nhè nhẹ”.
Với thầy “Cưới ở chùa, Đức Phật không là người đứng ra kết duyên, ngài chỉ là tượng trưng cho sự “công chứng”, giác ngộ đôi bạn trẻ, hướng họ suy nghĩ và hành động đúng đắn, không mắc sai lầm, giúp họ có tâm thế vững vàng khi bước vào giai đoạn mới của cuộc đời”.
Cầu nối giữa Đạo và Đời
Bà Nguyễn Thị Mắn (số 44, ngõ 158 Ngọc Hà, Ba Đình) từ lâu gắn bó với vai trò là Trưởng Đạo tràng Pháp Hoa, chùa Bát Mẫu thuộc quận Ba Đình, Hà Nội. Bao nhiêu năm theo đạo Phật là bấy nhiêu năm bà tận tâm đưa các đôi trẻ sang chùa làm lễ hằng thuận. Chỉ riêng trong tháng 10/2011, trong phật tử Đạo tràng Pháp Hoa có đến 3 gia đình tổ chức lễ hằng thuận cho con tại Thiền viện Sòng Phúc.
Cả ba đám, bà đều một tay quán xuyến, lo toan chẳng khác gì lo đám cưới cho con ruột của mình. Với bà Mắn, không có gì đáng quý hơn việc gieo duyên đưa các con về với Tam Bảo. Như những hạt mưa xuân thấm sâu vào trong lòng đất, những lời dạy của Phật trong buổi lễ sẽ thấm sâu vào lòng người trẻ, giúp chúng hướng tới những điều tốt đẹp nhất trong cuộc đời. Có những điều ngoài đời bố mẹ chúng không nói được, nhưng trước thánh điện, các con dễ dàng “ngấm” từng lời thầy dạy.
Anh Bùi Doãn Cường và chị Phan Thanh Huyền (phố Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy) vừa làm lễ hằng thuận đã không giấu nổi niềm hạnh phúc trên gương mặt. Lời phát nguyện trước Tam Bảo có tác động rất lớn đến nhận thức, suy nghĩ của cả hai. Hạnh phúc lứa đôi hòa quyện với những tôn chỉ của Phật, là cầu nối giữa Đạo và Đời, giữa hạnh phúc giải thoát và ước nguyện xây dựng một xã hội tốt đẹp của chư tăng và hàng phật tử tại gia.
Theo thầy Thông Quán, đạo Phật luôn có mặt trong từng sự kiện của đời sống chúng sinh, dù sinh hay tử. Việc chúc phúc cho một giai đoạn mới của thanh niên nam nữ cũng mang ý nghĩa nhân bản, đúng tinh thần từ bi của Đạo Phật. Sự trang nghiêm của chùa, sự kính cẩn của các chư tăng, phật lão sẽ tạo động lực giúp đôi bạn trẻ hạ quyết tâm dù khó khăn đến đâu vẫn giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Cưới ở chùa là nét đẹp văn hóa đang được nhiều người trẻ yêu thích, là sức hấp dẫn với cả những người không theo đạo Phật. Cùng với thiền viện Sòng Phúc, chùa Lý Triều Quốc Sư (quận Hoàn Kiếm), chùa Đình Quán (huyện Từ Liêm), chùa Thiên Tuế (Phù Lỗ, Sóc Sơn)… đang dần dần trở thành những cái nôi dẫn dắt người trẻ bước vào cuộc sống lứa đôi hạnh phúc.