Ngài đã sáng lập nên dòng Thiền đặc trưng của Phật giáo Việt Nam - Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, và trở thành vị tổ thứ nhất với danh xưng “Hương Vân Đại Đầu Đà”. Kế tiếp Ngài là đệ nhị tổ Pháp Loa và đệ tam tổ Huyền Quang ( 1254- 1334) cùng gánh vác trách nhiệm Phật sự, hoằng dương chánh pháp..
Trên đỉnh non thiêng
Song song với sự nghiệp xây dựng giáo hội độc lập, vững mạnh, tam tổ Huyền Quang còn được người đương thời biết đến là một bậc văn nhân, thi sĩ bởi tài năng xuất chúng, trí tuệ trác tuyệt. Với kiến thức, tri thức có sẵn những tư tưởng tinh hoa của giáo lý nhà Phật qua sự thẩm thấu của Huyền Quang đã trở thành những “Pháp vị”; khai phóng nhiều ngả đường trải nghiệm và nhiều cung bậc cảm xúc đạt Ngộ khác nhau cho hàng vạn, triệu độc giả cũng như kẻ mộ đạo tu hành. Trong đó không thể không kể đến “Xuân nhật tức sự” - một bài thơ gây nhiều hiệu ứng trái chiều, nhiều cách lý giải cảm nhận khác nhau mà cho đến tận bây giờ vẫn chưa thôi dứt. Chỉ riêng chuyện giáo sư, tiến sĩ Lê Mạnh Thát phát kiến ra bài thơ trên không phải của Huyền Quang mà là của Thiền sư Ảo Đường Nhân Trung[1] đời nhà Tống, Trung Quốc thì bài thơ lại càng gây nhiều tranh cãi trên văn đàn giữa các nhà nghiên cứu Phật học và các hành giả tu tập. Trong bài viết này, người viết xin được miễn bàn đến chuyện xuất xứ của bài thơ; chỉ xin đề cập đến cái hay, cái đẹp, tư tưởng rốt ráo, uyên áo nhiệm màu của bài thơ mà tác giả, hành giả của nó bằng dấu ấn trí tuệ trác tuyệt đã chiết xuất từ dòng chảy tâm linh cả một đời tu tập để lại làm của báu cho đời, cho người.
Nhị bát giai nhân thích tú trì – chầm chậm cô em thêu bức gấm Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly – oanh vàng ríu rít khóm tường vi Khả lân vô hạn thương xuân ý – thương sao man mác niềm xuân động Tự tại đình châm bất ngữ thì. – ấy phút dừng kim chẳng nói gì [2]Với thể thơ Thất ngôn tứ tuyệt, ngay ở câu Đề - mở đầu bài thơ tác giả của bài thơ đã khiến nhiều kẻ “giật mình” ngộ nhận; biết bao người chỉ mới liếc mắt vào con chữ, chạm đến phần “da” của bài thơ đã vội vã thốt lên rằng ý thơ lãng mạn quá. Trong văn học, thủ pháp ước lệ luôn được các tác giả sử dụng vào mục đích chuyển tải tư tưởng, ý nghĩa điều mình muốn nói, muốn nghĩ, muốn làm.... Với những khuôn mẫu ước lệ thông thường như mây, gió, trăng, hoa,… chỉ cần nhìn vào là hình dung, đoán định ngay ra được chủ nhân muốn nói gì thì quả là dễ hiểu. Thế nhưng, ở đây thực thể lại là một thiếu nữ đương xuân, một giai nhân ở vào độ tuổi đẹp nhất của đời người; một vẻ đẹp viên mãn như vầng trăng tròn đêm mười sáu – một vẻ đẹp làm nao lòng quần chúng mà bất cứ người nghệ sĩ nào cũng cần tìm đến, hướng tới để tạo ra mạch nguồn cảm xúc, khơi chảy nên sự thăng hoa. Vậy thì cái điều mà Huyền Quang đã bằng cả đời mình, bằng cái tâm của một người tu Phật đã đạt đến, giờ muốn chỉ bày cho chúng sinh ở đây là cái gì? xin thưa đó là Thiền. Vâng Thiền là Sống. Tách Thiền ra khỏi sự sống đang tuôn thao bất tận, đang ồ ạt chảy không ngừng thì đó chỉ là Thiền câm, Thiền chết; đó cũng là lý do tại sao Thiền của Ngài Huyền Quang lại được khu trú, được phong kín vào hình ảnh cô gái đương xuân. Về mặt chất, cô gái tiêu biểu cho năng lực tiềm tàng, sự ẩn chứa mọi vẻ đẹp tinh hoa đang hội tụ trong từng đường nét mà cô gái là một hàn thử biểu để người đọc hình dung. Về mặt lượng, cô gái biểu đạt cho sức trẻ cái mà chúng sinh có thể dễ dàng cảm nhận được qua từng đường nét sắc, thanh, hương, vị, xúc…cái mà cô gái đang sở hữu. Do đó, đọc tiếp câu thơ thứ hai - câu thực người đọc như cảm giác mình đang Sống, đang hiện hữu với sự sống của cô cùng cỏ, cây, hoa lá với tiếng hót líu lo của chim muông, vạn vật; và như vậy để đánh thức mọi cảm quan của con người thì chỉ có Huyền Quang người đã Sống, đã vượt thoát qua nỗi oan “Điểm Bích” là đủ tâm thế để làm được mà thôi. Nói như Freud thì “Tôn giáo là một sức mạnh lớn lao tác động tới những cảm xúc mạnh mẽ nhất của con người”[3]. Chúng sinh đọc bài thơ lên chỉ “nhìn” thấy lượng; thấy cái yếu tố lãng mạn – cô gái đương xuân, oanh vàng hót líu lo …được bao bọc bằng danh ngôn nghĩa lý, mà không thấy được cái mà Thiền sư Huyền Quang đã nhìn, đã Ngộ là sự chuyển động của trạng thái tâm thức – chất. Hình ảnh cô gái là hình ảnh mà chúng ta có thể thấy ở trong mỗi chúng sinh. Đó là con người của dâm dục, thực dục của hỷ, nô, ái, ố, ai, cụ, lạc trong cõi đời tương đối, đối tương; chỉ nhìn thấy cái phàm trần trong cõi tục cũng có nghĩa là chưa thấy được cái Ngộ trong cái mê, thấy được tính Phật trong mỗi chúng sinh đầy tính thú.
Hành hương về Yên Tử
Chính vì lẽ này mà Đức Phật mới dạy chúng sinh luân hồi vào ra trong ba cõi, sáu đường chưa khi nào thôi dứt. Mê đấy là chúng sinh, ngộ đấy là Phật. Chỉ khi nào quăng bỏ mọi khái niệm, tư duy chấp chặt thông thường, nhìn sâu vào bên trong cái mà nhà Phật nói thực tướng của sự vật để thấy rằng cô gái kia – chủ thể rõ ràng cô ta đang thêu, đang đan dệt cuộc đời mình qua từng sợi chỉ Nghiệp, Nghiệp sẽ đưa cô gái kia đến đâu, về đâu thì chỉ có chính chủ nhân của nó là cô gái đang thêu, đang đan dệt cuộc đời mình là biết được mà thôi. Nếu như ở hai câu Đề và Thực ý thơ dồn dập, say mê với những âm vực cao, rộng thì ở câu Luận thứ ba, ý thơ lại mang tính chuyển đổi đột ngột. Nó chẳng khác gì một nốt trầm xao xuyến giữa ngàn vạn âm thanh hỗn loạn, xô bồ. Nhận thức được sự cùng tận, sự tan chảy của vật chất trong từng hành nghiệp, từng Sát na sinh diệt không ngừng cũng là lúc mà chúng sinh nhận ra được Bản lai diện mục của chính mình. Tạo nghiệp thiện thì chất chứa công đức lành đưa đến cảnh giới an lạc. Tạo nghiệp ác thì đưa đến cảnh giới vật vã khổ đau ngay chính nơi tâm thức mình chứ không phải ở một nơi nào trên cõi thế, chính vì vậy mà chủ nhân kia – cô gái đương thêu, đương đan dệt số phận của mình mới chợt hoài cảm, xót xa cho sự đến, đi của chúng sinh mà – thương sao man mác niềm xuân động. Theo thần hệ cổ đại Hy Lạp thần số phận có tên gọi là Fates [4]. Vị thần này có năng lực vô biên đến nỗi thần Zeus – vị thần tối cao đứng đầu các vị thần cũng phải nể sợ. Thần Fates thường được biểu trưng dưới dạng ba vị thần ngồi dưới một gốc cây tại trung tâm trái đất với chức năng quyết định số phận của mọi người. Vị thần số một có tên Clotho làm nhiệm vụ kéo sợi đan thành số phận của mỗi người. Vị thứ hai có tên Lachesis làm nhiệm vụ phân phối số phận cho mỗi người. Vị thứ ba có tên Atropos có nhiệm vụ cắt đứt số phận của mỗi người. Như thế thì điều mà Thiền sư Huyền Quang cách đây hơn bẩy thế kỷ muốn gửi đến, muốn nói tới phải chăng có tính đồng nhất với hình ảnh của thần hệ Hy Lạp?. Cô gái trong “Xuân nhật tức sự” của Huyền Quang về đâu, đến từ đâu sau khi trải nghiệm đủ đầy tính vô thường, vô ngã, khổ, không, …của cõi Ta bà này chỉ có cô gái biết, Ngài Huyền Quang biết cũng như vị thần Fates – vị thần số phận kia biết được số phận của mọi người trong tay thần.
Biết được điểm đến của mình ở đâu cũng chính là biết được đường đi của Nghiệp, biết được Chánh báo và Y báo của mình nơi cõi thế. Kiểm soát được từng đường kim, mũi chỉ tức hành nghiệp, sự tạo tác trong bàn tay mình sẽ không dẫn đến thảm cảnh “tiền lộ mang mang vị tri hà vãng”. Dừng ngay sự tạo tác, sự phi như lý tác ý cũng chính là biết được đường đi của Nhân – Qủa. Bồ Tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả. Chúng sinh cứ tạo nghiệp, cứ đan dệt cuộc đời của mình rối bời bằng đủ các thứ chỉ màu tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến …nhưng khi thọ quả báo lại chỉ biết khóc than, oán trời đất bất công, trách lòng người đen bạc. Còn Bồ Tát thì dứt khoát cắt đứt đường đi cuả Nghiệp ngay tại nơi Nhân, thế nên dù có phải thọ quả báo như Ngộ Đạt Quốc Sư [5], có phải tan chảy thân xác này như Bồ Tát Thích Quảng Đức [6]…thì các Ngài vẫn Thiền, vẫn trong lò lửa rực sáng một cành sen. Và nói theo Kinh Duy Ma “ Bồ Tát bệnh vì chúng sinh bệnh” thế cho nên cô gái đương thêu chợt – thương sao man mác niềm xuân động ấy, cũng chính là sự thương cảm của Huyền Quang trước sự rối ren tạo nghiệp của chúng sinh. Còn khởi tâm nghĩ rằng ta phải làm cái này, phải gánh vác cái kia, phải giữ gìn cái nọ, phải dứt diệt cái đó là còn rơi vào tứ tướng Tác - Nhậm - Chỉ - Diệt, bậc đã liễu ngộ thiền cơ thì chỉ tùy duyên diệu dụng vào ra ba cõi theo nguyện lực của chính mình. Nhưng để thể nhập hai chữ tùy duyên thì bản thân Thiền sư cũng đã phải bao phen hốt hoảng với chính mình trước nhân tình thế thái, thế nên cái xót thương của cô gái cũng chính là cái xót thương thay cho tâm phàm, cách nhìn, cách nghĩ theo hình danh, sắc, tướng của chúng sinh:
Khó khăn thì chẳng ai nhìn Đến khi đỗ trạng chín nghìn nhân duyênVì kiếm tìm một chút địa vị, công danh nhiều bậc công hầu khanh tướng, cho đến hạng thảo dân hiền lương cũng phải ngậm ngùi, đắng đót mà cười ra nước mắt :
Thân này uốn éo vì duyên Cũng cam một tiếng thuyền quyên với đời [7]Cũng là một chữ duyên nhưng với Thiền sư Huyền Quang thì Ngài lại vượt lên trên cách xử thế, cách quan niệm thiển cận hẹp hòi của trí óc phàm trần, thế nên :
Tận tại đình châm bất ngữ thì - ấy phút dừng kim chẳng nói gì
Chẳng nói gì chỉ là bề mặt của hiện tượng, còn bên trong nó bản chất lại đang nói rất nhiều. Có thể bắt gặp ở đâu đó trong chúng ta một khuôn mặt ra chiều đang đăm chiêu tư lự nhưng lúc ra chiều tư lự đấy cũng là lúc hàng nghìn lượn sóng tâm thức đang nhấp nhô trên bề mặt của ý thức hệ. Cái tài tình ở câu Kết của bài thơ là dùng cái chẳng nói gì để nói rất nhiều, nói lên cái sự Sống, sự tiếp nối đang bắt đầu quẫy mạnh, hiển lộ như mặt trời trong tâm thức của chúng ta. Nếu như ở câu Luận mạch văn có vẻ như bị dồn nén, đè chặt thì ở câu Kết rõ ràng người đọc sẽ thấy sự nở bung của cảm xúc. Quyết định chẳng nói gì trước sự lao xao đi, đến của chúng sinh cũng là một quyết định mang tính phi thời gian. Hạt cây nẩy mầm thì trái cây rung động. Không có cô gái chúng ta sẽ không có thế giới chúng sinh, không có quốc độ xấu, đẹp, sạch, dơ, không có tài, sắc, danh, thực, thụy… vậy thì ai giác ngộ? giác ngộ cái gì? Sự giác ngộ, sự nhận biết nguồn hỷ lạc vô biên từ giáo pháp của Phật phải được trải nghiệm, được kinh quá thế giới của tâm linh, thế giới của hình danh, sắc chất. Tu và Ngộ là hai phạm trù thuộc thế giới tâm thức. Nhưng cụ thể hóa cái tâm đó như thế nào thì phải bằng sự cảm nhận của thế giới sắc màu; cái mà Duy thức học gọi là Sắc pháp. Cô gái là một thực thể đang hiện hữu là cái mà chúng sinh nắm bắt được, nhìn thấy được đó là bề mặt của tâm tức pháp trần. Chẳng nói gì là cái mà chúng sinh cảm nhận bằng trực giác qua thực thể là cô gái, còn ở cõi Ta bà, còn ăn, ngủ, tình dục như nhau, còn ham sống, sợ chết thì cứ hãy nương gá vào các pháp mà tu tập. Chừng nào liễu ngộ các pháp nó vốn như vậy, nó do duyên sinh, đến rồi đi trùng trùng duyên khởi [8] thì lúc đó chúng ta có thể an nhiên tự tại để thể nhập vào cảnh giới vô ngôn – không tạo tác chẳng nói gì.
Ảnh minh họa
Kết thúc bài ca giác ngộ mạch văn chuyển đổi từ Hữu tới Vô khiến người đọc như bước vào cảnh giới vô ngôn. Thiền là như vậy đấy không đi qua thế giới tư duy văn tự, mà bắt hành giả phải tự phơi bày nhãn kiến của mình. Thiền cũng là sự khai phá tâm thức cho hành giả tự nói, tự hiểu, tự trải nghiệm bằng chính sự tu tập của mình. Chỉ nhìn thấy hình ảnh cô gái đương xuân, chim hót líu lo… rồi nói rằng “ Xuân nhật tức sự” lãng mạn quá thật chả khác nào chỉ nhìn thấy ông Phật đồng trong lò, ông Phật gỗ trong lửa, ông Phật đất trong nước sẽ chẳng bao giờ mở được cánh cửa thực tại để bước vào cảnh giới hạnh phúc, Niết Bàn. Thiền sư Pháp Diễn giảng dạy cho các đệ tử tu Thiền của mình thường nói “Phép dạy tu Thiền của ta không khác gì học nghề ăn trộm”. Sự giác ngộ của người này không phải là cái thấy của người kia. Thế cho nên, các Thiền sư đã ngộ đạo thì cứ tủm tỉm cười, sống trọn niềm hỷ lạc với sự giác ngộ của mình – chẳng nói gì, còn chúng sinh thì chẳng khác gì cô gái đang xuân cứ tha hồ bình luận, tha hồ đan dệt cuộc đời này bằng những sợi chỉ đủ sắc màu, rối ren trăm vẻ.
Từng lời, từng chữ trong bài thơ như như từng mũi khoan nhọn xoáy sâu vào tâm thức của hành giả, của người đọc khiến người đọc có cảm giác như bị dồn nén, ức chế thật hoang mang, mất phương hướng. Và cảm xúc chỉ thực sự vỡ òa, sự khai phóng tâm thức được đẩy lên đỉnh điểm khi bất ngờ thực thể vắng bặt mọi tư duy, suy nghĩ thông thường – chẳng nói gì tại câu Kết. Lời thơ khép lại, ý thơ mênh mang tùy theo sự giải ngộ nơi mỗi người vì Thiền là “Như nhân ẩm thủy, lãnh noãn tự tri” – như người uống nước, nóng lạnh tự biết. Cô gái dừng kim chẳng nói gì bởi cái điều cô muốn nói chỉ có thể chính cô cảm nhận bằng thế giới tự tu, tự ngộ của chính cô.
Phút giây khoát nhiên đại ngộ của hành giả khiến cả tam thiên đại thiên thế giới phải đứng im, chìm ngập trong biển giác. Đó là giây phút thăng hoa tột cùng của thế giới tâm linh! nó quá đẹp và luôn Sống mãi cùng thời gian bất tuyệt, không gian miên viễn trên hành trình giác ngộ của loài người!