Xứng danh nghệ nhân dân gian

GN - Để các khối kim khí nặng hàng chục tấn ngân vang, ông đã có những “bí quyết” mà giới trong nghề gọi đó là… “tuyệt chiêu độc”. Bằng đôi tay tài hoa kỳ diệu cùng nỗi lòng bảo tồn nghề truyền thống, nghệ nhân dân gian Nguyễn Văn Sính đã có công phục dựng và đưa nghề đúc đồng Việt Nam vươn ra tầm cao châu lục với những “tác phẩm” kinh điển có một không hai.

Sử tích Phường Đúc

Trong đợt Nam tiến (năm 1600), ngoài các lính thợ có tiếng ở Bắc Kỳ được chúa Nguyễn

Anh 3.JPG

Năm 2003, nghệ nhân Nguyễn Văn Sính được Hội văn học Nghệ thuật Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian. Năm 2009, ông được Nhà nước phong tặng Nghệ nhân Ưu tú sau hơn 55 năm cống hiến cho nghề đúc đồng truyền thống nước nhà.

Hoàng truyền gọi vào Huế còn có cụ tổ Nguyễn Văn Lương, người huyện Siêu Loại, tổng Đông Xá, Bắc Ninh bấy giờ (nay thuộc xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên). Chính cụ Nguyễn Văn Lương đã sáng lập nên nghề đúc đồng truyền thống xứ Huế. Và đến hôm nay, nghệ nhân Nguyễn Văn Sính là đời thứ 12 kế nghiệp cha ông giữ gìn và phát triển nghề này.

 Là một nghề có danh tiếng khi được các vua chúa ân sủng, 12 đời liên tiếp trong dòng họ của nghệ nhân Nguyễn Văn Sính đều được hưởng bổng lộc vua chúa. Đến thời vua Thành Thái (1879-1954), con dân trong dòng họ Nguyễn còn được miễn thuế đinh, thuế điền và được ở trên đất quan phẩm, phần đất chỉ dành cho các quan lại trong triều. Con cháu họ Nguyễn kế nghiệp nghề đúc đồng cha ông mỗi ngày mỗi nhiều cũng là lúc Phường Đúc ở Huế được hình thành. 5 xóm của Phường Đúc là Giang Dinh, Giang Tiến, Kinh Nhơn, Bổn Bộ và Trường Đồng được dân gian truyền gọi là… “năm dây thợ đúc”.

Cha của nghệ nhân Nguyễn Văn Sính là cụ Nguyễn Đình Toại cũng được vua Khải Định phong Cửu phẩm. Chính ông là một trong những người đầu tiên tiến hành đúc chuông chùa Linh Mụ, Cửu đỉnh (9 vạc lớn ở Đại nội Huế) và Cửu vị thần công. 6 vạn quan tiền và ấn vua Bảo Đại cũng do chính tay cụ Toại và anh em trong đội đúc đồng Phường Đúc thực hiện.

Người bắt kim khí… ngân vang

Năm nay 73 tuổi, nghệ nhân Nguyễn Văn Sính được giới trong nghề biết đến như một truyền nhân của nghề đúc đồng truyền thống xứ Huế bởi đôi tay tài hoa, điêu luyện và trí óc hơn người. Vào nghề từ năm 17 tuổi, nghệ nhân Nguyễn Văn Sính đã đúc nên những tác phẩm bằng đồng kinh điển trên đất Việt. Một trong số đó là quả đại hồng chung lớn nhất Đông Nam Á với trọng lượng 30 tấn, cao 5,4m, đường kính 3,4m được đúc trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010).

 Nhớ lại lúc mới vào nghề, vì chưa được thực nghiệm đúc những quả chuông “khủng” nên ông chưa tự tin vào khả năng của mình. Nghệ nhân Nguyễn Văn Sính nhớ lại: “Năm 1971, có người đến đặt tui làm quả đại hồng chung nặng 3 tấn. Lúc đó tui đắn đo nghĩ có nên nhận lời hay không vì bản thân cũng chưa có kinh nghiệm trong việc đúc đại hồng chung lớn… Sau nghe tui đồng ý mà họ đã khóc vì quá vui sướng bởi hơn 2 năm ròng tìm kiếm thợ đúc nhưng không một ai chịu nhận”. Đây là quả Đại hồng chung đầu tiên trong cuộc đời nghệ nhân Nguyễn Văn Sính được hoàn thành lúc ông 31 tuổi và hiện được đặt tại Niết Bàn tịnh xá, Bãi Dứa, TP.Vũng Tàu.

Anh 1.JPG

Quả đại hồng chung lớn nhất Đông Nam Á do nghệ nhân Nguyễn Văn Sính và
đội thợ Phưởng Đúc Huế chế tác - Ảnh: Anh Khoa

Gần 20 năm sau, Đại hồng chung thứ 2 nặng 6 tấn hiện được đặt tại chùa Bát Nhã (Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng do đôi tay của ông và đội thợ Phường Đúc tạc nên. Và một trong những “kiệt tác” được các chuyên gia nghiên cứu đánh giá đủ độ “chính” về chất lượng cũng như độ mỹ thuật là bức tượng đồng Đức Thánh Trần Hưng Đạo cao 10m, nặng 22 tấn hiện đặt tại Công viên Vị Hoàng, Nam Định. 

Không ngại khó, ngại khổ, những chiếc đại hồng chung, những bức tượng đồng cứ thế được “bàn tay vàng” Nguyễn Văn Sính nhào nặn và tạc thành hình trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Riêng nghệ nhân Nguyễn Văn Sính, ông xem đó là những dịp hiếm có để luyện nghề. Cuối năm 2006, quả chuông đầu tiên được xác nhận lập kỷ lục Việt Nam có trọng lượng 22.480kg, cao 4,7m, đường kính 3m cũng được nghệ nhân Nguyễn Văn Sính cho xuất xưởng về chùa Bái Đính.

Nói về quả chuông này, nghệ nhân Nguyễn Văn Sính tâm sự: “Nghe Công ty Xuân Trường (Ninh Bình) đặt đúc quả chuông nặng 22 tấn mà lúc ấy tui như không tin. Mừng ít, lo nhiều vì hầu hết các công đoạn đúc chuông đều phải đúc với phương pháp thủ công. Và để làm nên quả đại hồng chung khổng lồ ấy, anh em trong đội đã cật lực gần 1 năm liền mới hoàn thành”.

Để đúc nên một quả đại hồng chung phải qua 3 giai đoạn: làm khuôn, đổ đồng và cuối cùng là khâu làm nguội để hoàn chỉnh sản phẩm. Thế nhưng, theo nghệ nhân Nguyễn Văn Sính, việc đổ liên tục 20 hoặc 30 tấn đồng với nhau còn dễ dàng gấp mấy lần so với việc làm cho quả chuông phát tiếng và ngân xa.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Sính cho biết: “Để khối kim khí có được tiếng ngân và vang xa thì từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng, người làm cần tuân thủ nghiêm ngặt theo một công thức mà không phải ai cũng làm được. Đặc biệt phải phân biệt được tiếng chuông sau với tiếng chuông trước để có sự điều chỉnh âm chuông theo ý muốn… điều này mới thật sự khó”.

 Không chỉ là nghề truyền thống

Để giữ gìn và phát triển nghề đúc đồng, nghệ nhân Nguyễn Văn Sính không ngừng ra Bắc vào Nam để đến các cơ sở đúc đồng nổi tiếng “học nghề”. Vừa trở về sau nhiều ngày “thực địa” ở một số cơ sở đúc nổi tiếng tại Đồng Nai, chia sẻ những kinh nghiệm làm nghề truyền thống, nghệ nhân Nguyễn Văn Sính tâm sự: “Nghề đúc đồng truyền thống vốn có nhiều nhược điểm, nếu không tìm cách khắc phục thì sẽ rất khó bảo tồn và phát triển. Tui đang nghĩ cách làm sao để thay thế phương pháp đúc đồ đồng thủ công thờ cúng, gia dụng sang đồ đồng mỹ nghệ để phục vụ cho du lịch. Có như vậy nghề đúc đồng không chỉ là nghề truyền thống nữa… mà còn là nghề để người thợ có thể thoát nghèo và… làm giàu”.

Anh 4.JPG

Chiếc chuông khổng lồ do nghệ nhân dân gian chế tác - Ảnh: Anh Khoa

Sử dụng khuôn đúc cát của các lò đúc ở Nam Trung Bộ để thay thế khuôn đúc truyền thống hay chuyển đổi quy trình từ nấu lò đứng sang lò nằm, nồi gang sang nồi sắt, cải tiến cách lấy lõi khuôn đúc để đúc được nhiều lần trên cùng một khuôn… Tất cả các phương pháp này đều do nghệ nhân Nguyễn Văn Sính nghĩ ra và áp dụng để tăng năng suất lao động thành phẩm.

Đặc biệt hơn, hai con trai của nghệ nhân Nguyễn Văn Sính là Nguyễn Phụng Sơn và Nguyễn Trường Sơn cũng kế tục nghiệp gia truyền sau khi tốt nghiệp ngành cơ khí chế tạo tại ĐH Bách khoa Hà Nội và Bách khoa Đà Nẵng. Hiện cơ sở đúc đồng 1 mang tên nghệ nhân Nguyễn Văn Sính do kỹ sư Nguyễn Trường Sơn quản lý, cơ sở 2 mang tên Doanh nghiệp tư nhân - nghệ nhân Nguyễn Phụng Sơn. Đây là hai cơ sở đúc đồng lớn và có uy tín nhất miền Trung khi các sản phẩm đồ đồng đúc tại đây có mặt khắp mọi vùng miền Tổ quốc.

Không những giữ gìn, phát huy nghề truyền thống, cơ sở đúc đồng của nghệ nhân Nguyễn Văn Sính còn tạo công ăn việc làm cho hơn 40 lao động tại Phường Đúc. Thợ cả Nguyễn Văn Lộc (35 tuổi) đã làm việc tại cơ sở đúc đồng của nghệ nhân Nguyễn Văn Sính hơn 10 năm nay. Tâm sự chuyện nghề của mình, anh Lộc trải lòng: “Nghề đúc đồng đòi hỏi người thợ phải kiên nhẫn, chịu khó và thật sự khéo tay mới có thể làm được. Nhờ thầy Sính chỉ dạy từng li từng tí mà tay nghề của anh em ở cơ sở không hề thua kém các nơi khác”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện về Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày