Từ lời nói thoảng qua…
Nghe câu nói chị hàng xóm xong, nguyên buổi sáng chị Hoàng cứ thẫn thờ nghĩ lại chuyện đã qua. Chị Hoàng (Cần Đước, Long An) nhớ những ngày ấm êm, những ngày bình yên bên hạnh phúc gia đình rồi lại nhớ những tháng ngày lao đao, lận đận với khối nỗi buồn, nợ nần do căn bệnh đột quỵ của chồng để lại, tiếng đời sỉ vả. "Có đó, mất đó, cứ cho là của mình nhưng cuối cùng đâu như ý mình mong muốn. Mình không tích phước, khổ đã đành chẳng lẽ mình lại nhẫn tâm để lại cái hậu không tốt cho con, cháu về sau". Vậy là chị chuyển từ bán mặn, bán đồ nhậu sang bán đồ chay từ ngày đó.
Với nồi bún riêu, hủ tíu, hàng nước mía và những nải chuối sứ mua từ trong vườn nhà, thu nhập một ngày của chị không nhiều nhưng được cái khách ăn chay nhiều hơn ăn mặn. Có nhiều hôm khách đông đến mức chị nấu không đủ bán. Có hôm, các chú trong Hội Chữ thập đỏ thấy chị bán không xuể cũng phải chạy sang phụ. Niềm vui trong chị như được nhân lên khi quanh chị vẫn có nhiều người ủng hộ, quan tâm và tiếp sức. Rồi chị lại nghĩ nên chăng mình bỏ ra toàn bộ số tiền một ngày bán hủ tíu để chia sẻ với người khó khăn hơn mình.Vừa thoáng nghĩ qua là chị quyết định trình bày tâm nguyện lên Hội Chữ thập đỏ địa phương. Nghe xong, mọi người đều tán thành với mong ước của chị. Từ đó, ngày rằm hàng tháng, chị đều làm phước tại gia bằng món hủ tíu và bún riêu cho người nghèo thích ăn chay.
Đến với chị vào những ngày rằm đa phần là người quen cùng số phận, bạn đạo và khách thập phương. Nhưng điều may mắn là khách đến quán ngày một nhiều nên tiền ủng hộ mỗi kỳ lại được tăng thêm. Vì vậy, chị càng giúp được nhiều người. Có khi là mua bảo hiểm cho người neo đơn, khi thì ủng hộ tiền đám tang, có khi giúp đỡ các em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh…
Tiếng lành đồn xa, giờ đây chị không chỉ nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, Hội Chữ thập đỏ xã mà còn nhận được sự giúp đỡ của mạnh thường quân. Như chị Hoa, 58 tuổi (ở cùng tỉnh) khi nghe chị Hoàng nghèo khổ mà vẫn làm từ thiện, tích phước nên chị Hoa cũng xin được tham gia. Và cứ đến ngày rằm là chị đều thuê xe ôm gửi lên quán 20kg bún. Có những hôm không bận việc nhà, chị Hoa cũng lên rửa chén phụ chị. Hay cô bác tiểu thương trong chợ Rạch Kiến, đến ngày bán từ thiện thì người gửi cho cà chua, người gửi cho rau. Quý nhất là bác Thanh, dù đường xa nhưng cứ tới ngày bán từ thiện là từ TP.Hồ Chí Minh đón xe chạy xuống ủng hộ tiền… Ai có gì cho nấy, dù nhận được chút ít gì đó từ cô bác trong vườn chuyển gửi đến, chị đều thấy vui và hạnh phúc.
...đến làm việc thiện từ bàn tay trắng
Với những ai nhìn thấy sự trưởng thành và cố gắng của chị trong những ngày tháng vất vả cũng đều ngưỡng mộ và cho rằng chị là người phụ nữ "cá tính, đầy bản lĩnh và nghị lực". Bởi đi từ những khó khăn, những nghịch duyên của cuộc đời, ấy vậy mà chị chưa bao giờ nản chí, gục ngã, oán trách số phận hay sống lệ thuộc vào người khác. Bằng chứng là ở tuổi đời ngoài 50, dù cuộc sống nhiều mỏi mệt nhưng chị luôn đứng lên và cố gắng đi bằng đôi chân của mình. Điều gì đã giúp chị làm được như vậy?
Trả lời cho câu hỏi này, chị bảo: "Cuộc đời chị đã quá nhiều khổ cực, nước mắt chảy nhiều nên giờ cũng hết nước mắt để chảy. Chẳng lẽ vì nợ nần, buồn phiền mà mình buông xuôi hết tất cả. Dù tay trắng nhưng mình không phải là người đáng thương nhất. Ít ra mình còn sức khỏe, còn khối óc, đôi bàn tay thì mình phải tận dụng hết. Mắc nợ phải trả là điều đương nhiên, có điều nghiệp đến sớm thì mình trả sớm, sẽ đỡ trả về sau". Chị trả nợ cuộc đời với tất cả niềm hoan hỷ, như một niềm vui của cuộc sống và chia sẻ với cuộc đời nhiều điều có ích như là bản năng của người hướng thiện.
Làm từ thiện gần một năm, khoảng thời gian này không dài mấy nhưng chừng ấy thời gian cũng đủ để chị cùng những người có hoàn cảnh như chị có nghị lực vươn lên và sống có ích cho mọi người. Đáng quý là khi cái nghèo còn đó, nợ nần vẫn còn đó, những bài toán nặng gánh mưu sinh vậy mà chị, một trong những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vẫn gieo duyên thiện với cuộc đời. Như lời chia sẻ của chú Út, thành viên Hội Chữ thập đỏ sinh hoạt cùng chị, nhận xét: "Tại khách ở xa không biết chứ Hoàng thấy thương lắm, nghèo vậy mà nó dám bỏ ra ngày rằm bán từ thiện. Trong tháng bán nhiều nhất, lời nhất là ngày rằm mà nó dám buông bỏ, để tiền làm từ thiện. Nhiều người giàu có mà chưa chắc gì họ dám làm như Hoàng đâu".
Đi từ những nghịch duyên này đến những ngang trái khác, có lẽ vì thế mà chị nhận diện rõ hơn về nghiệp lực của mình để rồi những tháng ngày về sau, chị như dốc tâm hết mình vào công việc từ thiện, tìm đến hoàn cảnh khắc nghiệt hơn mình để chia sẻ, để yêu thương. Cuối chặng đường đó, chị nhận lại cho mình không phải là cái danh từ thiện, cái tiếng người tốt, việc tốt mà đơn giản như chị nói: "Đó là niềm vui, sự thanh thản khi sử dụng sức lao động của mình có ích cho mọi người và đúng nghĩa, đúng giá trị đồng tiền chị làm ra".