GNO
- Rằm tháng bảy là mùa Tự tứ và cũng là dịp Phật tử dâng y ca-sa. Nhiều bạn đọc đã hỏi về vấn đề này, như ý nghĩa, danh từ liên quan... GNO trích giới thiệu bài viết của HT.Thích Giác Quang về những điều bạn đọc quan tâm:
... Y ca-sa, y là chiếc áo; ca-sa là hoại sắc, tức là chiếc áo hoại sắc, áo ngả màu, một loại màu không giống với màu sắc được đặt tên và theo quy định của thế gian hữu tình, nên gọi màu hoại sắc. Hoại sắc tức là màu sắc này không giống với màu sắc khác của thế gian.
Dâng pháp y hay dâng y ca-sa - Ảnh: GNO
Y ca-sa là chiếc áo hoại sắc, áo có màu sắc khác với màu sắc thế gian; nên nói là áo xuất thế gian, áo giải thoát, áo ruộng phước. Áo xuất thế gian chính là pháp y, áo pháp xuất thế, giáp sắt của người đệ tử Đức Phật khi mặc vào là để chống lại, diệt trừ các phiền não trong thế giới sanh tử luân hồi. Như những mũi tên, đao, gươm, giáo, mác không xuyên thủng được, nên y ca-sa không còn là y phục của thế tục nữa. Y này ở các đạo khác không có, nên gọi áo giải thoát (trích dẫn Sách Tỳ Ni Hương Nhũ, do Kiến Nguyệt Lão Hòa Thượng biên soạn, Tỳ-kheo Thiện Chơn biên dịch, chùa Hải Tuệ ấn tống) .
Y ca-sa cũng gọi “Pháp y”, áo pháp mặc vào được giải thoát khổ đau phiền não, sinh tử luân hồi .
Lễ dâng y ca-sa có mặt trên thế giới, tại các quốc gia theo đạo Phật, mỗi năm vào những ngày sau khóa tu học an cư của chư Tăng Ni, các tổ chức đạo tràng Phật tử được hướng dẫn làm lễ dâng y cúng dường chư Tăng (các nước theo đạo Phật hệ thống Nam truyền), dâng y lên chư Tăng Ni (các nước theo đạo Phật hệ thống Bắc truyền và Khất sĩ). Lễ dâng y ca-sa tại Việt Nam, được các học phái, hệ phái, môn phong pháp phái tổ chức vào ngày rằm (15) tháng bảy âm lịch, có nơi tổ chức chọn lựa một ngày thuận lợi, nhưng cũng nhằm vào các ngày từ mùng 10 đến rằm tháng bảy là chính yếu .
Y ca-sa có nhiều thứ bậc, dành cho những người học Phật, học đạo giải thoát của Đức Phật, phát tâm thọ mặc.
Tuy nói nhiều thứ bậc, nhưng khi người con Phật phát tâm thọ giới mang mặc pháp phục thì người đó đã dứt bỏ những phiền não của thế gian, hoặc phát nguyện dứt bỏ những phiền não của thế gian (tham, sân, si, hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục…).
Gọi là pháp y tức là chiếc áo không vướng bận thế gian, khi thọ mặc vào thì thầy Tỳ-kheo không còn một mảy may phiền não, ngự phục được những khí độc tham-sân-si. Theo hệ thống Phật giáo Nam truyền thì chiếc “Pháp y” tu hạnh đầu đà xuất phát từ pháp môn tu của thầy Tỳ-kheo (chư Tăng) phải lượm vải nhơ nhớp của người bỏ, giặt giũ lại, rồi may y để mặc (Pamsukùlikanga). Thầy Tỳ-kheo chỉ cần có tam y với một màu hoại sắc, tức là : y Tăng già lê, y Uất đa la tăng, và y An đà hội (Tecìvarikanga). Hoặc loại vải lượm ở các nghĩa địa lộ thiên bên đất Ấn Độ xưa (Sosànika), vải người khác không còn cần dùng nữa (Pàpanika), vải bỏ bên đường (Rathiyacola), vải bỏ nơi đống rác (Sancàracola), vải lau chùi cho hài nhi (Soithiya), vải đắp cho người bệnh (Nhànacola) v.v... (trích dẫn sách Hạnh Đầu Đà, trang 6 và trang 11, do nhà dịch giả Nam tông Phật giáo Tỳ-khưu Bửu Chơn dịch).
...Chiếc y ca-sa bá-nạp (tức là Y Tăng Già Lê của nhà sư tu hạnh Khất sĩ) được may nối từ thật nhiều miếng vải nhỏ, mỗi miếng vải tượng trưng cho mảnh ruộng phước, giúp cho người Phật tử có ý thức về sự tôn kính đại Sa-môn, Sa-môn, gieo bòn phước điền. Làm gì người thế gian có thể mặc được mà động lòng tham? Nên nói ngự phục lòng tham của chúng sanh là vậy!
Chiếc y ca-sa theo hệ thống Bắc truyền, là Pháp y của Phật, chiếc áo giáp của người tu đạo Phật, các đạo khác không có, các bộ chư thiên, phi nhân, người đui, điếc, câm, ngọng, lé, lùn, khung dẹo, nói chung người tàn phế không mặc được, dù người đó phát tâm tín thọ cũng không mặc được. Vì đây là Pháp y của Đức Phật, được chư Phật, chư lịch đại Tổ sư truyền trao tận tay cho người tu Phật. Xưa gọi là truyền Pháp ấn, Tâm ấn, truyền Y bát. Xuất phát theo dòng lịch sử Phật giáo, có từ thời Tổ sư Ca Diếp đến Tổ sư thứ 28 là Bồ Đề Đạt Ma.
Cho đến thời điểm Nhị Tổ Huệ Khả rồi đến Lục Tổ Huệ Năng thường là mang đậm nét truyền thừa Y và Bát (Y Bát) trong chốn Thiền lâm ở Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên thường truyền thừa cách này để gây ấn tượng niềm tin giữa thầy và trò. Nhất là các học phái, trường phái, hệ phái, các môn phong pháp phái biệt truyền ở Việt Nam thường truyền cho nhau từ thầy cho trò theo phong cách “truyền đăng tục diệm”, tức là lửa trước truyền cho lửa sau, lửa sau nối tiếp lửa trước, theo cách thức quy cũ “truyền Y Bát” cho nhau. Các vị đệ tử được truyền y bát được xem như người đệ tử đó tâm đắc nhất với thầy tổ của mình. Cách thức truyền y bát sau thế hệ Lục Tổ Huệ Năng không còn sử dụng nữa.
Nét đẹp dâng y mùa Vu lan - Ảnh: GNO
Cũng theo hệ thống Phật giáo Bắc truyền, thì y ca-sa có 3 bậc: Thượng, Trung và Hạ, chia thành chín phẩm.
Bậc Hạ từ y 9 điều đến 13 điều. Ba y này mỗi điều có 2 khoảng dài, 1 khoảng ngắn. Bậc Trung có y 15 điều đến 19 điều. Ba y này mỗi điều có 3 khoảng dài, 1 khoảng ngắn. Bậc Thượng từ 21 điều đến 25 điều. Ba y này, mỗi điều có 4 khoảng dài, 1 khoảng ngắn.
Dài nhiều ngắn ít, ý nói thêm Thánh bớt phàm. Y 25 điều tức là y bá nạp, vì trong 4 khoảng dài, 1 khoảng ngắn, tính ra có trên 100 miếng vải nhỏ nối ráp lại, nên cũng gọi pháp y này là y Bá nạp cũng được (theo sách Tỳ Ni Hương Nhũ).
Ba y của Phật chế gồm có: 1. An đà hội, tiếng phạn là Antarvàsas, nghĩa là y trong hay y dưới; 2. Uất đa la tăng, tiếng Phạn là Uttara, y khoác vai. Hán dịch là thượng y; 3. Tăng già lê, tiếng Phạn Samghàti, nghĩa là y có 2 lớp, loại y trùm kín thân thể (trích Yết Ma Chỉ Nam, trang 136 của HT.Thích Trí Thủ biên soạn).
Những ý nghĩa như trên, giúp người Phật tử được biết về ý nghĩa của pháp y, y phục của đệ tử Đức Phật, cũng tức là hiểu được ý nghĩa của chiếc áo ca-sa và thời điểm lập công đức dâng y ca-sa.
Hiện nay chiếc Đại y của chư Tăng Ni, cũng như áo quần của chư Tăng được Giáo hội gián tiếp chỉ đạo, may mặc một màu hoại sắc (gần như vàng sậm) theo màu sắc Phật giáo quốc tế...