*
Tiếp tục đọc báo. Thông tin về việc “yêu ung thư” lại khiến liên tưởng về một bài báo đã đọc mấy năm trước. Một nhà khoa học người Nhật, Giáo sư Masaru Emoto làm thí nghiệm: đặt ly nước trước mặt, tập trung cao độ tâm ý vào đó; rồi đem ly nước chụp hình. Kết quả: trong ly nước được chú tâm bằng tình cảm yêu thương, dịu dàng tốt đẹp… xuất hiện những tinh thể nước có hình dáng đẹp mắt; còn ly nước được quan sát bởi sự giận dữ, nặng nề, căm ghét… đem lại những tinh thể nước xấu xí.
Chỉ cần tiếp tục… đọc báo và nhìn ngắm cuộc sống hàng ngày, sẽ có thể thấy được Sự thật, chẳng cần tìm đâu xa xôi hoặc tìm trong những lời rao giảng cao siêu. Bởi vì, chân lý mà Đức Phật và các thánh nhân truyền trao vốn bình thường giản dị, xuất phát từ sự quan sát sự sống chung quanh.
Ví như, sau nhiều năm tiếp xúc và điều trị, Tiến sĩ y khoa người Mỹ David Hawkins đã đo được tần số sóng của hàng vạn bệnh nhân. Người nào có tần số sóng trên 200 thì ít bị bệnh (vốn là những người tốt bụng, hướng thiện, bao dung…); người nào ở mức 30-40 thuộc nhóm những người rất dễ mắc bệnh, nhất là bệnh tim và ung thư (là những người thường hay giận dữ, đố kỵ, buồn bã, lo lắng…).
Bác sĩ Hawkins dẫn trưng trường hợp Mẹ Teresa: khi bà bước lên nhận giải Nobel Hòa bình năm 1979, cả hội trường được bao bọc trong một tình cảm nhẹ nhàng tốt đẹp. Đó chính là năng lượng yêu thương phát ra từ cơ thể bà. Hawkins kết luận: Ý niệm có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Căn nguyên của bệnh tật là do trong cơ thể con người thiếu tình yêu thương. Bệnh tật sẽ bị đẩy lùi vô điều kiện là nhờ… yêu và được yêu. Loại thuốc mà tế bào ung thư sợ hãi nhất: Tình yêu.
Những kết luận mới nhất của các nhà khoa học trong khoảng hơn nửa thế kỷ nay nào có xa xôi với việc… cây chịu tang, trong tập quán của người bình dân Việt: khi trong gia đình có người qua đời, cây cối trong vườn nhà cũng được buộc khăn tang. Vậy mà, đôi khi cây… buồn quá nên cũng héo khô, rồi theo chân người mà “đi” luôn. Ấy là gì, nếu không là những bằng chứng sống động về mối quan hệ giữa người và giới tự nhiên mà khoa học hiện đại ngày nay giải thích qua những khái niệm về trường và sóng.
*
Liên tưởng. Nhắc đến khái niệm về sóng và trường, chợt nhớ lại lần được gặp Đức Dalai Lama thứ XIV, hơn năm năm trước. Lần ấy, cả pháp hội tại Dharamsala (Ấn Độ) với hơn năm ngàn người có mặt đều nhận được cảm giác mát mẻ khi Ngài bước vào. Và trong phòng khách, khi được tiếp xúc riêng, cái cảm giác ấy càng sâu hơn trong tâm hồn của gần 40 anh chị trong đoàn hành hương Phật tử Việt Nam. Khi chụp ảnh lưu niệm, tôi đã được Người nhẹ nhàng bước đến cầm tay…
Đôi khi “duyệt xét” lại bản thân, tôi cho rằng đó là ân phước lớn nhất trong đời mình. Bàn tay của vị đạo sư, không hiểu vì sao lại gợi nhớ đến bàn tay trong thơ của thi sĩ Văn Cao: một bàn tay đưa ra không biết để làm gì / hái một bông hoa hay hái một ngôi sao / một bàn tay đưa vào / khoảng trống. Hẳn nhiên là trong cuộc rượu kéo dài từ buổi sáng đến khoảng hai giờ chiều với thi sĩ, do anh Dương Tường “bày ra” gần 27 năm trước, tôi không cảm nhận được cái cảm giác ấm áp bao trùm như lần được gặp bậc đạo sư mà khác hơn, đó là một cảm giác đau xót. Có lẽ là do tình cảm quý yêu đối với người nghệ sĩ tài hoa lận đận ấy…
Nhưng điều muốn nói ở đây là, sự tiếp xúc với những sóng khác nhau của bất kỳ người nào. Cả những “tĩnh vật” như một câu thơ hoặc một bức tranh cũng phát ra những sóng những trường, từ cảm xúc của người sáng tạo ra nó. Và tôi tin rằng, trong đời, nếu chịu khó lắng nghe, sẽ “gặp” được những sóng những trường khác nhau, tùy theo từng trường hợp, từng cơ duyên, từng đặc điểm của mỗi một cá thể... Từng cá thể là từng cái tôi, phải chăng là cái vẫn quen gọi là duy ngã độc tôn? Cái ngã ấy, được nghe một số người giảng giải rằng, là lời Đức Phật nói về bản thân mình (!?).
Một cách giải thích khác, rằng cái ngã ấy vượt khỏi những khái niệm của thế giới hiện tượng này, là cái ngã pháp thân (?).
Thầm nghĩ, phải chăng cái ngã ấy, vừa là đối tượng của sự nỗ lực chiến đấu với những trở lực của chính bản thân mỗi người trên con đường tu học, vừa là sự chiến thắng cái tôi riêng lẻ nhỏ bé, để tiến đến chỗ không còn có nó (???).
Trong quá trình sống, cái ngã này đã che mờ căn tánh sáng trong của mỗi hữu tình (nhiều hay ít tùy theo sự tích lũy trong quá khứ, mà ta vẫn quen gọi là nghiệp). Nghiệp tạo nên tàng thức. Cái “tàng” này theo ta mãi, cho đến khi ta nhìn ra chân tướng của nó, vốn vẫn được “đặt tên” là bản lai diện mục. Thực ra, có lẽ chẳng có “khuôn mặt” nào cả, mà đó chính là nguyên ủy của vạn pháp: Không…
Nhưng tất cả những dông dài liên tưởng đều là chuyện phiếm, chẳng giúp ích gì cho ai cả!
*
Tháng Tư. Nói lời gì cũng cũ kỹ cả. Vì mọi điều không có gì mới. Sau cả một cuộc đời dành cho sự hiển bày những sự thật gửi đến toàn nhân loại, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vẫn khiêm cung: Ta có nói gì đâu. Các bậc thánh nhân đều như thế cả. Khổng Tử thì nghiêm trang: Thuật nhi bất tác.
Lão Tử thì an nhiên: Vô vi nhi vô bất vi. Không có gì mới, bởi vì, tất cả đã bày ra đấy. Không mới mà vẫn khác lạ, duy chỉ có điều, có chịu nhìn thấy hay không; điều ngỡ như bình thường và dễ dàng mà thật ra vô cùng gian khó. Và cái nhìn thấy lớn nhất, phải chăng là Tình yêu, căn rễ của mọi hành động và cứu cánh của cuộc sống?
Tháng Tư. Mẹ Đất già nua vẫn quay, âm thầm ngậm đắng vô vàn thương tích mà những đứa con dại dột đã gây ra cho mình. Già nua, mà mới mẻ. Bởi vì, sự thật chỉ có một: Tình yêu. Tình yêu rộng. Tình yêu ấy, không biết khi nào toàn thể nhân loại mới đạt đến. Có thể Tình yêu ấy xuất hiện chỉ như một ánh sao soi đường. Có thể mãi mãi con người không thể đạt đến, trên cái cõi này. Cái cõi này, phải chăng là căn bệnh ưng thư mà ai cũng phải cố gắng sống chung với lũ? Nhưng có hề chi, bởi vì mỗi giai đoạn sống, dẫu có trăm năm, thì cũng chỉ như thoáng chốc. Bởi vì, con đường là để đi. Còn đích đến, thì nào ai dám buông lời khinh suất.
Cứ đi, thì một lúc nào, sẽ đến?
Phải không? Không biết! Biết đâu?