Tác giả Trần Anh Tuấn, trong “Hà Nội và tôi” đã từng viết: “Với tôi, Hà Nội thật là kỳ lạ. Nhiều khi tôi tự hỏi mình tại sao lại có thể yêu đến thế, một nơi mà mình chẳng sinh ra, cũng chẳng lớn lên ở đó?”. Hà Nội 1.000 năm, thành phố như một cô thiếu nữ bước ra từ thời cổ tích rất xa xưa, lung linh, huyền ảo trong sắc màu của hoa, lồng đèn rực rỡ vừa dịu dàng, vừa quyến rũ đến mê hoặc lòng người.
10 điểm nhấn du lịch dưới đây có thể là gợi ý lý tưởng cho những ai đã, đang và sẽ đến Hà Nội hòa chung không khí trong những ngày diễn ra Đại lễ 1.000 năm:
1. Bảo tàng Hà Nội
Bảo tàng Hà Nội - công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội với kết cấu hình kim tự tháp ngược được nhiều người mong đợi.
Công chúng đang náo nức chờ đón giây phút khánh thành bảo tàng kết cấu hình kim tự tháp ngược diễn ra vào ngày 6-10, ghi danh Công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Theo thiết kế, Bảo tàng Hà Nội có tổng diện tích gần 54.000m2, cao 30,7 m. Công trình gồm 4 tầng nổi và 2 tầng hầm; diện tích xây dựng xấp xỉ 12.000m2, diện tích sàn hơn 30.000m2 (kể cả tầng hầm và tầng mái).
Khi hoàn thành, Bảo tàng Hà Nội sẽ là điểm trưng bày, giới thiệu về Hà Nội từ khi dựng nước đến nay. Tầng 1 sẽ trưng bày mô hình Cột chạm hình rồng thời Lý, các hiện vật thời Lý-Trần-Lê, ảnh, tư liệu khoa học về nội dung Thăng Long thời Đại Việt và việc phát hiện cổ vật khu vực Hoàng Thành Thăng Long.
Tầng 2 là khu trưng bày Tự nhiên và khu trưng bày Tiền Thăng Long với điểm nhấn là Trống đồng Cổ Loa và hình ảnh về 3 vòng thành Cổ Loa thời An Dương Vương.
Với việc trưng bày 50.000 hiện vật và trưng bày triển lãm ảnh “Hà Nội xưa”, Bảo tàng Hà Nội sẽ là điểm tham quan lý tưởng thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Mọi người sẽ có cơ hội hiểu biết nhiều hơn về Hà Nội - thủ đô ngàn năm văn hiến.
2. Hồ Hoàn Kiếm
Hồ Hoàn Kiếm lung linh sắc hoa trước đại lễ
Khi đồng hồ đếm ngược tại hồ Hoàn Kiếm Hà Nội báo hiệu chỉ còn hơn 1 ngày nữa là tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, không khí náo nức chờ đón đã rộn rã trong lòng mỗi người dân Việt. Cả Hà Nội đang sẵn sàng đón chào giờ khắc thiêng liêng, phút giây trọng đại của buổi khai mạc ngày đại lễ.
Đến phố cổ những ngày này, du khách sẽ mê mẩn bởi những đường hoa nối dài, uốn lượn đang đua nhau khoe sắc, ngắm nhìn những bức phù điêu, “đầm sen” bằng ánh sáng lung linh trên sóng nước, huyền ảo vào ban đêm, chiêm ngắm những bức ảnh nghệ thuật Hà Nội tại Nhà Triển lãm 45 Tràng Tiền hoặc mô hình cửa ô Hà Nội trên phố Lê Thạch, ngỡ ngàng trước một thuyền Rồng dưới chân tượng đài Vua Lý Thái Tổ...
Đường phố huyền ảo sắc màu đón sinh nhật nghìn năm tuổi
Không những thế, trên tuyến Điện Biên Phủ, một “rừng” đèn chiếu sáng được trang hoàng lộng lẫy với kịch bản chi tiết. Cụ thể, kịch bản “trang trí bằng đèn chiếu sáng” sẽ tái hiện lại chiều dài lịch sử ngàn năm văn hiến của dân tộc, từ chim Lạc, trống đồng đến hình tượng cây tre của Thánh Gióng và cuối cùng là thời đại Hồ Chí Minh với thủ đô hòa bình, chim bồ câu tung cánh.
Bên cạnh đó, trong trong suốt 10 ngày Đại lễ, du khách sẽ được thưởng thức trình diễn áo dài cùng nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc biệt tại 5 sân khấu lớn được thiết kế và xây dựng quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm. Đặc biệt trong đêm 10-10, người Hà Nội sẽ được thưởng thức màn trình diễn pháo hoa tầm cao rực rỡ kéo dài 15 phút.
3. Quảng trường Ba Đình
Quảng trường Ba Đình - vốn là chốn thiêng liêng, trái tim của Hà Nội nên mỗi lần tới thủ đô, ai cũng mong muốn một lần ghé thăm. Đặc biệt vào ngày Đại lễ 10-10, khi buổi lễ diễu binh, diễu hành có quy mô lớn nhất trong lịch sử Việt Nam diễn ra tại đây, nhiều du khách càng háo hức chờ đón hơn bao giờ hết.
Buổi diễu binh lớn nhất trong lịch sử Việt Nam sẽ diễn ra tại Quảng trường Ba Đình
vào đúng ngày Đại lễ 10-10
Buổi mít tinh sẽ bắt đầu bằng lễ rước đuốc lúc 7h55 từ Bảo tàng Hồ Chí Minh về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và thắp lên đài lửa. Tiếp đó, trong phần diễu binh, sẽ có 10 máy bay trực thăng mang cờ Đảng, cờ Tổ quốc và khẩu hiệu mang dòng chữ “Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”.
Phần diễu hành sẽ có 17 khối tham gia (200 người/khối) trong đó có khối xe rước rồng thời Lý, xe rước biểu trưng Hà Nội và xe rước bằng UNESCO công nhận Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới. Kết thúc chương trình, du khách sẽ choáng ngợp bởi một rừng bóng bay và chim bồ câu được thả bởi 1.000 thiếu nhi.
Đến Quảng trường Ba Đình dịp này, du khách cũng có thể ngắm nhìn Chiếu dời đô được dựng trên đường Bắc Sơn, đối diện Lăng Bác.
4. Hoàng thành Thăng Long
Hoàng thành Thăng Long - Di tích đô thị cổ tiêu biểu của thế giới giữa lòng Hà Nội
Ngày 1-8, Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Dự kiến, vào 1-10, Tổng Giám đốc UNESCO sẽ tới Hà Nội để dự kỷ niệm Đại lễ nghìn năm và trao giấy chứng nhận cho Hoàng thành Thăng Long.
Hoàng thành Thăng Long được các chuyên gia thế giới đánh giá là di tích đô thị cổ tiêu biểu của thế giới, thể hiện dòng chảy liên tục hơn 1.000 năm của lịch sử Việt Nam.
Đến Hà Nội vào dịp Đại lễ nghìn năm, sải bước trên những viên gạch đá được xếp khít, dưới những mái vòm vừa duyên dáng vừa chịu lực, ngắm nhìn các vách tường kiên cố cùng các hiện vật lịch sử 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội được trưng bày tại đây vào ngày 2-10, du khách sẽ cảm nhận được một vẻ đẹp trầm mặc, đậm sắc màu cổ kính.
Ngắm nhìn những mái vòm chốn Hoàng thành Thăng Long,
nhiều người đã phải thốt lên: "Với tôi, Hà Nội chỉ có một mà thôi"!
Sự trau chuốt từ những chi tiết nhỏ nhất đến một tổng thể hài hòa với không gian và tầm vóc của công trình cha ông để lại là minh chứng rõ nhất về khả năng kiến trúc và giá trị lịch sử từ ngàn đời xưa.
5. Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Một sắc thái xuân giàu chất văn hóa dân gian, mang đậm nét Thăng Long - Hà Nội đang diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong dịp đại lễ nghìn năm. Trước đó, dịp Quốc khánh 2-9, 100 chiếc trống đồng nặng 60kg làm theo phương pháp thủ công truyền thống đã được hoàn thiện và đang trưng bày tại đây.
200 chiếc đèn lồng sẽ được treo khắp Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong dịp Đại lễ
Tới đây, dàn trống đồng sẽ tham gia biểu biểu diễn tiết mục “Nổi trống Lạc Hồng - Hào khí Thăng Long” tại Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Trong những ngày đại lễ, khu vườn Giám sẽ tái hiện nhiều những hoạt động trưng bày mang tính giáo dục truyền thống về lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám như: Các cảnh học tập vui chơi, giao lưu văn hóa của trường Quốc Tử Giám ngày xưa. Ngoài ra, Triển lãm và Liên hoan Thư pháp Thăng Long - Hà Nội với sự tham gia của các thư pháp gia rất nổi tiếng của cả nước sẽ diễn ra vào ngày 4-10 trong khung cảnh toàn bộ sân nhà Thái học sẽ được dựng thành các nhà bát giác, long đình. Đồng thời, 200 chiếc đèn lồng sẽ được treo khắp Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Ban tổ chức sẽ trưng bày 250 bức thư họa kích cỡ khác nhau với các loại chữ Hành, Triện, Lệ, Thảo trên giấy, gốm, trên tre trúc và trên nhiều chất liệu khác nhau.
6. Sân vận động Mỹ Đình
Nhiều người đã lựa chọn quảng trường Sân vận động Mỹ Đình để đón xem
màn biểu diễn pháo hoa nghệ thuật "có một không hai" vào ngày 10-10 sắp tới
Những ngày này, khu vực xung quanh Sân vận động Mỹ Đình đang được gấp rút chuẩn bị cho các sự kiện lớn sẽ diễn ra trong một vài ngày tới. Theo dự kiến, nếu có mưa lớn trong những ngày diễn ra Đại lễ, các hoạt động chính sẽ dời đến Sân vận động quốc gia Mỹ Đình.
Với những ai yêu thích thế thao thì đây cũng là cơ hội tuyệt vời để đến sân và hòa mình trong không khí nóng bỏng của trận chung kết thi đấu bóng đá quốc tế “Cúp Thăng Long - Hà Nội” diễn ra vào sáng ngày 3-10.
Còn với những ai ưa chuộng loại hình nghệ thuật thả diều có thể tìm cho mình một sân chơi khi tham gia Liên hoan Nghệ thuật Diều - Hà Nội 2010 được tổ chức vào ngày 6-10.
Đặc biệt, người dân Hà Nội sẽ thỏa sức chiêm ngưỡng màn pháo hoa rực rỡ vào tối 10-10 sắp tới, khi TP tổ chức bắn pháo hoa tại 29 điểm thuộc tất các các quận, huyện của thủ đô. Trong đó, có 4 điểm bắn tầm cao, 24 điểm bắn tầm thấp và 1 điểm bắn pháo hoa nghệ thuật tại Sân vận động Mỹ Đình.
7. Công viên nước Hồ Tây
Các món ăn, đặc sản nổi tiếng của Hà Nội 36 phố phường
đang chờ du khách tới thưởng thức
Liên hoan Ẩm thực Hà thành diễn ra từ 6 – 11-10 tại Công viên Nước Hồ Tây sẽ là dịp để khách du lịch có cơ hội khám phá văn hóa ẩm thực đặc sắc của 3 miền Bắc-Trung-Nam, đặc biệt là các thú vui tao nhã, văn hóa ẩm thực của người Hà Nội.
Ban Tổ chức dự kiến sẽ dành cho ẩm thực mỗi miền Bắc-Trung-Nam 25 gian hàng và 10 gian hàng cho ẩm thực quốc tế. Tại đây sẽ có các món ăn, đặc sản nổi tiếng của Hà Nội 36 phố phường. Ngoài ra sẽ có các gian hàng trưng bày hoa lụa nghệ thuật, sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, tranh Đông Hồ giới thiệu các sản phẩm lưu niệm của Hà Nội.
Cùng với Liên hoan Du lịch quốc tế Thăng Long - Hà Nội, Liên hoan Ẩm thực Hà thành được kỳ vọng sẽ thu hút sự chú ý của đông đảo khách du lịch, các hãng lữ hành, khách sạn, doanh nghiệp trong và ngoài nước, thông qua đó tiến hành xúc tiến mạnh mẽ hình ảnh Hà Nội, giới thiệu khả năng du lịch của Hà Nội và Việt Nam ra thế giới.
8. Làng gốm Bát Tràng
Ngắm nhìn con đường gốm sứ ven sông Hồng
để thấy yêu hơn Hà Nội nghìn năm văn hiến
Đến Hà Nội vào dịp Đại lễ, “Con đường gốm sứ” ven sông Hồng và Triển lãm “Nghề gốm Bát Tràng - cổ truyền và hiện đại” từ ngày 5 – 9-10 là địa điểm du khách không thể bỏ qua.
Với chủ đề “Huyền thoại Gốm”, “Hoa của đất”, “Hội nhập”, “Lan tỏa”… thôn Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) sẽ giới thiệu cho người xem các quy trình sản xuất đồ gồm từ khâu chọn đất, xử lý pha chế đất đến tạo dáng, tạo hoa văn, phơi sấy sản phẩm và sửa hàng mộc, kỹ thuật vẽ, chế tạo men, tráng men...
Triển lãm tổ chức nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đồng thời cũng tôn vinh các giá trị văn hóa, nghệ thuật, các sản phẩm tinh xảo, độc đáo - kết quả của sự kết hợp giữa tâm hồn, sự sáng tạo và đôi bàn tay tài hoa của người dân Bát Tràng qua nhiều thời gian.
Đặc biệt, trong dịp này, khách tham quan, du lịch sẽ được tự tay làm các sản phẩm và sẽ được giữ sản phẩm làm kỷ niệm.
9. Hồ Tây
Thong dong quanh Hồ Tây để cảm nhận một Hà Nội rất khác:
Một Hà Nội yên bình, êm ả. Một Hà Nội đẹp như mơ!
Nếu Hồ Gươm được xem là "lẵng hoa" của thủ đô thì hồ Tây lại được ví như lá phổi của thành phố. Giữa ồn ào, nhộn nhịp của phố phường Hà Nội những ngày đại lễ, du khách có thể tận hưởng khoảnh khắc thảnh thơi khi dạo quanh hồ Tây, cảm nhận không khí dịu mát một chớm thu Hà Nội trong hương nồng của hoa sữa.
Dừng xe nơi bến Hàn Quốc hay đường Nhật Bản hoặc thả bộ dọc đường Thanh Niên, nơi gió mát trong lành, du khách có thể thả sức phóng tầm mắt của mình ra ngút ngát trời xa. Nhâm nhi ly cà phê bên quán cóc ven đường, nhìn ra hồ Tây, ngắm đàn sâm cầm bay về trong ánh chiều tà, du khách sẽ có những cảm nhận của riêng mình về Hà Nội rất khác - một Hà Nội yên bình, êm ả và đẹp như mơ!
Đặc biệt trong dịp Đại lễ, đài phun nước với màn hình chiếu nước, máy hiệu ứng nước vệ tinh gồm 8 máy phun và sân khấu nổi lên mặt nước đã được lắp đặt, sẽ trở thành công trình nghệ thuật trên không gian mặt nước hồ Tây, tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách trong và ngoài nước cũng như người dân thủ đô trong dịp Đại lễ.
Ngoài ra, con đường bao quanh hồ Tây đã được khánh thành giúp người dân thuận tiện hơn trong việc đi lại và ngắm nhìn vẻ đẹp hồ Tây từ nhiều phía. “Xem pháo hoa ở hồ Tây rất thích và dễ dàng vì không gian rộng lớn. Hồ Tây càng lung linh mỗi khi có những bông pháo hoa lộng lẫy tô điểm trên bầu trời”, một bạn trẻ háo hức, chờ mong.
10. Thiên đường Bảo Sơn
Thiên đường Bảo Sơn - nơi du khách đắm mình với
Liên hoan Du lịch Quốc tế Thăng Long - Hà Nội 2010
Cách siêu thị Big C (Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội) chừng 5km đi về phía Láng - Hòa Lạc, Thiên đường Bảo Sơn được nhiều người dân thủ đô lựa chọn cho những chuyến dã ngoại của gia đình. Khu vui chơi lớn nhất miền Bắc này hấp dẫn du khách với các công trình giải trí đa dạng và là khu giải trí duy nhất tổng hợp cả lĩnh vực kinh tế và du lịch.
Đến Thiên đường Bảo Sơn, du khách vừa .được chiêm ngưỡng nền văn hóa và kiến trúc cổ Việt Nam qua những mô hình thu nhỏ với những nét tinh hoa, đặc sắc vừa có thể sở hữu những sản phẩm tinh xảo mang đặc trưng văn hóa vùng miền được chế tác bởi những nghệ nhân tài năng, giàu kinh nghiệm trên cả nước.
Công viên có 34 hạng mục được chia làm 10 khu lớn bao gồm: Khu 14 làng nghề truyền thống nổi tiếng của đồng bằng Bắc Bộ, khu phố cổ Hà Nội, khu ẩm thực 3 miền, khu vui chơi giải trí công nghệ cao, khu sinh thái, khu vườn thú hoang dã, khu thủy cung, hội trường lớn 2.000 chỗ, nhà hàng nhà hát theo kiến trúc cung đình hơn 600 chỗ, khu 2 sân tennis, khu khách sạn 35 phòng và khu sân khấu đa năng nhạc nước với sức chứa hơn 10.000 chỗ ngồi.
Đặc biệt, trong đêm 2-10, Liên hoan Du lịch Quốc tế Thăng Long - Hà Nội 2010 sẽ được khai mạc đón chào du khách.