GNO - Hai vị Ni Tây Tạng vừa được trao bằng geshema - tương đương bằng tiến sĩ triết học Phật giáo được mời giảng dạy môn triết học Phật giáo tại Ni viện Dolma Ling, Ấn Độ.
Thông báo này phát ra từ tổ chức Dự án Ni giới Tây Tạng. Tổ chức này có trụ sở tại Seattle, Washington phối hợp hoạt động với Ni giới Tây Tạng tại Ấn Độ. Ni viện Dolma Ling do Đức Dalai Lama khởi xướng vào tháng 8-2005 và trong lịch sử đào tạo tại đây, chưa có vị Ni nào tham gia công tác giảng dạy.
Viện này nằm ở ngoại ô Dharamsala, với chương trình đào tạo 17 năm về triết học và luận bàn Phật giáo cùng các môn học mở rộng khác như sáng tác tranh cát mandala, điêu khắc bơ.
Hai vị Ni Tây Tạng vừa được Đức Dalai Lama trao bằng geshema
Năm 2011, Viện Nghiên cứu Phật giáo Biện chứng (IBD) ở Dharamsala đã thỉnh ý ngài Kelsang Wangmo về việc trao bằng geshe cho một vị Ni người Đức - đây là vị Ni đầu tiên trên thế giới được nhận bằng này, được gọi là geshema.
Một nhóm các vị Ni Tây Tạng đầu tiên tốt nghiệp bằng geshema vào năm 2016. Hiện nay có khoảng 250 vị Ni đang tu học ở viện. Năm ngoái, tổ chức Dự án Ni giới Tây Tạng đã tổ chức trao bằng geshema cho 26 vị Ni. Đây là một bước ngoặt trong lịch sử Phật giáo Tây Tạng.
Hai vị Ni vừa được trao bằng sẽ trở thành giáo thọ tại tu viện Ni Dolma Ling là Geshema Tenzin Kunsel và Geshema Delek Wangmo.
Theo một báo cáo trực tuyến từ Dự án Ni giới Tây Tạng, hai vị này phải trải qua sát hạch rất kỹ lưỡng để có thể trở thành nữ giáo thọ đầu tiên trong lịch sử của tu viện.
“Sự giáo dục tôi được tiếp thụ tại tu viện Dolma Ling tốt hơn nhiều so với mong ước của mình. Tôi thật sự chưa từng nghĩ sẽ có cơ hội được học tiếng Anh hay được thảo luận trong các lớp học triết học Phật giáo. Tôi không thể tin mình may mắn đến như thế” - cô Geshema Tenzin Kunsel chia sẻ.
Trước đây ở Tây Tạng, chư Ni không có cơ hội tiếp cận giáo dục như chư Tăng. Tuy nhiên, kể từ những năm 80 của thế kỷ 20, Đức Dalai Lama đã tạo ra sự tiến bộ cho nữ giới Phật giáo khi khẳng định: “Quý cô sẽ trở thành những vị tiến sĩ Phật học (geshema)” khi ngài đến thăm Ni viện Mundgod Jangchub Choeling ở Karnataka, miền nam Ấn Độ - nơi ngài khởi xướng xây dựng năm 1987.
Được thành lập năm 1987, chương trình Dự án Ni giới Tây Tạng hoạt động để nâng chuẩn giáo dục và vị thế cho nữ giới; bảo tồn văn hóa Tây Tạng, phát triển Ni đoàn Tây Tạng trong bối cảnh hiện đại.
Norman Steinberg - người Canada về hưu thường dành thời gian 9 tháng mỗi năm để tham gia các hoạt động của tổ chức này ở Dharamsala, chia sẻ với tờ Buddhistdoor Global:
“Tôi có trải nghiệm với hành trình 50 năm của con đường Phật giáo, nữ giới có được sự đồng cảm lớn lao hơn với lời dạy của Đức Phật. Họ có thể dễ dàng hơn trong việc thâm nhập Phật tính bên trong mình và có nhiều thời gian hơn để giảng dạy về các giá trị cốt lõi của Phật giáo.
Họ giảng dạy từ trải nghiệm của mình chứ không bằng sự hiểu biết từ sách vở. Khi kết hợp khả năng bên trong đó với sự giáo dục chính thống thì với các vị tiến sĩ Ni này, Phật pháp được dạy bằng sự thanh tịnh và từ bi cao quý nhất. Và đây là những gì con người đương đại đang cần để đối diện với các vấn đề của thế giới”.
Trần Trọng Hiếu
(theo Buddhist Door)