GN - Ni trưởng TN.Nhựt Huệ, sinh năm 1930 tại huyện Lai Vung, Đồng Tháp, 12 tuổi xuất gia tại chùa Lập Thành (Nha Mân). Sau 50 năm tu học, hoằng hóa các nơi, năm 1992 Ni trưởng về trụ trì chùa Từ Quang, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Với một trú xứ ổn định, từ ấy hạnh nguyện độ tha của người con Phật mới thật sự thâm trầm, ý nghĩa.
Ni trưởng TN.Nhựt Huệ - Ảnh: Thanh Tuyền
Chư Tăng Ni, Phật tử và người dân địa phương thường gọi Ni trưởng một cách tôn kính: Sư bà Từ Quang. Đệ tử thân cận gọi Ni trưởng là thầy. Bởi hình ảnh vị lão Ni từ tốn, hiền hòa đã gắn liền với ngôi chùa luôn tỏa ánh từ quang, sẵn sàng đón nhận và sẻ chia nỗi đau trần thế. Sẻ chia, hỗ trợ các chùa nghèo và bà con nghèo từng lon gạo, củ khoai hay mọi thứ tài vật bá tánh cúng dường Tam bảo, Ni trưởng vẫn thường nhắc nhở mọi người bất cứ việc gì phước đức dù nhỏ cũng phải cố gắng làm.
Thầy nói: “Tôi chẳng có gì riêng, bản thân cũng ăn nhờ của đàn na tín thí, nên sống phải thúc liễm thân tâm, ráng lo tu tập độ đời, chết mang pháp thân hòa vào vũ trụ. Của cải, chùa chiền chỉ là phương tiện thuyền bè giúp mình sang sông giải thoát”. Chính từ quan điểm ấy mà mặc dù chùa nghèo, nguồn sống của Ni chúng chủ yếu dựa vào sự hỷ cúng của khách thập phương nhưng nhà chùa vẫn chia sẻ cái nghèo với người nghèo và độ chúng tu học.
Hàng tháng, chùa Từ Quang tổ chức hai ngày niệm Phật, trì chú Đại bi cho Phật tử tu tập. Sư bà đóng góp phân nửa số tiền 180.000 đồng Nhà nước trợ cấp người cao tuổi của mình cho chi phí sinh hoạt ăn uống. Chị Diệu Hoa, một Phật tử thuần thành được thầy ủy quyền đi lãnh khoản tiền này và trích lại cho đạo tràng. Chị cho biết thầy cũng là người nhiệt tình ủng hộ và tham gia quỹ từ thiện của đạo tràng Từ Quang do chị em Phật tử thành lập. Quỹ nhằm trợ giúp người nghèo, Phật tử nghèo không may lâm bệnh nặng hay những hoàn cảnh khó khăn con em phải nghỉ học. Qua mỗi mùa Vu lan, thầy trút thùng Tam bảo mua gạo, cấp phát cho các hộ nghèo. Mỗi mùa 1 tấn gạo, đôi khi thiếu tiền, thầy thêm tiền túi dành dụm các dịp đi đám hay Phật tử cúng dường tặng cho người nghèo.
Thấy thầy ăn uống đạm bạc để tiền lo Tam bảo, giúp đỡ người nghèo, Sư cô Huệ Huệ mua sữa cho thầy. Thầy nhẹ nhàng từ chối: “Thôi được rồi! Mấy cô ăn làm sao tôi ăn vậy”. Chị Nguyễn Ánh Mai (Phật tử Diệu Minh) tâm sự: “Thầy từ bi lắm! Lần nào phát hết suất gạo từ thiện cũng có người ở xa không có phiếu đến xin. Thầy bảo đệ tử vào xúc gạo đang ăn cho tiếp rồi ân cần bảo họ ghi lại địa chỉ để lần sau thầy cho phiếu. Học trò nghèo đến chùa thầy bảo tụi con đói thì về đây ăn cơm rồi lên lạy Phật có phước”.
Được biết lúc còn mạnh khỏe rắn rỏi, ra chợ gặp người hành khất xin ăn hay người già nghèo khổ, Sư bà Từ Quang đến trả tiền tô phở hay tô hủ tiếu cho chủ quán rồi bảo họ đến quán ấy ăn. Thấy ai đang cơn thắt ngặt hay người có tâm lành cầu đạo, thầy đều tìm cách trợ duyên với hết khả năng mình. Người viết thật sự cảm kích khi nhìn Ni trưởng run run chiếc gậy cầm tay, cúi người ôm ẵm cháu bé con một chị phụ nữ nghèo góa bụa, bồng con đi làm thuê kiếm sống: “Ráng đi con! Tội nghiệp! Phải thầy còn khỏe thầy trông coi nó dùm cho. Hai cô ở chùa thì một cô khá trọng tuổi lại hay đau yếu”.
Đã vậy, hai năm nay thầy còn nhận nuôi một Ni cô bị bệnh tâm thần lang thang không nơi tu ổn định. Nghe lời thầy tụng kinh bái sám hiện nay tinh thần Ni cô hồi phục đáng kể. Một cậu Phật tử gia đình khá giả “mê” chơi cá kiểng giờ hay đau bệnh, nghĩ ra chắc mình bệnh nghiệp mong bán được cá quý lấy 10 triệu đồng phóng sanh cho hết bệnh, sư bà cũng hứa dành dụm tiền Tam bảo mua cá phóng sinh để trợ duyên cho cậu ấy giải nghiệp.
20 năm khởi nghiệp độ sinh, hình ảnh sư bà đáng kính như người mẹ, cụ bà mộc mạc bao dung làm ấm lòng bao người nghèo khó. Dẫu chưa đưa người qua khỏi sông mê, nhưng từ ân đức của thầy, không ít người đã khởi tâm tu tạo nghiệp lành, sống yêu thương theo lời Phật dạy.