HT .Thích Từ Nhơn
Trong suốt 30 năm qua, Tăng Ni và Phật tử cả nước đã tinh tấn và nỗ lực trong các hoạt động Phật sự lợi đạo ích đời. Chính vì lẽ đó, những thành tựu đạt được hôm nay là công sức của toàn thể Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tạo niềm khích lệ lớn lao để Phật giáo cả nước tiếp tục cống hiến cho lợi ích của xã hội và nhân sinh.
Chúng tôi tự nghĩ rằng, dù bất cứ cương vị công tác Phật sự nào, mỗi cá thể của Giáo hội đều mang trọng trách của tập thể và thừa hành nhiệm vụ vì tập thể. Tâm nguyện chủ đạo ấy gắn kết mỗi thành viên với nhau tạo nên sức mạnh của ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
HT .Thích Chơn Thiện
Giáo hội bước vào tuổi 30 với nhiều thành tựu thiết thực mà trong đó quan trọng nhất vẫn là đoàn kết được tất cả các hệ phái, các vùng miền để phục vụ nhân sinh thông qua các công tác từ thiện xã hội. Song song đó là những thành tựu trên các lĩnh vực văn hóa, hoằng pháp, quan hệ quốc tế đã đưa Phật giáo Việt Nam bước lên một tầm cao mới.
Riêng trong lĩnh vực giáo dục Tăng Ni, chúng ta nhận thấy những kết quả đạt được hết sức trân trọng. Nếu như trước 1975 chỉ có 1 trường đại học, 2 trường cao đẳng thì đến nay chúng ta đã hình thành được 4 Học viện Phật giáo đào tạo hơn 5.000 Tăng Ni trẻ có trình độ cử nhân Phật học tốt nghiệp, trên 30 trường trung cấp và hàng trăm lớp sơ cấp Phật học. Đội ngũ Tăng Ni trẻ có kiến thức và trình độ cũng thật dồi dào với hơn 100 vị tốt nghiệp tiến sĩ, thạc sĩ Phật học cùng các ngành khác nhau về nước phục vụ. Hiện còn trên 200 vị đang theo học tiến sĩ, thạc sĩ tại các nước.
Tuy nhiên, nếu thẳng thắn nhìn nhận thì những thành tựu ấy chưa thật sự sâu sắc và vững bền. Chúng ta vẫn chưa có những hoạt động văn hóa Phật giáo mang tính chuyên sâu và tầm vóc; hệ thống giáo dục Tăng Ni vẫn còn manh mún, chưa thống nhất mà đặc biệt là chưa có một giáo trình giảng dạy mang tính mô phạm cho các cấp dù đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo.
Ngoài ra, so với Phật giáo thế giới thì chúng ta vẫn chưa có những công trình nghiên cứu học thuật lớn dù đã có Viện Nghiên cứu Phật học. Hoạt động của Viện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lịch sử to lớn của Phật giáo Việt Nam sau 2.000 năm hiện diện. Song song đó, công trình nghiên cứu và dịch thuật Đại tạng kinh Việt Nam đến thời điểm này chưa đạt yêu cầu.
Bước qua một chặng đường, hướng tới tương lai, Giáo hội cần tập trung cho các hoạt động mang tính chiều sâu mà ở đó cần đặt trọng tâm đào tạo lực lượng kế thừa thông qua mô phạm hóa hệ thống giáo dục Phật giáo; hình thành đội ngũ nhà nghiên cứu đủ tâm đủ tầm để tiếp tục công tác dịch thuật và hoàn thành Đại tạng kinh Việt Nam cũng như tập trung nghiên cứu các công trình Phật học tầm vóc.
HT .Thích Thiện Duyên
Với tinh thần cầu thị và gắn kết nội tại, Phật giáo cả nước đã thể hiện sự tiếp bước các bậc tiền nhân làm xương minh lời dạy của Đức Thế Tôn giữa nhân gian, đóng góp to lớn cho sự nghiệp chung của cả dân tộc.
Chúng ta cần đánh giá cao công tác giáo dục và đào tạo lực lượng kế thừa để gánh vác công tác Phật sự của Giáo hội trong tương lai. Đây là một nỗ lực rất lớn được thực hiện bởi những ưu tư của các bậc tôn túc đi trước. Mặc dù còn nhiều khó khăn về nhân sự, cơ sở vật chất nhưng bất cứ nơi nào tôi đi qua và tiếp xúc đều cảm nhận được sự đầu tư cho sự nghiệp “Tiếp dẫn hậu lai” vô cùng lớn.
Thời gian 30 năm không quá dài nhưng cũng đủ để cho tất cả mọi người cùng nhìn nhận sự trưởng thành của Giáo hội qua những bước thăng trầm lịch sử. Dù vẫn còn rất nhiều điều phải thực hiện trong tương lai nhưng đây là niềm tự hào đáng có để thế hệ sau tiếp bước và noi gương người đi trước tăng trưởng đạo tâm, tô bồi đạo lực, đoàn kết hòa hợp làm trang nghiêm Giáo hội hôm nay và mãi mãi về sau.
TT.Thích Thanh Nhiễu
Chúng ta thật sự vui mừng khi tinh thần đoàn kết hòa hợp của Tăng Ni, Phật tử được đề ra từ ngày thành lập Giáo hội đã góp phần tạo nên những thành quả to lớn mà bộ máy lãnh đạo Phật giáo ngày càng được hoàn thiện, củng cố và mở rộng là điều dễ dàng nhận thấy. Hiện có tất cả 58/63 tỉnh, thành trong cả nước có cơ quan lãnh đạo các hoạt động Phật sự với tổng số lượng Tăng Ni lên trên 40 ngàn và gần 16 ngàn cơ sở tự viện.
Hơn nữa, với truyền thống hộ quốc an dân, Tăng Ni cũng như Phật tử đã tiếp nối các bậc tiền bối, Tổ sư, tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước, ổn định xã hội, khẳng định vai trò và giá trị lời dạy của Đức Phật trong chuyển hóa con người.
Kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội và để thật sự đền đáp công ơn chư Phật và các bậc ân nhân đi trước, mỗi vị Tăng Ni, mỗi vị cư sĩ Phật tử cần phải trang nghiêm tự thân, nỗ lực không ngừng tiếp tục phát huy những thành quả, các tiền đề đã đạt được và thực hiện hữu hiệu lý tưởng bảo vệ Đạo pháp và Dân tộc, mang lại an lạc cho mình và cho tha nhân.
TT.Thích Chơn Không
Bản thân tôi tham gia ngành hướng dẫn Phật tử trong nhiều năm qua, được biết điều quan tâm lớn của chư tôn đức trong ngành hiện nay là hoạt động thanh thiếu nhi và Phật tử vùng sâu, vùng xa, người dân tộc. Đối với thanh thiếu nhi Phật tử cần được chư tôn đức trụ trì các tự viện tổ chức các buổi sinh hoạt tu học, vui chơi lành mạnh dưới hình thức câu lạc bộ thanh thiếu nhi Phật tử.
Đối với Phật tử người dân tộc, Ban Hoằng pháp, Ban Từ thiện xã hội nên quan tâm trên tinh thần kết hợp với Ban Hướng dẫn Phật tử, nhằm đưa Phật pháp đến đồng bào; như việc tổ chức các lễ quy y do Ban Hướng dẫn Phật tử vận động, thực hiện; thuyết giảng Phật pháp, dạy giáo lý cho đồng bào do Ban Hoằng pháp phụ trách; còn việc từ thiện, chăm sóc đời sống đồng bào Phật tử do Ban Từ thiện xã hội chịu trách nhiệm; trong đó đặc biệt quan tâm đến đồng bào dân tộc vừa quy y tại các tỉnh: Kon Tum, Daklak, Bình Phước, có được sự kết hợp hài hòa này, công tác giáo hóa đồng bào dân tộc sẽ hiệu quả hơn.
Lâu nay, chúng ta chưa có sự kết hợp nhịp nhàng này, nên trước, trong và sau những sự kiện, như tổ chức quy y cho đồng bào dân tộc thì các khâu tổ chức đều dồn cho một nơi, nếu có sự tham gia của các ban liên hệ thì chủ yếu là nhờ sự quen biết cá nhân. Do vậy, Trung ương Giáo hội cần có văn bản quy định cụ thể của việc phối hợp thực hiện các công việc Phật sự, để các ban ngành có trách nhiệm hơn. Trong đó, quan hệ hữu cơ nhất là Ban Hướng dẫn Phật tử, Ban Hoằng pháp và Ban Từ thiện xã hội; tùy lúc, tùy sự kiện mà vị trí, vai trò của ban, ngành nào là chính yếu…
Để các ban ngành viện hoạt động có hiệu quả hơn, theo tôi, Giáo hội nên hoạch định lại. Theo đó, nên điều chỉnh Hiến chương Giáo hội, có quy định cụ thể về độ tuổi và sức khỏe của những vị lãnh đạo cũng như các thành viên của ban, viện. Từ đó, xác định tiêu chuẩn của những vị đảm trách chức danh chủ chốt của Trung ương và tỉnh thành phải có “tầm” (đức độ, năng lực, tuổi tác phù hợp và có nhiều thì giờ để công tác), đảm bảo sức khỏe trong giải quyết, điều hành công việc. Hạn chế kiêm nhiệm nhiều chức vụ. Nếu không có quy định cụ thể này thì có những vị cao niên hoặc những vị sức khỏe không tốt mà vẫn còn đương chức thì ít nhiều cũng cản trở hoạt động của ban ngành, viện, gây trì trệ cho sự phát triển chung của Giáo hội…
TT .Thích Nhật Từ
Những công tác hoằng pháp mang tính chất thời đại như hoằng pháp trong trại giam cần phải được Giáo hội quan tâm. Bởi trong quá trình thực hiện những công tác mới thường bị lấn cấn cơ chế nên khi vào thực tế thì phát triển không được dù hình thức mới, hay và phù hợp với yêu cầu của cuộc sống, thời đại.
Từ thực tế công việc hoằng pháp trong trại giam chúng tôi rút ra điều đó, cụ thể là người ta nghĩ rằng đem Phật pháp vào trại giam là truyền đạo, nhưng thực chất của công tác này không phải chỉ nằm ở đó mà sâu hơn là giúp chuyển hóa nội tâm của những phạm nhân để họ cải tạo tốt hơn, khi tái hòa nhập cộng đồng sẽ không bị tái phạm tội. Phương thức thiền cho phạm nhân ở các nước như Ấn Độ, Hoa Kỳ người ta đã làm rồi và làm thường xuyên, đạt được nhiều kết quả tốt. Thế thì, với Việt Nam, một đất nước có nền Phật giáo phát triển, nhân dân gần gũi với đạo Phật hơn thì sao lại không nhân rộng mô hình này?
Và như đã nói, muốn nhân rộng thì Giáo hội phải làm việc với các cấp chính quyền bằng văn bản, bằng những cuộc hội kiến, hội đàm… Có như thế thì những chương trình mới, sáng kiến mới của Tăng Ni trong công tác Phật sự mới đi vào đời sống được! Tôi mong Giáo hội thể hiện vai trò chỉ đạo, hướng dẫn và có tiếng nói của mình trong mọi công tác Phật sự, đặc biệt là những Phật sự mang tính thời đại.
ĐĐ.Thích Chiếu Tuệ
Công tác hoằng pháp cho giới trẻ trong mấy năm trở lại đây có nhiều khởi sắc, song thực tế thì vẫn có nhiều ngoại cảnh cản trở. Trong đó, phải kể tới hạn chế trong việc quy định trách nhiệm của các ban, ngành nên khi vào việc thường bị lấn cấn. Chúng tôi mong muốn có sự kết hợp giữa Ban Hoằng pháp T.Ư và Ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư trong hoạt động hoằng pháp cho giới trẻ nhưng phải với một cơ chế, nội quy rõ ràng trong Hiến chương chứ không phải nói miệng rồi thôi, rồi thực tế thì cũng mạnh ai nấy làm.
Bên cạnh đó, tôi nhận thấy vai trò cá nhân của quý thầy, sư cô trong việc dấn thân vẫn còn rất thụ động. Lý do thì như nhiều thầy, cô chia sẻ bên lề rằng hoạt động cho thanh niên phải mất tiền, mất thời gian, mệt người… Suy nghĩ như thế thì còn gì là lý tưởng tu hành nữa? Và đó cũng là nguyên nhân làm cho công tác này còn bỏ ngỏ, manh mún.
Theo tôi, song song với sự phối hợp hoạt động giữa các ban, ngành thì Giáo hội cũng cần có chiến lược, định hướng phát triển. Cụ thể là có văn bản pháp quy để cơ quan chức năng không nghĩ sai về các hoạt động của mình. Đồng thời, đào tạo Tăng Ni tài giỏi, có lý tưởng dấn thân ngay từ các học viện cũng là điều cần thiết. Tôi thấy Tăng Ni không chỉ có mỗi việc giảng pháp hay thôi mà cần phải biết kỹ năng tập hợp thanh niên. Chúng ta chưa có trường đào tạo kỹ năng này như ở bên ngoài đã có từ lâu (các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đoàn chẳng hạn).
Thanh niên, trí thức họ đến chùa ngày một nhiều và họ yêu cầu ở quý thầy, sư cô cũng ngày càng cao hơn. Đó không phải chỉ là thế học, Phật học, khả năng giảng pháp mà cái quan trọng làm điểm tựa cho họ chính là đức độ người tu. Bởi ở ngoài họ đã giỏi thế học, có khả năng làm việc, thậm chí làm giỏi thì vào chùa họ phải thấy bình an từ chính sự thực tu, thực chứng của Tăng Ni chứ không phải để học kiến thức thêm rồi thôi!
Ni trưởng Thích nữ Tịnh Nguyện
Giáo hội PGVN được như ngày hôm nay là nhờ vào sự nhất tâm, đồng lòng của tất cả chư tôn đức các tông phái Phật giáo. Tôi luôn mong muốn sự nhất tâm, đoàn kết, gắn bó hơn của tất cả chư tôn đức để một Giáo hội luôn phát triển, bền chặt và năng động. Tất cả Tăng Ni tu học và đem sự học, năng lực của mình để phục vụ, kế thừa chư tôn thạc đức cao niên, làm nên một Giáo hội có sự đoàn kết, nhất quán trên dưới là một.
Hiện nay, tại TP.HCM, dù Phân ban Đặc trách Ni giới T.Ư đã tạo điều kiện giúp Ni sinh ở nhà ngoài vào các trú xứ nhưng con số Ni sinh rất ít, chỉ 1/5 so với con số thực tế Ni sinh đang đi học chưa được ở trong trú xứ. Tôi mong Giáo hội quan tâm giúp đỡ hơn nữa để Phân ban Ni giới có thể hoạt động nhằm giúp Ni trẻ vững tâm tu học để sau này phụng sự và làm sứ giả Như Lai.
Huynh trưởng cấp Dũng Thiện Điều Nguyễn Thắng Nhu
Năm 1997, Giáo hội sửa đổi Hiến chương và cho phép tái lập tổ chức Gia đình Phật tử (GĐPT) Việt Nam vào năm 1998. Lúc đầu chỉ có 7 đến 8 tỉnh thành, sau đó lần lượt các tỉnh thành cũng được thành lập GĐPT, đến nay thì có được 30 tỉnh thành có GĐPT sinh hoạt trong lòng Giáo hội.
Trong quá trình sinh hoạt dưới sự chỉ đạo của Giáo hội, GĐPT đã xây dựng chương trình sinh hoạt và chiến lược phát triển một cách có hiệu quả dưới sự bảo bọc của GHPGVN, bằng chứng cụ thể nhất là vào năm 2001 chúng tôi tổ chức thành công lễ kỷ niệm 50 năm GĐPT tại Huế có chư tôn đức từ Trung ương và các tỉnh thành về dự và vừa rồi vào tháng 7-2011 chúng tôi cũng đã tổ chức rất thành công Lễ kỷ niệm 60 năm GĐPT Việt Nam.
Đặc biệt, GĐPT đã làm được rất nhiều việc mà trước đây không làm được, ví dụ như trại họp bạn ngành Thiếu (trại này năm 1961 đã có xin phép tổ chức, nhưng vẫn chưa thực hiện được) được tổ chức năm 2007 tại Bãi Bụt (Đà Nẵng). Đây là trại họp bạn ngành Thiếu đầu tiên trong lịch sử GĐPT. Sau thành công của trại họp bạn ngành Thiếu này thì Ban Hướng dẫn tổ chức trại họp bạn ngành Nữ toàn quốc (tại Đại Tùng Lâm, Bà Rịa-Vũng Tàu). Sau đó thì trại họp bạn của các tỉnh miền Bắc, các tỉnh miền Tây Nam Bộ và các tỉnh Tây Nguyên cũng được tổ chức thành công. Tổ chức GĐPT luôn tự hào là một người con tinh thần của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và cùng chung tay góp sức vào công cuộc xây dựng và phát triển ngôi nhà Phật giáo VN.
ĐĐ.Thích Giác Thiện
Trong 30 năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đánh dấu một bước ngoặt phát triển rất lớn trong sự nghiệp đoàn kết dân tộc và phát triển Phật giáo đáng kể. Với vai trò là giảng sư hoằng pháp trẻ, khát khao lớn nhất của tôi chính là trong thời gian tới: Ban Hoằng pháp của Giáo hội hãy tạo thuận duyên, quan tâm nhiều hơn nữa, tháo gỡ khó khăn và hun đúc tinh thần giúp những người hoằng pháp trẻ vượt qua chông gai để có thể đem ánh sáng Phật pháp vào ngõ ngách của cuộc đời.
Trong thời gian qua, hoằng pháp với chuyên ngành văn hóa và nghi lễ Phật giáo, tôi có rất nhiều trăn trở. Trăn trở lớn nhất chính là tình trạng “một con sâu làm sầu nồi canh” trong Phật giáo. Gần đây có những chùa trong việc thực hiện nghi lễ đã cho những nhóm cư sĩ khoác y áo, để phục vụ tín ngưỡng có tính chất kinh doanh, trục lợi đã làm ảnh hưởng rất lớn đối với cái đẹp thuần túy của nghi lễ Phật giáo. Ai cũng biết, cái khó của mảng hoằng pháp với chuyên ngành này là nghi lễ rất phong phú và đa dạng, đòi hỏi người hoằng pháp phải phân biệt được đâu là tín ngưỡng Phật giáo, đâu là tín ngưỡng dân gian, pha tạp Đạo giáo... Nếu không khéo, người hoằng pháp sẽ dễ dàng đưa tín đồ Phật tử đến với mê tín dị đoan và tin vào thần quyền. Tôi mong rằng, Giáo hội cần có sự chấn chỉnh để góp phần cho nét đẹp tâm linh thuần túy trong sự tu tập và chuyển hóa. Như vậy nghi lễ Phật giáo mới có vị trí xứng đáng góp phần tô điểm, giữ gìn bản sắc văn hóa tâm linh của dân tộc.
Sư cô TN.Hương Nhũ
Cùng với giới trẻ ngày nay, Ni trẻ cũng nhanh chóng hòa nhập với sự phát triển của xã hội. Họ biết ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật trong các Phật sự, trong nghiên cứu nội điển, ngoại điển cũng như tìm hiểu các thông tin cần thiết qua mạng internet. Nhiều vị Ni trẻ thực tu, thực học đã và đang từng bước giúp quý Ni trưởng, Ni sư trong một số Phật sự quan trọng như giảng dạy, hoằng pháp, từ thiện xã hội…
Bên cạnh những ưu điểm ấy thì quý Ni trưởng, quý Ni sư cũng đang tạo mọi điều kiện để Ni trẻ học tập, nhiều Ni trưởng nuôi chúng Ni từ nơi khác đến như là đệ tử của mình. Nhưng cũng không khỏi lo lắng nhiều đến sự tu học của Ni trẻ vì thời đại mới cũng tạo ra nhiều vấn đề nan giải. Một số Ni trẻ hiểu sai ý nghĩa đạo Phật nhập thế thành ra “thế tục hóa”. Có vị học xong không về với thầy tổ mà lập am cốc hoặc nhận chùa chiền quá sớm khi tuổi đạo và kinh nghiệm chưa cho phép.
Việc nghiên cứu nội điển, ngoại điển trong môi trường không phải là “tòng lâm học viện”, nơi ăn chốn ở không nhất định, khiến cho một số Ni trẻ với đời sống nội tâm chưa vững, sống buông lung, phóng túng, thiên về hưởng thụ vật chất hoặc mưu cầu danh lợi hơn là tìm về sự an tĩnh của tâm hồn. Đây là một vấn đề đáng quan tâm nhất trong Ni trẻ hiện nay.
Tôi luôn mong ước giáo dục Phật học được phổ cập trong hệ thống giáo dục cả nước và khắp toàn cầu. Tất cả các trường Phật học đều có Tăng (Ni) xá để quản lý Tăng Ni sinh và tạo điều kiện cho họ có điều kiện tiếp thu kiến thức đồng thời phải được sống trong sự giám sát của chư tôn đức giáo phẩm trong môi trường “tòng lâm học viện”. Để sau này họ có đủ kiến thức, phẩm chất tốt đẹp, khả năng một người tu sĩ mà cống hiến hết lòng cho đạo pháp.
Diễn viên - Phật tử Trương Minh Cường
Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi thấy Phật giáo Việt Nam ngày càng được Chính phủ quan tâm, Phật giáo ngày càng tiến bộ, đặc biệt là vẫn giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc. Điều đó đánh dấu, thể hiện rõ nét nhất là qua các chương trình lễ hội của Phật giáo và qua các kỳ hội thảo Hoằng pháp toàn quốc. Theo các sự kiện này, tôi thấy Giáo hội dành rất nhiều tâm huyết cho các hoạt động chia sẻ tình thương đến đời sống bà con nghèo khó và trăn trở rất nhiều với vấn đề hoằng pháp dân tộc. Không thể không thừa nhận rằng thời gian qua, Giáo hội đã chung tay đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của đất nước, xã hội và thực hiện nhiều việc làm tốt cho đạo đẹp cho đời…
Nhưng bên cạnh đó, Giáo hội vẫn chưa phát huy hết tiềm năng của mình nhất là trong việc hoằng pháp với thanh thiếu nhi, trẻ vị thành niên.
Tôi nghĩ, việc hoằng pháp sẽ đến gần hơn với các em thanh thiếu nhi, nếu GHPGVN kịp thời bổ sung thêm vào hàng ngũ lãnh đạo Giáo hội của mình những vị tu sĩ trẻ có tài, có tâm với việc hoằng pháp độ sanh. Vì hơn ai hết, những vị giảng sư hoằng pháp trẻ là những người có nhiều cách tiếp cận, dễ gần gũi và dễ dàng chia sẻ với các bạn trẻ nhất. Mong rằng thời gian sắp tới, ngành hoằng pháp của Giáo hội sẽ tiếp tục lắng nghe, quan tâm nhiều hơn để Phật giáo Việt Nam phát triển hơn nữa và đến gần hơn với Phật giáo thế giới.