Bế mạc Đại hội VII Giáo hội Phật giáo Việt Nam

GNO - Sau 4 ngày làm việc nghiêm túc và khẩn trương, Đại hội VII GHPGVN đã bế mạc vào chiều nay 24-11, tại Cung Văn hóa Hữu nghị (Hà Nội).

* >>> Suy tôn Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ ngôi vị Pháp chủ
* >>> Suy cử HT.Thích Trí Tịnh tiếp tục làm Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN

Gần 1.000 đại biểu chính thức gồm chư tôn đức Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, chư vị giáo phẩm tiêu biểu, đại diện các ban, viện Trung ương, các Học viện Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành phố; đại diện các cộng đồng, tổ chức thuộc GHPGVN ở nước ngoài; đại biểu khách mời gồm lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành Trung ương, thành phố Hà Nội, các tỉnh thành và hơn 1.000 Tăng Ni, Phật tử thủ đô và các tỉnh thành đã đến dự.

wwwG8 (5).JPG

Đại biểu dự phiên bế mạc Đại hội - Ảnh: Vũ Giang

wwwG8 (9).JPG

Phật tử dâng hoa chúc mừng thành công Đại hội - Ảnh: Vũ Giang

wwwG8 (10).JPG

Đức Pháp chủ - Trưởng lão HT.Thích Phổ Tuệ đã chứng minh tối cao phiên bế mạc Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII, nhiệm kỳ 2012-2017 cùng chư giáo phẩm Hội đồng Chứng minh. Nhị vị Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS: HT.Thích Chơn Thiện, HT.Thích Thanh Nhiễu và chư vị Phó Chủ tịch HĐTS đã điều hành phiên bế mạc.

Phiên bế mạc bắt đầu bằng nghi thức dâng hoa chào mừng thành công Đại hội của chư Tăng Ni, Phật tử thủ đô Hà Nội, TP.HCM, Tây Nguyên, Tây Bắc.

Ngay sau đó, HT.Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ HĐCM đã đãi lao Đức Pháp chủ - Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ đọc lời đạo từ của Đức Pháp chủ đến toàn thể Đại hội.

Mở đầu, Đức Pháp chủ cho biết: "Bậc cổ đức có dạy rằng: Phật Pháp lấy kỳ túc làm trang nghiêm. Tôi năm nay đã gần 100 tuổi, thẹn vì mình tài đức không đủ, nhưng lại được Tăng sai vào ngôi vị trọng trách của Giáo hội. Đây là một vinh dự, song cũng là một trách nhiệm lớn lao. Tôi thành kính tri ân công đức chư tôn thiền đức tăng ni và toàn thể Đại hội đã một lần nữa đặt niềm tin và giao phó trọng trách cho tôi cùng với chư tôn thiền đức hoằng dương chính pháp, phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tại Đại hội này, tôi có lời tán thán khen ngợi công đức tu hành, công đức giữ gìn giới hạnh, và công đức hoằng hóa phục vụ chúng sinh đồng hành cùng dân tộc, ích Đạo lợi đời của quý Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, Đại đức, Tăng Ni và tín đồ Phật tử Việt Nam ở trong và ngoài nước."

wwwG8 (6).JPG

Lễ suy tôn Đức Pháp chủ - Ảnh: Vũ Giang

Theo Đức Pháp chủ Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ đối với Tăng ni, Phật tử mà còn có ý nghĩa đối với cộng đồng xã hội người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài. Bởi Đại hội kỳ này là Đại hội nối tiếp chặng đường sau 30 năm thống nhất Phật giáo thành lập nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Qua 6 nhiệm kỳ, chúng ta có đủ thời gian để đánh giá một cách khách quan về những kết quả, thành tựu, cũng như thấy được những hạn chế, tồn tại của chặng đường đã qua. Điều này đã được thể hiện trong các văn kiện trình tại Đại hội.

"Song, tôi chỉ nhấn mạnh một điều với quý vị Tăng ni, Phật tử là mọi sự thịnh suy, tốt xấu đều phụ thuộc ở chúng ta. Cho nên Tăng ni, Phật tử phải tự thân để làm tốt mọi Phật sự của mình thật đúng nghĩa, không ngụy biện với tinh thần tùy duyên nhưng bất biến, bất biến nhưng tùy duyên. Có làm được như vậy mới xứng đáng với lịch đại tổ sư và các bậc tiền bối đã hy sinh cả đời mình vì Đạo Pháp, vì dân tộc!", Đạo từ của Đức Pháp chủ nhấn mạnh.

Từ đó, Đức Pháp chủ nhắc lại lời dạy của Đức Từ Phụ để đại hội làm kim chỉ nam cho các hoạt động Phật sự trong nhiệm kỳ tới:

“Này các tỷ khiêu, khi nào chúng tỷ khiêu tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết và làm việc Tăng sự trong niệm đoàn kết, thời này các tỷ khiêu, chúng tỷ khiêu sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm”.

Này các tỷ khiêu, khi nào chúng tỷ khiêu có tín tâm, có tàm, có quý, có nghe nhiều, có tinh tiến, có chính niệm, có trí tuệ, thời này các tỷ khiêu, chúng tỷ khiêu sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

wwwG8 (4).JPG

 “Này các tỷ khiêu, khi nào các vị tỷ khiêu sống với bạn đồng tu tại chỗ đông người và vắng người, trong sự thụ trì giới luật đúng với sa môn hạnh, những giới luật không bị gãy vụn, không bị sứt mẻ, không bị tỳ vết, không bị uế trược, những giới luật đưa đến giải thoát, được người có trí tán thán, không bị ô nhiễm bởi mục đích sai lạc, những giới luật hướng đến định tâm, thời nay các tỷ khiêu, chúng tỷ khiêu sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm”.

"Đức Từ Phụ đã dạy chúng ta như vậy, cho nên Tôi mong rằng Quý liệt vị hãy vì sự xương minh của đạo pháp, vì sự hưng thịnh của dân tộc mà khắc cốt ghi tâm để mỗi Phật sự của Giáo hội chúng ta đều thành tựu được những kết quả tốt đẹp, để Phật giáo chúng ta có vị thế xứng đáng trong lòng dân tộc, cùng với Phật giáo đồ trên toàn thế giới đoàn kết, hòa hợp góp phần vào sự nghiệp hoằng dương Phật Pháp, bảo vệ hòa bình đem lại hạnh phúc đích thực cho nhân loại.", Đức Pháp chủ đề nghị.

Tiếp theo, HT.Thích Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS đã trình bày dự thảo nghị quyết đại hội gồm 15 điểm và toàn thể Đại hội thống nhất biểu quyết thông qua. Đại hội cũng thông qua thư gởi Chủ tịch nước và gởi Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước. 

wwwG8 (8).JPG

TT.Thích Tấn Đạt báo cáo danh sách và tài chính do Tăng Ni, Phật tử cúng dường Đại hội - Ảnh: Vũ Giang

wwwG8 (12).JPG

HT.Thích Thiện Nhơn trình bày nghị quyết Đại hội - Ảnh: Vũ Giang

wwwG8 (11).JPG

HT.Thích Giác Toàn đọc các thư của Đại hội - Ảnh: Vũ Giang

Phát biểu bế mạc Đại hội, HT. Thích Thanh Nhiễu nhìn nhận, Giáo hội Phật giáo Việt Nam lại tiếp tục chuẩn bị một chặng đường mới cho việc khởi đầu thực hiện kế hoạch 5 năm sắp đến theo chương trình hoạt động Phật sự mà Đại hội thông qua.

Hòa thượng nói thêm: "Tôi nghĩ rằng, tất cả thành viên của Giáo hội sẽ đem hết trí lực và tâm lực của mình để hoàn thành các Phật sự đã được Đại hội đề ra. Tôi tin tưởng với sự gia trì của Tam bảo, sự đồng tình của nhân dân, sự hỗ trợ chân tình của Đảng và Chính phủ, Chính quyền các cấp, sự nỗ lực tự thân của chư Tăng Ni, Phật tử sẽ giúp cho Giáo hội vững tiến, tiếp tục thu đạt những thành quả tốt đẹp."

Từ đó, Hòa thượng tán thán công đức của toàn thể Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp phát triển bền vững, ổn định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; đồng thời cũng nhắc nhở rằng chỉ có sự tinh tấn, truyền thống đoàn kết của Phật giáo là động lực, là sức mạnh không ngừng được phát huy để chúng ta vượt khó và tiến lên.

wwwG8 (7).JPG

HT.Thích Thanh Nhiễu đọc diễn văn bế mạc Đại hội - Ảnh: Vũ Giang

Hòa thượng cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc cơ cấu nhân sự trong các Ban, Ngành, Viện cũng như của từng cơ sở, cần lưu tâm về khả năng chuyên môn, đạo đức, sự trung kiên đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tinh thần phục vụ và đặc biệt là tranh thủ những điều kiện thuận lợi để hoạt động, luôn là những điểm vô cùng cần thiết để mỗi thành viên đóng góp hữu hiệu cho các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội. Ban, Viện trung ương, các Ban Trị sự cần nỗ lực hơn nữa để tiếp tục sự ổn định, trong đó có việc củng cố nhân sự; đề ra các kế hoạch hoạt động 6 tháng, từng năm cho phù hợp với chương trình hoạt động nhiệm kỳ VII Trung ương Giáo hội. Công việc này đòi hỏi sự tập trung trí tuệ tập thể, kinh nghiệm và khả năng nhận định chính xác về hoàn cảnh thực tế, để có được những kế hoạch cụ thể, khả thi, mang lại những thành tựu tốt đẹp.

"Trước sự thành công rực rỡ của Đại hội, nhìn lại chặng đường phát triển hơn 30 năm qua của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội trân trọng ghi nhận công đức đóng góp của chư Tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước; chân thành tri ân Đảng, Nhà nước và Chính quyền các cấp đã tạo điều kiện thuận lợi cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam không ngừng phát triển bền vững về mọi phương diện.

Đại hội xin trân trọng cảm tạ Cụ Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Cụ Trương Tấn Sang - Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Cụ Nguyễn Tấn Dũng - Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Cụ Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Cụ Huỳnh Đảm - Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; quý vị  các Cơ quan Ngoại giao đoàn, Sứ quán, các đoàn khách Quốc tế; quý vị đại diện các cơ quan lãnh đạo Bộ, Ban ngành, Đoàn thể ở Trung ương, Thủ đô Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong cả nước; quý vị khách quý ở nước ngoài đã quang lâm tham dự Đại hội và gửi lẵng hoa, quà chúc mừng Đại hội. Chúng tôi chân thành cảm tạ quý vị đại biểu, chư vị khách quý từ Thủ đô cho đến các tỉnh, thành trong cả nước đã vân tập, tham dự, giúp Đại hội thành công mỹ mãn.", Hòa thượng chia sẽ.

Cuối bài diễn văn, Hòa thượng cho rằng: "Khi Giáo đoàn Tỳ kheo của Phật được thành lập với 60 vị Thánh đệ tử,  Đức Phật dạy: “Này các tỷ kheo, hãy du hành vì lợi ích của số đông, vì an lạc, hạnh phúc của chư thiên và loài người”. Giáo hội Phật giáo Việt Nam kể từ ngày thành lập đến nay đã và đang nỗ lực thực hiện sứ mệnh cao cả này qua phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”, cùng với các tổ chức tôn giáo thân hữu đang quyết tâm làm “lợi Đạo, ích Đời” trên mảnh đất Việt Nam thân yêu. Mỗi thành viên của Giáo hội nguyện đem hết sức tinh tấn, sự nhiệt thành để thực hành lý tưởng Phật giáo theo lời dạy trên của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.

wwwG8 (1).JPG

Nghi thức bế mạc - Ảnh: Vũ Giang

wwwG8 (3).JPG

Phiên bế mạc kết thúc sau nghi thức chào cờ và Hồi hướng. Tối nay, chư tôn đức Ban Thường trực HĐCM và HĐTS đến chào lãnh đạo Đảng và Nhà nước và tại Khách sạn Kim Liên (Hà Nội) diễn ra tiệc chay mừng thành công Đại hội.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 100 em thanh thiếu niên tham gia khóa tu "Tuổi trẻ" lần thứ I tại chùa Long Phước

Chùa Long Phước (TP.Bạc Liêu) khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I

GNO - Sáng 15-12, chùa Long Phước (P.5, TP.Bạc Liêu) tổ chức khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I với sự chứng minh của Thượng tọa Thích Giác Nghi, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Long Phước; chư tôn đức giáo thọ sư, Phật tử và hơn 100 thanh thiếu niên tham dự khóa tu.

Thông tin hàng ngày