Tham luận của Ban Trị sự THPG TP.Hồ Chí Minh

Kính bạch chư tôn đức Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự GHPGVN.

Kính bạch chư tôn đức Tăng Ni, các vị khách quý và toàn thể quý Phật tử.

Nhằm góp phần làm lớn mạnh GHPGVN trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, thay mặt Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM, tôi xin chia sẻ đôi điều quan tâm về cơ cấu hành chính của GHPGVN, vai trò của Ban Giáo dục và Ban Hoằng pháp của Giáo dục. Nếu hành chánh Giáo hội quyết định sự thành công trong cơ chế quản lý Giáo hội thì giáo dục Tăng Ni làm lớn mạnh nền minh triết và đạo đức Phật dạy, và dĩ nhiên, Hoằng pháp là nhiệm vụ quan trọng nhất mà mỗi Tăng Ni, theo tinh thần nhập thế của đức Phật, góp phần nhổ lên nỗi khổ niềm đau của con người, nhằm xây dựng một cõi Phật tại trần gian.

wwwT6 (11).JPG
ĐĐ.Thích Thiện Quý, Chánh Văn phòng BTS THPG TP.HCM trình bày tham luận tại đại hội

I. CẢI CÁCH CƠ CẤU HÀNH CHÍNH CỦA GHPGVN

1) Tạo dựng hình ảnh của GHPGVN trong cộng đồng Phật giáo thế giới

a) GHPGVN là giáo hội hợp nhất các Hệ phái, Tổ chức và Hội đoàn Phật giáo tại Việt Nam, nhằm tạo ra sức mạnh trí tuệ tập thể và tiếng nói chung đại diện cho Phật giáo Việt Nam tại các diễn đàn thế giới và trong nước, góp phần xây dựng hòa bình thế giới, bảo vệ và phát triển đất nước Việt Nam, phục vụ chúng sinh và con người Việt Nam.

b) Cùng nhau nỗ lực xây dựng một đạo Phật Việt Nam theo hướng nhập thế, đồng hành với dân tộc, phụng sự đất nước và con người Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa, nhằm giúp các cộng đồng Việt Nam trong nước và ngoài nước tiếp nhận nền minh triết và đạo đức Phật giáo, trong việc giải phóng nỗi khổ niềm đau, hướng đến an vui và hạnh phúc.

c) Lãnh đạo giáo hội cần thúc đẩy quản trị Giáo hội tốt, đề ra các chính sách nhập thế mang tính ứng dụng và khả thi cao, nhằm đảm bảo sự hoằng dương Phật pháp thích ứng với thời đại và phù hợp với văn hóa Việt Nam, đáp ứng nhu cầu tu học của các cộng đồng Việt Nam và con người Việt Nam.

d) Nêu cao vai trò và khả năng hợp tác quốc tế giữa GHPGVN với các tổ chức Phật giáo thế giới, các giáo hội Phật giáo ở các quốc gia và các tổ chức Phật giáo trên khắp thế giới, nhằm góp phần phụng sự con người và tất cả chúng sinh. Phát triển nguồn nhân lực Phật giáo thông qua sự hợp tác song phương với các Giáo hội Phật giáo và Tổ chức Phật giáo trong khu vực và thế giới, trong lĩnh vực giáo dục và hoằng pháp lâu dài, để tạo dựng hình ảnh Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng thế giới.

2) Nhân sự các cấp của GHPGVN

a) Nhân sự của các cấp GHPGVN phải do hội đồng của cấp giáo hội tương đương bầu chọn. Các cá nhân ngoài Phật giáo không có chức năng được Hiến chương GHPGVN quy định thì không nên can thiệp vào chuyện nội bộ và nhân sự Phật giáo. Lãnh đạo Phật giáo các cấp cần mạnh dạn đề cao chủ quyền pháp quyền được Nhà nước Việt Nam chủ xướng, khẳng định quyền tự chủ của GHPGVN theo tinh thần Pháp lệnh Tôn giáo, tín ngưỡng; không để bất kỳ cá nhân nào nhân danh hay lạm danh tổ chức, can thiệp vào việc bầu chọn nhân sự và các hoạt động Phật sự của GHPGVN.

b) Để được suy cử và đảm trách các vai trò trong Hội đồng Trị sự và Ban Trị sự các tỉnh thành, tuổi đời của các vị tôn đức ứng cử viên không được quá 75 tuổi và đảm trách vai trò này không được quá 2 nhiệm kỳ liên tục. Các vị tôn đức nào đã phụ trách vai trò TW thì không kiêm nhiệm các vai trò thuộc nhỏ hơn và mang tính trực thuộc.

c) Việc phân bổ nhân sự vào Hội đồng Trị sự không nên cào bằng như hiện nay. TP.HCM có gần 10 triệu dân số, với hơn 1500 ngôi tự viện và hàng triệu Phật tử sinh sống. So với các tỉnh thành Hội Phật giáo mới thành lập, Tăng Ni và Phật sự của TP.HCM vượt trội về số lượng và chất lượng. Đây là thành phố đi đầu trong các hoạt động Phật sự trong 3 thế kỷ qua. Do đó, số lượng Ủy viên Hội đồng Trị sự của TP.HCM phải được ưu ái. Các vị lãnh đạo quan trọng của Ban Trị sự THPG TP.HCM nên được thỉnh vào Hội đồng Trị sự, để tăng cường hiệu quả Phật sự tại thành phố lớn nhất và đông Phật tử nhất nước.

d) Nhân sự của các cấp hành chính GHPGVN phải có trình độ về hành chính và quản trị, nhằm đảm bảo tính hiệu quả của các hoạt động Phật sự được đảm trách. Nên phân bổ hợp lý tỷ lệ các vị tôn đức trưởng lão, các tăng ni trẻ, các Phật tử trí thức trong Hội đồng Trị sự và các Ban ngành TW và cấp tỉnh thành, nhằm đảm bảo tính kế thừa và phát triển bền vững Phật giáo. Để phát triển Giáo hội, các bậc trưởng lão nên quan tâm đúng mức đối với giới trí thức và tăng ni trẻ có tâm, có tầm và có tài đức vào các vai trò quan trọng, tạo vai trò và điều kiện để giới tăng tài trẻ đóng góp các Phật sự với thế hệ trưởng thượng. Đãi ngộ và sử dụng nhân tài đúng mức sẽ góp phần phát triển GHPGVN trong giai đoạn mới.

3) Về hệ thống hành chính của GHPGVN

a) GHPGVN gồm có 3 cấp hành chính. Cấp toàn quốc gồm có Hội đồng Chứng minh (nên đổi thành Hội đồng Pháp chủ) và Hội đồng Trị sự (nên đổi thành Hội đồng Phật giáo Toàn quốc). Cấp Tỉnh, Thành là Ban Trị sự Phật giáo tỉnh/ thành nên đổi thành Hội đồng Phật giáo Tỉnh/ Thành. Cấp Quận, Huyện, Thị xã, Thành phố thuộc Tỉnh là Ban Đại diện Phật giáo, nên đổi thành Hội đồng Phật giáo Quận/ Huyện/ Thị xã/ Thành phố trực thuộc Tỉnh.

b) Hội đồng Chứng minh nên đổi thành Hội đồng Pháp chủ, gồm các vị Hòa thượng tiêu biểu của các Hệ phái Tổ chức Phật giáo Việt Nam có tối thiểu 75 tuổi đời, 50 tuổi đạo trở lên, đã từng tham gia lãnh đạo Hội đồng Trị sự và Ban Trị sự Phật giáo tỉnh/ thành, không giới hạn số lượng và được Đại hội đại biểu toàn quốc GHPGVN suy tôn.

Các vị Hòa thượng trong Hội đồng Pháp chủ tại vị trọn đời, ngoại trừ trường hợp đặc biệt phải phế vị. Nhằm tôn vinh vai trò lãnh đạo tinh thần tối cao của GHPGVN, các vị tôn đức đã là thành viên Hội đồng Tăng vương sẽ không tham gia các vai trò thuộc Hội đồng Trị sự và các Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh/ Thành.

c) Hội đồng Trị sự nên đổi thành Hội đồng Phật giáo toàn quốc, có 150 thành viên trở lên, gồm chư tôn đức Tăng Ni và Cư sĩ của GHPGVN do Ban Thường trực Hội đồng Trị sự tiền nhiệm đề cử và Đại hội Đại biểu GHPGVN suy cử.

Để được suy cử và đảm trách các vai trò Chủ tịch và Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự, tuổi đời của các vị tôn đức ứng cử viên không được quá 75 tuổi và đảm trách vai trò lãnh đạo không được quá 2 nhiệm kỳ liên tục.

Để được suy cử và đảm trách các vai trò Tổng thư ký, Phó tổng thư ký và Chánh văn phòng Hội đồng Trị sự, tuổi đời của các vị tôn đức ứng cử viên không được quá 65 tuổi và đảm trách vai trò này không được quá 2 nhiệm kỳ liên tục.

Các vị tôn đức đã là thành viên Hội đồng Trị sự sẽ không tham gia các vai trò thuộc Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh/ Thành và quận huyện trực thuộc cấp dưới mình.

d) Ban Trị sự Phật giáo tỉnh/ thành: Nên đổi thành Hội đồng Phật giáo Tỉnh/ Thành, là tập hợp của 50 vị tôn đức Tăng Ni và Phật tử có đạo hạnh, uy tín, trình độ chuyên môn, đại diện cho Phật giáo tỉnh/ thành, do Đại hội đại biểu Phật giáo Tỉnh/ Thành suy cử, được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN chuẩn y bằng quyết định.

- Chủ tịch, các Phó chủ tịch, Chánh thư ký, Chánh Văn phòng phải là Tăng sĩ. Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh/ Thành có thể thỉnh Quý Hòa Thượng tại địa phương vào Ban Chứng minh cho Hội đồng Phật giáo Tỉnh/ Thành.

- Nhiệm kỳ của Ban Trị sự Tỉnh/ Thành là 5 năm và phải được tổ chức trước Đại hội đại biểu toàn quốc GHPGVN tối thiểu 3 tháng.

- Nơi nào không đủ điều kiện thành lập Hội đồng Phật giáo Tỉnh/ Thành thì lập một Hội đồng Phật giáo lâm thời gồm có: Một Chánh Đại diện, hai Phó Đại diện, một Thư ký, một Thủ quỹ và các ủy viên. Chánh Đại diện phải là một vị Tăng hoặc Ni do Trung ương Giáo hội chỉ định.

e) Ban Đại diện Phật giáo Quận, Huyện, Thị xã gồm các vị tôn đức tiêu biểu của đại phương, được đặc trách trực tiếp quản lý hành chính các Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường và Tăng Ni, cư sĩ, Phật tử trực thuộc.

d) Đơn vị cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là các Tự, Viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường. Ban Đại diện Phật giáo địa phương có trách nhiệm khích lệ các tự viện ngoài GHPGVN tham gia làm thành viên của GHPGVN và giúp đỡ các Tịnh thất, Niệm Phật đường đạt chuẩn được thừa nhận là Tự viện của GHPGVN. Trụ trì của các Tự, Viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường có trách nhiệm hướng dẫn tu học, tổ chức thuyết giảng chính pháp cho các Phật tử mỗi nửa tháng hay mỗi tuần, nhằm giúp người tu học được nhiều an lạc và lợi ích.

4) Các ban ngành viện trực thuộc

Nên mạnh dạn sát nhập các ban có quan hệ trực thuộc, đồng thời thành lập thêm ban mới. Tùy theo nhu cầu Phật sự, các Ban TW có thể thành lập các Phân ban và Viện có thể thành lập Phân viện nhằm phụ trách các chuyên ngành hoạt động theo Quy chế riêng được Ban Thường trực Hội đồng Phật giáo toàn quốc chuẩn y.

Theo tinh thần này, GHPGVN cần có 8 Ban Trung ương và 1 Viện trực thuộc, hoạt động theo Quy chế riêng, do Hội đồng Trị sư phê chuẩn. Các Ban trung ương và Viện đảm trách các chức năng chuyên môn, bao gồm:

(1). Ban Tăng sự TW: Gồm có 3 phân ban. Phân ban Tăng sự nhằm quản lý Tự viện và hộ tịch Tăng Ni, giám sát giới luật, tổ chức các giới đàn, bổ nhiệm trụ trì, giám định sinh hoạt tu học của Tăng Ni. Phân ban Ni giới nhằm quản lý các phạm vi hoạt động tương tự của Ni giới. Phân ban pháp chế nhằm phụ trách các vấn đề pháp chế liên hệ đến Pháp luật hiện hành, các sinh hoạt Tăng đoàn, đồng thời thanh tra và giám sát các hoạt động Phật sự của GHPGVN.

(2). Ban Giáo dục Phật giáo TW: Quản lý và điều hành hệ thống giáo dục Phật giáo Việt Nam, các trường lớp Phật học, chương trình đào tạo và các hoạt động giáo dục Phật giáo cho Tăng Ni và cho Phật tử.

(3). Ban Hoằng pháp TW: Quản lý và điều hành các hoạt động hoằng pháp cho người tại gia, giúp mọi người hiểu đúng, thực hành đúng lời Phật dạy và hướng dẫn người hữu duyên trở thành Phật tử.

(4). Ban Phật tử TW: Gồm 2 Phân ban: Phân ban Cư sĩ Phật tử quản lý và điều hành các sinh hoạt tu học của Phật tử và Phân ban Gia đình Phật tử quản lý các sinh hoạt của giới trẻ Phật giáo.

(5). Ban Văn hóa và Nghi lễ TW: Gồm 2 Phân ban: Phân ban Văn hóa quản lý các hoạt động văn hóa Phật giáo và Phân ban Nghi lễ chịu trách nhiệm về các nghi thức tụng niệm và thực hiện các nghi lễ Phật giáo.

(6). Ban Công tác Xã hội TW: Gồm 3 phân ban: Phân ban Công tác xã hội, Phân ban Từ thiện xã hội và Phân ban Kinh tế Tài chính, nhằm quản lý và điều hành các công tác xã hội Phật giáo và các hoạt động từ thiện xã hội, theo tinh thần “phụng sự chúng sinh tức là cúng dường chư Phật”.

(7). Ban Phật giáo Quốc tế TW: Quản lý các quan hệ Phật giáo quốc tế, nhằm tạo hình ảnh dấn thân chủ động và tích cực của GHPGVN tại các diễn đàn trong nước, khu vực và quốc tế.

(8). Ban Truyền thông Phật giáo: Quản lý và điều hành các dự án và chương trình truyền thông Phật giáo qua truyền hình, truyền thanh, báo chí và các trang mạng, nhằm giới thiệu lời Phật dạy đến với quảng đại quần chúng một cách có hiệu quả.

(9). Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam: Quản lý và điều hành các dự án Đại tạng kinh Việt Nam, xuất bản kinh sách Phật giáo, nghiên cứu sách lược phát triển Phật giáo và các hoạt động nghiên cứu Phật học trong mối quan hệ với các ngành học hiện đại.

II. CẢI CÁCH GIÁO DỤC PHẬT HỌC TẠI VIỆT NAM

Cải cách giáo dục Phật học tại Việt Nam là nhu cầu lớn, được cố HT. Thích Thiện Siêu, nguyên là Trưởng Ban giáo dục Tăng Ni TW khởi xướng. Nay, 30 trôi qua, chương trình cải cách vẫn chưa khởi động, theo đúng nghĩa. Để cải cách giáo dục Phật giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa và hiện đại hóa giáo dục, ta cần xem xét các yếu tố sau đây:

1) Cấp bậc và khung thời gian: So với các nền Phật học trên thế giới, giáo dục của GHPGVN mang tính đặc thù với nhiều cấp học nhất, bao gồm Sơ cấp Phật học (2 năm), Trung cấp Phật học (4 năm), Cao đẳng Phật học (2 năm), Cử nhân Phật học (4 năm), Thạc sĩ Phật học (2-3 năm) và Tiến sĩ Phật học (2-5 năm). Do vì giáo dục của GHPGVN có nhiều cấp học, để đào tạo một tiến sĩ Phật học theo hệ thống hiện hành, ta phải mất tối thiểu 16 năm (2 năm sơ cấp, 4 năm trung cấp, 2 năm cao đẳng, 4 năm cử nhân, 2 năm thạc sĩ và 2-5 năm tiến sĩ).

So với các nước Phật giáo Nam tông như Tích Lan, Miến Điện và Thái Lan, chương trình của ta nặng hơn nhiều về số năm học. Theo tôi, Sơ cấp Phật học là không cần thiết; Trung cấp Phật học chỉ cần 1-2 năm là đủ. Cao học cần được đào tạo liên thông với các Học viện. Bằng cách vừa nêu, ta có thể rút ngắn từ 4-6 năm học mà vẫn đào tạo một tăng ni sinh có trình độ tương đương.

2) Sách giáo khoa: để đảm bảo sự đồng bộ về cơ cấu, mục tiêu, chương trình giáo dục Phật học, đạt tiêu chuẩn về chất lượng đào tạo Phật học, chương trình học các cấp Phật học phải được “giáo khoa hóa.” Sách giáo khoa và tài liệu giảng dạy phải đáp ứng yêu cầu về nguyên lý, tính hệ thống, và phương pháp giáo dục.

Để sớm đưa mô hình sách giáo khoa vào các trường Phật học, ta có thể làm qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, chọn các sách Phật đạt tiêu chuẩn, đưa vào từng niên học ở từng cấp học bắt buộc trên toàn quốc. Một Ban Biên soạn nên được thành lập để làm công tác khảo sát, đánh giá và chọn lựa sách đạt tiêu chuẩn giáo khoa. Giai đoạn 2, dựa vào quá trình đào tạo thống nhất, tác giả của các sách được chọn làm sách giáo khoa, trên cơ sở góp ý của các giảng viên đứng lớp, chỉnh lý để đảm bảo được tính hệ thống và tính khoa học trong đào tạo. Giai đoạn 1 chỉ mất trung bình 6 tháng là có được bộ sách giáo khoa tạm thời. Giai đoạn 2 mất khoảng tối đa 4 năm, ta sẽ có những quyển sách giáo khoa tiêu chuẩn cho Trung cấp, Cao đẳng và Cử nhân Phật học.

3) Đào tạo liên tỉnh theo mô hình hằng năm:

Hiện nay, trên toàn quốc, GHPGVN có 30 trường Trung cấp Phập học gồm 5357 Tăng Ni sinh đã tốt nghiệp và đang đào tạo 3575 Tăng Ni sinh; 10 lớp Cao đẳng Phật học gồm 1382 Tăng Ni sinh đã tốt nghiệp và 1764 Tăng Ni sinh đang theo học. Ngoài ra, ta có 4 Học viện Phật giáo với 1938 Tăng Ni sinh tốt nghiệp cử nhân và đang đào tạo 2.300 Tăng Ni sinh đang theo học.

Chương trình Phật học của ta được tuyển sinh và đào tạo theo khóa học 2 năm một lần đối với Sơ cấp Phật học, 4 năm một lần đối với Trung cấp Phật học; 2-3 năm một lần đối với Cao đẳng Phật học; 4 năm một lần Cử nhân Phật học. Để đảm bảo tính tương tục giữa các khóa, các trường Phật học nên tuyển sinh hằng năm.

Để làm được việc này, mỗi tỉnh thành Phật giáo không nên cạnh tranh mở trường. Nên tổ chức trường Phật học theo mô hình liên tỉnh, hay liên khu vực. Trên toàn quốc, mỗi miền Bắc, Trung, Nam chỉ nên có 3 trường Trung cấp, 2 trường Cao đẳng và 1 Học viện Phật học. Mô hình này sẽ tiết kiệm được chi phí đào tạo, thu hút nhiều giảng viên giỏi đến từ nhiều tỉnh và đảm bảo được chất lượng đào tạo đầu vào và đầu ra. Nhờ đó, sau khi tốt nghiệp, các Tăng Ni sinh có thể giảng Kinh, viết sách, dịch thuật và làm các Phật sự ứng dụng một cách thành công.

 4) Đào tạo liên thông: Giáo dục trong nước và trên thế giới đều theo mô hình liên thông ở cấp Cao đẳng (College, đại học cộng đồng) và Đại học (University). Với mô hình đào tạo liên thông, Tăng Ni sinh tốt nghiệp Cao đẳng Phật học sẽ được học năm thứ 3 chương trình Cử nhân Phật học tại các Học viện. Tùy theo nội dung của chương trình Cao đẳng mà Tăng Ni sinh học chương trình liên thông sẽ phải bổ túc một số môn học bắt buộc tùy theo quy định của từng Học viện. Mô hình đào tạo phổ quát này sẽ giúp nhà trường và Tăng Ni sinh không mất 2 năm học lại vừa trùng lập và nhàm chán.

Nhằm giúp Tăng Ni sinh có khả năng sử dụng và phân tích văn bản, cổ ngữ quy định trong chương trình giáo dục Phật học nên bao gồm Pali, Sanskrit, Tạng ngữ và Hán ngữ. Ngoài ra, tại các cấp Phật học, tiếng Anh Phật pháp nên được đào tạo nhằm giúp Tăng Ni có thể sử dụng ngôn ngữ thông dụng này tiếp cận các nguồn tài liệu mới được khám phá và công bố trên thế giới dưới hình thức sách thư viện và online.

5) Cơ sở vật chất và nhân sự

Ngôi trường Phật học trong thời hiện đại, ngoài việc hội đủ các yêu cầu về cơ sở vật chất, cần có Ban Giám hiệu, Ban Giảng huấn, nhân viên văn phòng, có đủ bằng cấp chuyên môn có kinh nghiệm điều hành.

Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học phải có tối thiểu bằng Cử nhân Phật học hoặc bằng tương đương, tuổi đời từ 35 trở lên, tuổi hạ ít nhất 14 năm. Hiệu trưởng trường Cao đẳng Phật học phải có bằng Thạc sĩ Phật học hoặc bằng tương đương, tuổi đời từ 40 trở lên, tuổi hạ ít nhất 18 năm. Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tối thiểu phải có bằng Tiến sĩ Phật học hoặc bằng tương đương, tuổi đời từ 45 trở lên, tuổi hạ ít nhất 20 năm.

Các thành viên Ban Giám hiệu và giáo viên các trường Trung cấp Phật học tối thiểu phải tốt nghiệp lớp 12 và có bằng Cao đẳng Phật học. Các thành viên Ban Giám hiệu và giáo viên các trường Cao đẳng Phật học tối thiểu phải tốt nghiệp Cử nhân Phật học. Các thành viên Hội đồng Điều hành và giảng viên các Học viện Phật giáo Việt Nam tối thiểu phải tốt nghiệp Thạc sĩ Phật học.

Đội ngũ giảng viên cơ hữu tại các trường phải có ít nhất là 10 người. Các giảng viên cơ hữu tại các trường phải có bằng cấp cao hơn lớp học mà họ tham gia đào tạo. Mỗi trường phải có túc số tuyển sinh liên tục mỗi khóa tối thiểu là 100 học viên.

Các trường Phật học phải có đủ các điều kiện về phòng học, hội trường, phòng giáo viên, thư viện, Tăng xá và các phòng trang thiết bị cần thiết nhằm tổ chức các hoạt động giáo dục Phật học và tu học nội trú một cách có hiệu quả.

Để làm được việc này, GHPGVN thông qua Ban Giáo dục Tăng Ni TW thống nhất quản lý hệ thống giáo dục Phật học gồm mục tiêu, chương trình, nội dung, kế hoạch giáo dục, tiêu chuẩn nhà giáo, quy chế thi cử, hệ thống văn bằng, chứng chỉ; quản lý chất lượng giáo dục, thực hiện phân công, phân cấp quản lý giáo dục, tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường Phật học và các Học viện.

Trưởng Ban Giáo dục Tăng Ni TW có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục Phật giáo tại các trường Phật học các cấp theo định kỳ trong phạm vi cả nước để đảm bảo sự thành công trong việc thực hiện mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục trong các trường Phật học.

III. HOẰNG PHÁP TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU HÓA

1) Đào tạo nhân sự hoằng pháp

Có hai loại nhân sự hoằng pháp chính yếu. Thứ nhất là các giảng sư, chuyên làm công việc giảng dạy Phật pháp cho người các Phật tử tại các giảng đường và các lớp học giáo lý. Thứ hai là các giáo lý viên – cư sĩ. Giảng sư có thể là trụ trì hay hăng chúng của một ngôi chùa, tối thiểu phải tốt nghiệp chương trình Cao đẳng Phật học hoặc Trung cấp Phật học, để đảm bảo trình độ chuyên môn. Giáo lý viên – cư sĩ phải trải qua các đào tạo chính quy của Ban Hoằng Pháp TW hoặc Ban Hoằng Pháp tỉnh thành trong các chương trình đào tạo đặc biệt và ngắn hạn.

Hiện tại Lớp Trung cấp và Cao cấp Hoằng Pháp là cơ sở đào tạo hoằng pháp tại Việt Nam. Từ cơ sở này, nhiều giảng sư trẻ đã được đào tạo và làm Phật sự hoằng pháp trên toàn quốc. Con số các giảng sư được tốt nghiệp là quá ít so với nhu cầu hoằng pháp quá lớn theo tỷ lệ dân số tại Việt Nam. Từ năm 2011, HVPGVN tại TP.HMC mở phân khoa Hoằng pháp, mở ra cơ hội đào tạo cho GHPGVN nhiều nhà hoằng pháp trẻ có triển vọng.

Ngoài nội điển, các nhà hoằng pháp thời hiện đại cần được đào tạo về tâm lý giáo dục, tâm lý lứa tuổi và giới tính, kỹ năng nói chuyện trước công chúng, phương pháp thẩm âm, kỹ năng sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại, kiến thức tôn giáo và triết học, nghệ thuật đối thoại liên tôn giáo và liên triết học, nghệ thuật tiếp xúc và tư vấn tâm linh, đạo đức học và tâm lý học trị liệu v.v…

Tất cả các vị nắm vai trò hành chính cấp địa phương của Giáo hội và các vị trụ trì cần được đào tạo chuyên môn về hoằng pháp, trước khi được đảm trách về vai trò quan trọng này. Chương trình huấn luyện hằng năm cần được diễn ra thường xuyên, nhằm đảm bảo kỹ năng và hiệu quả làm đạo trong bối cảnh xã hội hiện đại.

Trong 5 năm qua, Ban Hoằng Pháp TW đã nhìn thấy nhu cầu hoằng pháp viên là rất cần thiết nên đã tổ chức các khóa đào tạo giáo lý viên. Mỗi Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc, Ban Tổ chức chỉ mới dành 5-7 ngày đào tạo cấp tốc các giáo lý viên. Số lượng tham dự chỉ vào trăm người, chẳng ăn chung gì so với 87 triệu dân Việt Nam. Các phong trào đào tạo giáo lý viên cấp tốc là rất cần thiết vì nó khơi dậy được tinh thần dấn thân của cư sĩ Phật tử trí thức với sự nghiệp hoằng pháp, mà trước đây như chỉ dành riêng cho giới xuất gia.

Sau tính phong trào phải là quy trình đào tạo trường lớp hẳn hoi. Mỗi Ban Hoằng Pháp cấp tỉnh thành cần có nhiều lớp đào tạo giáo lý viên. Mỗi chùa phải có tối thiểu 10 giáo lý viên dấn thân. Giáo lý viên học cấp 3 có thể tham gia giảng dạy giáo lý viên cấp 2. Giáo lý viên cấp 2 có thể tham gia giảng dạy giáo lý viên cấp 1. Người trước dạy người sau, nguồn giáo lý viên của Phật giáo mới đủ sức đáp ứng cho nhu cầu tu học ngày càng đông và đa dạng của quảng đại quần chúng.

2) Các khóa tu dành cho Phật tử tại gia

Ban Hoằng Pháp TW và các tỉnh thành cần mở rộng hai mô hình hoằng pháp đồng bộ tại địa bàn do mình trực tiếp quản lý và điều hành như sau.

a) Khóa tu cho người lớn: Bao gồm khóa tu Bát quan trai truyền thống, khóa tu Phật thất, Thiền thất, Mật thất và khóa tu “Một ngày an lạc”. Khóa tu Bát quan trai đáp ứng cho giới Phật tử lâu năm, thích đời sống nội tĩnh. Các khóa tu liên hệ pháp môn gồm Thiền thất, Phật thất và Mật thất dành cho những Phật tử thích trải nghiệm đời sống tâm linh tập trung trong một tuần lễ để nỗ lực chuyển hóa nỗi khổ niềm đau. Khóa tu Một ngày an lạc dành cho các Phật tử mới, chú trọng việc nghe pháp, tụng kinh, sám hối nhằm giúp thân tâm hành giả thanh tịnh trong một ngày, phần lớn là ngày cuối tuần.

Các mô hình khóa tu nên nhấn mạnh chánh tín trong tu học. Mỗi khóa tu đều có một chủ đề tu học, dựa vào các lời dạy nguyên thủy của đức Phật lịch sử bao gồm Tứ diệu đế, Mười hai nhân duyên, Ba pháp ấn….

b) Khóa tu dành cho thanh thiếu niên: Các khóa tu tuổi trẻ do Báo Giác Ngộ, Chùa Hoằng Pháp, Câu Lạc bộ Hoằng Pháp Trẻ và Gia đình Phật tử v.v… tổ chức trong nhiều năm qua chỉ được diễn ra trong các tháng hè. Chín tháng còn lại trong năm, các hoạt động dành cho giới trẻ là quá ít so với nhu cầu thực tiễn của lứa tuổi năng động này. Các sinh hoạt trẻ này giúp các cháu thanh thiến niên sống có lý tưởng, phương hướng, không hưởng thụ xa họa, không coi trọng tiền tài và danh xong, tránh xa các tệ nạn xã hội, vượt qua các áp lực và thách đố, có tinh thần tự lập và giải quyết vấn nạn.

Khóa tu giới trẻ, ngoài các thời khóa nội tĩnh, thiền quán, nên có các sinh hoạt trẻ, đố vui, ca nhạc Phật giáo, học giáo lý và thuyết trình các chủ đề về cuộc sống, nhằm giúp giới trẻ Phật giáo có kỷ năng sống lành mạnh, tích cực trong tinh thần tương tức và tương thân.

Mỗi Chùa nên tổ chức các lớp Phật pháp cho giới trẻ, đặc biệt là giáo lý hôn nhân, nhằm giúp các thanh thiếu niên giữ gìn văn hóa gia đình, văn hóa Việt Nam và văn hóa Phật giáo. Đây chính là cách giúp giới trẻ gắn bó với Phật giáo. 

wwwG8 (5).JPG

3) Tiếp biến văn hóa ở Tây Nguyên

Việc giáo hội Phật giáo ở các tỉnh Tây Nguyên trong 10 năm trở lại đây tổ chức quy y tập thẻ cho dân tộc thiểu số chỉ là bước đầu giúp họ trở về với chánh đạo. Phật giáo cần vượt qua tính phong trào để việc giúp cho những dân tộc thiểu số anh em có cơ hội sống hài hòa với dân tộc Kinh theo đạo Phật. 

Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số, phần lớn tập trung ở Tây Nguyên (Dak Nông, Dak Lak, Lâm Đồng, Gia Lai và Kon tum). Các dân tộc thiểu số đều có tiếng nói và phong tục tập quán riêng, nhưng đều tin vào các thần linh (Yang), đặc biệt là thần sông, thần suối, thần núi, thần rừng. 

Tiếp biến văn hóa là nền tảng giúp cho nhà hoằng pháp nắm bắt được những đặc thù văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số, nhờ đó, hòa nhập văn hóa thiểu số dễ dàng hơn và dễ hoằng pháp thành công hơn. Để tiếp biến văn hóa thành  công, nhà hoằng pháp cho dân tộc thiểu số phải học ngôn ngữ sắc tộc, ăn mặc giống với cộng đồng thiểu số, đồng sự với họ về văn hóa và lối sống thì mới có thể dẫn dắt họ tu học Phật pháp thành công.

Các bài kinh nhân thừa như Kinh Phước Đức, Kinh Từ Bi, Kinh Thiện Sinh, Kinh Người Áo Trắng, Kinh Pháp Cú, Kinh Vu-lan, Kinh Phổ Môn và Kinh A-di-đà … sẽ rất thích hợp với người dân tộc thiểu số. Phiên dịch các kinh vừa nêu trên ra ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số thì mới mong giúp họ trung thành trọn đời với đạo Phật.

4) Hoằng pháp và nhu cầu liên ngành

Phối hợp liên ngành là phương pháp hoằng tối ưu trong bối cảnh toàn cầu hóa và hiện đại hóa. Ban Hoằng Pháp với sở trường giảng pháp, tư vấn tâm lý, hướng dẫn tâm linh, nên phối hợp với Ban Từ thiện xã hội vốn có sở trường hỗ trợ vật chất và tặng phẩm cho các mãnh đời cơ nhỡ và bất hạnh, có thể trao tặng cho người hữu duyên vật chất và chánh pháp.

Các hoạt động từ thiện như giúp vốn không lãi, xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa, tặng quà từ thiện trong những lễ lớn… là những cơ hội tốt giúp cho nhà hoằng pháp chia sẻ giáo pháp nhiệm mầu thành công hơn. Phối hợp với Ban Từ thiện là cách đơn giản nhất để khắc phục sự khó khăn về kinh phí.

Hoằng pháp cần gắn liền với văn hóa dân tộc và văn hóa cộng đồng. Tham gia văn nghệ và các lễ hội văn hóa là con đường ngắn nhất để bảo tồn văn hóa truyền thống. Nhà hoằng pháp cần đề cao văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam bao gồm văn hóa y phục, văn hóa ăn chay, văn hóa giao tiếp, văn hóa công sở, để mọi thành phần không đánh mất văn hóa gốc trong cơn lốc toàn cầu hóa. Đối với dân tộc thiểu số thì cần hướng dẫn con em bôn làng tham gia vào đội Cồng Chiêng, góp phần bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc.

Các nhà hoằng pháp cần truyền bá tinh thần bảo tồn văn hóa trong kiến trúc và mỹ thuật. Kiến trúc và mỹ thuật tự viện của Phật giáo Việt nam phải mang đậm bản sắc Việt Nam. Phong cách thờ phượng, tượng và tranh ảnh Phật phải mang bản sắc Việt. Nghi thức tụng niệm, bảng biển, câu đối trong các chùa phải thuần Việt; tránh sử dụng chữ Hán hoặc chữ Pali trong thuyết giảng để quần chúng hóa lời Phật dạy. Cần trách dẫn nhiều các tác phẩm của thiền sư Việt Nam, hơn là đặc nặng yếu tố ngoại quốc. Đề cao vai trò văn hóa Phật giáo Việt Nam, tránh tình trạng mặc cảm hóa văn hóa dân tộc và tự ti dân tộc. Đừng để Phật tử chạy theo các phong trào Mật tông hay Tịnh độ tông có nguồn gốc nước ngoài, đang khi lại mất dần phương hướng với các pháp môn trong nước.

***

Kính bạch chư tôn đức và kính thưa quý liệt vị

Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM tin tưởng rằng với sự vững mạnh của hành chính giáo hội, sự năng động và sáng tạo trong giáo dục và hoằng pháp, sức sống của GHPGVN ngày càng mạnh mẽ hơn, đáp ứng được nhu cầu Phật sự và tu học ngày càng lớn của Tăng Ni và Phật tử khắp nước.

Kính chúc chư tôn đức an lạc thân tâm và viên thành các Phật sự.

Nam-mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày