GNO - Đức Đạt Lai Lạt Ma bày tỏ vui mừng khi thấy ngày càng nhiều Phật tử Ấn Độ quan tâm đến truyền thống "tri thức phong phú" được truyền lại bởi Đức Phật và các học giả Nalanda vĩ đại Ấn Độ.
Đức Dalai Lama trang nghiêm trên pháp tòa
"Ngày nay, số người Ấn Độ quan tâm đến Phật giáo, triết học và logic của Phật giáo ngày càng tăng. Thật đáng mừng và đáng khen khi thấy họ quan tâm và bảo vệ giáo huấn và truyền thống của tổ tiên mình", ngài cho biết hôm 3-10 khi bắt đầu khóa giáo lý 4 ngày về 400 vần kệ về Trung đạo của ngài Aryadeva (Uma Shigyapa).
Hơn 7.200 người mộ đạo từ 64 quốc gia tham dự trong ngày đầu tiên của khóa tu được tổ chức theo yêu cầu của một nhóm 950 người Đài Loan.
Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng về mặt lịch sử, Trung Quốc là nước chấp nhận sớm nhất giáo pháp bằng tiếng Phạn, trong khi đó hầu hết các tín đồ Phật pháp khác đều thông qua ngôn ngữ Pali.
Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng tất cả 7 tỷ con người, không nhất thiết là Phật tử hay người thực hành Phật giáo, đều có cơ hội để hiểu và dạy về các nguyên nhân gốc rễ của đau khổ.
Ngài nói: "Nếu chúng ta so sánh sự đau khổ về thể chất và tinh thần, thì sự đau khổ về tinh thần có ảnh hưởng nhiều đến một cá nhân. Sự phát triển về vật chất chỉ mang đến thoải mái về thể chất nhưng tinh thần thì không. Rõ ràng, nhiều người giàu có ở phương Tây đều nhận thấy tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần".
Người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1989 kêu gọi mọi người không nên tái tạo thế kỷ 20, thấm đẫm chiến tranh và giết người hàng loạt. Ngài cũng nói rằng trách nhiệm của nhân loại là tìm giải pháp cho mọi vấn đề con người tạo ra và cầu nguyện không phải là câu trả lời cho mọi vấn đề.
Ngài cũng bày tỏ sự thất vọng của mình qua những lỗi lầm và sự phân chia tạo ra nhân danh tôn giáo, cốt lõi giảng dạy về tình yêu và lòng từ bi. "Chúng ta đang biến phương thuốc của hạnh phúc thành vào một loại chất độc", Đức Đạt Lai Lạt Ma nói khi nhấn mạnh sự cần thiết cho sự hòa hợp tôn giáo.
Văn Công Hưng
(theo Phayul)