Ngôn ngữ Pāli được vinh danh là chìa khóa bảo tồn di sản Phật giáo qua hàng thế kỷ

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Gần đây, trong một quyết định mang tính bước ngoặt, Thủ tướng NarendRa Modi đã đại diện chính phủ Ấn Độ chính thức công nhận ngôn ngữ Pāli là ngôn ngữ cổ điển của quốc gia này cùng với các loại ngôn ngữ khác như Assam, Bengali, Marathi và Prakrit.
Ngôn ngữ Pāli đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và truyền bá các giá trị đạo đức, triết học và tâm linh của Đức Phật
Ngôn ngữ Pāli đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và truyền bá các giá trị đạo đức, triết học và tâm linh của Đức Phật

Vào ngày 3-10 vừa qua, Pāli đã được các học giả, nhà sử học và cộng đồng Phật giáo đánh giá cao vì tác động lớn lao của cổ ngữ này đối với di sản văn hóa, tôn giáo của Ấn Độ và còn hơn thế nữa.

Pāli thường được xem là ngôn ngữ của các giáo lý của Đức Phật (Buddhavacana) và đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và truyền bá các giá trị đạo đức, triết học và tâm linh của Đức Phật. Khác với Sanskrit-ngôn ngữ chủ yếu được sử dụng bởi tầng lớp Bà-la-môn, Pāli giống như một phương tiện dễ dàng tiếp cận hơn với mục đích truyền bá giáo lý của Đức Phật đến với quần chúng. Vì vậy, nó đã trở thành loại ngôn ngữ được ghi chép trong các tạng kinh điển của Phật giáo sơ kỳ (Tipiaka) và vẫn còn được Phật giáo Nam truyền sử dụng cho đến ngày nay.

Phật giáo Theravada, một trong những trường phái lớn nhất của Phật giáo, đã tiếp tục sử dụng ngôn ngữ Pāli làm ngôn ngữ nghiên cứu và nghi lễ của mình. Tipiaka, nghĩa đen là “ba giỏ” hay còn gọi là tam tạng, bao gồm các lời dạy của Đức Phật về đạo đức, tâm lý học và bản chất của thực tại. Những bản kinh văn này được truyền miệng trong nhiều thế kỷ trước khi được ghi chép lại bằng tiếng Pāli ở Tích Lan vào thế kỷ I TTL. Ngày nay, ngôn ngữ Pāli đã trở thành phương tiện để nghiên cứu Phật học và là loại ngôn ngữ thiêng liêng của các cộng đồng Phật giáo ở các quốc gia Phật giáo Nam truyền như Campuchia, Lào, Myanmar, Sri Lanka và Thái Lan.

Khi lên tiếng chính thức công nhận Pāli như một ngôn ngữ cổ của quốc gia, Ấn Độ đã nhấn mạnh tầm quan trọng tính lịch sử và phù hợp của ngôn ngữ này với các loại ngôn ngữ cổ đại khác, như tiếng Kannada, Phạn và Tamil, vốn đã góp phần định hình nên nền văn minh của Ấn Độ. Theo tiêu chuẩn của Chính phủ, một ngôn ngữ được coi là “cổ điển” nếu nó có nguồn gốc cổ xưa, gắn liền với truyền thống văn học phong phú và có tác động đáng kể đến văn hóa, tôn giáo và cấu trúc xã hội trong khoảng thời gian ít nhất là 1.500 năm.

Bộ trưởng Bộ Các vấn đề Nghị viện và Thiểu số Kiren Rijiju đã bày tỏ lòng biết ơn đối với sự công nhận từ Chính phủ. Ông chia sẻ rằng quyết định này đã tôn vinh mối liên hệ chặt chẽ giữa Pāli và Phật giáo, đồng thời khuyến khích thế hệ trẻ khám phá và tìm hiểu các giáo lý của Phật giáo.

Các thành viên của cộng đồng Phật giáo Mumbai đã gặp mặt Thủ tướng Modi để bày tỏ sự vui mừng đối với quyết định này và nhấn mạnh tầm quan trọng của Pāli trong việc truyền bá Phật giáo trên khắp châu Á. Thủ tướng Modi cũng tin tưởng rằng quyết định này sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ tuổi tham gia vào việc nghiên cứu và học tập ngôn ngữ Pāli.

Trong suốt 2.500 năm qua, ngôn ngữ Pāli đã vượt ra ngoài biên giới Ấn Độ, và có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều quốc gia Phật giáo trên thế giới. Dưới triều đại của hoàng đế Ashoka vào thế kỷ III TTL, Pāli được sử dụng để truyền bá Phật giáo khắp châu Á, đặc biệt là Sri Lanka và Đông Nam Á. Con trai của Ashoka là Tỳ-kheo Mahinda đã đến Sri Lanka để truyền bá giáo lý của Đức Phật, từ đó Pāli trở thành ngôn ngữ chính của Phật giáo tại đây, đảm bảo sự tồn tại của nó trong hơn hai thiên niên kỷ. Ở Đông Nam Á, Pāli đã định hình các thực hành tôn giáo, giáo dục tu viện và truyền thống thiền định, và đến nay vẫn là ngôn ngữ chính trong các nghi lễ tôn giáo và nghiên cứu Phật học.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi

Trợ lý giáo sư Chandan Kumar của Đại học Delhi nhận định rằng việc công nhận Pāli là ngôn ngữ cổ điển sẽ góp phần bảo tồn và hồi sinh các công trình nghiên cứu về ngôn ngữ này. Theo các quan chức Chính phủ và tổ chức văn hóa, danh hiệu này dự kiến sẽ thu hút sự quan tâm và tài trợ lớn hơn cho việc nghiên cứu, dịch thuật và diễn giải các văn bản Pāli. Đồng thời, động thái này được kỳ vọng sẽ củng cố mối quan hệ văn hóa giữa Ấn Độ và các quốc gia đa số theo Phật giáo như Myanmar, Sri Lanka và Thái Lan, nơi Pāli vẫn mang một ý nghĩa tôn giáo sâu sắc.

Kumar cho biết: “Việc công nhận Pāli là một ngôn ngữ cổ điển thể hiện sự trân trọng của Ấn Độ đối với lịch sử văn hóa và ngôn ngữ phong phú của mình. Pāli đóng vai trò trung tâm trong sự phát triển của Phật giáo, một trong những di sản tinh thần lớn nhất mà Ấn Độ mang đến cho thế giới”. Sự công nhận này là niềm tự hào của Phật tử trên toàn cầu, đồng thời khẳng định Ấn Độ là cái nôi của một trong những tôn giáo lớn của nhân loại.

Là ngôn ngữ gắn liền với lời dạy của Đức Phật, tiếng Pāli đã có ảnh hưởng sâu rộng đến triết học, tôn giáo và ngôn ngữ của nhiều vùng châu Á. Những người ủng hộ hy vọng rằng việc Chính phủ Ấn Độ công nhận sẽ giúp bảo tồn di sản văn hóa và văn học của Pāli cho các thế hệ tương lai.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chụp ảnh lưu niệm trước Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan

Phái đoàn GHPGVN thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan

GNO - Chiều 25-10, phái đoàn GHPGVN do Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự dẫn đầu đã đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan. Đại sứ Hà Hoàng Hải cùng các cán bộ Đại sứ quán tiếp đón trọng thị phái đoàn GHPGVN.

Thông tin hàng ngày