GNO - Thiếu nước gây nhiều bất ổn cho hoạt động của cơ thể. Và uống quá nhiều nước cũng có hại cho sức khỏe chúng ta, phổ biến là chứng hạ can-xi máu vì mức sodium thấp một cách bất thường do cơ thể dung nạp nhiều nước.
Uống quá nhiều nước có thể gây nôn ói, hôn mê hoặc thậm chí tử vong. Dưới đây là các biểu hiện cho thấy có thể bạn đang hấp thu quá lượng nước cơ thể cần đến:
1. Lúc nào trên tay cũng cầm chai nước
Nếu cả ngày bạn luôn mang theo chai nước bên mình và ngay lập tức làm đầy chai nước khi nó cạn đi thì có thể bạn đang uống quá nhiều nước.
Liên tục nạp nước vào cơ thể làm mức sodium trong máu giảm, khiến các tế bào bị trương lên. Điều này sẽ nguy hiểm nếu như não chúng ta bắt đầu trương phồng lên, theo các chuyên gia Đại học Oakland (Rochester).
Tùy vào thể trạng và mức độ vận động mà lượng nước cơ thể cần cũng khác nhau - Ảnh minh họa
2. Vẫn uống nước ngay cả khi không thấy khát
Cách tốt nhất để biết cơ thể có cần nước hay không là căn cứ vào việc cơ thể có thật sự thấy khát hay không.
Cơ thể của chúng ta được “lập trình” để chống lại tình trạng thiếu nước nên sẽ có các cơ chế bảo vệ. Một trong các cơ chế này là gây ra cảm giác khát - là sự điều chỉnh của cơ thể cho biết cần thêm nước. Cơ thể càng cần nhiều nước, chúng ta càng thấy khát nước nhiều hơn.
3. Liên tục uống nước cho đến khi nước tiểu trong
Nếu uống đủ nước, màu sắc của nước tiểu có thể từ màu vàng rơm cho đến vàng trong suốt. Hầu hết mọi người tin rằng nước tiểu trong là dấu hiệu khỏe mạnh nhất của sự hấp thu nước; tuy nhiên với nhiều người, nước tiểu không có màu sắc là biểu hiện của việc uống quá nhiều nước.
Lượng nước cơ thể cần phụ thuộc vào thể chất (chiều cao, cân nặng) và sự vận động của mỗi người.
4. Thường xuyên đi tiểu
Biểu hiện khác của việc uống nhiều nước là bạn thường phải thức giấc đi tiểu vào nửa đêm. Theo Bệnh viện Cleveland, thông thường chúng ta đi tiểu từ 6-8 lần/ ngày.
Nếu đi tiểu từ 10 lần trở lên có nghĩa là bạn đang uống quá nhiều nước, so với mức cơ thể cần.
Nguyên nhân khác khiến bạn đi tiểu nhiều là bàng quang kích thích và caffeine. Để ngăn chặn tình trạng tiểu đêm, chúng ta nên dừng uống nước một vài giờ trước khi ngủ để thận có thời gian lọc nước trong cơ thể.
5. Buồn nôn và ói
Triệu chứng của thừa nước cũng giống với thiếu nước. Khi uống quá nhiều nước, thận của của chúng ta không thể thải lượng chất lỏng dư thừa và nước bắt đầu tích tụ trong cơ thể.
Điều này gây ra các cảm giác khó chịu thường thấy là: buồn nôn, ói và tiêu chảy.
6. Hay bị đau đầu
Đau đầu là biểu hiện của cơ thể khi thiếu và dư nước, bên cạnh buồn nôn, ói và tiêu chảy. Khi uống nhiều nước, mức tập trung muối trong máu giảm xuống, làm cho các tế bào trong các cơ quan trong cơ thể bị căng phồng lên.
Khi mức tập trung muối thấp, các tế bào “lớn lên”; não bộ cũng tăng trưởng về mặt kích thước và chèn ép sọ não. Áp lực này có thể gây ra đau đầu dữ dội và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn như tổn thương não và khó thở.
7. Da tay, chân, môi nhợt nhạt
Trong nhiều trường hợp uống quá nhiều nước sẽ có các biểu hiện như da tay, chân và môi tái nhợt. Ngoài ra, người uống nhiều nước có thể bị tăng cân đột ngột do sự căng phồng của tế bào và thừa nước trong máu.
Nếu bạn có thói quen uống nhiều hơn 10 ly nước mỗi ngày và có các biểu hiện này thì nên cắt giảm nước đưa vào cơ thể và theo dõi xem các biểu hiện này có giảm bớt không.
8. Các cơ yếu, dễ bị vọp bẻ
Cơ thể cần có sự cân bằng để hoạt động khỏe mạnh. Uống nhiều nước, số lượng chất điện giải giảm xuống và gây ra sự mất cân bằng. Mức chất điện giải thấp có thể gây ra các biểu hiện khó chịu như vọp bẻ và đau cơ.
Bạn có thể ngăn chặn tình trạng này bằng cách thay 1 ly nước trong ngày bằng nước dừa, vốn chứa nhiều chất điện giải và hoàn toàn tự nhiên.
9. Cảm giác mệt mỏi, kiệt sức
Thận chịu trách nhiệm lọc nước chúng ta uống trong ngày và đảm bảo sự cân bằng của mức chất lỏng trong máu.
Khi uống nhiều nước, thận phải làm việc vất vả hơn, tạo ra phản ứng căng thẳng từ các hormone và làm cho cơ thể mệt mỏi, kiệt sức.
Trần Trọng Hiếu
(theo Reader’s Digest)