Trước khi ngủ niệm, sáng thức dậy niệm Phật để chào ngày mới mà ta sẽ thọ hưởng. Gặp rắc rối niệm Phật. Thấy không được tự tin niệm Phật. Thấy thời gian rảnh rỗi dễ bị lôi cuốn vào những thói hư tật xấu lập tức niệm Phật. Niệm Phật không phải để cầu xin này nọ vì như thế hóa ra hối lộ Phật sao, mà niệm là để cho tâm hồn thanh thản giữ gìn thân, khẩu, ý...
Rất nhiều Phật, ai tâm cảm đức Phật nào ở nhà thờ đức Phật đó, tuồng như thật tùy tiện nên bên ngoài không hiểu cho đạo Phật là tín ngưỡng đa thần. Thật ra rất nhiều Phật nhưng trong tâm người chỉ có một vị Phật. Nhiều Phật nhưng như chỉ có hai đức Phật, Phật A Di Đà với 48 lời nguyện, Phật Quán Thế Âm với lời nguyện cứu khổ cứu nạn cho những ai kêu tới danh hiệu Ngài. Danh hiệu Quán Thế Âm được người ta niệm thường xuyên…, chuyện này cũng giống như dân biểu quốc hội, ai luôn tranh đấu quyền lợi cho dân nên được dân chúng tín nhiệm, chẳng có gì lạ.
Tôi nhớ lúc còn nhỏ sống ở nhà quê. Nghe tiếng trong xóm bị hỏa hoạn, lập tức mẹ tôi niệm Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát rồi kêu anh em xách thùng nước đi chữa cháy. Lúc xong việc chạy về, mẹ tôi vẫn niệm Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát như để cám ơn Ngài. Khi chị tôi đi thi, mẹ dặn chị niệm Quán Thế Âm Bồ tát ba lần trước khi vô phòng thi. Không biết chị có niệm hay không năm đó chị thi rớt.
Vài năm sau đến lượt tôi thi tú tài phần một, nếu rớt thì phải bị đi lính. Mẹ tôi cũng dặn niệm Phật, tôi nghe lời niệm Quán Thế Âm Bồ tát ba lần mà vẫn không tin. Chẳng lẽ tôi niệm Phật lại đậu, ai không niệm lại rớt, đi thi thì chuyện rớt đậu là bình thường. Tuy nhiên tôi nhận ra, nhờ nghe lời mẹ mà tôi thấy mình tự tin, bình tĩnh làm bài vượt qua kỳ thi rất là khó khăn. Từ đó về sau khi có việc gì bối rối tôi hay niệm Phật.
Thật rõ ràng, đạo Phật trải qua mấy ngàn năm, ai biết được gì qua quãng thời gian dài dằng dặc kia nhưng rồi ta vẫn thấy nó còn đó tiếp tục hiện diện trong nếp sống, nếp nghĩ, tập quán của con người. Khi trong làng có ai qua đời, bà con xóm giềng tụ lại đứng quanh quan tài niệm A Di Đà Phật để cầu cho người chết được siêu thăng Tịnh độ, vãng sanh Cực lạc. Những người già khi có chuyện gì giật mình thường Mô Phật hay A Di Đà Phật.
Hoặc là khi gặp nhau, người Phật tử chắp tay A Di Đà Phật. Ban đầu tôi không hiểu, cũng không để ý cho đến khi tới tuổi nhìn lại cuộc đời nhọc nhằn đã trải qua mới nhận ra nó có ý nghĩa linh thiêng và hàm chứa vẻ đẹp - hòa nhập đạo với đời.
Gặp nhau chắp hai tay cất tiếng A Di Đà Phật đó có phải là một lời chào hỏi thân thiện, một lời chúc mừng ta gặp nhau đây. Ta sẽ gặp nhau nữa trong cõi Tịnh độ của Phật A Di Đà. Bốn tiếng A Di Đà Phật nhắc nhở ta nhớ bản thân phải luôn tu dưỡng, chớ không phải đến lúc lâm chung rồi mới niệm, nhưng theo tôi người ta vẫn có thể kêu Phật bất cứ lúc nào dù là muộn màng, đức Phật từ bi vẫn nghe.
Điều này chắc là ai cũng biết rồi. A Di Đà nghĩa là Vô lượng quang biểu hiện ý nghĩa vô tận, cùng khắp không gian, thời gian vô cùng, đó cũng là tâm Phật như hư không bất nhị, bất biến, bất sinh… và cũng có nghĩa là cõi Tịnh độ, Niết bàn. Cất tiếng niệm A Di Đà, có nghĩa là phó thác vào bản nguyện của Phật như là xóa bỏ bản ngã cái tôi hòa trong ánh sáng vô lượng quang. Tùy theo căn cơ của người mà Phật có nhiều pháp môn. Có những pháp môn cần đến trí tuệ, cần đến công phu nghiêm nhặt để cho thấy con đường tu hành không có dễ. Nhưng mục đích cuối cùng của các pháp môn là dẫn đến hiểu bản tâm của mình và qua đó giác ngộ tâm Phật bình đẳng.
Qua mục đích cuối cùng ấy ta nhận thấy pháp môn Tịnh độ tưởng chừng như thụ động nhưng lại tích cực. Coi nó dễ chẳng cần trí huệ cứ dựa vào tha lực nhưng thật ra là rất khó nếu người không tự lực dũng cảm để lời niệm kia không thoái chuyển. Giữa những lời niệm kia không có tạp niệm xen vào. Niệm Phật cũng giống như đời, thấy có những việc tưởng chừng rất đơn giản thật ra nó là trình độ, bậc cao thủ để đạt tới sự đơn giản ấy…
Nói chung phương tiện để tu theo tôi là thiền định và niệm Phật. Nếu không có căn duyên đến chùa để trở thành tu sĩ có nhiều thì giờ ngồi tĩnh tâm thiền định. Người đời bận rộn với cuộc sống chưa đủ duyên vô chùa thì sự tu tập nhờ vào niệm Phật. Trước khi ngủ niệm, sáng thức dậy niệm Phật để chào ngày mới mà ta sẽ thọ hưởng. Gặp rắc rối niệm Phật. Thấy không được tự tin niệm Phật. Thấy thời gian rảnh rỗi dễ bị lôi cuốn vào những thói hư tật xấu lập tức niệm Phật. Niệm Phật không phải để cầu xin này nọ vì như thế hóa ra hối lộ Phật sao, mà niệm là để cho tâm hồn thanh thản giữ gìn thân, khẩu, ý.
Một khi lời niệm Phật kia trở thành thuộc tính, tâm của người trở thành hiền hòa từ lúc nào, ung dung tự tại làm ăn, không còn lo lắng hơn thua, lúc ấy oai lực nhiệm mầu sẽ hiện ra để người trở nên có uy tín, lời nói được nhiều người lắng nghe. Tôi đã thấy trong xã hội rất nhiều người như vậy chỉ nhờ niệm Phật chẳng những thành công trong cuộc sống mà còn cảm hóa người khác giống như người có phép mầu.
Tiếc thay, người ta như đang đứng trước dòng sông rộng, thay vì dạy cho các tín đồ những điều cơ bản nâng dần trình độ từ thấp đến cao, giáo lý của Phật như con thuyền đưa người qua bờ. Giáo hội dường như chưa có một giáo trình cho các chùa giảng dạy thống nhất quy củ cái nào trước cái nào sau. Vì chẳng có ai ràng buộc nên có người tùy tiện đi so sánh pháp môn này hơn pháp môn kia. Thậm chí cho Phật A Di Đà, Quán Thế Âm là do người đời sau thêm vào, hàng đệ tử ngồi bên dưới ngơ ngác.
Có phải đạo Phật là đạo của sự tự giác, tự do là điểm sáng đồng thời cũng lại là điểm yếu để lại cho ta nhiều dấu hỏi…???