Ambedkar trong lòng nữ Phật tử Ấn Độ

GN - Tiến sĩ Ambedkar là người lãnh đạo của giai cấp cùng đinh Ấn Độ, và hướng dẫn hàng trăm ngàn người quy y Tam bảo. Trong những người cùng đinh, Ambedkar có cái nhìn ưu ái đối với phụ nữ, bởi họ là những người dễ bị tổn thương và chịu nhiều thiệt thòi nhất ở xã hội nặng tính phân biệt giai cấp và giới tính của Ấn Độ-Hindu giáo.

ambedkar.jpg

Tiến sĩ Ambedkar (1891-1956)

Trong những bài viết hay phát biểu của ông, Ambedkar thường hay nhắc đến phụ nữ. Ví như bài Đức Phật và tương lai Phật giáo (The Buddha and the future of his religion), Ambedkar viết rằng: “Theo đạo Hindu thì không có tiện dân hay phụ nữ nào được làm thầy giảng đạo, cũng không được đi tu để tiếp xúc được với Thượng đế. Đức Phật thì khác, Ngài cho phép cả tiện dân và phụ nữ làm Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni trong giáo đoàn của Ngài”. Hay trong bài Sự thịnh vượng và thoái hóa của phụ nữ Hindu (The Rise and Fall of Hindu Woman), Ambedkar cho rằng chính đạo Hindu, chứ không phải Phật giáo, đã hạ thấp giá trị của phụ nữ Ấn Độ và làm cho họ chịu nhiều thiệt thòi áp bức.

Trong khi đấu tranh để đòi quyền bình đẳng cho giai cấp thấp, Ambedkar cũng không quên những người phụ nữ đáng yêu lẫn đáng thương, cho nên ông đã ân cần khuyên bảo họ. Tại Hội nghị toàn thể phụ nữ giai cấp thấp Ấn Độ (All Indian Depressed Classes Women) ngày 22-7-1942, Ambedkar bày tỏ mối quan tâm của mình đối với cuộc sống của họ. Ông khuyên họ nên tránh xa những tệ nạn và cho con cái học hành đàng hoàng. Ông đã cố gắng phân tích để loại bỏ tư tưởng tự ti mặc cảm cũng như chỉ ra những đức tính tốt đẹp mà họ vốn có. Ông cũng chân thành cho họ lời khuyên thân mật về hôn nhân và cách làm thế nào để làm cho cuộc sống của họ tốt hơn: “Đừng vội vàng kết hôn. Hôn nhân là một trách nhiệm. Các bạn không nên áp đặt nó lên con cái cho đến khi có đủ điều kiện như tài chính, chẳng hạn. Các bạn nên ghi nhớ rằng có quá nhiều con cũng có thể là một cái tội. Nghĩa vụ của cha mẹ là phải làm sao cho cuộc sống của con cái tốt hơn so với cha mẹ của chúng. Điều quan trọng là phải làm sao cho các cô gái khi kết hôn phải có quyền bình đẳng với người chồng chứ không phải trở thành nô lệ của chồng mình. Tôi cam đoan rằng nếu các bạn làm được những điều này thì cuộc đời các bạn và con cái mai sau của các bạn sẽ trở nên tươi sáng.”1

Những lời khuyên lơn và sách tấn của Ambedkar quả nhiên có tác dụng. Những phụ nữ giai cấp cùng đinh đã tiến bộ rất nhiều. Họ tự tin hơn và cũng dám mặc quần áo đẹp nơi công cộng mà không sợ Thượng đế hay giai cấp cao trừng phạt như trước đây. Và khi thấy họ thay đổi tích cực như vậy, Ambedkar đã tỏ ra vui mừng. Ông cười nói với mọi người: Hãy nhìn những phụ nữ xinh đẹp này. Có ai nói họ là giai cấp cùng đinh đâu. Đó đều là do nỗ lực của bản thân họ, chứ không phải do đấng toàn năng nào đó ban cho.

Chính vì thế mà phụ nữ nói riêng và những người giai cấp thấp nói chung, đã coi Ambedkar như người anh, người cha, tin tưởng và vâng lời ông tuyệt đối. “Tôi là con của Ambedkar, là cháu của Đức Phật Gautama.” Đó là một câu hát mà những Phật tử nữ hay hát để bày tỏ lòng yêu thương và biết ơn của họ đối với người lãnh đạo vĩ đại của họ. Và khi Ambedkar hướng dẫn họ quy y Tam bảo, thì những người phụ nữ này đóng một vai trò quan trọng, rất đáng được ghi nhận. Chính Ambedkar cũng thừa nhận rằng phụ nữ cũng quan trọng như là đàn ông, và phong trào cải đạo sẽ không được viên mãn nếu không có họ. Theo quan sát của học giả Zelliot thì những Phật tử nữ Ấn Độ có những ưu điểm là:

1. Khi họ đã quyết định bỏ tôn giáo cũ là đạo Hindu để theo Phật giáo thì họ làm một cách đơn giản (và dứt khoát) mà không cần phải suy nghĩ là như vậy có nên hay không, có tội (phản đạo) hay không như một số đàn ông hay những người có học hay làm.

2. Quyết tâm cải đạo của họ mạnh không thua kém đàn ông, và có lúc còn mạnh hơn cả đàn ông nữa.

3. Đối với họ, tôn giáo là vấn đề cá nhân, kinh nghiệm cá nhân. Nghĩa là không liên quan đến xã hội hay đất nước. Cho nên không cần phải suy nghĩ nhiều, rằng mình cải đạo như vậy có ảnh hưởng đến xã hội không.

4. Họ cũng không cần phải hiểu Phật giáo là gì. Họ chỉ biết rằng họ là đệ tử Phật, là tín đồ của Phật giáo, là đủ rồi.2

Nếu đàn ông và những người học thức thường tiếp cận bằng lý trí và đặt những câu hỏi như Phật giáo là gì, đạo Hindu là gì, tại sao phải cải đạo, sự cải đạo có hại và lợi gì cho văn hóa dân tộc không, v.v... thì người phụ nữ, nhất là những người bình dân, đến với tôn giáo một cách hồn nhiên bằng niềm tin, và do đó cũng rất tự nhiên và thành tín. Nữ Phật tử Rakhma bày tỏ niềm tin của cô với đạo Phật như sau: “Bây giờ chúng tôi đã là những Phật tử. Chúng tôi không còn thờ Thượng đế hay thần linh nữa, mà chỉ tham gia các lễ của đạo Phật như lễ Phật đản, lễ ngày sinh Ambedkar. Chúng tôi cũng làm bánh kẹo vào những ngày lễ Divali theo truyền thống Ấn Độ, nhưng không có đến đền thờ để cúng bái và làm những việc không có ý nghĩa như trước. Chúng tôi cũng bỏ các nghi thức của đạo Hindu trong những lễ tang hay cưới gả. Một người anh trai của một cô dâu đã phản đối đàng trai rằng nếu họ trét turmeric3 lên cô dâu và chú rể thì anh ta sẽ không dự lễ cưới. Trước đây mẹ tôi thờ thần, bây giờ chúng tôi quăng hết các dụng cụ thờ cúng ấy xuống sông. Cuộc sống này đã đủ mệt mỏi rồi, tại sao ta còn phải chăm sóc mấy ông thần kia nữa chứ?... Ai đã chỉ con đường cho chúng ta, nếu không phải là Đức Phật và ngài Ambedkar khả kính của chúng ta? Chỉ cần giữ cho tâm ý bạn thanh tịnh, không trộm cắp, không nói dối và hãy giúp đỡ mọi người như dắt một người tàn tật hay người mù qua đường, hay đỡ một đứa bé bị ngã, đó là Thượng đế rồi chứ còn gì nữa.”4

Ngay cả những bài thơ họ làm hoặc hát cũng hết sức giản đơn, bình dị. Không giống như thơ của các Phật tử nam thường triết lý về đạo đức hay lý tưởng này nọ, những bài hát của Phật tử nữ có khi không chứa đựng ý nghĩa gì, ngoại trừ niềm tin trong sáng và tình cảm ngọt ngào của họ. Những phụ nữ bình dân Ấn Độ, trong tâm trạng háo hức chuẩn bị đi đến thành phố Nagpur để quy y Tam bảo theo lời kêu gọi của Tiến sĩ Ambedkar, đã hát như sau:

Hàng ngàn người, đàn ông và đàn bà, sẽ đến đó

Hàng ngàn người, đàn ông và đàn bà, sẽ đến đó

Một cuộc hành hương vĩ đại vì Bhima5 của chúng ta đang ở đó

Một cuộc hành hương vĩ đại vì Bhima của chúng ta đang ở đó

Hãy nghe những điều tôi nói, nghe tôi nói, hãy phụng sự

Đức Phật của chúng ta Bạn ơi, chúng ta hãy đi đến đó năm nay

Chúng ta sẽ đi đến Nagpur năm nay nhé!

Bạn mặc sari6 với đường viền màu vàng

Và tôi sẽ chuẩn bị xe bò

Chúng ta hãy thực hiện tâm nguyện của Bhima (Ambedkar)

Chúng ta hãy hoàn thành tâm nguyện của Bhima.

Không có ai là bà con ở đó

Thậm chí chúng ta rất nghèo, nhưng chúng ta sẽ san sẻ cùng nhau

Bạn ơi, chúng ta sẽ đi đến đó năm nay

Chúng ta sẽ đi đến Nagpur năm nay

Chúng ta sẽ đi đến Nagpur năm nay.7

Và đây là cảnh họ đi chùa:

Chúng ta hãy đi chùa, này bạn ơi

Đi chùa, đi chùa, đi chùa

Hai đồng một lọn nhang, ba đồng một cây nến

Cột chúng vào sari.

Chúng ta hãy đi chùa.

Bạn mặc sari trắng hay áo sơ-mi trắng?

Bạn đã sẵn sàng để đi chưa?

Chúng ta hãy đi chùa.

Chúng ta đang đến gần vương quốc của Bhima (Ambedkar)

Tôi chắc rằng Narayanrao cũng đang chơi trống ở đó

Chúng ta hãy đi chùa, đi chùa, đi chùa.8

Phụ nữ là thế, mềm mại như nước nhưng có thể thấm vào mọi thứ, có thể làm cho đá phải mòn. Với niềm tin không lay chuyển, những nữ Phật tử Ấn Độ, nhất là người bình dân, không triết lý cao siêu nhưng qua những bài hát chân thành mộc mạc dễ đi vào lòng người, họ đã đến với Chánh pháp và truyền bá Chánh pháp một cách tự nhiên.

Thích Trung Hữu

_____________________

1 Vijay Kumar Pujari, Dr. Ambedkar-Life of Struggle, edited by Dr. Surendra Ajnat, New Delhi: Samyak Prakashan, 2011: 27

2 Eleanor Elliot, “Buddhist women of the contemporary Maharashtrian conversion Movement,” in Jose Ignacio Cabezon, Buddhism, Sexuality, and Gender, Delhi, India: Indian Book Center, 1992.

3 Turmeric là một loại bột nghệ, hoặc cùng họ với nghệ. Trong Ấn Độ giáo, bột nghệ thường được dùng trong các lễ nghi đám cưới và lễ cầu nguyện vì nó có ý nghĩa tôn giáo và tâm linh rất lớn đối với họ.

4 Sumitra Bhave, The pan is on the stove: Eight Dalits women ‘s life stories, Pune: Stivani Prakash, 1987: 18.

5 Cách gọi thân mật đối với Tiến sĩ Bhimra Ramji Ambedkar.

6 Áo truyền thống phụ nữ Ấn Độ. Như áo dài của phụ nữ Việt Nam.

7 Indira Junghare, “Songs of the Mahars: An Untouchable Caste of Maharashtra, India,” in Ethnomusicology 27, no. 2 (1983): 288.

8 Nt, 287.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày