Ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ

Ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ

Trong những ngày gần đây, mỗi khi cầm tờ báo lên đọc, tôi lại có một cảm giác buồn tê tái bởi những thông tin "nóng bỏng" như: nạn bạo lực học đường, xét xử vụ tài xế cố tình cán chết người làm cho dư luận vô cùng căm phẫn, hàng loạt máy ATM bị rò rỉ điện… Những vấn đề trên, ai đọc được cũng đều bức xúc và có một cảm nhận chung… xót xa quá! Còn một vấn đề khác cũng nhức nhối không kém, mang tính thời sự nhưng thực chất là nó đã diễn ra từ rất lâu: đó là nạn không trung thực trong học thuật của một bộ phận được gọi là trí thức.

Sự việc bắt đầu từ khi GS.TS T. N. T "tố" một nhóm đồng nghiệp đã "đạo" sách của ông, làm cho giới trí thức tỏ ra rất quan ngại về vấn đề này. Nhiều người đã đặt dấu chấm hỏi về hàm lượng khoa học của một số người có học hàm, học vị. Trước đây, đã từng xảy ra vụ "tranh chấp" một công trình nghiên cứu khoa học được đăng tải trên một tạp chí giữa một nhà khoa học với một học giả. Sau đó, người ta còn phát hiện thêm một số công trình khoa học của các nhà khoa học có uy tín bỗng nhiên biến thành công trình riêng của một vài tác giả khác với những mục đích xướng danh và thương mại.

Những vấn đề trên cho ta thấy rằng: việc biến cái của người thành cái của mình đã trở nên phổ biến đến mức khó có thể chấp nhận được. Người ta sẵn sàng đánh đổi lòng tự trọng của mình để có được một chút danh hão. Từ việc "đạo" thơ, " đạo" nhạc, "đạo" văn cho đến " đạo" các công trình khoa học…tất cả đều hướng tới một mục đích là mang lại những lợi ích cá nhân. Bản chất của vấn đề này đã thể hiện và gói gọn trong một cụm từ "không trung thực".

Không trung thực là điều đáng lên án, nhưng không trung thực trong lĩnh vực khoa học càng gây ra nhiều hệ lụy không thể lường hết được. Tôi có một vài người bạn đang học cao học, mỗi lần học hết một chuyên đề thì các bạn của tôi phải viết một tiểu luận để nộp cho thầy. Nhưng tôi thấy các bạn của tôi "viết" bằng cách lên mạng sưu tầm các tiểu luận rồi sau đó "cut-paste" (thủ thuật cắt-dán trên máy vi tính). Tôi nói đùa rằng viết kiểu này thì tôi cũng có thể viết sách được thì bạn tôi chỉ cười và nói rằng: Làm sao biến cái của người ta thành cái của mình mới là vấn đề. Nghe vậy tôi chỉ biết cười buồn.

Đành rằng trong khoa học là phải có sự thừa kế và phát huy nhưng thừa kế khác với "ăn cắp" cái của người rồi biến thành cái của mình. Người ta thừa kế những cái chung, cái chuẩn, cái hay, cái đẹp và sự thừa kế đó phải phát huy hoàn toàn mới mẻ, "biến" cái cũ hoàn toàn thành cái mới. Trong khối khoa học tự nhiên, cùng một công thức chung, chuẩn nhưng người ta đã ‘thiên biến vạn hóa" các dạng bài tập để kích thích sự tìm tòi, sáng tạo của học sinh, đồng thời những người cho ra những cuốn sách bài tập ấy sẽ đạt được mục tiêu cả về danh lẫn lợi bằng chính tài năng và công sức của mình. Trong khối khoa học xã hội, không những người ta phải nắm vững về chuyên môn mà còn phải có một vốn ngôn từ phong phú để chuyển tải được hết nội dung, kiến thức chuyên ngành mình nghiên cứu.

Từ những thực trạng trên, đây có lẽ là một hồi chuông thức tỉnh cho những ai muốn thành danh nhanh chóng nhưng không phải bằng tài năng của mình thì trước sau gì họ cũng phải trả giá đắt. Đừng để những nhà khoa học chân chính nản chí khi các công trình của họ luôn bị đánh cắp, đến nỗi PGS-TS Nguyễn Lê Ninh phải thốt lên rằng: "chất xám rẻ hơn chất xơ".

Ăn cắp là xấu, được Đức Phật đề cập trong giới thứ hai (năm giới cấm) và khuyến cáo không nên phạm vào, vì nếu phạm vào thì chắc chắn sẽ hủy hoại nhân cách, phẩm chất làm người và không chỉ ảnh hưởng ở đời này mà còn liên lụy đến cả đời sau.

Người ta sẵn sàng lấy những thứ không thuộc về mình và nhận những thứ không xứng đáng được nhận. Nếu thực sự có hiểu biết và có giáo dục thì khi làm gì sai con người sẽ tự vấn lương tâm ghê gớm; tự cảm thấy xấu hổ ghê gớm. Vì trong con người chúng ta luôn có một con-người-lương-tâm mà mình làm gì thì có thể không ai biết cả nhưng Trời biết, Đất biết và con-người-lương-tâm đó biết.

Ai tạo ra con-người-lương-tâm? Chỉ có giáo dục đúng nghĩa! Nếu có giáo dục đúng nghĩa, chắc chắn một người khi biết mình không có khả năng sáng tạo thì cũng tự hiểu và tự ngăn cản mình, không cho mình lấy những gì không thuộc về mình, không nhận những gì không xứng đáng nhận. Làm ngược lại điều đó đồng nghĩa với việc không có lương tâm hoặc con-người-lương-tâm đã chết!

Vấn đề luật pháp cũng là yếu tố quan trọng không kém khiến tình hình vi phạm sở hữu trí tuệ của một quốc gia trở nên bi đát. Thường thì luật pháp có khá đủ, nhưng công tác thực thi và bảo vệ pháp luật còn nhiều hạn chế. Nhưng cũng cần hiểu rằng, 99% thành công của việc bảo vệ sở hữu trí tuệ phụ thuộc vào ý thức của mỗi người dân và của cả toàn dân. Đại văn hào Nga Lev Tolstoy đã có câu nói nổi tiếng, đại ý một quốc gia dù có hệ thống pháp luật hoàn thiện đến mấy đi chăng nữa, cũng chỉ có thể điều chỉnh 1% các mối quan hệ xã hội mà thôi, 99% các mối quan hệ xã hội còn lại được điều chỉnh bằng luân thường đạo lý của xã hội của quốc gia đó.

Ngày 2-8-2006, chỉ sau 12 ngày tại vị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Phát triển nhân lực Hàn Quốc Kim Byong Joon phải từ chức do tin đồn ông đã đạo văn trong một báo cáo nghiên cứu của mình.

Vụ bê bối bắt đầu từ một bài báo tố cáo ông Kim đạo luận văn của một sinh viên khoảng 20 năm trước đó, lúc ông đang giảng dạy môn Khoa học Chính trị tại Đại học Kookmin ở thủ đô Seoul.

Thế nhưng, nhìn vào nhiều quốc gia hiện nay, có thể thấy xã hội cũng chưa phản ứng một cách đủ mạnh đối với vấn nạn ăn cắp chất xám. Ở một số nước, nếu một người nào đó bị phát hiện ăn cắp sáng tạo thì coi như sự nghiệp của họ cũng tiêu tan luôn mà không cần phải có luật pháp nào phán xử. Một xã hội thực sự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là một xã hội mà đại đa số người dân và đặc biệt là giới học thuật, giới sáng tác và giới sáng chế hiểu sâu sắc vấn đề này. Chính họ sẽ ném sự khinh bỉ và sự phẫn nộ vào những kẻ vô tình hoặc cố ý "ăn cắp" quyền sở hữu trí tuệ."

Giản Tư Trung (theo: Trí tuệ: sáng tạo hay ăn cắp?, tuanvietnam.net)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày