Ăn chay mà phải nấu mặn

GN - Bạn vẫn duy trì hạnh ăn chay, nhưng không vì thế mà đánh mất đi nếp sinh hoạt thân quen của bữa cơm gia đình...

HỎI:

Tôi là Phật tử đã phát nguyện ăn chay trường nhưng vì điều kiện hoàn cảnh gia đình,

bi-quyet-nau-mon-chay-7cf9b6.jpg

tôi vẫn phải nấu đồ ăn mặn cho bố mẹ. Như vậy, việc tôi nấu đồ ăn mặn có mắc tội sát sinh không? Và đôi khi vì “chung bếp, chung mâm” nên không thể đảm bảo chay tịnh tuyệt đối thì tôi có mắc tội không giữ trọn lời nguyện ăn chay trường không? Mặt khác, tôi ăn chay trường nhưng vì bố mẹ và em gái tôi chưa hiểu đạo nên thường ngăn cản, không khí gia đình khá nặng nề, bố mẹ có phần phiền muộn. Nhưng mọi người trong nhà không hiểu hoàn cảnh hiện tại của tôi là không muốn và cũng không thể ăn mặn được nữa. Như vậy tôi có mắc tội bất hiếu khi làm bố mẹ buồn không?

(NINH, tayphuongcuclac1711@gmail.com)

ĐÁP:

Bạn Ninh thân mến!

Bạn là người con hiếu nên thường nấu nướng cơm lành canh ngọt phụng dưỡng bố mẹ là điều rất đáng quý. Nếu bạn mua các thực phẩm (đã làm sẵn) về nấu nướng thì không phạm tội sát sanh.

Còn vấn đề, có những sơ suất ngoài ý muốn do “chung bếp, chung mâm” khiến cho bạn không thể đảm bảo chay tịnh tuyệt đối cũng không mấy phương hại đến lời nguyện ăn chay trường của bạn. Bởi đơn giản là bạn không cố ý, mà không cố ý thì khi phát hiện ra sơ sót chỉ tự mình rút kinh nghiệm, thành tâm sám hối là thanh tịnh.

Riêng việc gia đình vì chưa hiểu giá trị của việc ăn chay trường nên không ủng hộ, thường cản ngăn, buồn phiền về bạn thì bạn cần lưu tâm để tìm cách tháo gỡ. Trước hết, bạn cần tâm tình cho gia đình hiểu việc bạn ăn chay trường một phần vì trong người hiện “không muốn và cũng không thể ăn mặn được nữa”. Mặt khác, không nên để gia đình lo cho sức khỏe của bạn, hãy thể hiện dù bạn ăn chay trường mà sức khỏe vẫn ổn định, thậm chí có phần khỏe mạnh và dẻo dai hơn. Quan trọng nhất là khi thực hành ăn chay trường, bạn trở nên tốt lành, hiền hòa, dễ thương hơn trước đây. Như thế, không có gì là bất hiếu cả!

Bạn vẫn duy trì hạnh ăn chay, nhưng không vì thế mà đánh mất đi nếp sinh hoạt thân quen của bữa cơm gia đình cùng các bổn phận khác của một người con hiếu thảo. Lâu ngày, gia đình bạn sẽ thấu hiểu, cảm thông và trợ duyên cho bạn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày