GNO - 1. Kể từ ngày 5-9-2013, chùa Phước Viên (318 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.21, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) tặng cơm chay miễn phí (2 lần/tháng) cho người nghèo.
Đó là thông tin làm ấm lòng những người bán vé số, hay những bác xe ôm, xích-lô, người lượm ve chai, bán dạo… Bởi mỗi tháng họ đã đỡ bớt một vài ngày mua cơm, lại được ăn cơm chùa trong sự sẻ chia ấm áp nên “thấy vui vô cùng”, một người bán vé số dạo nói.
Không phải chỉ có tặng cơm chay miễn phí mà trước đây, sau này, hàng chục chương trình từ thiện từ Bắc chí Nam, sang tận Campuchia, Lào cũng được Ni trưởng Thích nữ Từ Nhẫn, trụ trì chùa Phước Viên làm đầu tàu tổ chức. “Không biết bao nhiêu chuyến đi mà kể, chỉ biết ở đâu có người nghèo, người khổ thì mình cố gắng đến đó để sẻ chia chút ít tịnh tài, phẩm vật và quan trọng hơn là tình người dành cho họ, để họ bớt khổ, tin vào cuộc sống không phải đã tối đen trước mắt, tình người vẫn còn hiện diện như một thứ ánh sáng bao dung”, Ni trưởng trụ trì nói như một tâm niệm cho những chuyến đi, những đợt thiện nguyện với hàng tỷ đồng được tổng kết hàng năm trong việc từ thiện của chùa.
Ni trưởng Từ Nhẫn tặng cơm chay cho người bán vé số dạo - Ảnh: Huệ Hòa
Nói về chương trình cơm chay miễn phí, Ni trưởng cho biết đó là tâm nguyện của Ni chúng chùa Phước Viên cũng như sự yểm trợ, góp sức của Phật tử bổn tự. Nhưng, quan trọng hơn, theo Ni trưởng Từ Nhẫn, đó chính là thấy người ta khổ nhiều quá, mình không giúp không chịu được, mà khả năng thì chưa có nhiều nên… giúp được nhiêu hay bấy nhiêu. “Thiệt bụng là muốn cho ai cũng bớt khổ, muốn cho họ ăn ngày này qua ngày khác, nhưng không đủ lực. Nhưng tôi tin rằng, cũng sẽ còn nhiều cánh tay rộng mở đó đây trong xã hội nên chắc mỗi người giúp ít thì cộng lại sẽ được nhiều. Có câu “Đông tay thì vỗ nên kêu” mà!”, Ni trưởng sẻ chia chân thành.
Theo đó, bữa cơm chay miễn phí mỗi tháng 2 lần ấy sẽ đều đặn được diễn ra vào ngày mùng 1 và 15 âm lịch, vì theo Ni trưởng Từ Nhẫn, đa số người Việt đều ăn chay vào hai ngày đó. Ngoài ra, Ni trưởng Từ Nhẫn cũng cho biết, hàng tháng tại Phước Viên tự còn có chương trình tổ chức cho người khiếm thị tới chùa niệm Phật để giúp họ vơi đi những nỗi buồn đau, bất hạnh trong cuộc sống. Dịp này, nhà chùa còn mời họ dùng một bữa chay miễn phí, tùy bữa mà có món riêng, còn tặng tiền đi xe, tặng gạo muối, các nhu yếu phẩm cho họ, cũng như có một phong bì lì-xì với chút tịnh tài để phụ họ ít nhiều trong cuộc sống.
Thử ghé chùa vào hai ngày kể trên để ăn những phần cơm chay do chính các sư cô - môn đệ của Ni trưởng trụ trì cũng như Phật tử chung tay nấu và thực sự cảm thấy “ngon, no” và rất vui vì thức ăn đầy đủ ba món (canh, kho, xào) còn thêm tráng miệng. “Nấu cơm chay tặng người nghèo, ngoài nêm gia vị bình thường thì… chúng tôi còn nêm nếm cả tình thương và sự sẻ chia trong từng phần cơm, hi vọng người nhận cơm miễn phí ăn vào sẽ lành, gặp may mắn, an lạc trong cuộc sống”, Sư cô Thích nữ Huệ Hòa chia sẻ niềm hoan hỷ khi được phụng sự cho công tác này.
Được biết, ngoài việc tặng cơm cho người lao động nghèo, nhà chùa cũng khuyến khích sinh viên, bạn trẻ ăn chay - sống xanh tới nhận cơm như một sự hỗ trợ cho ý nguyện tốt đẹp của các bạn.
2. Bên cạnh những phần cơm chay miễn phí thì những thùng nước đá, nước trà miễn phí khắp Sài Gòn mà tôi thường thấy ở các ngã tư, ngã ba đường như Nguyễn Đình Chiểu (Q.3, góc ngã 4 với Nam Kỳ Khởi Nghĩa), Điện Biên Phủ (đoạn gần ngã 4 Đinh Tiên Hoàng, Q.1), Võ Văn Tần (ngã 4 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3) hay Xô Viết Nghệ Tĩnh (kế siêu thị Tự Do, gần Hàng Xanh)… đủ là “trạm dừng chân” giải khát cho những người lang thang, lỡ đường hoặc kể cả những bác xe ôm chạy những “cút” xe đường xa dừng lại lấy sức, nạp nước uống giữa đường.
Thương nhất là bên ngoài các thùng nước trà đá miễn phí còn gắn thêm “quảng cáo”: trà đá thơm ngon, tinh khiết để người đi đường dẫu không khát, không uống nhưng cũng… mát lòng mát dạ vì người chia sẻ nước uống dọc đường không phải làm cho có mà là làm bằng cả sự quan tâm, chia sẻ.
Nước uống miễn phí giữa Sài Gòn, những chặng đường dài của người bán vé số dạo sẽ bớt nhọc nhằn hơn không chỉ đơn thuần nhờ cốc trà đá miễn phí, mà nói như chị Thúy, quê ở Quảng Ngãi, người phụ nữ mưu sinh xa xứ khẳng định: “Những bữa cơm miễn phí, hay nước trà đá không tốn tiền mà tôi và những người nghèo được dùng nó còn nuôi cho chúng tôi niềm hi vọng, cho chúng tôi niềm vui nhiều lắm”.
Chúng tôi hiểu, niềm hi vọng và niềm vui ấy được nuôi lớn từ chính niềm tin vào con người, vào tình người vẫn mãi sáng ngời ở đó đây trong cuộc sống mệt nhoài này. Nơi mà ngỡ như những giá trị sử dụng lúc nào cũng cần phải được đổi bằng tiền thì hóa ra, ở những góc nhỏ nào đó cũng có những phần ăn, thức uống không phải trả tiền, người với người không bao giờ vô cảm trong ý nghĩa sẻ chia cùng nhau, sẻ chia những khó khăn trong cuộc đời này…