GN - Theo Tỳ-ni Luật tạng, người xuất gia dù ở bất cứ quốc độ nào cũng đều phải thực hiện chế định an cư kiết hạ hàng năm như một pháp thức nhằm để tăng trưởng nội lực đoàn thể Tăng-già, một nguyên tắc trong tiến trình tu tập chuyển hóa từ thời Đức Thế Tôn còn tại thế. Nó giúp cho người xuất sĩ gắn kết với đại gia đình tâm linh, đó chính là những Pháp lữ cùng chung lý tưởng hướng đến mục tiêu giác ngộ, giải thoát. Bởi nếu mất đi tính truyền thông đối với gia đình tâm linh, người xuất sĩ sẽ cảm thấy đơn độc trên lộ trình về Bảo sở mà thiếu vắng năng lượng gia trì của sức sống Tăng-già.
Do vậy, an cư kiết hạ chính là sự gắn kết vô cùng quan trọng, được ví như “giọt nước và dòng sông”.
Chư Tăng trong mùa an cư kiết hạ
Có một nhạc sĩ đã sáng tác ca khúc thể hiện được tính tương tác của tinh thần đạo lý trong đời sống cộng đồng Tăng-già: “… Xin nguyện làm dòng sông/ Không làm hạt nước nhỏ/ Trên đường về đại dương/ Vầng trăng khuya sáng tỏ/ Xin nguyện làm dòng sông/ Không làm hạt nước nhỏ/ Cuốn phăng trên đường đi/ Bao niềm đau nỗi khổ/ Xin nguyện làm dòng sông/ Không làm hạt nước nhỏ/ Mỗi bước con đã về/ Đây quê hương Tịnh độ”.
Thực vậy, cá nhân của từng vị xuất sĩ là một giọt nước, còn sức sống của đoàn thể Tăng-già là một dòng sông. Có sống hòa hợp trong cùng một hội chúng để cùng nhau tu tập tạo nên sức mạnh như một dòng sông cuốn trôi tất cả những cấu uế đẩy ra biển lớn; nhận thức điều này rõ ràng Phật giáo khác với các tôn giáo khác ở chỗ có thể có những giáo điều hay luật tắc được thiết lập sẵn dựa theo quan kiến của vị giáo chủ, trong khi mọi định chế nhằm thiết lập đời sống an vui, hòa hợp do Đức Thế Tôn chủ trương đều xuất hiện sau khi Tăng đoàn đã được thành lập.
Đức Thế Tôn vốn là người tự mình đạt tới giác ngộ giải thoát, sau đó đã vì lòng từ mà trao truyền trí tuệ của Ngài cho muôn loài. Vốn không có ý định xây dựng một tôn giáo hữu thần để ngự trên ngôi cao giáo chủ, Đức Thế Tôn hoàn toàn không có thiên kiến chủ quan trong việc thiết lập nghi thức sinh hoạt, mà chỉ căn cứ vào nhu cầu thực tiễn của Tăng đoàn để ấn định luật cho Tăng chúng.
Rất nhiều trường hợp, chính cộng đồng chấp nhận đời sống viễn ly của Đức Phật đã có những đóng góp cho việc xây dựng truyền thống sinh hoạt của Tăng đoàn, trong đó truyền thống an cư là minh chứng cụ thể nhất. Trong kho tàng kinh điển, Đức Thế Tôn cũng thường khuyến tấn hành giả xuất gia phải luôn quán sát để tự sách tấn mình trên bước đường tu học đạo lý giải thoát.
An cư kiết hạ trong Phật giáo do Đức Thế Tôn chế định đã trải qua hơn 2.500 năm truyền bá và phát triển của Tăng đoàn vẫn được duy trì bền vững. Mạng mạch của Tăng-già cũng lưu thông thuận hợp từ những hòa hợp thanh tịnh của người xuất sĩ.
Cá nhân người Tăng sĩ cần phải hòa vào dòng sông để tạo nên sức mạnh, cho nên Đức Thế Tôn chế định pháp An cư như là một trong những pháp nối kết truyền thông trong tinh thần xây dựng tình Pháp lữ, mà có thể do công việc Phật sự người xuất sĩ có cuộc sống riêng lẻ như giọt nước thì mùa An cư chính là một cơ hội hòa vào dòng sông Phật giáo đang tuôn chảy ra đại dương để tạo nên sức sống của Tăng-già, cuốn trôi bao dị biệt của từng cá nhân, tưới tẩm hạt giống đoàn kết, hòa hợp, thực hiện sứ mệnh thiêng liêng của Phật giáo Việt Nam là “Hoằng pháp lợi sanh, báo Phật ân đức” trước bao biến chuyển không ngừng của thời đại.