An cư kiết hạ: Phương pháp làm tăng trưởng nội lực

An cư kiết hạ: Phương pháp làm tăng trưởng nội lực

Trong Tăng Chi Bộ kinh, phẩm An ổn, Đức Phật dạy các   thầy Tỳ kheo về 5 pháp an ổn trú cho mỗi hành giả trong  con đường tu tập đời sống xuất gia: "Các Tỳ kheo phải  biết an trú thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp. Giới không để bể vụn, sứt mẻ và không bị uế nhiễm với những bạn đồng phạm hạnh trước mặt và sau lưng”.

Năm pháp này giúp cho người xuất gia nhận chân rằng đời sống tu tập không phải chỉ có hình thức, trước mặt mọi người mới thể hiện phong thái “đường đường Tăng tướng…”.

Mùa An cư kiết hạ (ACKH) là dịp để cho mọi người nhìn lại mình đối với bạn đồng tu thể hiện qua ba nghiệp và cũng chính yếu tố này mà chúng ta thường gọi là “Tịnh nghiệp đạo tràng An cư kiết hạ”.

Chúng tôi nghĩ việc rèn luyện nhân cách, trau dồi phẩm hạnh trong mùa ACKH là một việc làm mà chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo cần phải xem như một tiêu chí phát triển đời sống phạm hạnh của người xuất gia trong mọi thời kỳ.

Hiện nay, các đại tòng lâm mang yếu tố sinh hoạt tập thể chuyên tu đang thiếu vắng, mùa ACKH chính là dịp giúp cho những vị Tăng trẻ có thêm năng lượng tâm linh, đủ sức vượt thắng đời sống ngũ dục tầm thường đang chi phối mạnh mẽ các giá trị mang tính xuất thế gian.

Mùa ACKH kết hợp khóa bồi dưỡng trụ trì cũng là dịp thể hiện pháp “hiện tại lạc trú” như Đức Thế Tôn đã dạy. Nếu trước mặt và sau lưng chúng ta đều thực hành một cách tương ưng thì con đường chuyển hóa của người xuất gia trong mùa ACKH sẽ thúc đẩy quá trình tu dưỡng với nguồn nội lực được vun bồi trong sự tu tập nhằm hoàn thiện bản thân.

Những kiến giải từ chương, các văn kiện mang tính tổ chức chỉ góp phần cập nhật kiến thức hoạt động nhưng nó sẽ thiếu vắng nội lực của đời sống phạm hạnh khi mà yếu tố tâm linh đang cần như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Mỗi hành giả sau ngày tự tứ trở về trụ xứ sẽ cảm thấy nguồn năng lượng đó đang nuôi dưỡng họ trưởng thành trong mỗi giai đoạn trên bước đường tu tập hạnh giải thoát. Đây chính là những tế bào của cơ thể khỏe mạnh được nuôi dưỡng trong suối nguồn “an ổn trú”.

Nhịp vận động của Giáo hội đang được phát triển mạnh về sinh hoạt tổ chức, theo đó nhu cầu tăng trưởng đạo lực cần phải được vun tưới để cân bằng giữa ngoại cảnh và nội lực của người tu. Sự mất cân đối giữa hai yếu tố này sẽ làm suy yếu đời sống Tăng đoàn và gây tác động tiêu cực đến lộ trình phát triển của Phật giáo Việt Nam .

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Tâm Thành hỗ trợ 11.000 bình nước tinh khiết đến vùng hạn mặn tại Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau

Chùa Tâm Thành hỗ trợ 11.000 bình nước tinh khiết đến vùng hạn mặn tại Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau

GNO - Từ 16-4 đến 2-5, Thượng tọa Thích Thiện Quý, trụ trì chùa Tâm Thành (H.Tam Nông, Đồng Tháp) cùng các Phật tử, mạnh thường quân đã tổ chức nhiều chuyến xe tải, sà lan vận chuyển nước ngọt đến vùng bị hạn mặn tại 3 tỉnh Tiền Giang, Cà Mau và Bến Tre để hỗ trợ bà con sử dụng trong sinh hoạt, ăn uống…

Thông tin hàng ngày