Ấu thơ của tôi và tiểu

Giác Ngộ - Ngày còn nhỏ, gia đình sống ở tỉnh nghèo và  vì vậy trẻ con đi học không nhiều. Sư trụ trì ở quê mở lớp học giúp trẻ con học chữ. Lớp dạy mẫu giáo - lớp một, lớp kia dạy trẻ lớn hơn. Tôi học mẫu giáo - lớp vỡ lòng.

Các bà mẹ không hiểu thế nào là năm học mà cứ ăn tết xong, trời vào xuân các bà dắt con đi học. Tôi cũng không ngoại lệ, sau rằm tháng Giêng tôi được đưa đến lớp. Ngày đầu tiên quần áo đẹp nhất với màu xanh, đỏ được mẹ dắt đến trường chùa (người ta vẫn gọi ngôi trường của sư là thế cho gọn, dễ nhớ - NV). Tôi sợ hai ông thiện ác ở cổng tam quan, sợ cái lớp đông học trò lạ lẫm, sợ thầy uy nghi. Thầy nhận tôi vào lớp một cách dễ dàng bằng sự gởi gắm của mẹ. Lớp học mẫu giáo có ba 30 trò là… 30 trình độ khác nhau. Không ai có thể học chung với ai. Tôi sợ đủ thứ nên ba ngày một chữ a tôi không thuộc. Mỗi lần thầy gọi trả bài tôi không đọc được một âm nào vì cái kính lão trễ trên mũi thầy. Chữ viết như những con lăng quăng vì tôi chưa quen viết. Thế là thầy giao tôi cho chú tiểu hơn tôi vài tuổi là học trò của lớp kèm cặp.

wwwTieu.JPG

Các chú tiểu phụ nấu bánh tét - Ảnh: Bảo Thiên 

Tôi ngồi bên cạnh chú. Chú học, tôi nghịch. Tôi học chú chỉ. Chú không chỉ tôi ngồi nghịch. Chú cầm hai tay tôi đặt lên bàn và dạy đọc. Rồi chú loay hoay với bài của mình, tôi lấy đầu viết chì thọc vào vết rách trên áo của chú. Chú giật mình lại cầm hai tay tôi đặt vào trang giấy trước mặt và chỉ cho tôi viết. Ra chơi chú ôm vai tôi chỉ tôi cách học, không được nghịch ngợm. Đôi lần chú dạy điều phải tôi nghe chú và tôi bắt đầu học đọc và viết tập. Chữ viết không là con lăng quăng và đọc bài trước mặt thầy cũng thuộc. Dần dà cả hai cùng học. Ngày nào tôi cũng thuộc bài. Chữ viết cũng cứng nét. Tôi theo chú viết chữ đẹp. Chú nói chữ thầy đẹp lắm nên tôi cần phải gắng hơn nữa. Sau buổi học tôi hớn hở ôm cặp chạy về bỏ lại chú sau lưng với lớp học trống mà bài thì chưa xong. Chiều vào tôi hỏi chuyện mới biết vì tôi mà chú không làm kịp bài, có lẽ vì thương chú và biết lỗi mình nên từ đó tôi học nghiêm hơn để chú không phải trễ như vậy.

Ngoài học ở chú thì giữa chúng tôi như hai anh em ruột vì tôi bằng tuổi em chú ở quê. Chú đón tôi từ cổng tam quan kể cả ngày nắng cũng như ngày mưa. Leo lên vài bậc, tôi và chú nắm tay nhau chạy ù vào lớp cất cặp rồi ra sân chơi. Những gói xôi, trái chuối chúng tôi chia nhau. Những phần bánh mẹ dặn mời chú mới mời (thức ăn chay - NV), còn lại tôi ăn vì đó không phải thức ăn chay. Tôi và chú cùng thích kẹo bột làm bằng rỉ đường. Tôi và chú cùng chơi nhiều trò chơi trên sân chùa với nhau, cùng cười, cùng đùa, cùng vui. Chú đi kiếm guốc cho tôi vì chơi rồi bỏ quên trên sân. Chú kiếm lại cho tôi cái nơ trên tóc bị tuột mất. Ngày rằm chú dắt tôi lên chánh điện lạy Phật. Chú dạy tôi không được bắt bướm, chuồn chuồn, châu chấu… “Không phạm tội sát sanh nghe chưa nhỏ”, chú thì thầm vào tai tôi. Tôi ngây mặt nhìn chú. Chú lại dạy. Chú dạy tôi biết thưa dạ với người trên… Chú dạy tôi khi ngồi phải thẳng lưng… Chú dạy đi đến nơi về đến chốn không được la cà dọc đường…

Mấy tháng tôi học cùng chú dù trời nắng, dù trời mưa chú cũng dạy tôi một cách thân thiết mà nghiêm chỉnh. Tôi biết đọc, biết viết những con chữ xinh xắn là lúc tôi rời chùa về Sài Gòn. Tôi chào chú bằng cái chào hớn hở rồi lướt qua một chút buồn trên mắt chú. Chú cầm tay tôi rồi quàng cho tôi cái dây chuyền có hình Phật bằng bạc. Dây chuyền của thầy ban cho chú vì chú tu tốt, học tốt. Tôi náo nức đến vô tình với lời chú dặn. Tôi rời tỉnh nhỏ vào buổi sáng mùa thu cho kịp năm học mới ở Sài Gòn. Xe chạy ngang chùa tôi gọi tên chú thật to. Và tôi thấy màu áo nâu nơi bụi sắn sau chùa nhìn theo chiếc xe…

***

Bao điều chú dạy vẫn theo tôi trong cuộc sống hàng ngày cho đến ngày nay. Một con chữ, một nét viết có thay đổi nhưng vẫn còn nét của chú ngày ấy. Chú cho tôi một sự bắt đầu thật đẹp, thật tốt mà chú không biết kết quả là sự tốt đẹp cho một cuộc đời. Tôi thành đạt bắt đầu từ sự chỉ dạy của chú. Những điều chú dạy thấm vào máu, thành cuộc sống hiền hoà trong tôi đến nay. Cái dây chuyền vẫn còn nhưng tôi không còn liên lạc hay gặp lại chú tiếu lần nào. Bây giờ chắc chú đã là Thượng tọa đáng kính và Ngài có còn nhớ đứa học trò, đứa em khi xưa không?  

Hộp thư:

Chuyện những Thiên thần quét lá đã nhận được bài, ảnh của các tác giả: Quảng Kiến, Chúc Phú, Trí Năng, Diệu Hoà, An Đoan, Lệ Bình (2 bài), Lê Đàn, Nguyễn Hải Châu, Nhuận Đông, Thích Từ Minh, thichdongbao85@gmail.com, Diệu Lạc, Minh Hạnh (3 bài)

Mong tiếp tục nhận được bài vở của quý bạn đọc, bài vở gửi e-mail về phatgiaovatuoitre@gmail.com hoặc thư tay về toà soạn, 85 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Bài tham gia Chuyện những Thiên thần quét lá).

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày